Thường thì khi anh em mua card màn hình, hiệu năng thường là thứ được anh em quan tâm hàng đầu và đóng vai trò quan trọng trong việc có nên mua card đó hay không. Tuy nhiên, song song đó vẫn còn nhiều yếu tố khác mà anh em cần phải cân nhắc, bao gồm cả tính ổn định (reliability) khi sử dụng. Nói về chuyện ổn định, trang Mindfactory vừa rồi đã công bố dữ liệu về việc gửi bảo hành (RMA) đối với GPU NVIDIA Turing và AMD 5000-series. Số liệu này không mấy khả quan cho đội AMD, nhưng đội NVIDIA vẫn bị “dính chưởng” chứ không phải là không có đâu nhé.
Mindfactory là một trong những nhà bán lẻ phần cứng lớn nhất tại Đức. Dữ liệu thu thập được bao gồm card màn hình NVIDIA từ 1660 Ti trở lên, còn AMD thì từ 5500 XT trở lên. Anh em có thể xem danh sách đầy đủ tại đây nhé. Tổng cộng thì Mindfactory thống kê họ đã bán được 44100 card AMD và 76280 card NVIDIA. Qua đó, chúng ta cũng thấy được rằng người dùng tại Đức chuộng card NVIDIA hơn. Trong số những card màn hình bán ra, tổng cộng đã có 1607 card NVIDIA được gửi bảo hành, và AMD thì là 1452 card. Quy ra phần trăm thì NVIDIA sẽ là 2,1%, còn AMD là 3,3%. Điều này đồng nghĩa với việc card AMD mà Mindfactory bán ra có tỷ lệ gửi bảo hành cao hơn gấp rưỡi so với card NVIDIA.
Tuy nhiên, khi xét kỹ hơn thì anh em sẽ thấy thêm một vài thông tin thú vị khác. Dòng sản phẩm của NVIDIA thì tỷ lệ gửi bảo hành hầu như là ngang nhau, nhưng về phía đội đỏ thì trong khi 5500 XT hiếm khi nào phải đi gửi bảo hành, RX 5700 và RX 5700 XT lại là những card bị lỗi nhiều nhất, phải đi gửi bảo hành với tỷ lệ là 3,6%. So với đối thủ ngang tầm là NVIDIA RTX 2070 Super thì con số chỉ là 1% mà thôi. Nhưng lên đến RTX 2080 Ti thì câu chuyện lại khác nhé, vì tỷ lệ gửi bảo hành của card này lên đến 5,3% lận, cao nhất trong danh sách của Mindfactory luôn.
Cũng cần lưu ý rằng con số này vẫn chưa nói lên được bức tranh tổng thể. Nhiều thành viên trên Reddit chỉ ra rằng lúc RX 5700-series ra mắt thì driver vẫn chưa được tối ưu, đến khi RX 5500 XT ra mắt thì lúc này driver đã được cải thiện ít nhiều, giúp tỷ lệ gửi bảo hành của dòng card này thấp hơn hẳn. Ngoài ra thì Mindfactory cũng không phải là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, và họ cũng chỉ phục vụ thị trường châu Âu là chủ yếu. Mindfactory cũng không nêu rõ từng trường hợp gửi bảo hành là vì lý do gì.
Cách tốt nhất để anh em đưa ra quyết định đúng đắn là xem các trang review uy tín và đọc phản hồi từ người dùng khác. Còn nếu anh em mua những chiếc card mới ra mắt thì đành phải chấp nhận rủi ro nhé.
Nguồn: tom’s HARDWARE