Vừa rồi AMD đã công bố báo cáo tài chính trong Quý II/2020 với doanh thu đạt 1,93 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kì năm ngoái. Bên cạnh đó, đội đỏ còn hé lộ thêm một vài chi tiết thú vị liên quan đến lộ trình trong tương lai. AMD trấn an các nhà đầu tư rằng họ sẽ có một lộ trình ổn định và có thể tiên lượng được, đồng thời lộ trình hiện tại vẫn không có gì thay đổi và mọi thứ vẫn sẽ đúng hẹn.

Đầu tiên, CEO của AMD là Tiến sĩ Lisa Su đã xác nhận rằng kiến trúc Zen 3 dành cho người dùng phổ thông (Ryzen) lẫn trung tâm dữ liệu (EPYC Milan) sẽ ra mắt trước khi kết thúc năm 2020. Ngoài ra thì kiến trúc đồ họa RDNA2 cũng sẽ được giới thiệu cho mảng người dùng phổ thông, cùng với kiến trúc CDNA scalar compute. AMD đã bắt đầu vận chuyển đơn hàng gồm những con chip SoC semi-custom cho Microsot lẫn Sony để họ có thể tiến hành lắp ráp máy Xbox Series X và PlayStation 5 cho dịp ra mắt vào cuối năm 2020. Do đó, dự kiến phần lớn doanh thu trong Quý III/2020 sẽ đến từ mảng chip SoC này.

Tiến sĩ Lisa Su còn cho biết kiến trúc Zen 3 phiên bản tiếp theo vẫn đang được nghiên cứu và có tiến triển tốt, đồng thời nó sẽ được xây dựng dựa trên tiến trình 5 nm. Theo slide trình chiếu thì Genoa sẽ là tên mã cho CPU EPYC Zen 4, dự kiến ra mắt vào năm 2021. Trong khi đó, CPU Ryzen Zen 3 sẽ “chào sân” trong năm 2020, và kiến trúc đồ họa RDNA3 dựa trên tiến trình tiên tiến sẽ ra mắt vào năm 2021. Tuy nhiên, mảng đồ họa dành cho người dùng phổ thông đang là một điểm yếu của AMD vì doanh thu của nó đang trên đà đi xuống. Vì thế, đội đỏ cũng đang đánh một canh bạc với kiến trúc RDNA2 và một loạt sản phẩm mới để thay đổi tình thế. Dự kiến doanh thu Quý IV/2020 sẽ do Zen 3 và RDNA2 góp phần lớn.

Về tiến trình 7 nm thì bà Lisa Su có nhấn mạnh rằng công ty đang làm việc chặt chẽ với TSMC để đảm bảo sản lượng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. AMD có vẻ như không quá lo lắng với CPU Tiger Lake sắp ra mắt của Intel. Đối với doanh thu mảng mobile thì trong nửa cuối năm 2020, vi xử lý Ryzen 4000-series Renoir vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò chính. Bà còn cho rằng thị trường PC và máy chủ vẫn sử dụng CPU x86 là chủ yếu nên chip ARM không phải là mối nguy hại quá lớn đối với AMD trong mảng máy chủ; bên cạnh đó thì khả năng cạnh tranh của CPU x86 còn phụ thuộc vào các nhà sản xuất vi xử lý nữa.

Nguồn: TechPowerUp