Nếu anh em từng xem phim hành động cháy nổ các kiểu thì thỉnh thoảng sẽ thấy mấy ông điệp viên cho nổ một quả bom EMP để phá căn cứ địch các thứ. Vậy bom EMP có thật sự tồn tại và sức hủy diệt của nó có như trong phim hay không thì mới anh em cùng mình tìm hiểu nhé.
EMP là gì?
Về cơ bản EMP là từ viết tắt của electromagnetic pulse hay còn được gọi là xung điện từ. Đây là một loại sóng bức xạ ngắn và có khá nhiều nguồn có phát ra loại sóng này, chẳng hạn từ các nguồn nhân tạo đài phát radio, TV, sóng điện điện thoại di động hoặc từ nguồn tự nhiên như mặt trời của chúng ta.
Tuy nhiên, để hiểu được sức mạnh của EMP thì anh em cùng mình ôn lại kiến thức vật lý hồi phổ thông một chút nhé. Nếu anh em cho dòng điện đi qua dây dẫn thì xung quanh dây dẫn thì sẽ xuất hiện từ trường ra xung quanh. Và nếu cho từ trường này đi qua một cuộn dây điện hay chính xác hơn là những thứ có thể dẫn điện khác thì nó cũng có thể tạo ra dòng điện ở bên trong. Lấy ví dụ về sóng radio cho anh em dễ hình dung, khi nhà đài phát chương trình thì họ sẽ truyền điện vào cái ăng-ten lớn rồi phát sóng điện từ ra. Những sóng này sẽ dập vào ăng-ten của radio, tạo ra dòng điện rồi truyền vào mạch điện bên trong để chuyển thành âm thanh.
Vậy nếu chúng ta tạo ra một đợt sóng điện từ đủ “lực”, có thể tạo ra dòng điện đủ mạnh và đốt cháy linh kiện trong máy radio thì sao? Đó chính là quả bom EMB đấy anh em.
Bom EMP xuất hiện từ đâu?
Trở lại thập niên 50 của thế kỷ trước, khi Mỹ thử bom nguyên tử ở quần đảo Hawaii năm 1958 thì họ đã bắt đầu chú ý đến “tiềm năng” của sóng điện từ phát ra từ vụ nổ. Dù không dây thiệt hại về người nhưng làn sóng này đã ảnh hưởng đến các thiết bị điện trong một vùng rộng lớn có bán kính vài trăm dặm của Thái Bình Dương và thậm chí là ảnh hưởng đến sóng radio tại nước Úc cách đó hơn 5000 dặm.
Sau đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu hiện tượng này và kết luận rằng đây sự nhiễu điện là do hiệu ứng Compton. Đây là hiện tượng các hạt photon có trong sóng điện từ đánh bật electron ra khỏi nguyên tử. Trong vụ nổ năm 1958, các hạt photon có trong bức xạ gamma cường độ cao phát ra từ quả bom đánh vào electron của các nguyên tử ô-xy và ni-tơ trong không khí tạo ra một trận bão electron. Về bản chất thì trận bão này cũng là một đợt sóng điện từ nhưng có cường độ rất mạnh và ảnh hưởng đến dòng điện trong các vật liệu dẫn điện trong một khu vực rộng.
Ngày nay, các cường quốc về quân sự đang xu hướng ưu tiên hòa bình và hạn chế chiến tranh nên mọi người đều muốn tránh sử dụng vũ khí hạt nhân. Vì vậy, để tạo ra một vụ bão electron thì người ta bắt đầu chế tạo những vũ khí phi hạt nhân khác có thể tạo ra sóng điện từ trên quy mô vừa phải và không ảnh hưởng đến quá nhiều người vô tội.
Sức mạnh của bom EMP
Dù bom EMP không gây hại đến con người nhưng vẫn có sức tàn phá rất cao. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì điện đã trở thành một thứ thiết yếu với tất cả các mặt trong đời sống của con người, từ sinh hoạt sản xuất cho đến quân sự. Tùy vào sức mạnh của xung điện từ mà nó có thể tạm thời làm nhiễu các hệ thống điện tử, nếu mạnh hơn thì có thể làm hư hỏng dữ liệu trong máy tính hoặc nặng nhất là làm “nướng chín” linh kiện điện tử luôn.
Trong chiến tranh hiện đại, một quả EMP có thể hoàn thành nhiều loại nhiệm vụ khác nhau mà không gây ra thương vong, chẳng hạn như phá hủy hệ thống điều khiển của phương tiện giao thông, hệ thống điều khiển tên lửa, hệ thống liên lạc, bản đồ, và các loại cảm biến phục vụ chiến đấu. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, chính phủ Mỹ luôn lo ngại Liên Xô thả một bom nguyên tử và cho nổ ngay trên bầu trời. Chưa tính đến các sóng bức xạ hạt nhân, chỉ riêng sóng điện từ phát ra là đã có thể cho toàn bộ nước Mỹ quay trở về thời Trung Cổ luôn anh em ạ.
Nguồn: How Stuff Work, Lifehacker