Tính đến thời điểm bài viết thì CPU AMD Ryzen 9 3950X đã ra mắt được 6 tháng, và hiện tại đây vẫn là vi xử lý thuộc dòng phổ thông (consumer) có nhiều nhân thực nhất. Thậm chí, ngay cả khi Intel giới thiệu CPU desktop Intel Core thế hệ 10 với con chip đầu bảng Core i9-10900K 10 nhân 20 luồng thì cũng không thể nào đối đầu trực tiếp với Ryzen 9 3950X 16 nhân 32 luồng được.
Ryzen 9 3950X sử dụng nền tảng chipset X570 phổ thông
Khác với HEDT (High-end Desktop), 3950X thuộc dòng vi xử lý sản xuất đại trà và tương thích với bo mạch chủ chipset X570 – dòng bo mạch chủ có thể dễ dàng tìm mua ở các cửa hàng vi tính như GearVN. Cũng chính nhờ vậy mà giá thành của nó sẽ mềm hơn rất nhiều so với CPU Threadripper chẳng hạn, vốn cần bo mạch chủ chuyên dụng với giá thành cao và mẫu mã cũng ít đa dạng bằng. Sau đây là hệ thống máy test hiện tại của GearVN News với các linh kiện gồm:
- CPU: AMD Ryzen 9 3950X
- Tản nhiệt: Thermaltake Water 3.0 360 ARGB Sync (thiết lập push/pull)
- Bo mạch chủ: Gigabyte X570 AORUS MASTER
- Card màn hình: AMD Radeon RX 5700 XT
- RAM: 4 x 8GB Thermaltake ToughRAM RGB DDR4-3200 (CAS 16)
- SSD: Plextor M9PGN Plus (PX-512M9PGN +)
- PSU: Thermaltake Toughpower Grand RGB 1050W Platinum
- Thùng máy: Thermaltake Level 20 GT ARGB
- Hệ điều hành: Windows 10 Home (1909)
Vì sử dụng bo mạch chủ socket AM4 nên Ryzen 9 3950X tương thích với nhiều mẫu case/nguồn/ram/tản đang được bán trên thị trường. Tuy nhiên để cân ổn con CPU 16 nhân 32 luồng này thì anh em vẫn nên lưu ý một vài điều. Vì AMD Ryzen 3000-series vẫn tuân theo truyền thống – xung nhịp RAM càng cao thì hiệu năng của hệ thống cũng sẽ càng được tối ưu – nên bọn mình chọn ToughRAM RGB DDR4-3200 để chạy với dàn này. Còn nguồn Toughpower Grand RGB 1050W kia thì do mình có sẵn nên lấy xài thôi, chứ anh em sử dụng nguồn 850W là đủ sức qua cầu rồi nhé.
Với CPU 16 nhân 32 luồng thì có thể anh em sẽ nghĩ rằng cần phải đi tản nước custom xịn sò mới kham nổi, nhưng trong bài này bọn mình dùng tản nước AIO Water 3.0 360 ARGB Sync với thiết lập quạt push/pull thì vẫn đủ để đáp ứng cho 3950X. Ngoài ra thì thùng máy Level 20 GT ARGB có không gian bên trong vô cùng rộng rãi thoáng mát, phía trước lắp sẵn 2 quạt 200 mm, phía trên thì hỗ trợ lắp tản nước 360 mm với thiết lập push/pull nên mình gắn thêm 3 quạt 140 mm để tăng hiệu quả tản nhiệt. Thật ra thì anh em có thể chọn bất kì hãng nào mà mình ưng ý, trong bài này thì do GearVN News có sẵn bộ linh kiện của Thermaltake nên tận dụng luôn. Cơ bản thì hãng này đã được rất nhiều anh em chơi PC tin tưởng nhờ có chất lượng tốt, giá lại mềm hơn so với những đối thủ trong cùng phân khúc.
Ryzen 9 3950X không có đối thủ trong phân khúc CPU phổ thông
Quay lại với nhân vật chính, anh em có thể thấy rằng hiện tại đội xanh không có con CPU nào để cạnh tranh trực tiếp với AMD Ryzen 9 3950X 16 nhân 32 luồng trong phân khúc phổ thông, ngay cả con chip đầu bảng mới nhất của Intel là Core i9-10900K cũng chỉ có tối đa 10 nhân 20 luồng mà thôi. Qua đó có thể thấy Intel đang đi đến giới hạn công nghệ của tiến trình 14nm đã 5 năm tuổi đời. Đúng là họ vẫn có thể tiếp tục nhồi thêm nhân, nhưng bài toán lúc này sẽ càng phức tạp hơn nữa, cả về mặt chi phí lẫn nhiệt độ CPU. Trong khuôn khổ bài viết này thì mình sẽ không đi sâu vào nó, nhưng bật mí với anh em là con i9-10900K lúc mới “đập hộp”, chạy full load (100%) 10 nhân 20 luồng, turbo boost lên 4,9GHz thì nó đã ngốn gần 200W rồi đó.
Bước đột phá của AMD với kiến trúc Zen 2 và thiết kế chiplet
Và giới hạn của Intel cũng chính là tiến bộ của AMD. Còn nhớ gần 10 năm về trước, AMD gần như đã mất tất cả vào tay Intel khi kiến trúc Bulldozer của mình đã không đạt được kì vọng của mọi người, và đến đầu năm 2016 thì AMD phải nhận lấy thất bại ê chề khi nhìn thấy 85% thị phần rơi vào tay Intel.
Tuy nhiên, ngày vui của đội xanh chưa được bao lâu thì đội đỏ đã có một màn lội ngược dòng vô cùng ngoạn mục với CPU Ryzen cùng kiến trúc Zen mới toanh vào năm 2017. Và đối với 3950X, bên cạnh việc sử dụng kiến trúc Zen 2 tiên tiến thì nó còn được sản xuất dựa trên dây chuyền 7nm FinFET của TSMC giúp tiết kiệm điện hơn, ít tỏa nhiệt hơn. Với Ryzen 3000-series, AMD sử dụng thiết kế chiplet để tạo ra những con CPU nhiều nhân bằng cách liên kết các con chip nhỏ với nhau thông qua Infinity Fabric. So với thiết kế truyền thống của Intel là đưa toàn bộ nhân vào 1 con chip thì thiết kế chiplet giúp AMD giảm đến 125% chi phí sản xuất, và đồng thời giúp Ryzen 3950X đạt đến 16 nhân 32 luồng.
Quả ngọt này không chỉ dành riêng cho một mình AMD mà cả người dùng cũng thưởng thức được “hương vị” của nó. Đội đỏ đã mang đến cho người dùng một con CPU phổ thông vừa có hiệu năng cao, vừa có mức chi phí hợp lý. Về mặt hiệu năng thì anh em ít nhiều cũng đã xem qua những bài benchmark hiệu năng lúc 3950X mới ra mắt rồi, còn nếu anh em nào vẫn chưa xem (hoặc muốn ôn lại kiến thức) thì mình cũng có bài test phía bên dưới để anh em tiện tham khảo nhé. Còn về giá thành thì theo mình được biết, hiện tại, Core i9-10900K (10 nhân 20 luồng) có giá là 14.590.000VNĐ, Ryzen 9 3900X (12 nhân 24 luồng) là 12.390.000VNĐ, và Ryzen 9 3950X (16 nhân 32 luồng) là 19.600.000VNĐ. Qua đó, anh em có thể thấy tuy có phần hơi cao nhưng giá thành của 3950X vẫn hợp lý chứ không quá đắt đỏ như dòng HEDT, và nếu tính theo giá tiền cho mỗi nhân thì 3950X vẫn giành phần thắng so với 10900K.
Ngày trước, anh em buộc phải đánh đổi giữa 2 chuyện làm việc và giải trí: nếu làm việc thì ưu tiên CPU nhiều nhân, nhưng bù lại xung nhịp sẽ thấp và giá thành sẽ cao; còn nếu giải trí thì chọn CPU xung nhịp cao và chấp nhận hi sinh số nhân/luồng. Nhưng với CPU AMD Ryzen 9 3950X thì câu chuyện giờ đây đã khác xưa rất nhiều. Anh em vừa có một vi xử lý nhiều nhân phục vụ cho các tác vụ công việc, render hình ảnh, và đồng thời nó vẫn có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu chơi game, giải trí. Tất nhiên là sẽ không thể nào tốt bằng 10900K, nhưng sự chênh lệch ở đây là không quá nhiều nên anh em cũng đừng căng thẳng làm chi.
Thay vào đó, xét về khía cạnh các tác vụ thiêng về công việc như làm đồ họa, dựng phim, dựng hình 3D cần CPU nhiều nhân thì trong phân khúc này 3950X vẫn được xem là “độc cô cầu bại”. Tùy theo kinh phí mà anh em có thể đầu tư một con GPU khác mạnh hơn 5700 XT trong bài viết để xử lý công việc nhanh hơn và hiệu quả hơn. Còn về mặt chơi game thì tầm này anh em có thể vô tư kẹp với những con GPU đầu bảng hiện nay để kéo max setting không cần nhìn cấu hình; nhưng nếu mua 3950X về chỉ để chơi game thôi thì hơi bị… phung phí nên anh em cân nhắc để có cấu hình phù hợp nhé.
Sau đây là một vài con số mà mình đã benchmark với dàn PC ở trên, mời anh em tham khảo.
CPU-Z và GPU-Z
Hai phần mềm này thì đã quá quen thuộc với anh em luôn rồi. Nó thường được dùng để kiểm tra thông số phần cứng và anh em có thể thấy bo mạch chủ GIGABYTE X570 AORUS MASTER cho phép khai thác tối đa tiềm năng của card màn hình AMD Radeon RX 5700 XT nhờ được trang bị khe PCIe 4.0 với băng thông gấp đôi so với PCIe 3.0. Ngoài ra, để kéo 3950X 16 nhân 32 luồng cũng cần một dàn VRM xịn sò, và GIGABYTE X570 AORUS MASTER hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng cho con CPU này. Chi tiết hơn thì mình sẽ đề cập sau nhé.
PCMark10
Sau khi chạy xong thì PCMark10 trả về số điểm tổng là 6738, cực kì ấn tượng. So với 3900X (cũng sử dụng 5700 XT) thì số điểm đạt được là 6255.
3DMark Time Spy
Phần mềm này được dùng để đánh giá khả năng chơi game của bộ PC. Với cấu hình trên thì 3950X đạt 13042 điểm còn 5700 XT đạt 8923 điểm, tổng điểm là 9422. Lúc trước mình có test 3900X cùng 5700 XT thì điểm CPU là 11449, tổng điểm là 9116.
Cinebench R20
Đây là phần mềm cho phép anh em đánh giá khả năng dựng hình (render) của CPU, vì thế nên nếu bạn đang có ý định mua 3950X về làm đồ họa 3D hoặc dựng phim thì có thể dùng số điểm này để tham khảo. Đặc điểm của Cinebench R20 là nó rất thích CPU nhiều nhân nên cũng không lạ gì khi 3950X đạt được số điểm 9013 trong bài test đa nhân, cao hơn kha khá so với con số 7072 mà mình từng ghi nhận trên 3900X; nó còn vượt mặt cả chip HEDT lừng lẫy một thời Threadripper 1950X (cũng 16 nhân 32 luồng). Điểm đơn nhân của 3950X không khác biệt quá nhiều so với 3900X (524 vs. 506), điều này cũng dễ hiểu vì xung nhịp boost của 3950X chỉ cao hơn 3900X có 0,1GHz mà thôi.
Như mình có nói bên trên, xung nhịp RAM càng cao thì hiệu năng CPU Ryzen 3000-series cũng sẽ tăng tương ứng. Do đó, anh em nào sử dụng kit RAM có xung nhịp khác với kit DDR4-3200 của mình thì hiệu năng có thể chênh lệch một chút nhé.
Corona
Corona được thiết kế để hỗ trợ các phần mềm chuyên dụng như 3DS Max hoặc Maya mô phỏng các hiệu ứng quang học thông qua ray-tracing. Và Ryzen 9 3950X chỉ cần vỏn vẹn 56 giây để hoàn thành bài benchmark này, trong khi đó 3900X cần đến 1 phút 16 giây (chậm hơn 20 giây).
Blender
Anh em chắc cũng đã từng nghe ít nhiều về phần mềm này khi xem các bài benchmark. Nó được dùng để tạo mô hình 3D và các hiệu ứng chuyển động. Trong bài test dựng hình phòng học (classroom) mà anh em thường thấy đề cập đến thì 3950X chỉ mất 4 phút 31 giây để dựng xong. Sẵn GearVN News làm thêm bài test bmw27 luôn thì nó chỉ mất 1 phút 31 giây để hoàn thành mà thôi. Cộng lại thì sẽ là 6 phút 2 giây, trong khi đó 3900X phải mất đến 11 phút 2 giây mới vượt qua được bài test này, tức là lâu hơn gần gấp đôi anh em ạ.
Điện năng tiêu thụ và nhiệt độ hoạt động
Thông qua phần mềm HWiNFO64, mình ghi nhận nhiệt độ của 3950X khi chạy benchmark Cinebench R20 ở xung nhịp mặc định dao động trong khoảng 64oC đến 67oC, có thể nói là khá mát mẻ đối với một con chip 16 nhân 32 luồng anh em ạ. Còn mức điện năng tiêu thụ thì là 132W (CPU Package Power).
Để có một bức tranh toàn diện hơn, bên cạnh benchmark thì mình cũng lôi 3950X ra stress test bằng Prime95 luôn. Với thiết lập Blend (stress test cả CPU lẫn RAM), bo mạch chủ Gigabyte X570 AORUS MASTER đủ khả năng kéo tất cả 16 nhân chạy với xung nhịp 4,2GHz với mức điện áp khoảng 1,31V. Sau 25 phút thì HWiNFO64 báo cáo nhiệt độ dao động trong khoảng 58oC đến 91oC và ngốn khoảng 112,5W (tối đa là 145W).
AMD Ryzen 9 3950X là CPU phổ thông tốt nhất cho các tác vụ công việc; dùng để giải trí vẫn rất ổn
Tóm lại, Ryzen 9 3950X 16 nhân 32 luồng vẫn là CPU phổ thông đứng đầu trong các tác vụ thiêng về công việc như dựng hình, render 3D đòi hỏi nhiều nhân/luồng. Còn về mặt giải trí, chơi game thì nó vẫn đáp ứng tốt, bắt cặp với những card đồ họa đầu bảng hiện nay vẫn rất ok nhé. Anh em có thể tham khảo thêm giá bán của 3950X tại đây, bo mạch chủ Gigabyte tại đây, và các linh kiện của Thermaltake tại đây.