Telex và VNI là 2 bộ gõ tiếng Việt phổ biến nhất hiện nay. Về cơ bản thì chúng đều là những cách gõ được quy ước để chúng ta có thể soạn thảo văn bản chữ quốc ngữ trên bàn phím quốc tế. Tuy nhiên do quy ước khác nhau, cách gõ khác nhau nên chúng cũng có những ưu nhược điểm khác nhau. Sau đây, chúng ta hãy cùng điểm qua những ưu và nhược điểm của 2 bộ gõ này anh em nhé.
Telex
Kiểu gõ Telex hay còn gọi là “quốc ngữ điện tín” xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng thập niên 20, khi mà người ta có nhu cầu đánh điện tín văn bản chữ quốc ngữ. Telex bao gồm các quy ước để có thể truyền tải chính xác và trọn vẹn nội dung của văn bản chữ quốc ngữ bằng 26 chữ cái latin trong tiếng Anh. Kiểu gõ này đã góp phần không nhỏ trong lịch sử ngành truyền thông của nước ta. Tính ra nó cũng có một quá khứ rất là hào hùng đấy chứ.
Đối với việc gõ văn bản thì Telex chắc chắn sẽ cho tốc độ gõ cao hơn do người dùng không cần với ngón tay ra đến hàng phím số bên trên. Bạn nào chuyển từ dùng smartphone lên tập dùng máy tính (ví dụ như mấy bạn nữ bị người yêu dụ chơi game PC) thì chắc chắn cũng rất dễ làm quen với bộ gõ Telex do bàn phím ảo trên smartphone thường không có sẵn hàng phím số để tiết kiệm không gian. Thêm vào đó nữa là hiện nay Microsoft cũng đã cho tích hợp sẵn bộ gõ Telex trên Windows 10 rồi nên anh em nào dùng bộ gõ này sẽ không nhất thiết phải dùng phần mềm gõ tiếng Việt nữa.
Bộ gõ Telex chỉ có một nhược điểm duy nhất, đó là nó gõ tiếng Anh khó chịu cực kỳ luôn anh em ạ. Đối với một thanh niên chuyên gõ Telex và hay đụng phải mấy từ tiếng Anh như mình thì gõ tiếng Anh bằng Telex nó trật lên trật xuống lung tung beng cả lên. Mình biết nhiều anh em vẫn có thể gõ tiếng Anh ngon lành với bộ gõ Telex, nhưng đó chỉ là số ít mà thôi.
VNI
VNI là kiểu gõ được phát triển sau này. Tuy không có một lịch sử hào hùng ấn tượng như Telex nhưng VNI lại cho phép gõ tiếng Anh một cách ngon lành. Do sử dụng hàng phím số để thêm dấu nên người dùng có thể gõ tiếng tiếng Anh một cách bình thường mà không cần tắt phần mềm gõ tiếng Việt đi. Kiểu gõ này cũng rất dễ làm quen đối với người mới tập đánh máy so với Telex do các chữ cái thông thường và hàng phím số để thêm dấu được phân tách với nhau rõ ràng. Có thể nói kiểu điểm mạnh lớn nhất của bộ gõ này chính là việc sử dụng thêm hàng phím số.
Ưu điểm của VNI đến từ hàng phím số, và nhược điểm cũng vậy. Số phím sử dụng nhiều hơn đồng nghĩa với việc người dùng phải làm chủ diện tích bàn phím lớn hơn khi gõ, dẫn đến tốc độ gõ sẽ có phần chậm hơn so với Telex. Anh em mà dùng kiểu gõ chính là VNI cũng sẽ không sử dụng được mấy cái bàn phím size siêu nhỏ. Ví dụ anh em thấy ông nào mà chơi phím 40% thì chắc chắn ông đó không gõ VNI rồi đấy, vì nó có phím số quái đâu mà gõ? Còn một điểm hạn chế phải kể đến nữa là tuy dễ học hơn Telex nhưng ai mà quen gõ VNI rồi thì sẽ phải tốn thời gian để làm quen với Telex trên smartphone.
Trên đây là những ưu và nhược điểm của VNI và Telex, anh em có đồng ý hay không, muốn bổ sung gì hay đang dùng bộ gõ nào thì hãy cmt để chia sẻ và thảo luận nhé.