Kể từ khi những tựa game Sweet Home (1989) và Alone In The Dark (1992) ra đời thì thể loại kinh dị cũng dần nở rộ. Những ngày đầu thì có Silent Hill và Resident Evil, rồi đến sau này là Alien: Isolation và Outlast, chúng ta có thể thấy game kinh dị luôn tìm cách đột phá để thu hút game thủ và đồng thời khiến họ mất ngủ mấy đêm liền. Có nhiều cách để nhà phát triển thực hiện điều này, chẳng hạn như tạo bầu không khí và khung cảnh chân thực hơn, tạo ra AI phức tạp và thông minh hơn, hoặc là tương thích với kính thực tế ảo VR. Sau đây là danh sách 10 tựa game kinh dị quá khủng khiếp khiến game thủ vừa run vừa chơi.

Project Zero II: Crimson Butterfly

Sau Silent Hill và Resident Evil thì đã có hàng loạt tựa game kinh dị Nhật Bản (J-horror) được chào đời, thượng vàng hạ cám đủ cả. Tuy nhiên, có một tựa game kinh dị trứ danh luôn được nhắc đến trong số đó là Project Zero II: Crimson Butterfly, hay còn được gọi là Fatal Frame tại thị trường Mỹ. Game lần đầu ra mắt trên nền tảng PS2 vào năm 2003 và có cốt truyện không trực tiếp liên quan đến phần 1 cho lắm. Phiên bản lần này xoay quanh cặp chị em song sinh Mayu và Mio tìm thấy một ngôi làng bỏ hoang trong rừng khi đang tìm về nơi mà mình từng gắn bó hồi còn nhỏ.

Tất nhiên, ngôi làng này không hề bị bỏ hoang mà tại đó đầy rẫy linh hồn ai oán, và họ tìm cách hiến tế 2 chị em này trong một nghi lễ cổ xưa. Game có cơ chế khá mới lạ, bạn phải dùng một camera đặc biệt để có thể nhìn thấy và đánh bại những linh hồn này; càng nhìn lâu thì đòn tấn công của bạn sẽ càng hữu hiệu – đồng nghĩa với việc những hình ảnh đầy ám ảnh kia sẽ càng ăn sâu vào trong tâm trí của bạn.

Observer

Với bối cảnh thế giới cyberpunk lấy cảm hứng từ phim Blade Runner, Observer không chỉ dấy lên câu hỏi về vấn đề đạo đức mà nó còn khiến game thủ nổi hết cả da gà. Khung cảnh trong game sẽ là một căn chung cư xập xệ tại khu ổ chuột Krakow, bạn vào vai Daniel Larzarski – một thám tử được cấy ghép thiết bị điện tử vào người – hay còn gọi là Observer với khả năng “hack” tâm trí người đối diện để điều tra manh mối. Bên cạnh những âm thanh lạ lùng phát ra từ phía đằng sau cánh cửa nhà dân thì yếu tố kinh dị được đẩy lên đỉnh điểm thông qua các đoạn hack não người khác (theo đúng nghĩa đen).

Với phong cách kể chuyện siêu thực, những phân đoạn này sẽ đem người chơi đến một thế giới bị phân mảnh và vô cùng ác mộng vì những sự thật mà bạn khám phá ra sẽ rất khó tin, có phần “hư cấu”, và đồng thời cách mà nó được trình bày cũng rất chi là ớn lạnh. Bên cạnh cốt truyện chính rợn người thì anh em có thể khám phá thêm những mẩu chuyện đằng sau các căn hộ trong chung cư. Bảo đảm không mất ngủ không ăn tiền nhé.

SOMA

Mở đầu SOMA, bạn sẽ tỉnh giấc tại một khu nhà máy cũ kĩ dưới lòng đại dương, và xung quanh là những con robot, quái vật khổng lồ. Sau khi bạn dần tiến sâu vào khu nhà máy và các khu vực lân cận thì sẽ hiểu được chuyện gì đã xảy ra với cư dân nơi đây. Game sẽ không cho bạn thứ gì để phòng vệ cả, trong khi xung quanh nhà máy thì toàn những sinh vật quái đản. Những ai đã từng chơi qua game này rồi ắt hẳn sẽ nhớ như in cái cảm giác lo sợ thấp thỏm khi mà phải rình rập, tránh né, mò mẫm các hành lang ngoằn ngoèo để thu nhặt các vật dụng cần thiết để đi tiếp qua màn.

Mặc dù game cũng có bị chỉ trích vì có mấy câu đố khá là kém thông minh, chuyển sang chế độ Safe Mode là phần lớn vấn đề được giải quyết mà vẫn đảm bảo yếu tố kinh dị, rùng rợn được giữ nguyên. Những con quái vật lúc này có thể không đáng để bận tâm nữa, nhưng ám ảnh thì chúng vẫn ám ảnh đó. Kết hợp với những hình ảnh kì quái, câu chuyện trong SOMA sẽ khiến bạn phải tự hỏi rằng bản chất của cuộc sống này là gì.

Detention

Detention là một tựa game kinh dị 2D dùng chuột (point-and-click) với bối cảnh trong một trường học vào thập niên 60 tại Đài Loan – thời kì còn được gọi là “Khủng bố trắng”. Phong cách đồ họa trong game rất là u ám và buồn rầu; bạn sẽ luân phiên điều khiển 2 học sinh Wei và Ray bị mắc kẹt trong trường vì ngoài kia giông bão đang kéo đến. Phần lớn game bạn sẽ dành thời gian khám phá ngôi trường và tìm các vật dụng theo kiểu một tựa game phiêu lưu point-and-click thông thường.

Tuy nhiên, trong trường không chỉ có 2 người. Bạn sẽ bắt gặp nhiều bóng ma tại các khu hành lang, và để tránh không bị phát hiện thì game có một cơ chế để nhân vật chính nín thở – nhưng nhớ là phải di chuyển sao cho khôn khéo nhé. Đồ họa 2D cũng phần nào làm giảm bớt yếu tố kinh dị đi thật, nhưng tiếng kêu gào rùng rợn phát ra từ những bóng ma sẽ khiến bạn nổi hết da gà, nhất là những khi bạn tiến đến gần nguồn phát ra âm thanh ghê rợn này.

Visage

Mặc dù đây là tựa game đầu tay của SadSquare Studio nhưng phải nói là họ đã làm rất tốt trong việc khiến người chơi sợ thót tim, thậm chí là nhiều trang còn cho đây là hậu bản của tựa game P.T. huyền thoại (trên tinh thần). Bối cảnh trong game cực kì đơn giản, chỉ trong một căn nhà mà thôi. Bạn sẽ đi qua 4 chương, mỗi chương kể về một chủ nhân trước kia của ngôi nhà và câu chuyện kinh dị mà họ đã từng trải qua. Các đoạn cao trào trong game sẽ được đẩy lên từ từ, và càng chơi thì anh em sẽ càng thấy bầu không khí trong game trở nên ngột ngạt, khó chịu.

Kết hợp với yếu tố giải đố, quản lý tài nguyên, và thậm chí là có cả thanh đo sự tỉnh táo của nhân vật trong game (nó sẽ tụt mỗi khi anh em nhìn thấy hiện tượng siêu nhiên), Visage đã lấy những gì đáng sợ nhất từ thể loại kinh dị và bỏ nó vào chung trong một game. Đó là chưa kể đến những nhân vật ma quái ở trong ngôi nhà này. Với khả năng khóa cửa và tắt đèn bất kì lúc nào, ngay cả khi bạn không nhìn thấy họ thì cũng “cảm giác” được sự hiện diện của những người này đang ở rất gần mình. Vẫn có những người muốn giúp bạn, nhưng chưa chắc họ đã thiện lành đâu nhé.

Pathologic 2

Chắc hẳn nhiều anh em chưa từng nghe đến tựa game quái dị này. Tiếp nối thành công từ phần trước, Pathalogic 2 vẫn có những yếu tố kì dị và lo sợ thấp thỏm mà fan mong đợi, pha trộn thêm yếu tố nhập vai và sinh tồn để tạo nên một tựa game vô cùng độc đáo. Pathalogic 2 lấy bối cảnh tại một thị trấn nhỏ tại Nga giữa lúc dịch bệnh đang hoành hành, bạn – trong vai bác sĩ phẫu thuật Artemy Burakh – tức tốc trở về quê nhà sau khi nhận được lá thư khẩn từ người cha của mình. Tuy nhiên, khi đến nơi thì anh lại bị tình nghi vì tội giết người. Với quỹ thời gian hạn hẹp để tìm ra chân tướng sự việc, bạn sẽ cảm nhận được rằng mỗi hành động của mình đều có trọng lượng và mang yếu tố quyết định trong tựa game này.

Ngay mới trong màn hướng dẫn chơi là anh em đã phải chứng kiến nhiều thứ quái dị: bò khổng lồ, bác sĩ trị bệnh dịch hạch, và những chú hề đáng sợ; miêu tả sơ sơ nhiêu đó thôi cũng đủ để bạn mường tượng được là game này sẽ phát triển theo chiều hướng như thế nào luôn rồi. Mặc dù cơ chế trong game không hạp với một số người nhưng nhìn chung thì Pathalogic 2 vẫn là một tựa game kinh dị rất ấn tượng.

The Witch’s House

Mở đầu game là nữ chính Viola chợt tỉnh giấc giữa khu rừng mỹ lệ, sau đó ít lâu thì bạn sẽ bắt gặp một ngôi nhà bình dị. Tuy nhiên, khi tiến vào trong thì The Witch’s House chuyển phong cách từ hoài cổ tráng lệ sang ác mộng giữa ban ngày. Nhiệm vụ của bạn lúc này sẽ là giải các câu đố để tìm cách thoát khỏi bàn tay của mụ phù thủy ở đây. Cứ hễ lơ là một chút là bạn sẽ bỏ mạng ngay, có khi số lần chết còn nhiều hơn khi bạn chơi Dark Souls nữa là đằng khác. Chỉ cần đứng trên vũng máu trong phòng đầu tiên hoặc né con dao đang bay thẳng về phía bạn là “game over” ngay và luôn.

Đây cũng chính là điểm ăn tiền của game này: bạn không bao giờ đoán được rằng cái gì sẽ chờ đón bạn tiếp theo (nhất là khi bị tấn công bởi một con gấu bông khổng lồ). Nếu bạn cứ mang tâm trí khi chơi những game giải đố khác mà áp vào game này thì đừng hỏi tại sao lại bị hú hồn liên tục nhé. Bên cạnh không khí kì quái thì The Witch’s House còn có nhiều pha jump-scare rất là đáng sợ, hứa hẹn sẽ khiến giấc ngủ của bạn không còn êm đẹp như trước.

Cultist Simulator

Nhìn qua thì Cultist Simulator chả có vẻ gì là game kinh dị cả, nhưng chơi rồi mới biết mình đã sai lầm đến mức nào. Ban đầu thì bạn sẽ phải thử nghiệm rất nhiều lần để biết được cách mà game này vận hành. Lúc này bạn chỉ có một vài thẻ bài cơ bản để quản lý công việc và nguồn vốn. Nhưng ít lâu sau đó thì bạn sẽ có được cơ hội để điều tra manh mối, tìm ra chân tướng của hội bí ẩn này. Càng về sau thì bạn sẽ có nhiều thẻ bài hơn, và đồng thời một bí mật rùng rợn cũng dần xuất hiện, khiến người chơi rất dễ bị mất phương hướng với những gì đang diễn ra trước mắt.

Và càng tiến sâu hơn, nhân vật của bạn sẽ càng phải chịu vất vả, khó khăn cứ chồng chất, những người lạ mặt bí ẩn sẽ nói cho bạn nghe một vài lời đồn giúp khám phá ra nhiều điều mới, và nhất là bạn cũng sẽ gặp ác mộng nữa. Bạn phải biết cách xử lý tất cả những thứ này để có đủ tiền và máu để sống sót qua con trăng này. Mặc dù bề nổi thì nó không giống game kinh dị cho lắm nhưng trong lúc bạn trải nghiệm thì nó sẽ từ từ khiến bạn trở nên sợ hãi không thua gì những game kinh dị khác.

The Evil Within 2

The Evil Within 2 là một tựa game vô cùng “hoang dại” và kì quái. Bạn sẽ tiếp tục vào vai Sebastian Castellanos và quay trở lại hệ thống STEM một lần nữa để tìm con gái Lily (được cho là đã chết) ở thị trấn Union. Sử dụng lại công thức pha trộn giữa yếu tố hành động lén lút và sinh tồn – kinh dị trứ danh trong phần đầu, The Evil Within 2 nâng tầm công thức này lên thêm một bậc với khung cảnh rộng lớn hơn. Game bắt buộc anh em phải vừa chạy vừa suy nghĩ cách làm sao để né lũ quái vật dị hợm đang tác oai tác quái ngoài đường phố, biến mỗi giây phút trong game trở thành những khoảnh khắc kinh sợ tột cùng.

Mặc dù phải đến nửa cuối game thì mới đến đoạn cao trào nhưng trong một thế giới mà bất kì điều gì cũng có thể xảy ra thì anh em chẳng bao giờ được yên ổn đâu, nhất là những trường đoạn kịch tính dù có chơi xong cả tháng cũng không thể nào quên được. Nếu được hỏi là trong game này có điều gì khiến người chơi lạnh sống lưng thì chắc chắn là sự hiện diện của Amina – một con ma đầu tóc bù xù luôn tra tấn tinh thần của Sebastian xuyên suốt game.

Paranormal Activity: The Lost Soul

Ngồi trên ghế sofa chơi game kinh dị qua màn hình TV thôi là đã thấy ghê rồi, huống hồ chi là đeo cái kính thực tế ảo VR để… nhìn cho rõ hơn. VR rất có tiềm năng trong thể loại game kinh dị, và Paranormal Activity: The Lost Soul là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. Game có bối cảnh tại một căn nhà vùng ngoại ô; bạn sẽ khám phá ngôi nhà này với cây đèn pin và đồng thời phải tìm thêm pin cũng như nhặt thêm vật dụng để tìm cách trốn thoát khỏi đây.

Nghe thì không có gì quá ghê gớm, nhưng vì đây là một tựa game siêu kinh dị nên những người ở trong căn nhà này sẽ không mấy thiện lành đâu, và bạn sẽ ước gì mình chưa từng bước chân vào căn nhà hắc ám này. Cũng giống như series phim cùng tên, game có nhiều cảnh tượng kinh dị từng xuất hiện rất nhiều lần trên màn ảnh. Nhưng khi bạn là nhân vật tham gia vào câu chuyện trong game, và mọi thứ đều diễn ra trước mắt thì trải nghiệm lúc này hoàn toàn khác anh em ạ.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360