Anh em 9x, 8x ngày xưa chắc hẳn đã rất quen thuộc với tiếng “rẹt rẹt tít tít” của modem dial-up đúng không nào. Đặc biệt là vào buổi đêm, cái modem này kêu to không chịu nổi luôn. Vậy các loại modem dial-up có thật sự phải phát ra nhiều tiếng động như vậy thì hãy cùng mình tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Vì sao modem dial-up lại phát ra tiếng rít?
Dành cho những bạn chưa biết về modem dial-up thì ngày xưa, trước khi có cáp quang chúng ta sử dụng một modem dial-up để kết nối với Internet “tốc độ chậm” thông qua đường dây điện thoại bàn. Máy tính của bạn sẽ yêu cầu modem quay số điện thoại rồi “gọi” đến một modem khác của một máy tính khác. Sau khi hai cục modem kết nối thì các bạn có thể gửi file hoặc tin nhắn.
Không như các loại modem hiện tại, modem dial-up truyền và nhận dữ liệu bằng tín hiệu âm thanh thông qua đường dây điện thoại. Modem dial-up sẽ nhận và chuyển dữ liệu số thành âm thanh giống như cách chúng ta nói chuyện qua điện thoại vậy các bạn. Modem ở đầu dây bên kia sẽ “nghe” những âm thanh đó và chuyển lại thành giải mã thành dữ liệu dạng nhị phân mà máy tính có thể hiểu.
Thật ra, modem Dial-up được các nhà sản xuất tích hợp một cái loa nhỏ bên trong để phát ra tiếng rít chứ không phải đơn thuần là tiếng rít vì hiện tượng vật lý như tiếng coil whine đâu nha anh em. Khi các bạn nghe được những tiếng rít này thì có nghĩa là modem của bạn đang thực hiện các bước để kết nối để truyền và nhận dữ liệu với modem khác. Đại khái thì 2 modem sẽ “tâm sự” với nhau về một số vấn đề như nén dữ liệu như thế nào, tốc độ kết nối ra sao cùng nhiều bước khác. Các bạn có thể tham khảo biểu đồ chi tiết về âm thanh của quá trình kết nối ngay bên dưới.
Vì sao chúng ta phải nghe hai modem dial-up “tâm sự với nhau?
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1984, khi AT&T vẫn là nhà mạng độc quyền mạng lưới điện thoại và Internet tại Mỹ. Và bởi vì độc quyền nên họ có quyền chọn loại thiết bị, modem phù hợp với mạng lưới của họ. Thế là họ chọn loại modem dial-up có tay cầm giống như điện thoại bàn. Khi các bạn muốn kết nối với một modem khác thì phải nhấc máy lên và quay số gọi điện thoại cho đối phương. Nếu đầu dây bên kia nghe rõ thì bạn mới đặt tay cầm xuống giá đỡ có vai trò như micro và loa để hai modem kết nối với nhau. Loại modem dial-up này sử dụng tín hiệu âm thanh để truyền dữ liệu chứ không dùng dạng tín hiệu điện nha anh em.
Đến giữa thập kỷ 70, Ủy ban Truyền thông Liên bang của Mỹ (FCC) yêu cầu AT&T nới lỏng giới hạn mang tính độc quyền đi nên công ty này bắt đầu chuyển sang các loại modem dial-up kết nối trực tiếp với nhau và không cần tay cầm như điện thoại bàn nữa (nhưng vẫn dùng đường dây điện thoại).
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nếu modem dial-up loại mới này mất kết nối thì người dùng sẽ không thể biết được vì không có tay cầm để kiểm tra như loại modem đời trước. Để giải quyết vấn đề này thì hãng Hayes Microcomputer Products đã thêm một cái loa nhỏ vào mẫu modem Hayes Stack Smartmodem 300 được ra mắt vào năm 1981. Như vậy, chúng ta không cần phải nhấc tay cầm lên gọi thì vẫn có thể nghe được là modem của mình đang kết nối hay là rớt mạng, tiện hơn khá nhiều phải không các bạn.
Kể từ đó, hầu hết mọi modem dial-up đều được tích hợp thêm cái loa nhỏ bên trong để tạo ra âm thanh phản hồi cho người dùng.
Nguồn: How to Geek