Mấy hôm nay mình đi dạo lòng vòng trên mạng thì phát hiện ra một điều hơi nghịch lý anh em ạ. Mặc dù người Việt Nam chơi game MOBA rất nhiều nhưng những bài hướng dẫn về cách chọn chuột chuyên cho game MOBA thì lại chẳng có bao nhiêu (nếu không muốn nói là gần như không thấy). Đồng ý là game MOBA không khó chọn chuột như game FPS nhưng dù sao đi nữa thì chỉ khi có một con chuột ngon, anh em mới có thể chiến tốt không lo nghĩ được.

Thế là mình ngồi nghiên cứu nửa buổi chiều và nhận ra rằng khái niệm về một con chuột MOBA tốt tuy cũng tương đối đa dạng nhưng không phải là không gom lại thành 1 bài viết được. Và cuối cùng mình quyết định viết bài này. Hy vọng có thể đưa đến cho anh em những gợi ý tốt, giúp anh em chọn ra được con chuột MOBA phù hợp với mình.

Form cầm

Mỗi người mỗi kiểu, mỗi gu mỗi khác. Có rất nhiều mẫu chuột và chúng phù hợp với nhiều kiểu tay, kiểu cầm khác nhau. Tuy nhiên vẫn có những tiêu chuẩn nhất định cho việc chọn một form cầm để chơi game MOBA.

Một ván game MOBA thường rất lâu, có khi đến cả tiếng đồng hồ là chuyện bình thường. Tuy nó không yêu cầu những động tác kéo chuột dài với tốc độ cao và những động tác nhấc chuột liên tục như game FPS nhưng trong suốt thời gian đó, tay của anh em sẽ dính luôn vào chuột, rất ít khi bỏ ra. Thế nên điều đầu tiên mà chúng ta cần nói đến là form chuột phải cho cảm giác cầm thoải mái trong thời gian dài.

Về form chuột thì mình có 2 đề xuất

  • Một là anh em có thể nhìn đến những con chuột có form to, cầm ôm tay, có chút chỗ tựa cho ngón út và ngón áp út. Khi dùng những con chuột như vậy thì anh em sẽ lâu mỏi tay, cảm giác khi cầm chuột cũng chill hơn. Một vài đại diện tiêu biểu có thể kể đến cho anh em dễ hình dung. Razer thì có Naga Trinity, Mamba series và DeathAdder series. SteelSeries có Rival 600, 650, 710. Corsair thì có Iron Claw và Scimitar.
  • Hai là anh em có thể chọn những con chuột có form trung bình nhỏ và khối lượng nhẹ như G102, G-Pro Wireless, Harpoon, Abyssus, Viper Mini… Đây là những con chuột đủ gọn để anh em có thể cầm thoải mái kiểu fingertip và đủ nhẹ để anh em có thể kiểm soát dễ dàng bằng các đầu ngón tay. Riêng con G502 là là một ngoại lệ mà anh em cũng có thể thử cầm theo kiểu này. Mặc dù nó to nhưng có phần phím chuột kéo dài ra phía sau, mặt tiếp xúc của ngón út và áp út cũng hơi lõm vào giúp bám rất chắc. Nếu ngón tay anh em khỏe thì có thể cầm xích ra sau để mông chuột hổng khỏi lòng bàn tay chuẩn fingertip nhé. Mình đánh Liên Minh toàn chơi kiểu này.

Cách bố trí nút

Về cách bố trí nút thì chúng ta có thể chia chuột gaming ra làm 2 dạng dành cho 2 kiểu game thủ MOBA khác nhau:

  • Một là kiểu game thủ đánh đúng bài bản chuyên nghiệp, game cho cái gì mình xài y vậy, không chế cháo chỉnh sửa gì hết. Nếu bạn là kiểu game thủ này thì chuột gì miễn là hợp tay, có phím trái phải và con lăn cũng đều sẽ mang lại cho bạn trải nghiệm tốt.
  • Kiểu game thủ thứ 2 là kiểu game thủ thích gán macro để bày ra mấy trò hay ho trên chuột. Ví dụ dùng phím chuột để kích hoạt vật phẩm, bật chiêu các kiểu. Mình thì khi đánh Liên Minh, mình thường dùng phép bổ trợ, máu và mắt trên chuột luôn anh em ạ, tiện và rất khó nhấn nhầm. Nếu là kiểu game thủ số 2 này thì anh em có thể lựa chọn những con chuột nhiều nút như Razer Naga Trinity, Razer Basilisk, Corsair Scimitar, Corsair Iron Claw Wireless, Corsair Dark Core, Logitech G502, Asus ROG Spatha… Với mấy con chuột như thế này, một khi quen tay là anh em hoàn toàn có thể tung cả combo chiêu thức chỉ bằng con chuột.

Cảm giác nhấn

Về cảm giác nhấn thì tùy sở thích mà anh em có thể chọn những mẫu chuột cho cảm giác nhấn khác nhau. Anh em nào thích cảm giác nhấn đanh, nảy và tiếng click lớn thì có phím dày và tách khỏi thân chuột, tiêu biểu là mấy con dòng G của Logitech, nhấn rất chắc và rõ ràng. Ai thích cảm giác nhấn êm và ngọt hơn thì có thể xem qua các mẫu chuột có phần phím liền mông chuột, điển hình như DeathAdder và Mamba của Razer.

Cảm giác nhấn là vậy. Còn độ nặng hay hành trình switch chuột thì cũng tương tự như nhau thôi do phần lớn các mẫu chuột của các hãng gaming gear lớn hiện giờ đều sử dụng switch của Omron. Đương nhiên là các loại switch của Omron cũng có loại này loại kia và cảm giác nhấn cũng khác nhau đôi chút. Ví dụ như switch 20 triệu lượt nhấn sẽ nảy hơn switch 50 triệu lượt nhấn một chút. Tuy nhiên rất khó nhận ra nên mình nghĩ anh em không cần quan tâm phân biệt các loại switch của Omron làm gì cho mệt đâu.

Điều mình muốn lưu ý anh em trong mục này là có một số mẫu chuột không dùng switch Omron. Điển hình là các dòng chuột của Zowie dùng switch của Huano. Chuột Zowie sẽ cho cảm giác nhấn cứng hơn và hành trình phím chuột sâu hơn so với các mẫu dùng switch Omron. Nhiều anh em đã chia sẻ với mình là chơi MOBA bằng mấy con chuột của Zowie sẽ mỏi tay rất nhanh, bản thân mình khi dùng một thời gian cũng thấy đúng. Thế nên bạn nào muốn mua mấy con này về chơi MOBA thì nên cân nhắc kỹ và đừng ngại chơi test trước khi quyết định mua nhé.

Cảm biến

Thật ra thì với công nghệ hiện giờ, những con chuột bình dân như G102 hay Harpoon cũng đã có mắt đọc đủ tốt thừa sức để đáp ứng anh em chơi game MOBA rồi. Tuy nhiên công nghệ thì không bao giờ dừng lại và game thủ thì luôn muốn những cái mới hơn, tốt hơn nên chuột càng cao cấp sẽ có mắt đọc càng xịn. Mình thì cũng không thông thái đến nỗi có thể nói chính xác được đặc điểm của từng con mắt đọc. Tuy nhiên mình có thể chia sẻ với anh em một số thông tin như sau.

PixArt là nhà sản xuất mắt đọc cho chuột lớn nhất thế giới, và họ sản xuất mắt đọc cho hầu hết các hãng chuột. Mắt đọc của họ cũng được coi là tiêu chuẩn để nhiều hãng khác phát triển các mẫu mắt đọc của riêng mình. Hiện nay thì họ có những mẫu mắt đọc hàng top như PMW3389, PMW3391, PMW 3399.

Razer thì hiện nay có mắt đọc Focus + là đỉnh nhất, được dùng trên mấy con chuột flagship, cũ hơn thì có mắt đọc 5G được dùng cho mấy con chuột tầm trung, cũng rất ngon. Logitech thì có mắt đọc HERO áp dụng rộng rãi với các mẫu chuột tầm trung đổ lên của họ, được rất nhiều anh em game thủ đánh giá cao.

SteelSeries thì có lẽ là dị nhất, họ có dòng mắt đọc Truemove độc quyền giúp chuột thích ứng tốt với nhiều bề mặt di chuột khác nhau. Ngoài ra thì họ cũng có một số mẫu chuột như Rival 600, Rival 650 có thêm 1 mắt đọc phụ giúp cảm biến độ cao, giúp điều chỉnh chính xác chỉ số Lift off Distance cũng như kiểm soát chuột tốt hơn trong mấy pha flick chuột, nhấc tay của game thủ chuyên nghiệp.

Lót chuột

Lót chuột thì thật ra cũng không nằm trong phạm trù của 1 con chuột nhưng mình nghĩ vẫn nên tâm sự với anh em một chút. Vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của anh em. Lót chuột có nhiều loại khác nhau nhưng chung quy có thể chia ra 2 dạng chính là speed và control.

Pad control sẽ nhám hơn và bám chuột hơn, giúp anh em dễ kiểm soát hơn. Loại speed sẽ trơn hơn và giúp anh em thao tác nhẹ nhàng lả lướt hơn. Mình thì cũng dùng chủ yếu là pad control nhưng với những con chuột nhẹ dưới 90g thì lâu lâu mình sẽ đổi qua dùng pad speed cho nó có cảm giác mới lạ. Vì chuột nhẹ có quán tính thấp nên cũng không cần bề mặt di quá bám. Nó cũng giúp phát huy tốt đặc tính “lướt” của pad speed hơn.

Cái này mình nói ra là theo cảm nhận của mình, còn dùng sao thì tùy anh em. Dù sao thì gu của mỗi người cũng mỗi khác mà anh em bắn sao cũng được miễn là thấy thoải mái thôi.

Đề xuất

Size trung bình lớn form cầm ôm tay, thoải mái trong thời gian dài

  • Razer: Mamba series (cầm siêu thoải mái), DeathAdder Series (best form, mình chưa từng thấy ai cầm dòng này mà chê cả)
  • Logitech: G403 – G603 – G703 (3 con này form y chang nhau, khác mỗi cái ruột), G502 và G402 (2 con này có phần tựa ngón út và áp út hơi lõm, một số ít anh em sẽ dễ thấy mỏi khi cầm thời gian dài, một vài anh em khác lại thấy thích vì nó giúp cầm chuột chắc hơn)
  • Corsair: Iron Claw series (to bự, rất phù hợp cho cỡ tay lớn),
  • SteelSeries: Rival 710 (form thuôn dài, nhiều trò hay), Rival 600 và Rival 650 (Form tương tự như như con Mamba của Razer nhưng thân chuột cao hơn)

Gọn nhẹ, thích hợp kiểu cầm fingertip

  • Razer: Abyssus series (hàng Razer giá mềm), Viper series (siêu nhẹ, có switch quang học siêu bền)
  • Logitech: G102, G-Pro (form y chang G102, khác bộ lòng), G-Pro Wireless (củ khoai tây nhỏ xinh, siêu nhẹ, trùm eSport của Logitech)
  • Corsair: Harpoon, Harpoon Wireless, M55
  • SteelSeries: Sensei Ten và Sensei 310 (form đối xứng dễ làm quen, nhẹ)

Nhiều nút macro, làm được nhiều trò hay ho

  • Razer: Naga series (có cụm phím chỗ ngón cái), Basilisk Ultimate (hàng đỉnh của đỉnh, siêu đắt, nhiều nút)
  • Logitech: G502 series (nhiều nút, được bố trí thông minh), G602 (nhiều nút, được bố trí thông minh, thiết kế hiền lành)
  • Corsair: Scimitar (có cả một cụm 12 nút ngay chỗ ngón tay cái, build chắc chắn), Dark Core (nhiều nút), Iron Claw Wireless (Nhiều nút, các nút đều to và được bố trí thông minh)