Top 10 tựa game có màn mở đầu siêu hoành tráng khiến game thủ mãi nhớ!

Việc dẫn dắt cốt truyện trong game đã phát triển rất nhiều so với thời trước, và cũng có nhiều game còn được đem ra so sánh với phim và tiểu thuyết. Nhưng thứ lôi cuốn game thủ, khiến chúng ta đứng ngồi không yên lại chính là phần mở đầu. Tất nhiên, phần kết thúc thường sẽ được đem ra phân tích và mổ xẻ nhiều hơn, nhưng những đoạn mở đầu sẽ là thứ thôi thúc game thủ chú tâm theo dõi, xem xem sự kịch tính này rồi sẽ đưa mình đi đâu về đâu.

Nó có thể là những đoạn intro cháy nổ hoành tráng, phi thuyền của bạn bị tấn công tứ phía, nhân vật chính bị zombie bủa vây, hoặc đơn giản hơn là một đoạn mở đầu với tông màu u tối cũng đủ khiến bạn phải dựng tóc gáy. Sau đây là danh sách 10 màn mở đầu hoành tráng khiến game thủ không thể rời mắt.

Resident Evil 2

màn mở đầu game

Resident Evil 2 không chỉ cho bạn một mà là tới 2 màn mở đầu lạnh sống lưng trong cùng một tựa game. Hai nhân vật Leon và Claire gặp nhau vì 2 lý do hoàn toàn tách biệt. Leon thì đi làm ngày đầu tiên tại RCPD, còn Claire thì đi tìm người anh trai Chris. Nhưng chính cái cách mà game giới thiệu 2 nhân vật này đã tạo ấn tượng với game thủ.

Lúc nhìn thấy Leon lái xe jeep dừng trước một cái xác chết rồi tiến lại gần để khám nghiệm thì kiểu gì trong đầu bạn cũng nghĩ “Tránh xa ra, nó là con zombie đó!”. Tương tự, Claire bước vào quán ăn Emmy và phát hiện ra một sự thật kinh hoàng, khiến anh em đều phải sững người. Và rồi bạn nghĩ rằng thế là xong, hai nhân vật chính vô cùng gan dạ cùng bắt tay nhau điều tra sự thật. Nhưng không, bỗng dưng băng ghế sau bất thình lình xuất hiện một con zombie làm một pha thót tim, và thế là nó lây nhiễm cho nguyên một chiếc xe buýt, sao đó bác tài (đã bị biến thành zombie) lao thẳng chiếc xe vào Leon và Claire. Đây là cách mà Capcom chào mừng game thủ đến với Resident Evil, và nó vô cùng hiệu quả, cứ như thể là bạn bỏ một cục nước đá vào trong cổ áo vậy.

Final Fantasy VII

màn mở đầu game

Đoạn mở đầu trong FF VII, cả bản gốc lẫn bản remake, đều có sức hút của riêng nó, nhưng với bản đầu tiên thì phải công nhận là mức độ hoành tráng của nó vượt trội hơn hẳn so với thời điểm mà nó ra mắt. Mở đầu sẽ là khung cảnh khá là trầm lắng cùng với bầu không khí hắc ám khi nhìn lên trời, sau đó camera chuyển sang tập trung đặc tả hình ảnh của một cô gái bán bông hoa, khiến game thủ không thể rời mắt khỏi màn hình. Và rồi góc quay được mở rộng dần ra, cho thấy toàn cảnh Midgar đầy tráng lệ, các nốt nhạc được đẩy lên cao trào, và tên game dần xuất hiện.

Tưởng hết rồi, nhưng tiếp đến lại chuyển sang góc quay một toa tàu, tụi lính dần tiến lại gần khám xét thì bị một nhóm người hạ gục nhanh gọn lẹ, cuối cùng một nhân vật siêu ngầu xuất hiện với thanh bảng kiếm – chính là Cloud Strife. Ồ, mình được điều khiển người này ư? Đã vậy! Đây chính là lần đầu tiên mà game thủ PlayStation được chơi một trò có quy mô lớn đến mức này, và Squaresoft đã không chùn bước để tạo ấn tượng ban đầu tốt nhất với người chơi. Phiên bản gốc đã như thế, anh em đủ biết đến khi được remake thì nó đẹp tới mức nào rồi đó.

Batman: Arkham Asylum

màn mở đầu game

Fan của Batman thì đã tiên đoán được đoạn mở đầu rồi, hay thậm chí những ai hay xem phim mà thấy cảnh nhân vật phản diện bị cầm tù cũng mường tượng được những diễn biến xảy ra sau đó là như thế nào luôn. Nhưng mấu chốt ở đây là chúng ta vẫn chưa được nhìn thấy mặt tối của Batman, chí ít là dưới dạng series game. Việc khám phá những hành lang u ám trong Arkham Asylum là một trải nghiệm mới mẻ cho game thủ. Mở đầu bạn sẽ được một chuyến đi tham quan nhà thương điên Arkham Asylum cực kì thu hút. Bạn sẽ phải vừa để mắt đến Joker, vừa phải quan sát xung quanh, khá là nhiều thứ để tiếp thu trong cùng một lúc, nhưng đây vẫn chưa phải là điểm ăn tiền của đoạn mở đầu.

Điểm ăn tiền chính là các khu hành lang, thang máy, phòng giam đầy ngột ngạt, chật hẹp, như muốn “truyền tải” đến cho bạn một thông điệp rằng bạn sẽ phải ở đây cho đến khi nào xong việc mới được đi. Bạn sẽ phải “gắn bó” với những hành lang này trong một vài giờ tới đó, cho nên là hãy làm quen với nó dần đi là vừa. Hơi tiếc là những phần sau không có nhiều yếu tố giống vầy, nhưng với phần đầu tiên thì phải công nhận Rocksteady đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ tái tạo khung cảnh u ám trứ danh của series Batman.

Half-Life 2

Không ai thích bị gọi dậy khi đang mơ một giấc mơ tốt đẹp cả. Tuy nhiên, trong Half-Life 2 thì bạn không những bị dựng đầu dậy mà còn chẳng biết nhân vật khiến bạn thức giấc là ai nữa kìa, và rồi bạn thấy mình đang đứng trong một con tàu. Đoạn mở đầu của Half-Life 2 đã thiết lập một khung cảnh vô cùng hoản hảo, nhưng Valve không dừng lại ở đó. Khi bạn đến City 17, bạn sẽ thấy rằng mọi thứ đã bị đảo lộn, và bạn – tức Gordon Freeman – sẽ là người giúp mọi thứ trở về đúng với quỹ đạo của nó.

Những gương mặt thân quen lẫn lạ lẫm đều bắt đầu xuất hiện khi bạn tiếp tục chơi game, nhưng trong khoảng nửa giờ đầu tiên thì nó hoàn toàn mơ hồ, khiến bạn mất phương hướng và không biết điều gì sẽ chờ đợi mình tiếp theo. Cũng giống như phần trước, Half-Life 2 đã cho người chơi có một cái nhìn u ám về thế giới trong game. Bạn là một anh hùng, nhưng lúc đầu game thì sẽ chẳng thấy tí gì gọi là máu anh hùng trong người cả.

Metal Gear Solid

màn mở đầu game

Đối với nhiều người thì khi Metal Gear Solid ra mắt vào năm 1998, dòng game hành động lén lút này vẫn còn khá là sơ khai trên nền tảng console. Vì thế nên khi game mở màn bằng việc Snake được giao nhiệm vụ đột nhập, rất nhiều game thủ đã tỏ ra vô cùng tò mò. Sau đó bạn sẽ biết được rằng mình chính là người sẽ điều khiển Snake đi làm nhiệm vụ này. Vừa mới mẻ, vừa hồi hộp, và cũng vừa tuyệt cú mèo. Bạn sẽ không có vũ khí gì trong tay, còn kẻ địch thì được trang bị tận răng, vì thế nên đoạn luồn lách để tiếp cận khu vực thang máy rất chi là kịch tính, nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả.

Sau khi tiêu đề game biến mất, bạn sẽ biết được là mình đã sai khi nghĩ rằng đoạn khó khăn đã qua, trước mắt sẽ là đoạn dễ thở hơn. Thay vào đó, bạn vẫn sẽ phải di chuyển một cách lén lút giữa một khu vực rộng thênh thang, băng qua bãi đáp trực thăng và đột nhập vào căn cứ quân sự của kẻ địch. À quên nữa, cái bãi đáp trực thăng đó vừa sáng như đêm 30, vừa có đội quân đi tuần tra rất gắt gao luôn nhé. Đây cũng là cách mà Metal Gear Solid muốn nhấn mạnh với người chơi rằng yếu tố lén lút là then chốt trong game này. Game hành động lén lút bây giờ khá là phổ biến rồi, nhưng với game thủ PlayStation ngày trước thì đây quả thực là một trải nghiệm có một không hai.

God Of War (2018)

màn mở đầu game

Series God of War có rất nhiều màn mở đầu đáng chú ý, nhưng trong khi hầu hết đều tập trung vào sự hung hăng của Kratos thì phiên bản năm 2018 lại mang màu sắc trái ngược hoàn toàn. Thay vì là hình ảnh một vị thần chiến tranh, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ thứ gì dám ngáng đường mình thì Kratos trong phần này lại điềm đạm hơn, nếu không muốn nói đây chính là “ông bố của năm”. Lúc này Kratos đã “về hưu”, sống một cuộc sống an nhàn, lặng lẽ hơn; và chính khúc mở đầu đã khắc họa một hình ảnh Kratos mới toanh trong tâm trí game thủ.

Vợ của Kratos vừa mới qua đời, và Kratos đang trên đường chặt những khúc cây cuối cùng để làm hỏa táng. Việc người chơi có liên quan đến đám tang này đã đủ u buồn rồi, nó còn cho thấy mối quan hệ giữa Kratos và con trai Atreus đang còn nhiều điều phải giải quyết. Tuy nhiên, mọi chuyện không kết thúc ở đây. Sau khi chơi qua đoạn hướng dẫn thì có một người đàn ông “The Stranger” đến gõ cửa nhà Kratos, và cuộc chiến xảy ra sau đó phải nói là vô cùng khốc liệt và bạo lực, cây thì đổ ngã, đá thì nứt vỡ, tất cả ám chỉ rằng hành trình phía trước sẽ còn rất nhiều chông gai và thử thách đang chờ đón bạn.

Silent Hill

màn mở đầu game

Silent Hill có thể đã bị rơi vào quên lãng, nhưng đoạn mở đầu của nó thì khó thể nào mà quên được nếu đã từng xem qua một lần. Kể từ lúc tiếng đàn mandolin vang lên khi nhân vật chính Harry Mason đặt chân đến thành phố ma quái cho đến đoạn đi vào con hẻm, nó cho bạn một cảm giác sợ hãi mà không biết rõ là mình đang sợ cái gì. Khi Silent Hill ra mắt thì không ai biết được bên trong game này sẽ là cái gì, và cũng không ai biết được rằng nó đáng sợ hơn chúng ta nghĩ gấp nhiều lần. Và chúng ta cũng chẳng biết được là sẽ có một pha “bạn phải thua cuộc” trong một con hẻm sau khi phát hiện được một cái xác chết.

May thay, Silent Hill cho người chơi biết được ý đồ của game này là gì ngay từ lúc đầu: bạn nên cảm thấy sợ hãi trước tất cả mọi thứ. Việc bị cào cấu đến chết bởi những con quái vật không da (skinless) đã đủ tệ rồi, nhưng ban đầu còn có những đứa trẻ nhỏ cầm dao rượt bạn chạy có cờ nữa kìa. Đoạn mở đầu này tuy chỉ kéo dài tầm 10 phút thôi nhưng hãy chuẩn bị tinh thần đi nhé, nó sẽ không thừa trong tựa game này đâu.

Medal Of Honour: Frontline

Chiến tranh thường không đi đôi với niềm vui, các bạn xem phim ảnh, đọc tài liệu cũng đủ biết được điều này rồi. Nhưng mặc dù game lấy đề tài chiến tranh cũng khá là phổ biến, nó lại không phản ánh chính xác điều này (suy cho cùng game cũng chỉ là để giải trí thôi mà). Tuy nhiên, Medal of Honour: Frontline thì lại là một trường hợp ngoại lệ. Sự kiện đổ bộ trên bãi biển Normandy được xem như là một trong những chiến dịch tệ nhất trong lịch sử quân đội, mặc dù phe Đồng Minh giành chiến thắng. Bộ phim Saving Private Ryan đã cho chúng ta thấy rõ điều này, nhưng Medal of Honour: Frontline thì lại cho người chơi vào vai một binh sĩ đổ lộ lên bãi biển Omaha Beach.

Chúng ta vẫn chưa sẵn sàng cho việc này. Đành là biết trước mắt sẽ có những gì, nhưng khi bạn thực sự tham gia trận chiến này thì mới thấy nó thảm khốc và hỗn loạn tới mức nào. Đứng dưới góc độ chân thực thì Frontline đã hoàn thành xuất sắc khía cạnh này. Đối với một người game thủ thì nó rất bát nháo, đáng sợ, và thảm khốc, nghĩa là DICE đã hoàn thành nhiệm vụ của mình rồi đó. Call of Duty cũng có phiên bản WWII ra mắt vào năm 2017 và quy mô cũng như chất lượng là vượt trội hơn hẳn, tuy nhiên Medal of Honour: Frontline là tựa game đầu tiên làm được chuyện này. Nó cho game thủ thấy được rằng chiến tranh có sức tàn phá kinh khủng đến mức nào, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Mass Effect 2

màn mở đầu game

Trong game chết là một chuyện bình thường, nhưng chết ngay khi mới vào game luôn thì vụ này mới đó. Đây cũng chính là hướng đi mà BioWare đã áp dụng cho Mass Effect 2, và tin vui là họ đã thành công. Thay vì đi khám phá các hành tinh với nhịp độ chậm rãi trong phần đầu thì phần 2 đã làm một cú tát thẳng vào mặt game thủ. Mở đầu game là nhân vật Illusive Man khá là bí ẩn, nhưng đây vẫn chưa phải là yếu tố khiến màn mở đầu trở nên rùng mình.

Thứ khiến ta rùng mình chính là con tàu Normandy bị một phi thuyền bí ẩn bắn banh xác khiến mọi thứ rơi vào trạng thái hỗn loạn, và Shephard tìm mọi cách để cứu các thành viên trong phi hành đoàn. Cứ tưởng là mọi thứ đã được giải quyết xong, nhưng rồi Shephard lại bị cuốn văng ra ngoài không gian khiến game thủ ai nấy cũng đều ngỡ ngàng. Sau đó nhân vật chính của chúng ta còn bị nghẹt thở và bắt đầu bốc cháy khi rơi vào quỹ đạo của một hành tinh. Cảnh tượng này vô cùng bi thảm, nếu không muốn nói là khó có thể tin vào mắt mình.

Bioshock

màn mở đầu game

Nhắc đến Bioshock là nhắc đến 2 điều: cú “plot twist” ngoạn mục trong cốt truyện và màn đấu trùm cuối vô cùng thảm hại. Nhưng trong khuôn khổ bài viết này thì chúng ta sẽ quay lại đoạn đầu game, khúc mà có xác máy bay đang bốc lửa. Đúng vậy, mở đầu game là bạn sẽ được chứng kiến tàn cuộc của một tai nạn máy bay, nhưng thứ khiến bạn cảm thấy ghê sợ phải sau đó một đoạn mới xuất hiện: một ngọn hải đăng đầy kì bí, dẫn xuống thành phố Rapture đầy tráng lệ dưới đại dương.

Nhìn vô cùng hoành tráng, nhưng khi bạn đến nơi thì lại chẳng thấy bóng dáng của một ai cả, trên tường thì chi chít chữ viết, có gì đó không ổn ở đây. Đáng lẽ ra đây phải là một thiên đường nhưng nó lại thất bại trong việc này, và ít lâu sau đó thì chúng ta biết được rằng vì sao nó lại thất bại. Nhưng quay trở lại đoạn mở đầu một chút, khi bạn trên đường đặt chân đến Rapture, và cái cảm giác bàng hoàng đến ngỡ ngàng khi nhìn thấy thực trạng của thành phố này, đó mới chính là yếu tố khiến người chơi cảm thấy bất ngờ. Bioshock nghiêng về yếu tố hành động nhiều hơn là kinh dị, nhưng lúc mới chơi thì bạn sẽ không biết được điều này. 2K đã xuất sắc tạo ra một bối cảnh vương quốc bị sụp đổ khiến game thủ luôn trong trạng thái thấp thỏm khi khám phá thành phố này.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Credit ảnh cover: Evan Liu

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360