ASUS ROG Zephyrus G15 có lẽ sẽ ghi dấu trong lịch sử với tư cách là một trong những sản phẩm đánh dấu sự lật đổ ngoạn mục của đội đỏ ở mảng laptop gaming. Thông qua việc trao cho game thủ sức mạnh khủng khiếp chưa từng có tiền lệ ở phân khúc trung cấp, Ryzen Mobile 4000 series không chỉ giúp AMD trở thành một thế lực thật sự mà còn biến tất cả những CPU cao cấp đời 9 năm ngoái của Intel thành trò cười. Với sự kết hợp giữa Ryzen 7 4800HS và GeForce GTX 1660 Ti Max-Q trong thiết kế cơ động cùng màn hình 144 Hz, Zephyrus G15 đang là vị vua mới về P/P trong phân khúc laptop gaming tầm giá 30 triệu đồng.

Thông số kỹ thuật ASUS ROG Zephyrus G15 – GA502IU

  • Màn hình: 15,6 inch IPS FullHD@144Hz, tốc độ phản hồi 3 ms
  • CPU: AMD Ryzen 7 4800HS – 8 nhân 16 luồng/2,9 – 4,2 GHz
  • RAM: 8 GB DDR4-3200 MHz
  • GPU: Nvidia GeForce GTX 1660 Ti Max-Q – 6 GB GDDR6 
  • SSD: 512 GB NVMe
  • Bàn phím: chiclet với đèn LED trắng
  • Kết nối không dây: Wifi 6 + Bluetooth 5.0
  • Cổng kết nối: 1 USB-C 3.2 gen 2 (hỗ trợ sạc nhanh và xuất hình DisplayPort 1.4), 3 x USB 3.2 gen 1, 1 HDMI 2.0b, 1 jack combo tai nghe/mic, 1 ethernet
  • Kích thước: 360 x 250 x 19,9 mm
  • Trọng lượng: 2,1 kg

ROG Zephyrus G15 chứng minh rằng canh bạc của ASUS khi đặt niềm tin vào AMD đã thành công rực rỡ

ASUS là một hãng công nghệ rất đặc biệt, họ sẵn sàng nhảy vào những canh bạc tưởng chừng đầy rủi ro để tìm kiếm sự đột phá. Để rồi khi thành công, chính những canh bạc này giúp thương hiệu ASUS tạo sự khác biệt với phần còn lại của thế giới. Lịch sử một lần nữa lặp lại khi niềm tin vào AMD được đền đáp, biến ASUS trở thành cái tên gắn liền với sự đột phá về sức mạnh của thế hệ bộ xử lý Ryzen Mobile 4000 series. 

Nghĩ lại cũng buồn cười, năm ngoái hàng loạt hãng than thở thiếu hụt CPU Intel nhưng chỉ đầu tư vào các sản phẩm AMD theo dạng cầm chừng hời hợt. ASUS là cái tên duy nhất thật sự đầu tư mạnh vào các sản phẩm sử dụng chip AMD. Công bằng mà nói Ryzen Mobile 3000 năm ngoái hiệu năng chỉ ở mức ổn với giá hấp dẫn, nhưng sự đầu tư mạnh mẽ từ trước là nền tảng giúp ASUS bức phá khi Ryzen Mobile 4000 series ra mắt đầu năm nay.

ROG Zephyrus G15 là một trong những cái tên nổi bật nhất, với bộ xử lý Ryzen 4000 series trở thành một sự lựa chọn hấp dẫn, nếu không muốn nói là P/P cao nhất ở phân khúc laptop gaming trung cấp vào thời điểm bài viết này. Tại Việt Nam, phiên bản cao cấp nhất của G15 có cấu hình AMD Ryzen 7 4800 HS kết hợp GTX 1660 Ti Max-Q mà giá chỉ 30 triệu đồng. Bên cạnh đó là những ưu điểm vốn dĩ của dòng Zephyrus G như độ hoàn thiện, thiết kế cơ động và màn hình tần số quét cao, game thủ có trong tay một chiếc gaming trung cấp khá toàn diện. 

Sau 1 tuần trải nghiệm, đây là đánh giá của GearVN News về Zephyrus G15 để giúp bạn hiểu rõ hơn về chiếc laptop gaming đang cực hot tại thời điểm này. 

ROG Zephyrus G15 kết hợp Ryzen 4800HS và GeForce GTX 1660 Ti giúp game thủ max setting tất cả game eSport và đa số game AAA

Đối với laptop gaming, đặc biệt là phân khúc trung cấp, hiệu năng khi chơi game là yếu tố đầu tiên mà các bạn game thủ sẽ cân nhắc. Phần này thì combo Ryzen 4800HS và GeForce GTX 1660 Ti chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng với khả năng chiến mượt mọi tựa game eSport cũng như max setting hầu hết các tựa game AAA. Bạn có thể tham khảo một số bài benchmark sau đây với Zephyrus G15 ở chế độ Turbo:

3Dmark TimeSpy

Với 5343 điểm trong bài test 3Dmark Time Spy, thoạt nhìn thì ASUS ROG Zephyrus G15 không hẳn là vượt trội quá nhiều so với các dòng laptop gaming trung cấp trước đây. Tuy nhiên nếu phân tích kỹ hơn thì bạn sẽ thấy rằng điểm số này bị “giữ chân” bởi số điểm khá khiêm tốn của card đồ hoạ GeForce GTX 1660 Ti Max-Q (5057 điểm), trong khi đó CPU Ryzen 7 4800HS đạt điểm số ấn tượng 7868 đủ để thổi bay mọi CPU trung cấp trước đây. 

Shadows of The Tomb Raider

ROG Zephyrus G15 vượt qua bài benchmark của Shadows of The Tomb Raider khá nhẹ nhàng, 67 fps đảm bảo bạn sẽ có trải nghiệm mượt mà từ đầu đến cuối game ở thiết lập đồ hoạ cao nhất.

World War Z

93 fps đối với bài benchmark của World War Z, nói chung là Zephyrus G15 sẽ đảm bảo cho bạn bắn hằng hà sa số zombie mà không biết “lag” là gì.

Assasin’s Creed Odyssey

Không hổ danh là một trong những tựa game khó nhằn nhất hiện nay về phần cứng, GTX 1660 Ti Max-Q của Zephyrus G15 chỉ kéo được Assassin’s Creed Odyssey trung bình 42 fps. Công bằng mà nói thì đây là con số hợp lý khi max setting tựa game cực nặng này, giảm xuống Medium sẽ giúp bạn vi vu trên 60 fps.

Total Wars: Three Kingdoms

Total War: Three Kingdoms là một tựa game thuộc dạng sát phần cứng với số lượng quân tham chiến mỗi bản đồ có thể lên đến hàng ngàn quân. Đối với game chiến thuật không đòi hỏi phản xạ “nhanh như chớp” thì trên 30 fps là ổn, Zephyrus G15 có thể xem là đạt yêu cầu.

Final Fantasy XV

Final Fantasy có lẽ là tựa game hiếm hoi bạn sẽ thấy sự tỏa sáng của CPU, Ryzen 4800HS giúp Zephyrus G15 có điểm cao hơn hẳn so với những dòng laptop khác cũng sử dụng GTX 1660 Ti Max-Q.

Về tổng thể, hiệu năng khi chiến game của Zephyrus G15 nhìn chung là… không thật sự có nhiều khác biệt ở phân khúc laptop gaming trung cấp tích hợp card đồ họa Nvidia GeForce GTX 1660 Ti Max-Q. Điều này là bởi vì game chủ yếu tận dụng sức mạnh của GPU, hiệu năng cực mạnh của Ryzen 7 4800HS gần như không thể hiện được gì. Nói chung là bạn có thể yên tâm rằng mình có thể tận dụng hết khả năng của card đồ hoạ mà không lo bị thắt cổ chai ở CPU.

Ryzen 7 4800HS không chỉ giúp ROG Zephyrus G15 thống trị laptop gaming trung cấp, mà  “vô tình” tạo ra chiếc laptop hấp dẫn cho các bạn sáng tạo nội dung

Ryzen 7 4800HS với 8 nhân 16 luồng và mức xung dao động từ 2900 – 4200 MHz tỏ ra quá mạnh so với GTX 1660 Ti Max-Q và thậm chí là cả tùy chọn RTX 2060 cao nhất của Zephyrus G15. Điều thú vị là bản thân Ryzen 7 4800HS là phiên bản “tiết kiệm điện” của 4800H với mức TDP giảm từ 45 W xuống còn 35W. Để dễ so sánh, AMD công bố rằng Ryzen 4800H hiệu năng đa nhân mạnh hơn Core i7-9750H đến 46%, tức là còn cao hơn cả Core i9-9880H và chỉ chịu thua dòng đỉnh của đỉnh Core i9-9980HK vốn trước nay toàn dùng để kéo card đồ hoạ đầu bảng như RTX 2080.

Test bằng Cinebench R20, Ryzen 7 4800 HS cho ra điểm số ấn tượng với 3543 cb đa nhân và 461 cb đơn nhân. So sánh vui vẻ thì ông hoàng một thời trên desktop là Intel Core i7-7700K bị cho hít khói trong khi Ryzen 1700X cũng 8 nhân 16 luồng dù xung cao hơn nhưng vẫn thua vì dùng kiến trúc Zen thế hệ đầu. Phải thừa nhận rằng kiến trúc Zen 2 và tiến trình 7 nm không chỉ giúp Ryzen 4000 đạt hiệu năng khủng khiếp mà còn cực kỳ tiết kiệm điện. Đây cũng là mức hiệu năng cao CPU cao nhất từ trước đến nay mà một chiếc laptop tầm giá 30 triệu sở hữu, vô tình biến Zephyrus G15 trở thành sự lựa chọn sáng giá cho các bạn làm nội dung như dựng phim, Auto CAD.

Laptop gaming thường ưu tiên tản nhiệt cho GPU, tuy nhiên sử dụng Prime95 stress test cho thấy Ryzen 7 4800HS vẫn có thể hoạt động hết công suất mà vẫn giữ được nhiệt độ dưới 80. Nói chung là bạn nào có nhu cầu dựng phim với Adobe Premiere hoàn toàn có thể hài lòng về hiệu năng của G15. So sánh khập khiễng một chút thì laptop “creator” dành cho các nhà sáng tạo hiện nay có CPU tiêu chuẩn là Core i7-9750H với hiệu năng thấp hơn nhiều so với Ryzen 7 4800HS. Màn hình của Zephyrus G15 dĩ nhiên không thể so độ chuẩn về màu sắc với các dòng chuyên creator, nhưng tổng thể thì vẫn ổn. 

Nằm trong chiến dịch phổ cập SSD của ASUS, tất cả các mẫu Zephyrus G15 đều được trang bị SSD Intel 660p. Phiên bản mà GearVN News nghiệm trang bị SSD 1 TB, trong khi bản tiêu chuẩn bán ngoài thị trường sẽ là 512 GB. Chất lượng Intel 660p thì có lẽ mình không cần giới thiệu nhiều, con SSD quốc dân xài chip QLC này tuy không hoàn hảo nhưng vẫn đủ để bạn có thể khởi động Windows và nạp game nhanh như gió. Yếu điểm về xử lý các file dung lượng lớn từ 30 GB trở lên của nó thật ra chẳng ảnh hưởng gì đến nhu cầu sử dụng của các bạn game thủ, thậm chí dân làm video bán chuyên nghiệp cũng không thành vấn đề.  

ROG Zephyrus G15 khi chơi game chỉ nên để ở chế độ Performance, các tác vụ cần CPU mới nên dùng Turbo

Chắc đọc nãy giờ thấy GearVN News tung Zephyrus G15 lên mây bạn sẽ nghĩ rằng nó quá hư cấu đúng không, làm gì mà có một chiếc laptop hoàn hảo đến vậy. Và đây là lúc chúng ta trở về với thực tại cùng những đánh đổi đã giúp G15 có mức giá hấp dẫn đến như vậy. Lý do lớn nhất chính là hệ thống tản nhiệt.

Là một chiếc laptop gaming trung cấp, hệ thống tản nhiệt của Zephyrus G15 cũng chỉ dừng ở mức trung cấp với sự tối ưu dành cho GPU. Khi chơi game thì nhiệt độ GPU luôn được giữ ở mức dưới 80 độ, trong khi CPU thường xuyên vượt mốc 90 độ. Điều này thật ra cũng không quá căng thẳng, bởi lẽ CPU Ryzen 7 4800 HS có thể chịu được nhiệt độ tối đa là 105 theo công bố của AMD. Tuy nhiên để tối ưu thì bạn cũng nên lưu ý đôi chút về tác vụ của mình để sử dụng chế độ cho phù hợp.

Trái với lầm tưởng của nhiều người, chế độ Turbo dù “mở hết giới hạn” nhưng thực tế thì lại không tối ưu cho chơi game. Chế độ này thực chất là mở giới hạn của CPU, tuy nhiên do Ryzen 7 4800HS bình thường đã quá dư thừa để kéo 1660 Ti Max-Q nên fps cải thiện không đáng kể. Cái đáng kể là nhiệt độ trung bình CPU lên đến 96 độ. Trong khi đó chế độ Performance mang lại mức fps gần như tương đương mà đồng thời tối ưu điện năng để giữ nhiệt độ CPU tầm dưới 90 độ. Điều này áp dụng với những tựa game nổi tiếng sát phần cứng như Total Wars hay AC:O, vậy nên chiến game bạn cứ để Performance cho mát máy còn các tác vụ chỉ cần CPU mạnh như edit video, render,… thì dùng Turbo.  

Điểm cộng của ROG Zephyrus G15 là 2 quạt chạy hết công suất tuy ồn nhưng tiếng trầm. Nếu so với các hãng khác thì dễ chịu hơn rất nhiều.

Zephyrus G15 là chiếc laptop gaming trung cấp với tính cơ động cao, độ hoàn thiện tốt và màn hình 144 Hz mượt mà

Ngoài nâng cấp về hiệu năng, Zephyrus G15 vẫn giữ lại những yếu tố khác đã tạo nên thương hiệu Zephyrus G. Chúng ta có một chiếc laptop gaming mỏng chưa đầy 20 mm và nặng 2,1 kg, mang lại tính cơ động cao trong khi vẫn sở hữu hiệu năng mạnh mẽ.

Độ hoàn thiện luôn là điểm mạnh của laptop ASUS và Zephyrus G15 tiếp tục truyền thống này. Về mặt thiết kế thì gần như không thay đổi so với thế hệ trước với bề mặt làm bằng kim loại, xử lý 2 tone phong cách nhôm xứng rất ngầu và cứng cáp. 

Phần còn lại của G15 được làm bằng nhựa cao cấp, rất dày mang lại cảm giác như… xe tăng. Đối với một chiếc laptop gaming trung cấp hướng đến mục tiêu đồng hành cùng game thủ đi khắp nơi, mình cảm thấy như vầy là ổn.

ASUS trang bị cho Zephyrus G15 đầy đủ các món ăn chơi khi nói về cổng kết nối, đặc biệt là cổng USB Type-C tương thích chuẩn truyền tải 3.2 gen 2 và hỗ trợ xuất hình DisplayPort 1.4. Bạn vẫn có thể sạc thông qua cổng Type-C này, tuy nhiên do các bộ nguồn Type-C chỉ cấp khoảng 100 W nên không thể tối ưu để máy hoạt động hết công suất được.

Thay vào đó bạn sẽ cần bộ nguồn chuyên dụng của Zephyrus G15, công suất 180 W. Dù công suất khủng như vậy nhưng nguồn của ASUS lại rất nhỏ gọn, nữ cầm đẹp. Điểm trừ nhỏ là dùng một thời gian thì bộ nguồn khá nóng, bạn nên lưu ý để ở nơi thoáng mát.

Zephyrus G15 được trang bị màn hình 15,6 inch độ phân giải FullHD, sử dụng công nghệ IPS tần số quét đến 144 Hz và tốc độ phản hồi 3 ms. Trải nghiệm mượt mà khi chơi game đã được khẳng định nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm, góc nhìn rộng phù hợp nếu bạn có nhu cầu tuyển thêm quân sư kế bên hỗ trợ luôn. Độ sáng và khả năng hiển thị màu dừng lại ở mức khá, laptop gaming trung cấp thì cũng không đòi gì hơn được. Một sự bổ sung đáng giá là công nghệ Adaptive Sync giống đồng bộ fps và tần số quét, giúp bạn không lo bị hiện tượng xé hình. 

Bàn phím vẫn điểm yếu nhất trong trải nghiệm của laptop gaming trung cấp, với thiết kế chiclet phẳng và hành trình phím 1.4 mm. Nói thế chứ nhà nào cũng vậy thôi, muốn ngon thì bạn phải trả rất nhiều tiền để sắm dòng cao hoặc đơn giản nhất là cứ sắm thêm một cái bàn phím cơ TKL chơi bao phê. Để giúp giá dễ tiếp cận hơn với game thủ thì Zephyrus G15 cũng chỉ dùng LED trắng. Còn về trackpad thì… mình chơi game chỉ xài chuột thôi các bạn ạ.

Pin từng là một nỗi đau của laptop gaming, với sự phát triển của công nghệ thì đến nay mọi thứ… vẫn vậy. Linh kiện mạnh mẽ đồng nghĩa với ăn điện cũng không phải dạng vừa, nếu không cắm sạc mà chơi game thì không chỉ fps thấp mà cục pin 76 Wh của G15 cũng gục ngã trong chưa đầy 2 giờ. Nếu chuyển sang chế độ Silent để làm việc “văn phòng” thì 5 – 6 giờ là khả thi với G15. Nói thế chứ nếu sắm laptop gaming thì bạn cứ xác định máy và nguồn là đôi bạn thân không thể cách xa.

ASUS ROG Zephyrus G15 là laptop gaming giá tốt hiệu năng cao, phù hợp từ game thủ cho đến các bạn sáng tạo nội dung

Với Ryzen 7 4800HS, ASUS ROG Zephyrus G15 và những chiếc laptop sử dụng CPU AMD không còn là một sự lựa chọn giá mềm cho những bạn không đủ chi phí lên Intel nữa. Thay vào đó G15 là một chiếc laptop thật sự hấp dẫn với hiệu năng CPU quá khủng khiếp chưa từng có tiền lệ ở phân khúc trung cấp, kết hợp với mức giá không thể nào tốt hơn. 

ROG Zephyrus G15 hoàn toàn có thể làm hài lòng các bạn game thủ nhờ khả năng chiến mượt tất cả các tựa game eSport và hầu hết các game AAA ở thiết lập đồ hoạ cao nhất. Thế nhưng chính những bạn làm nội dung, chẳng hạn như dựng phim hay streaming sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất từ CPU Ryzen 7 4800HS trên chiếc máy này. Kết hợp với thiết kế cơ động cao và độ hoàn thiện tốt, G15 là người bạn đồng hành lý tưởng để game thủ, sinh viên, học sinh, dân dựng phim và còn nhiều hơn thế nữa. 

Mời bạn tham khảo thêm thông tin của Zephyrus G15 tại GearVN: https://gearvn.com/products/laptop-gaming-asus-rog-zephyrus-g15-ga502iu-al007t

Nếu bạn thích hình nền ROG  trong bài thì có thể vào đây để lấy nhé: