Có những game huyền thoại, giá trị vẫn không phai mờ theo năm tháng như Half-Life, Half-Life 2, Chrono Trigger, Warcraft III. Tuy nhiên, song song đó cũng có không ít game đã từng tạo được tiếng vang lúc mới ra mắt, nhưng dần dần rồi tắt lịm luôn. Công nghệ đang phát triển với một tốc độ vô cùng chóng mặt, kéo theo đó là game cũng thay đổi rất nhiều so với thời trước: hình đẹp hơn, âm thanh sống động hơn, cơ chế gameplay đa dạng và phong phú hơn.

Dù vậy, những game trong danh sách sau đây trở nên lỗi thời không phải vì đồ họa xấu, gameplay lạc hậu mà là vì nó không thể giữ được phong độ đỉnh cao mà nó đã từng có được. Có thể là do nó có một nhược điểm “chết người” mà game thủ đều không để ý, hoặc là trong đội ngũ nhà phát triển có người “đâm xuồng lủng” khiến game bị ảnh hưởng nặng nề. Sau đây là danh sách 10 tựa game trở nên lạc hậu vì những lý do vô cùng bất ngờ.

God of War – Động cơ đáng sợ của Kratos

Khi lần đầu tiên được vào vai chiến binh Sparta dũng mãnh Kratos vào năm 2005, game thủ ai nấy cũng đều rất phấn khích. Tuy nhiên, sau 15 năm nhìn lại, nhất là khi so sánh với hình ảnh Kratos già dặn trong phần mới nhất, chúng ta có thể thấy rằng những phần trước chỉ toàn là nỗi lo lắng của “tuổi teen” và cả tình dục nữa. Không có cái gì có thể phân biệt giữa đánh giá ‘mature’ (ký hiệu M thường thấy trên đĩa game, nghĩa là chỉ dành cho người trưởng thành) và sự trưởng thành thật sự rõ như là những phần God of War đầu tiên.

Những tựa game có tính chất tương tự, như Grand Theft Auto và Duke Nukem, thì khá khẩm hơn một chút. Ít ra thì nhân vật chính trong GTA còn có động cơ hẳn hoi khiến họ phải đi vào con đường tội lỗi đầy bạo lực, chứ còn như Kratos thì được khắc họa như là một kẻ xấu chất lừ. Và đây cũng là một trong số các lý do khiến phần Duke Nukem mới nhất thất bại. Không giống như Kratos, Duke dường như chưa bao giờ lớn lên và luôn tỏ ra buồn thảm, làm chuyện phản cảm để gây sự chú ý, y như là một đứa trẻ trong thân hình của một lực sĩ vậy.

GoldenEye 007 – AI cực khó chịu

Những ai đã từng sở hữu chiếc máy N64 ít nhiều cũng phải biết đến tựa game bắn súng trứ danh GoldenEye. Nhiều năm trước khi Halo: CE, Call of Duty hay Rainbow Six ra đời, GoldenEye 007 là một cái tên nổi bật trong thể loại bắn súng góc nhìn thứ nhất. Đây không chỉ đơn thuần là một game dựa theo phim Điệp viên 007 GoldenEye mà chất lượng gameplay của nó cũng rất tốt. Chỉ cần kết nối nhiều tay cầm là bạn đã có ngay một đội hình điệp viên sẵn sàng quẩy tung game. Phải công nhận rằng hãng Rare đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình…

… cho đến khi bây giờ chơi lại, bạn sẽ tự hỏi rằng tại sao hồi đó mình lại có thể chơi một tựa game không có tính năng nhắm hồng tâm theo chiều dọc một cách đàng hoàng; còn AI trong phần chơi chiến dịch thì tệ thôi rồi. Một số tựa game bây giờ hay có màn chơi yêu cầu bạn hộ tống một nhân vật nào đó đến nơi an toàn, và thường thì nó sẽ khá là khó vì bạn phải vừa bắn kẻ địch vừa phải bảo vệ người kia. Tuy nhiên, quay ngược thời gian, trở về năm 1997 với GoldenEye 007 thì bạn có thể chơi thử màn hộ tống Natalya để biết được cảm giác ức chế là như thế nào. Đường đường là một nhân vật cần hộ tống nhưng cô ta cứ thích đứng trước mũi súng của bạn thôi. Đến khi bạn gài đạn lần thứ 5 thì chắc tức hộc máu chết luôn rồi, thậm chí bắn Natalya còn dễ hơn cả bắn kẻ địch nữa.

Tomb Raider – Cơ chế điều khiển cồng kềnh

Nhắc đến Lara Croft là phần lớn anh em đều nhớ đến thiết kế nhân vật với phần ngực nhọn hoắt thuộc hàng trứ danh luôn. Nhưng cũng cần phải nhớ rằng vào năm 1996, 3 năm trước khi Final Fantasy 8 ra mắt với nhân vật Squall có khuôn mặt nhìn tạm ổn, thì Lara đã có mắt, môi, và mũi đàng hoàng luôn rồi. Tuy nhiên, ngoài tạo hình nhân vật ra thì chúng ta còn nhớ gì đến Tomb Raider ngày xưa nữa không? Cơ chế điều khiển thì cồng kềnh, không thể cho nhân vật đi ngang một cách bình thường được, và không có cách nào nhắm bắn ngoại trừ để Lara tự nhắm vào mục tiêu mà cô ta nghĩ là quan trọng nhất. Thậm chí, việc điều khiển xe tăng trong game World of Tanks ngày nay còn dễ hơn cả việc điều khiển Lara vào thời đó.

Với những phiên bản ra mắt gần đây như Rise of the Tomb Raider và Shadow of The Tomb Raider thì nó đều khiến chúng ta phải suy ngẫm lại rằng tại sao ngày xưa mình lại có thể chơi được tựa game này cơ chứ, cơ chế điều khiển quả thật là rất nực cười. Lúc đó nhân vật di chuyển theo cách tiến tới và đi lùi giống như ngày nay, nhưng khi bấm nút trái/phải thì nhân vật sẽ không di chuyển sang ngang mà sẽ quay đầu về hướng đó, và bạn sẽ phải bấm nút tới để đi theo hướng mà mình đang hướng mặt về. Nghe thôi là đủ thấy cồng kềnh rồi đúng không?

Homefront – Connor không hẳn là một “người hùng”

Homefront đáng lẽ ra là một tựa game nên được tán dương nhiều hơn những gì mà nó từng nhận được. Đây là một game bắn súng FPS không quá hào nhoáng nhưng gameplay vẫn rất tốt. Homefront có cốt truyện tuyến tính về một nhân vật sống trong nước Mỹ đang bị chiếm đóng một nửa bởi Bắc Triều Tiên. Ngoài cốt truyện ra thì game có nhiều yếu tố liên quan đến chính trị thời hiện đại. Và người hùng thực sự của game này không phải là bạn mà là Connor Morgan – người chỉ huy phe nổi dậy (rebel).

Cốt truyện của game chỉ đơn giản là Connor biến chuyển từ một người hằn hộc trở thành người hùng hi sinh vì nghĩa lớn. Cũng cần lưu ý rằng Connor không thích nhân vật chính ngay từ lúc khởi đầu, một điều vô cùng khó hiểu vì cả 2 đều là Thủy quân lục chiến Mỹ (US marines) – một quân chủng luôn được biết đến về tình đồng đội, luôn kề vai sát cánh với nhau. Connor là một người phân biệt chủng tộc, có định kiến, và là một thằng tồi chỉ vì bị tước bỏ quyền lợi xã hội mà đâm ra giận dữ, xúc phạm hết người này đến người khác. Dù vậy, game vẫn cố gắng miêu tả Connor như là một hình tượng mẫu mực, là một người tốt.

Minecraft – Một nhân vật phản cảm làm ra tựa game dành cho gia đình

Minecraft chưa bao giờ đặt mục tiêu trở thành một tựa game sát phần cứng, chưa bao giờ được thiết kế như là một dị bản của dòng game Dark Souls, và cũng chẳng phải là tựa game tiên phong gì cả. Nhưng thứ khiến nó trở nên lạc hậu lại chính là người đã tạo ra tựa game này. Minecraft gần như đã trở thành một tựa game dành cho gia đình, già trẻ lớn bé gì cũng đều chơi chung được. Nhưng trái với Minecraft, Markus Persson (hay còn gọi là Notch) – cha đẻ của game này – lại không phải là tuýp người phù hợp lắm với chuẩn mực của gia đình.

How Markus "Notch" Persson Flipped a Little Game Called Minecraft ...

Ông đã lên tiếng về những bất bình trong xã hội, cho rằng việc phụ nữ theo đuổi sự bình đẳng là một “căn bệnh xã hội”, gọi những nạn nhân bị quấy rối và tấn công tình dục bằng những từ thô thiển, và cho rằng những ai chống lại Straight Pride đều “đáng bị xử bắn”. Ngoài ra, Notch còn hay đả kích chuyện đồng tính luyến ái, phụ nữ, người da màu, và người chuyển giới. Vì thế nên cũng không có gì quá lạ lẫm khi Microsoft, sau khi mua lại Minecraft với giá 2,5 tỷ USD, lại giữ khoảng cách với người đàn ông này. Thậm chí, Microsoft còn từ chối mời anh ta đến tham dự sự kiện Minecraft tròn 10 tuổi.

Myst – Đây cơ bản chỉ là một slideshow tương tác

Is Myst still one of the worst games ever? | Rock Paper Shotgun

Myst đã từng là một ví dụ điển hình cho vẻ đẹp và sự tối giản trong game. Có thể nói đây là “cha đẻ” của những tựa game “mô phỏng đi bộ” ra mắt trong những năm gần đây như Dear Esther, Gone Home, The Stanley Parable, và Firewatch. Myst yêu cầu người chơi phải đi quanh hòn đảo và tốc biến (teleport) sang những khu vực khác nhau và giải những câu đố để lấy được những trang giấy của các cuốn sách bị thất lạc. Mỗi địa điểm được cấu thành từ những nhìn ảnh tĩnh được render từ trước, và mặc dù công nghệ đồ họa máy tính lúc đó cũng khá phát triển nhưng nhìn lại thì thấy nó khá là thô cứng và cũng chẳng quá nổi bật.

realMyst | Cyan

Nếu chơi theo cách mô phỏng đi bộ thì cũng phải cho game thủ được nhìn xung quanh chứ, hay ít nhất cũng phải cho người chơi quyền được đi lại chứ đúng không? So với những tựa game mô phỏng đi bộ hiện nay thì Myst cứ như thể là một slideshow trình chiếu hình ảnh kì nghỉ dưỡng của một người nào đó. Đồng ý là nó có những đoạn khá là vui nhộn và thú vị, nhưng chúng ta thật sự muốn tự thân tận hưởng niềm vui đó theo cách của chính mình chứ không phải là cảm nhận nó thông qua một cái slide trình chiếu. Game thủ muốn được nhìn hoa lá, cây cỏ, chim chóc, và những kiến trúc xung quanh mình.

Dragon Ball Z: Budokai – Vấn đề đạo nhạc trong game

Series Budokai của dòng game Dragon Ball Z là một series đối kháng khá hay, hấp dẫn, thú vị, và có đồ họa cel-shading bắt mắt. Ừ thì game không được cân bằng cho lắm, nhưng điều này cũng không có gì gọi là quá bất thường đối với một tựa game bất kì. Cái làm cho tựa game này mất danh tiếng chính là do phần âm nhạc quá tuyệt vời. Nghe có vẻ ngược đời, nhưng chính xác thì là do Yamamoto Kenji – một trong những nhà soạn nhạc lâu năm của series Dragon Ball – bị báo buộc đạo nhạc của tác giả khác vào năm 2010.

Dragon Ball Z: Budokai

Nó không chỉ đơn thuần là đạo nhạc “sơ sơ” mà thực chất là đạo phần lớn bài nhạc của người ta luôn. Hãng Toei cuối cùng đã hủy hợp đồng với nhà soạn nhạc nổi tiếng này và phần lớn bài nhạc của ông trong những phiên bản Budokai sau này đều được thay thế. Bây giờ chơi lại những phần Budokai đầu tiên, nghe tiếng nhạc nền dồn dập vô cùng kịch tính nhưng đồng thời cũng khiến chúng ta sực nhớ về dấu chấm hết cho sự nghiệp của nhà soạn nhạc Yamamoto Kenji.

Monkey Island: Special Edition – Vì “hoài cổ” mà bản reboot bị quên lãng

Dòng game Monkey Island kinh điển của LucasArts luôn được đánh giá cao vì nó có yếu tố hài hước và cốt truyện đan xen một cách tài tình và hợp lý, và nhất là game cũng dễ chơi hơn nhiều so với đa số game phiêu lưu cùng thời. Đối với nhiều game thủ lớn lên cùng Monkey Island trong thập niên 90 thì đây là một phần tuổi thơ của họ, nhưng đến khi phiên bản remake “Special Edition” ra mắt vào năm 2009 thì nó lại không nhận được hưởng ứng từ game thủ.

The Secret of Monkey Island: Special Edition on Steam

Với nhiều người thì phiên bản gốc mang tính biểu tượng luôn rồi, và mặc dù bản remake có cải thiện về mặt đồ họa, âm thanh, và gameplay nhưng người chơi vẫn chuộng bản gốc hơn. Họ gạt bỏ phiên bản remake chỉ vì 2 chữ “hoài cổ”. Một bộ phận fan đã lên tiếng, cho biết là họ thích bản gốc hơn và chỉ cần chuyển (port) nó sang nền tảng mới là được chứ không cần chi remake rườm rà. Thậm chí, có người còn cho rằng đồ họa đẹp mắt là không cần thiết và cũng chẳng ai muốn như vậy cả.

Shenmue – Chơi game mà cứ như là đi làm không bằng

Shenmue là một trong những tựa game nổi bật khi nhắc đến thể loại game thế giới mở. Các nhân vật trong game đều làm việc và hoạt động rất giờ giấc, có thời gian biểu đàng hoàng, khiến bạn có cảm giác như là đang điều khiển một nhân vật trong thực tế vậy. Skyrim cũng được ca tụng vì điều này nhưng ít ai biết được rằng Shenmue đã làm trước đó từ rất lâu rồi. Tất nhiên, một phần trong thế giới của Shenmue là đi làm kiếm tiền, và một phần khác nữa là đi bộ hàng tiếng đồng hồ dọc miền quê Trung Quốc, vừa đi vừa nói chuyện với một em gái trẻ xinh đẹp. Nhưng vấn đề của thế giới mở trong Shenmue là nó gần như là không có mục đích gì cả, chẳng giống như trong Skyrim hay series Yakuza.

Đồng ý rằng bạn có thể chơi một vài tựa game điện tử thùng của SEGA trong Shenmue, nhưng cái bạn “có thể” làm và “nên” làm là 2 thứ hoàn toàn khác nhau. Yakuza cũng có điện tử thùng SEGA trong đó, và có những nhiệm vụ yêu cầu bạn phải ngồi chơi những game này. Hoặc trong Skyrim thì bạn có thể bắt chuyện và làm quen với những người xung quanh, thậm chí có thêm con nuôi nữa cơ. Còn trong Shenmue thì bạn đi gội đầu cắt tóc, lái xe hàng chạy lòng vòng, xong sau đó đi vô rừng, kể chuyện về một cái cây. Vào thời điểm đó thì nghe cũng rất gì và này nọ đó, nhưng bây giờ thì nghe nó chán thôi rồi.

Elder Scrolls IV: Oblivion – Nguồn cơn của cơ chế bán vật phẩm (microtransaction)

Skyrim đã lấy những gì tinh túy nhất trong phần Oblivion và cải thiện nó thêm một bậc, và đồng thời cái gì không hay thì bỏ đi. Oblivion vẫn có nhiều vấn đề của riêng nó, điều này thì không có gì để bàn cãi, nhưng vẫn còn khá nhiều người vững tin rằng đây là một tựa game hay. Thậm chí, đôi lúc bạn sẽ bắt gặp một vài fan Oblivion cho rằng phần này còn bỏ xa Skyrim cả thước. Tuy nhiên, nhìn một cách công bằng thì bạn sẽ thấy Oblivion là tiền thân, là sự khởi đầu của “phong trào” bán DLC (gói mở rộng). Trước khi Oblivion xuất hiện thì hầu hết những game có cơ chế bán vật phẩm đều là game miễn phí (hoặc có giá cực kì rẻ), và trong game thì bạn có thể bỏ tiền ra mua skin, kỹ năng, và nhiều thứ khác.

Và rồi cho đến năm 2006 thì Bethesda ra mắt gói skin “Horse Armor Pack” cho Oblivion. Thường thì skin sẽ nằm trong mục chơi mạng để game thủ còn khoe với người chơi khác, nhưng với một tựa game chơi đơn (singleplayer) như Oblivion thì khoe với ai? Tất nhiên là chỉ có một mình người mua mới thấy được nó trong game thôi, kiểu như “tự sướng” vậy. Và kể từ thời điểm ấy thì Oblivion được xem như là ngọn cờ đầu trong phong trào “hút máu” game thủ bằng DLC, loot box (hòm vật phẩm), và các gói season pass sau này. Đây là tựa game đã khơi mào cho tất cả, và khi nhìn lại bộ giáp hào nhoáng này chúng ta đều không khỏi tự trách chính bản thân vì đã là người chấp nhận để cho các hãng game hút máu. 

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360