Mỗi khi anh em cần cài lại Windows thì sẽ tìm một chiếc USB rồi format nó để dọn sạch dữ liệu đúng không nào. Khi chọn format thì chắc hẳn anh em cũng sẽ chọn là Quick Format hoặc bỏ dấu tick đi là Full Format. Vậy hai kiểu format này có gì khác nhau và tại sao Full Format lúc nào cũng tốn nhiều thời gian hơn, anh em cùng mình tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Format là gì?
Trước khi đi vào tìm hiểu sự khác nhau của giữa quick format và full format thì anh em cùng mình tìm hiểu sơ qua về format trước nhé. Một ổ cứng thì sẽ có 3 loại format là low-level format (định dạng cấp thấp), phân vùng ổ đĩa và high-level format (định dạng cấp cao). Khi anh em mua ổ cứng về thì lúc, chọn format là đang “định dạng cấp cao” đấy, nhà sản xuất đã “định dạng cấp thấp” sẵn cho chúng ta rồi. Trong cấp độ “định dạng cấp cao” thì mới chia thêm hai kiểu định dạng là Quick format và Full Format.
Về cơ bản thì “định dạng cấp thấp” sẽ tác động trực tiếp lên cấu trúc của ổ cứng, tác động lên bề mặt đĩa từ của các loại ổ cứng HDD nên chỉ có các nhà sản xuất ổ cứng mới thức hiện. Còn phân vùng ổ đĩa thì chắc hẳn các bạn đã quen thuộc rồi nên mình không nhắc lại nữa nhé. Hai kiểu format “định dạng cấp thấp” và phân vùng ổ đĩa chỉ là tác động phần dữ liệu lưu trên ổ cứng chứ không ảnh hưởng đến cấu trúc của ổ đĩa.
Sự khác biệt giữa Quick Format và Full Format
Khi các bạn chọn Quick Format thì Windows sẽ thực hiện các bước “xóa” dữ liệu ở bên trong, tạo system file mới chọn, đặt lại tên của ổ cứng đó và cluster size. Các bạn lưu ý “xóa” dữ liệu ở đây không hẳn là xóa hoàn toàn nhé. Thực tế thì dữ liệu vẫn còn nằm lại bên trong ổ cứng, Windows chỉ đánh dấu ổ cứng đã format xong và “giấu” dữ liệu bên trong nên chúng ta không nhìn thấy thôi. Nếu các bạn ghi thêm dữ liệu vào ổ cứng thì dữ liệu cũ sẽ bị ghi đè lên rồi mới mới hoàn toàn nhé. Vì vậy, nếu bạn không ghi thêm dữ liệu mới vào ổ cứng thì vẫn có thể dùng các phần mềm khôi phục dữ liệu tìm lại dữ liệu trong ổ cứng vừa format xong.
Khi các bạn chọn Full Format, thì Windows cũng làm những bước tương tự và thêm một bước kiểm tra xem ổ cứng có bị “bad sector” không. Các đời Windows XP trở về trước sau khi quét ổ cứng để tìm bad sector xong thì Windows cũng chỉ “giấu” dữ liệu giống như Quick Format thôi. Nếu các bạn vẫn đang dùng Windows XP thì vẫn sẽ khôi phục lại dữ liệu trong ổ cứng dù đã Full Format.
Tuy nhiên, kể từ đời Windows Vista trở đi, Microsoft đã thay đổi Full Format rất nhiều. Windows không còn “giấu” dữ liệu cũ nữa mà sẽ xóa toàn bộ dữ liệu gốc, ghi đè các dữ liệu dạng số 0 lên toàn bộ sector trong ổ đĩa, rồi xóa thêm một lần nữa cho “chắc ăn”. Vì phải trải qua thêm vài bước nên Full Format sẽ tốn thời gian hơn khá nhiều. Nếu các bạn Full Format trên các đời Windows Vista trở lên thì xác định là không tìm lại dữ liệu cũ được.
Vì vậy, trước khi format bất kỳ ổ cứng nào thì anh em cũng cần phải lưu ý, nếu tự tin không cần dùng dữ liệu cũ nữa thì hãy chọn Full Format. Còn bình thường thì cứ chọn Quick Format thôi nhé, chỉ cần sau khi format xong anh em không ghi thêm dữ liệu mới vào là vẫn còn cơ hội lấy lại dữ liệu cũ được.
Hy vọng bài viết đã mang lại cho các bạn nhiều kiến thức bổ ích!