Không gì tuyệt vời bằng việc những giả thiết mà game thủ đặt ra cuối cùng lại trở thành sự thật. Nó có thể chỉ là những thứ nhỏ nhặt như tinh chỉnh thiết lập trong game cho đến những thứ tầm cỡ hơn như những ý tưởng thay đổi cả gameplay, và cũng chính vì mức độ của những giả thiết này nên các nhà phát triển đã phải liên tục dõi theo nhất cử nhất động của game thủ.
Đại đa số trường hợp thì những giả thiết này rồi cũng chẳng đi đâu về đâu, chìm vào quên lãng; hoặc nhà phát triển cũng có thể thẳng thừng chối bỏ hay làm ngơ trước những lời đồn đại này, thường là để tránh trường hợp game thủ tiếp tục suy diễn lung tung. Tuy nhiên, đôi lúc, cũng có những studio rất thích một giả thiết nào đó và họ đã quyết định bổ sung vào game hiện tại hoặc cho nó xuất hiện trong phần tiếp theo, hoặc thậm chí là chính thức lên tiếng xác nhận luôn. Sau đây là danh sách 10 “lời tiên tri” của game thủ hóa ra lại là sự thật.
Civilisation – Gandhi phẫn nộ
Series Civilisation tập trung vào việc xây dựng nền văn minh của bạn trở nên hiện đại hơn, tiến bộ hơn để giành chiến thắng. Và để game chân thực hơn thì nhà phát triển đã tinh chỉnh một vài thông số của các nền văn minh để nó làm nổi bật tính cách của những người lãnh đạo nền văn minh đó. Tuy nhiên, họ lại không lường trước được rằng khi đến thời kì hiện đại, một người yêu chuộng hòa bình như Mahatma Gandhi – được điều khiển bởi AI – sẽ thường xuyên tuyên chiến với người chơi và “hòa giải” bằng cách thả bom nguyên tử từ vệ tinh.
Lý do là vì nhà phát triển đã lập trình mức độ hung hăng của Gandhi xuống mức thấp nhất là 1/10. Việc chọn theo chế độ dân chủ ở thời kì hiện đại sẽ giảm mức độ hiếu chiến của một nền văn minh xuống 2 đơn vị. Tuy nhiên, mức độ hung hăng của Gandhi thì không thể nào ít hơn 0 được, cho nên nó tự động quay về mức độ mặc định là tăng “max cây” hung hăng luôn. Mặc dù không phải tình huống nào nó cũng xuất hiện nhưng lỗi này liên tục xuất hiện qua các phần khác nhau. Đó là bởi vì nhà phát triển không chỉ giữ lại phần mã (code) mà còn ám chỉ về sự hung bạo của Gandhi qua nhiều sự kiện trong game. Đến Civilisation 5 & 6 thì game thủ để ý thấy chỉ số của Gandhi đã trở về bình thường, kết thúc một trong những câu chuyện buồn cười nhất trong làng game.
Overwatch – Symmetra bị tự kỷ
Overwatch là một tựa game vừa có lối chơi đa dạng, vừa có dàn nhân vật vô cùng phong phú, đa sắc tộc, đến từ nhiều nơi trên thế giới và mỗi người đều có 1 câu chuyện riêng. Symmetra là một trong số những nhân vật cơ bản trong game với bộ kỹ năng khá là “dị”. Câu chuyện về Symmetra được nhắc đến trong phần truyện A Better World, một bản mở rộng của vũ trụ Overwatch. Trong truyện này thì Symmetra bị choáng ngợp bởi đám đông và thường xảy ra tình trạng khó chịu khi phải đối mặt với những người khác.
Điều này đã khiến fan suy đoán rằng cô ta bị tự kỷ, nhưng nhiên nhà phát triển Blizzard không lên tiếng khẳng định điều này. Một người hâm mộ sau khi đọc A Better World đã viết thư cho Blizzard, hỏi xem có đúng là Symmetra bị tự kỷ hay không dựa vào những tính cách mà nhân vật này biểu lộ. Trưởng nhóm thiết kế Overwatch đã hồi âm rằng Symmetra đúng là bị tự kỷ và cô ta đã chứng minh được cho người chơi thấy rằng căn bệnh này đã giúp bản mình trở nên tuyệt vời như thế nào. Có vẻ như ngay từ ban đầu Blizzard đã có ý định tạo ra Symmetra như là một người bị tự kỷ, và khi được fan hỏi thì đã vui vẻ xác nhận giả thiết này.
Rocket League – Người trứng
Lúc ra mắt thì Rocket League đã tạo được một tiếng vang lớn trên thế giới, tạo được một cồng đồng fan trung thành ngay lập tức. Tuy nhiên, có một điều lạ là fan không chỉ thích thú với những chiếc xe, hiệu ứng vật lý, hay gameplay mà họ còn khá là quan tâm đến một “người” có hình dáng như quả trứng đang ngồi trên khán đài. Nhiều người đã cho rằng đây chỉ là một phương pháp để khán đài nhìn đông đủ hơn mà thôi, nhưng số khác thì lại khăng khăng rằng đây đều là những người trứng.
Nhà phát triển có vẻ như là đã ngầm xác nhận giả thiết này khi tung ra bản đồ farmstead trong một gói DLC. Bản đồ này có một số yếu tố thú vị (Easter egg) và có thể ngầm hiểu là nó dùng để xác nhận giả thiết kia. Có một bảng hiệu nằm phía ngoài sân đấu hiện hình một ban nhạc tên là Mitchell and the Gang và họ rõ ràng là những quả trứng với khuôn mặt và biết chơi nhạc cụ. Điều này càng khiến fan suy diễn xa hơn nữa, cho là game này có bối cảnh tại tại hành tinh người trứng, và những hình nhân ngồi phía trong xe cũng chính là người trứng (vì hình dạng nhìn y hệt). Nhà phát triển cũng hưởng ứng, làm thêm một vũ trụ khác dựa trên giả thiết này.
Hearthstone – Reno Jackson là một con rồng
Hearthstone là một game thẻ bài dựa trên series World of Warcraft. Trong đó, có một thẻ bài mang tên Reno Jackson nhìn khá là giống nhân vật Indiana Jones trứ danh. Nhưng mọi thứ lại rẽ sang ngang khi fan suy đoán rằng anh ta thực chất là một con rồng chứ chẳng phải một nhà thám hiểm xui xẻo gì cả. Sau đó, trong game xuất hiện rất nhiều chi tiết ám chỉ điều này, được giấu rất kĩ đằng sau những truyền thuyết (lore) trong game, trong đó có một bức hình cho thấy Reno đang đọc cuốn sách để học cách nói tiếng rồng.
Chi tiết rõ ràng nhất là tấm thẻ bài con rồng có tên Renogos nhìn khá là giống Reno, âm thanh nó phát ra cũng na ná giọng của anh chàng này luôn. Thậm chí chiếc nón trứ danh của Reno cũng xuất hiện trên sừng của một trong những con rồng của anh ta. Giả thiết này cuối cùng cũng được xác nhận trong gói mở rộng Descent of Dragons. Trong trận chiến cuối cùng của mục chơi chiến dịch League of Explorers, Reno đã biến thành con rồng để đánh bại Rafaam và Galakrond. Mặc dù ban đầu chỉ là lập luận của fan nhưng nhà phát triển đã tỏ ra thích thú với ý tưởng này và quyết định chiều lòng fan hâm mộ, chính thức biến nó trở thành một phần trong Hearthstone.
Super Mario Bros 3 – Chỉ là một vở diễn
Đối với fan của Super Mario Bros 3 thì có thể thấy rõ ràng tựa game này có phong cách đồ họa rất khác so với những phiên bản trước. Họ để ý thấy có một vài chi tiết bất thường ở phần phông nền (background) và điều này đã dẫn đến giả thiết rằng game này chỉ là một vở diễn và tất cả nhân vật trong đây đều là diễn viên. Đầu game, tấm màn được kéo lên y hệt như lúc mở đầu một màn kịch. Xuyên suốt game thì các khối hộp được siết ốc vào phần phông nền y như là một đạo cụ, còn các mặt phẳng (platform) thì được treo lơ lửng trên nóc. Ngoài ra thì Mario cũng luôn biến mất khi kết thúc màn chơi.
Vào năm 2015, Shigeru Miyamoto – người đã tạo ra nhân vật Mario – xác nhận những lời đồn đại này trong một video tên là Mario Myths with Mr Miyamoto. Trong đó, một đoạn chữ đã hiện lên trên màn hình và Miyamoto sẽ đưa ngón cái lên hoặc xuống (thumbs up / thumbs down) để xác nhận hoặc bác bỏ những tin đồn. Và may mắn thay, khi câu hỏi “liệu Super Mario Bros 3 có phải là một vở diễn?” hiện lên thì ông đã gật đầu, xác nhận một tin đồn được “ủ” trong hơn 20 năm qua.
Mass Effect 3 – Commander Shepard là người Canada
Cái này thì chẳng liên quan gì đến tin đồn hay cơ chế gameplay gì cả. Nó chỉ đơn thuần liên quan đến quốc tịch của Commander Shepard– nhân vật chính trong series Mass Effect – mà thôi. Cụ thể, fan đã nghĩ rằng Shepard được sinh ra và lớn lên tại Canada. Nhà phát triển của series này là BioWare được thành lập và có trụ sở tại Canada, và diễn viên lồng tiếng cho nhân vật này (cả phiên bản nam lẫn nữ) đều có gốc là Canada. Điều này đã khiến phần lớn fan tin rằng Shepard là người Canada, còn phần còn lại thì cho rằng anh ta chỉ đơn thuần mà một công dân ở Bắc Mỹ mà thôi.
BioWare đã gián tiếp xác nhận điều này trong Mass Effect 3. Phần mở đầu (prologue) lấy bối cảnh tại thành phố Vancouver. Nếu trong quá trình chơi Commander Shepard có nảy sinh tình cảm với một thành viên trong phi hành đoàn là Samantha Traynor thì tại một thời điểm, Shepard đã hứa hẹn với cô ta rằng chỉ vài tháng nữa thôi là họ sẽ trở về Vancouver cùng nhau uống rượu mừng, ám chỉ rằng đây là nơi mà Shepard gọi là nhà. Mặc dù vẫn còn đó những tranh cãi vì BioWare không trực tiếp xác nhận thông tin này, ít nhất nó cũng cho người chơi thấy rằng nhà phát triển có lắng nghe game thủ và biết về tin đồn này.
Mortal Kombat – Những bí ẩn về Ermac
Đây là một trong những ví dụ điển hình về việc tin đồn game ngày càng trở nên phổ biến qua thời gian, và nhà phát triển đã quyết định biến nó thành một phần trong series để xoa dịu cộng đồng. Ở thời điểm ban đầu thì Mortal Kombat không có nhiều đấu sĩ, cụ thể thì trong đó có 2 ninja nhìn giống nhau y đúc, khác mỗi màu sắc trang phục mà thôi. Nhiều tin đồn cho rằng có một lỗi (glitch) tên là error macro (gọi tắt là Ermac) biến Sub Zero – ninja màu xanh dương – thành ninja màu đỏ. Vào thời điểm chưa có Internet thì những tin đồn vô căn cứ rất dễ lan truyền trong cộng đồng và cũng rất khó để xác minh hay phản bác lại nó.
Nhà phát triển đã thẳng thừng bác bỏ sự tồn tại của Ermac, nói rằng lỗi này chưa hề tồn tại. Tuy nhiên, tin đồn này lại càng trở nên phổ biến trong cộng đồng qua năm tháng, và thế là họ đành phải chấp nhận biến nó thành sự thật. Trong Mortal Kombat 3, có một đấu sĩ tên là Ermac đã xuất hiện, và kể từ khi đó thì anh ta trở thành nhân vật được game thủ yêu thích luôn.
Metal Gear Solid 5 – Hủy bỏ vũ khí hạt nhân
Khi Metal Gear Solid 5 ra mắt thì có nhiều lời đồn cho rằng có một đoạn cutscene bí mật sẽ xuất hiện nếu tất cả các đầu đạn hạt nhân trong vũ trụ của game đều bị vô hiệu hóa bởi tất cả người chơi. Đây là một nước đi vô tiền khoáng hậu của Hideo Kojima, bởi vì ông biết rằng việc này vô cùng khó để xảy ra. Nhưng vào năm 2015, tin đồn này được xác nhận khi đoạn cutscene đó xuất hiện trong phiên bản PC. Ngặt nỗi nó không xuất hiện vì tất cả đầu đạn hạt nhân đã được vô hiệu hóa mà vì một lỗi (bug) trong game. Mặc dù có một vài fan tỏ ra vui mừng vì tin đồn này đã trở thành sự thật, nó lại khiến nhiều người tỏ ra bực tức vì một thông điệp mang ý nghĩa lớn lao như thế lại bị làm hỏng chỉ vì một lỗi ngớ ngẩn.
Phần lớn đoạn cutscene này là lời độc thoại về việc chúng ta sẽ cảnh báo cho thế hệ mai sau biết về sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân như thế nào. Và cho đến bây giờ thì mục tiêu vô hiệu hóa toàn bộ đầu đạn hạt nhân vẫn thể chưa đạt được.
Final Fantasy VI – Không được đeo khăn rằn trong nhóm
Final Fantasy VI có câu chuyện rất cuốn hút và những sự hi sinh của nhân vật chính khiến fan tan nát cõi lòng. Cốt truyện của game xoay quanh chuyện tình giữa 3 nhân vật Setzer (một tay ăn chơi bài bạc), Locke (một nhân vật dễ mến) và tình nhân của anh ta là Celes, với Setzer và Locke thường xuyên so tài để lấy lòng Celes. Khi Setzer gia nhập đội của bạn thì mặc định anh ta sẽ đeo một cái khăn rằn (bandana). Nếu bạn tháo nó ra thì game sẽ không cho phép bạn đeo trở lại. Và điều này đã khiến mối quan hệ giữa 2 nhân vật Setzer và Locke càng trở nên gay gắt.
Game thủ đưa ra giả thiết rằng vì Locke đã đeo khăn rằn xuyên suốt game rồi nên Setzer quyết định không đeo nữa vì đố kỵ (Locke luôn luôn đeo khăn rằn). Nghe thì rất là phi lý, nhưng sau hơn 20 năm thì cuối cùng Square Enix cũng xác nhận thông tin này trong tạp chí V-jump. Có người cho rằng đây chỉ là một lỗi (glitch) trong game và giả thiết của fan chỉ là để “lấp vào chỗ trống” mà thôi, nhưng dù sao đi nữa thì nó cũng hợp tình hợp lý và trùng khớp với tính cách của nhân vật trong game.
Halo: Combat Evolved – Khẩu súng lục bá đạo
Halo là một trong những dòng game thành công nhất mọi thời đại, và góp phần không nhỏ cho sự nổi tiếng này là kho vũ khí đồ sộ trứ danh của nó. Khi Halo: Combat Evolved ra mắt, nhiều fan đã nghi ngờ rằng khẩu súng lục mặc định của Master Chief chính là vũ khí bá đạo nhất game. Điều này đúng trong cả chế độ chơi chiến dịch lẫn chơi mạng bởi vì nó có khả năng bắn bể giáp đối phương chỉ với vài phát đạn. Trong một bài phỏng vấn với giám đốc của studio Bungie – Jason Jones, ông đã xác nhận rằng trong quá trình phát triển, studio đã gặp nhiều vấn đề liên quan đến việc tinh chỉnh khẩu súng này cho nó trở nên cân bằng hơn, và vì thế trước khi ra mắt đã thay đổi 1 con số duy nhất trong đoạn mã của vũ khí này.
Thừa nhận rằng ông có biết đến những cuộc tranh cãi xoay quanh vũ khí này, Jason sẵn sàng nhận mọi chỉ trích liên quan đến cây súng lục trong Halo. Nói cho cùng thì cũng là do nhà phát triển đã quá đam mê và chăm chút cho dự án này mà vô tình biến khẩu súng này trở nên bá đạo. Một bài học rút ra là không phải lúc nào những thay đổi vào “phút 89” cũng đều dẫn đến kết quả tốt đẹp.
Nguồn: What Culture