Thế giới game càng ngày càng phát triển, và vì thế nên khung cảnh và thiết kế màn chơi cũng trở thành một yếu tố tối quan trọng đối với một tựa game. Cho dù là thời kì 8-bit, 16-bit hay là thời đại đồ họa 3D với chiếc máy PlayStation đi chăng nữa, thậm chí là ngay cả thời nay khi mà anh em đều chơi game độ phân giải cao nét-căng-đét, thì game thủ đều cảm thấy choáng ngợp trước thế giới trong game mà nhà phát triển đã tạo ra.
Với những thế giới 16-bit như Final Fantasy và Chrono Trigger, hay là những bản đồ bạt ngàn trong Red Dead Redemption và Assassins Creed, các studio luôn tìm ra được cách giúp game thủ đắm chìm vào thế giới trong game, cảm giác như nó là một thực tại song song vậy. Và để làm được điều này thì họ thường lấy ý tưởng dựa trên các khu đô thị phồn hoa, các thành phố náo nhiệt. Sau đây là danh sách 10 thành phố trong game ấn tượng nhất mà anh em nên khám phá.
Rapture – BioShock Series
Rapture là một thành phố dưới đại dương được thiết kế như là một thiên đường, nơi mà khuyến khích người dân có thể tự do trong suy nghĩ và những phát minh khoa học cứ thế mà nở rộ. Đây là đứa con tinh thần của Andrew Ryan, với mục đích là không để nó bị ảnh hưởng bởi những yếu tố chính trị và tôn giáo của thế giới bên trên. Tất nhiên, những ai đã chơi qua game này rồi, hoặc từng biết đến những câu chuyện xây dựng thiên đường trong mơ, đều đoán được rằng mục tiêu của Rapture sẽ thất bại vì lòng tham của con người, mặc dù ý tưởng này của Andrew Ryan có lớn lao và cao cả đó.
Thành phố Rapture mà người chơi được khám phá trong game không hề giống với những gì mà Ryan đã từng mong ước. Chính xác thì nó chỉ còn là những tàn tích, hậu quả của sự tham nhũng và lòng tham mà Ryan tìm mọi cách để tránh xa. Ngay từ lúc đi thang máy xuống Rapture, người chơi đã thấy ngay sự đối nghịch rõ rệt khi mà trong thang máy thì nghe Ryan quảng bá về thiên đường dưới đại dương, đến lúc bước ra ngoài thì đập vào mắt mình là một cảnh tượng vô cùng ghê rợn, nổi da gà.
Được lấy cảm hứng từ Gotham City cho đến Rockefeller Center, thành phố Rapture là một bức phông nền hoàn hảo cho câu chuyện sắp diễn ra trong BioShock. Ngoài ra, cốt truyện trong game còn vay mượn nhiều yếu tố Orwellian và cái cảm giác sợ hãi khi mà bạn bị nhốt dưới đại dương và bị săn lùng đích thị là được lấy từ những tác phẩm nghệ thuật như tựa phim kinh dị The Shining chẳng hạn. Mặc dù không phải là thế giới mở như những game khác, Rapture vẫn là một thành phố vô cùng tráng lệ và rất đáng để khám phá.
File City – Digimon World
File City có thể nói là một phần không thể thiếu trong tựa game vô cùng đặc sắc tên là Digimon World. Ra mắt trên hệ máy PlayStation vào năm 1999, Digimon World có một vài yếu tố nhập vai và tính năng xây dựng thế giới trong game (world building) có thể nói là đi trước cả thời đại. Một trong những “tính năng” đó là File City – thế giới mà người chơi sẽ đặt chân lên khi mới vào game. Từng là một thành phố vô cùng náo nhiệt, giờ đây chỉ còn là một nơi hoang vu và khu vực xung quanh File Island thì đang gặp nhiều hiểm nguy.
Nhiệm vụ của bạn là khôi phục lại File City và cứu lấy thế giới digital trong game. Trên hành trình, bạn sẽ được gặp các con thú Digimon khác và phải đánh bại nó bằng chính con Digimon của mình huấn luyện. Một khi giành chiến thắng thì bạn sẽ được lựa chọn là có muốn dẫn con Digimon đó về lại thành phố hay không.
Khi trở về thành phố, chúng không phải là để đứng yên làm cảnh mà là giúp khôi phục lại thành phố về thời hoàng kim của nó. Augmon thì mở nhà băng, Palmon thì làm nông tạo ra các tảng thịt to bự, nó giúp bạn có cảm giác như là mình đang thực sự làm những việc có ích cho xã hội, thêm vào đó phần nhạc nền trong game cũng rất là hấp dẫn. Trong khi mọi người đang đổ xô đi chơi Pokemon thì Digimon là một đối thủ rất xứng tầm, và dù cuốn hút như thế nhưng tiếc là nó không được nhiều game thủ quan tâm như là Pokemon.
Bayview – Need For Speed Underground 2
Bản chất đây là một tựa game đua xe, nhưng những gì nó thể hiện được trong game là nhiều hơn như thế. Need For Speed Underground đã tạo ra một làn sóng với tính năng độ xe cực kì đang dạng và phong phú, những màn rượt đuổi gay cấn, và phần âm nhạc phải nói là tuyệt cú mèo. Và để nâng tầm nó lên thêm 1 bậc, Need For Speed Underground 2 đã cho phép game thủ tự do khám phá thành phố trong game – những cung đường mà họ sẽ dùng để đua xe.
Thành phố Bayview sẽ là sân chơi của bạn, và nó được xây dựng dựa theo những nơi như Beverley Hills và thành phố Philadelphia. Bất kể bạn vừa chạy xe (hoặc đua xe) vừa nghe những bài nhạc rock của Papa Roach hay Queens of the Stone Age, hoặc là nghe những bản mix của nhạc dance như Black Betty và Riders on the Storm, thì Bayview đều bừng lên một sức sống rất riêng biệt.
Ngoài ra, thành phố này còn có nhiều khu vực bí mật, nhiều gara cho bạn độ xe, và nó còn cho phép bạn vượt mặt những tay lái khác để gạ đua, tất cả đều phối hợp với nhau để giúp bạn có hàng giờ giải trí với tựa game này. Sau này, có những series khác cũng học tập theo như Burnout và có lẽ thành công nhất chính là series Forza Horzion, nhưng Need for Speed Underground 2 và Bayview vẫn luôn là nơi mà mọi thứ đã bắt đầu.
Delfino Plaza – Mario Super Sunshine
Super Mario Sunshine là một tuyệt tác trên hệ máy GameCube. Mario vẫn là Mario, vẫn có những kỹ năng chạy nhảy nhưng lần này có thêm sự hỗ trợ của jet pack chạy bằng nước có tên là F.L.U.D.D, giúp Mario khám phá những nơi mà trước đây chưa thể làm được. Nhưng thứ khiến game này trở nên đặc biệt hơn cả là Delfino Plaza. Mario, Công chúa Peach, và một nhóm Toads đi đến hòn đảo Delfino để nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, Mario lại bị lầm tưởng thành một kẻ ác khác chuyên đi phá hoại cảnh quan tự nhiên của hòn đảo, sơn phết tùm lum tùm la và những con quái vật bắt đầu xuất hiện từng những vũng sơn đó. Vì vậy, nhiệm vụ của Mario là dọn dẹp hòn đảo, đồng thời thanh minh cho bản thân mình, và anh ta bắt đầu với Delfino Plaza.
Cũng giống như Princess Peaches Castle trong game Mario 64, Delfino Plaza như là một trung tâm (hub) cho phép Mario du hành sang thế giới khác. Ngoài ra, bản thân Deflino Plaza cũng có nhiều khu vực kì bí và đầy thử thách đang chờ đợi Mario khám phá, đó là chưa kể nơi đây còn có trái cây cho Yoshi ăn để biến thành những màu khác nhau nhìn vô cùng thích mắt. Bên cạnh đó, Deflino Plaza còn có các con thuyền trôi trên dòng sông, có khu chợ vô cùng huyên náo, và nhất là phần nhạc nền nghe cũng khá là vui tai, tạo ra một khung cảnh tràn đầy nhựa sống.
New York – Spider-Man Series
Nhắc đến game Spider-Man là kiểu gì bạn cũng sẽ thấy hình ảnh một người siêu anh hùng bay lượn chung quanh thành phố New York. Cứ sau mỗi bản game Spider-Man là thành phố này lại được tân trang thêm lần nữa, có khi tốt hơn có khi tệ đi, nhưng nhìn chung thì yếu tố thế giới mở trong game này là một trong những yếu tố được đánh giá cao. Với phiên bản mới nhất là Marvel’s Spider-Man (2018) trên PS4, bạn sẽ được chao lượn trên bầu trời của thành phố New York được thiết kế vô cùng tỉ mỉ và chi tiết, thậm còn có cả một số địa danh nổi tiếng xuất hiện trong game nữa.
Khi so sánh giữa hình ảnh ngoài thực tế với hình ảnh trong game, mặc dù có những chi tiết chưa chính xác lắm nhưng có thể nói là nó nhìn y như thật, tái hiện quận Manhattan một cách chân thực nhất. Mặc dù người chơi có thể đu lượn, bay qua các tòa nhà chọc trời, xuyên qua các vạt nắng cuối ngày để đến được địa điểm cần đến, nếu bạn làm biếng thì vẫn có thể cho Spider-Man đi tàu điện ngầm để di chuyển cho lẹ cũng được, một tính năng khá là sáng tạo đấy Insomniac Games.
Không cần đi đâu xa, chỉ cần ngồi nhà là bạn đã có thể tham quan những địa điểm có thật ngoài đời như quảng trường Madison Square Garden, toà nhà Empire State Building, tòa nhà One World Trade Center, hay những địa điểm hư cấu trong vũ trụ Marvel như tòa Avengers Tower, nhà của Dr. Strange, và tòa đại sứ quán Wakandan Embassy. Tất cả đều giúp việc khám phá thành phố New York trở nên vô cùng thú vị và thích thú.
Lavender Town – Pokemon Red & Blue
Series Pokemon có rất nhiều địa điểm và thành phố trứ danh. Trong khi các thành phố trong những phần mới đây đều rộng lớn hơn, rực rỡ hơn, sống động hơn thì đồng thời chúng cũng khá là dị, chẳng hạn như Fortree City nằm ở vị trí rất là oái oăm, đã thếviệc di chuyển trong thành phố cũng rất chật vật vì có quá nhiều thang và lối đi. Và đây cũng là lý do vì sao mà những thành phố trong các phiên bản cũ vẫn nổi bật hơn cả, trong đó có Lavender Town là không thể không nhắc đến.
Xuất hiện trong phần Red và Blue, Lavender Town là một thị trấn khá là yên tĩnh và cũng chẳng có phòng gym nào cả, vì thế cho nên nhiều game thủ đã nghĩ rằng đây chỉ đơn thuần là trạm dừng chân sau khi ra khỏi đường hầm Rock Tunnel. Tuy nhiên, Lavender Town sau đó lại đóng một vai trò vô cùng quan trọng mà game thủ không hề hay biết. Khi người chơi trò chuyện với cư dân nơi đây thì biết được rằng ở đây có Pokemon Tower, nơi an nghỉ cuối cùng của những con Pokemon đã qua đời.
Điều này biến một tựa game dành cho trẻ em trở nên vô cùng gần gũi với thực tế, nhất là cái cảm giác khi mất đi một con thú cưng mà mình từng yêu thương. Khi lên được đến đỉnh tháp thì bạn sẽ biết được câu chuyện quả cảm và cùng đầy bi tráng của Cubone, khi mà mẹ của nó là Marowak đã hi sinh để bảo vệ con mình khỏi bàn tay của Team Rocket. Khá là “deep” đối với một tựa game dành cho con nít đó.
Bằng cách đánh bại hồn ma của Marowak, giúp nó siêu thoát và khi giải cứu Mr. Fuji, người chơi sẽ được nhận cây sáo PokeFlute để đi tiếp qua màn. Cubone thì sẽ được chăm sóc bởi Mr. Fuji cho nên có thể nói đọan này kết thúc có hậu, nhưng không thể phủ nhận đây thật sự là một nốt trầm nổi bật trong một tựa game mang màu sắc tươi tắn như Pokemon.
Gotham City – Batman Arkham Series
Cũng giống như thành phố New York trong game Marvel’s Spider-Man, thay yếu tố đu tơ nhện bằng lướt cánh dơi của Batman thì bạn đã biết được vì sao thành phố Gotham City trong series Batman Arkham lại nổi tiếng đến như thế. Game thủ từng chết mê chết mệt với một tựa game mà trong đó bạn được làm Batman tự do đu lượn trong một bối cảnh thế giới mở. Arkham Asylum, mặc dù lấy bối cảnh trên hòn đảo, đã rất thành công vì thế giới trong game được làm rất chi tiết, đầu tư kỹ lưỡng, và đồng thời khuyến khích game thủ khám phá bản đồ để mở khóa những bí mật trong tựa game này. Ngoài ra thì nó còn hé lộ cho người chơi thấy được tiềm năng khi thế giới trong game được mở rộng, và đó cũng chính là những gì mà Rocksteady đã làm trong những phần Batman Arkham tiếp theo, nhất là khi nó “lấn” tới Gotham City.
Vào vai Batman, người chơi sẽ được khám phá hang cùng ngõ hẻm trong thành phố trong 3 phần tiếp theo, và tất cả đều tái hiện chính xác không khí u ám từng xuất hiện trong phiên bản truyện tranh. Cảm giác điều khiển Batman bay từ nóc tòa nhà này sang nóc tòa nhà khác, chờ thời cơ để vồ lấy “con mồi” vô cùng thích thú và kịch tính; và việc lật tung thành phố Gotham để khám phá mọi bí mật của nơi này tuy là mệt bở hơi tai nhưng phần thưởng nhận lại là rất xứng đáng.
Đặc biệt, trong phần cuối Arkham Knight còn có chiếc xe Batmobile trứ danh. Mặc dù nó hơi bị lạm dụng trong phần cốt truyện nhưng việc lái chiếc xe này “dạo phố phường” đã từng là ước mơ của biết bao game thủ, đó là chưa nói đến fan của DC Comics đấy nhé. Mặc dù với phần này thì series Batman Arkham có bị tuột dốc thật, nhưng thành phố Gotham thì vẫn luôn là một nơi mà game thủ có thể ghé thăm mà không thấy chán.
Springfield – Simpsons Hit And Run
Hồi nhỏ hay ngồi xem hoạt hình trên TV, anh em chắc hẳn cũng đã từng mơ ước sẽ được đặt chân đến những địa điểm trong phim đúng không? Sau này lớn lên, anh em xem đô vật WWE thì có thể mua game WWE về để được điều khiển những đấu sĩ mình hâm mộ; hoặc ai thích series hoạt hình South Park thì Stick of Truth và Fracture But Whole là 2 trong số các tựa game rất đáng để anh em trải nghiệm khung cảnh y như trong phim. Nhưng nổi bật hơn cả có lẽ là thành phố Springfield trong Simpsons.
Mặc dù phần trước đó là Simpsons: Road Rage cho phép anh em khám phá một phần Springfield, tiếc một điều là chế độ arcade lại gò bó người chơi trong khuôn khổ thời gian. Còn với bản Simpsons: Hit And Run thì thời gian không còn là vấn đề nữa. Cơ bản mà nói thì đây là một tựa game Grand Theft Auto phiên bản The Simpsons. Người chơi có thể tự do khám phá 7 màn chơi trong game và các địa điểm nổi tiếng tại thành phố Springfield, đồng thời để tăng thêm phần thú vị thì anh em còn có thể truy tìm những đồ vật bí ẩn và các chiếc xe đang ẩn nấp nằm rải rác tại Springfield.
Cũng giống trong GTA có cơ chế truy nã, khi bạn chạy xe trong game Hit and Run thì sẽ có một thanh “Hit and Run” hiện lên. Thanh này sẽ dần dần đầy lên khi bạn tông trúng người khác hoặc phá hoại của công, cảnh sát sẽ từ từ “đánh hơi” được và rượt bạn chạy khắp thành phố Springfield, tạo ra những tình huống cao trào cực kì hào hứng luôn. Game còn cho phép bạn ghé qua những địa điểm được nhắc đến nhiều trong phim như Kwik-E-Mart, khám phá khu Evergreen Terrance, bị phạt tại trường tiểu học Springfield Elementary. Đây thật sự xứng đáng là một tựa game mà fan của The Simpsons nên chơi thử.
New Vegas – Fallout: New Vegas
Fallout có rất nhiều địa điểm nổi tiếng, chẳng hạn như Rivet City, Megaton và Diamond City, nhưng để nói là thành phố ấn tượng nhất thì có lẽ là New Vegas vì nó có hẳn một tựa game với cốt truyện dành riêng cho thành phố này. New Vegas là phiên bản hậu tận thế của Las Vegas; thay vì bị “bay màu” như Capital Wasteland of DC hay Commonwealth of Boston thì nó đã được cứu bởi khối óc vĩ đại (và rất nhiều tiền) của Mr. Robert House. Dưới sự dẫn dắt của ông ta, New Vegas được trang hoàng với các sòng bạc (casino), khách sạn, những ngọn đèn sáng rực và tất nhiên là không thể thiếu những phụ nữ đứng mời gọi khách tham quan.
Phần đầu của game thì bạn sẽ di chuyển đến New Vegas để làm một số nhiệm vụ, nhưng chính cái cảm giác hào hứng, mong chờ trong lần đầu đặt chân đến đây (thậm chí ngay cả những lần chơi lại) đã khiến cho trải nghiệm của bạn tại nơi này thêm phần thú vị, hấp dẫn. Lúc bạn mới tới đây thì cuộc vui chỉ mới bắt đầu mà thôi. Mạch truyện chính sẽ tiếp diễn và bắt đầu xuất hiện những bè phái khác nhau, nhưng bên cạnh đó cũng có kha khá nhiệm vụ phụ có liên quan đến các sòng bạc, và đây chính là cách để bạn tìm hiểu thêm cũng như đào sâu vào cốt truyện của Fallout: New Vegas.
Ở phía bên ngoài New Vegas, ngay cả các khu ổ chuột cũng có nhiệm vụ phụ để bạn bắt đầu một hành trình mới. Khu ổ chuột Freeside thì toàn là các thành phần hung hãn, đều là những lụ bặm trợn mặc đồ y như ông Vua nhạc rock & roll – Elvis Presley. Còn khu Westside là một chiến trường đầy thử thách, chỉ dành cho những ai đủ dũng cảm để đọ skill, đối đầu với băng đảng quái xế Fiend khét tiếng. Quay lại với nhân vật chính thì bạn đã tìm đến New Vegas để “nói chuyện” phải quấy với một người ăn mặc rất bảnh tỏn; vì thế nên sẵn đang ở New Vegas thì cũng nên tận hưởng một bữa ăn ngon tại nhà hàng Ultra-Luxe, đi xem chương trình trình diễn tại Tops Casino hoặc là xõa hết mức, quẩy tung nóc nhà tại Gomorrah. Bạn thích hưởng thụ, sống xa hoa theo cách nào thì New Vegas đều đáp ứng cho bạn được hết.
Los Santos – GTA: San Andreas
Đồng ý rằng Grand Theft Auto 5 có thể là phiên bản GTA thành công rực rỡ nhất và được nhiều game thủ đón nhận nhất, nhưng thành phố Los Santos trong phiên bản này hoàn toàn thua thiệt so với Los Santos từng xuất hiện trong GTA: San Andreas ra mắt hồi năm 2004. Đúng là Los Santos trong GTA V có hào hoáng, tráng lệ, nhìn bắt mắt và sôi động hơn hẳn, nó lại thất bại trong việc đem đến cho game thủ những cảm xúc như GTA: San Andreas đã từng làm. Đoạn Micheal tham dự buổi công chiếu bộ phim của mình đúng là có mang lại cảm giác khá là tuyệt vời đó, nhưng ngoài ra thì hầu như nó chẳng còn có gì khác.
Còn đối với Los Santos của GTA: San Andreas thì có rất nhiều trường đoạn khiến game thủ nhớ mãi: khúc đột nhập vào biệt thự của Madd Dogg; trong nhiệm vụ “Just Business”, khi bạn bị rượt đuổi phải tháo chạy qua những đoạn cầu cạn (viaduct); đoạn tái hiện lại cảnh bạo loạn ở L.A., cũng là lúc trận chiến với Big Smoke diễn ra; và rồi khúc rượt đuổi cuối cùng với Tenpenny, quay trở về Grove Street nơi mọi thứ đã bắt đầu. Tất cả những phân cảnh này đã tạo ấn tượng mạnh trong tâm trí game thủ, kết hợp với nhau để kể một câu chuyện mà trong đó, thành phố Los Santos không chỉ là phông nền mà nó còn đóng một vai trò then chốt trong mạch truyện.
Phiên bản Los Santos trong San Andreas u ám hơn nhưng cũng đồng thời “bánh cuốn” hơn, ngoài ra thì việc lái xe dạo phố, hoàn thành những nhiệm vụ phụ cũng thú vị hơn so với phiên bản trong GTA V. Tính năng “gang territory” (địa phận của bọn côn đồ) tuy có hơi phiền phức một xíu nhưng nó cũng là nơi cho phép bạn đập phá tất cả và đảo lộn mọi thứ, đúng như những giá trị cốt lõi của series GTA; rồi các hoạt động phụ như chơi bida, nhảy đầm, đi tập gym cũng phù hợp với nhân vật chính trong game hơn là những trò cảm giác mạnh base jumping (nhảy từ trên cao xuống) hay đi lặn (scuba diving) trong GTA V. À, còn một điều nữa là đài phát thanh của Los Santos trong San Andreas nghe chất lượng hơn hẳn so với Los Santos trong GTA V.
Nguồn: What Culture