Top 10 tựa game Remastered thất bại nhất mọi thời đại!

Phong trào remaster, remake các tựa game ngày trước đang dần trở nên thịnh hành hơn với các tựa game như Resident Evil 2 & 3 vừa có thêm bản remaster vào năm 2019 và 2020, hay mới đây hơn là bản Final Fantasy VII remake được rất nhiều game thủ trầm trồ và giới phê bình khen ngợi. Nó không chỉ giúp game thủ có một vé đi về tuổi thơ, sống lại những ký ức ngày ấy mà còn giúp các nhà phát triển tạo ra một phiên bản giống với ý định ban đầu của mình nhất.

Tuy nhiên, với một số khác thì đâu là dấu hiệu cho thấy nhà phát triển đang bị cạn ý tưởng và ra mắt các bản remaster để cầm chừng, “câu giờ” tìm ý tưởng cho phần game tiếp theo. Và không phải cứ bất kì bản remaster nào cũng thành công, cho dù bản gốc có là bom tấn đi chăng nữa. Kết quả là nó làm “xấu mặt” tựa game đó, hay rộng hơn nữa là ảnh hưởng đến cả một dòng game. Sau đây là danh sách 10 tựa game remaster nhưng lại tệ hại hơn cả bản gốc.

The Secret Of Monkey Island: Special Edition

Trước khi xỉ vả phiên bản Special Edition thì trước hết phải công nhận một điều rằng nhờ nó mà thế hệ trẻ sau này mới được biết đến dòng game phiêu lưu đình đám 1 thời của hãng Lucasarts. Dù vậy, chất lượng của The Secret Of Monkey Island: Special Edition phải nói là rất tệ. Cơ chế điều khiển được điều chỉnh lại để phù hợp với tay cầm Xbox, nhưng nó lại phản tác dụng vì rất là cồng kềnh và chẳng hợp với một tựa game phiêu lưu tí nào. Phần lồng tiếng được làm mới hoàn toàn nhưng cũng rất dở và không bộc lộ được tính cách của từng nhân vật.

Phong cách đồ họa hoạt hình (cartoon) theo kiểu mới cũng chẳng hợp lý chút nào, so với bản gốc chỉ là một nhúm pixel thì nó còn có ý nghĩa hơn là cả phiên bản đồ họa mới này. Cũng may mà nó có một vài điểm sáng le lói như phần khung nền (background) được vẽ tay rất đẹp, giúp tăng độ chi tiết cho game; còn phần nhạc nền thì được hòa âm phối khí lại, nghe rất vui tai và giải trí. Chơi thì vẫn ổn thôi, nhưng tốt hơn hết là bạn nên chơi bản gốc thì tốt hơn.

Final Fantasy VI – Phiên bản iOS và Android

Final Fantasy VI được phát hành lần đầu trên nền tảng SNES, và phải nói đồ họa của nó lúc đó rất là ưa nhìn. Tuy nhiên, khi game được chuyển sang nền tảng mobile với đồ họa mới thì nhìn nó rất là tệ. Phần nền background thì được vẽ tay rất sơ sài, thiếu sức sống, chả có điểm nhấn gì cả; model nhân vật thì được “cải thiện” nhưng lại chẳng tới nơi tới chốn, pixel không ra pixel mà hiện đại cũng chả ra hiện đại, và khi để nó đứng chung với phần background xấu tệ kia thì các nhân vật nhìn chẳng khác gì được cắt ra từ miếng bìa cạc-tông.

Toàn bộ game nhìn giống như là một dạng game fake, game nhái xuất hiện nhan nhản chứ không có một chi tiết nào cho thấy nó là hàng chính chủ của hãng Square Enix xịn sò cả. Đã thế, Final Fantasy VI còn là một trong những phần mà game thủ rất yêu thích, cho nên việc đồ họa bị downgrade như thế này là một điều càng không thể chấp nhận được. Cứ như thể đây là một tựa game được làm vội để lấy tiền của người chơi vậy.

Bully: Scholarship Edition

Vào năm 2008, tiếp nối thành công vang dội của tựa game hành động phiêu lưu Bully vào năm 2006, Rockstar Games đã ra mắt phiên bản remaster dành cho thế hệ console mới thời bấy giờ là Xbox 360 và Wii (không hiểu sao mà Rockstar lại chừa PS3 ra), và rồi vài tháng sau cũng được chuyển (port) lên PC. Lúc đó, phiên bản này được quảng bá là sẽ có âm thanh và hình ảnh được cải thiện, thêm nhiệm vụ, bài học, và các vật phẩm mới. Và tất cả những thứ đó đều rất tệ.

Trong khi phần âm thanh đúng là có chất lượng ngon lành hơn thì bù lại phần hình ảnh, bao gồm cả model nhân vật, thì lại nhìn thấy gớm, nếu không muốn nói là có phần hơi ghê rợn (creepy). Các bài học mới thêm vào thì cũng được, nhưng nó chẳng có gì nổi bật cả. Những nhiệm vụ bổ sung thì thực chất nó là nội dung bị cắt bỏ trong bản gốc trên PS2 vì chất lượng không đạt chuẩn và lâu lâu còn khiến máy bị đơ nữa. Tệ nhất là bản remaster này dính rất nhiều lỗi kỹ thuật, khi chơi trên Xbox 360 đời cũ thì bị crash liên tục vì không được test kỹ lưỡng trước khi ra mắt; còn bản PC thì chất lượng cũng không khá khẩm hơn là bao.

Assassin’s Creed: The Ezio Collection

Trong tất cả các bản Assassin’s Creed thì Assassin’s Creed II và 2 phần kế nhiệm có lẽ là bản chiếm được cảm tình của fan nhiều nhất. Mặc dù gameplay có phần cũ kỹ và cồng kềnh so với cơ chế trong những phiên bản mới, đây lại chính là cột mốc sáng chói nhất trong series này. Và cũng chính vì thế, cách tốt nhất để ăn mừng sự thành công này là tung ra phiên bản remaster của bộ 3 game này, chí ít thì Ubisoft nghĩ thế. Bộ game này có tên là Assassin’s Creed: The Ezio collection, gói gọn 3 game vào làm 1, và ngoài ra nó chẳng được tích sự gì cả.

Bên cạnh việc bổ sung texture độ phân giải cao thì những khía cạnh còn lại trong game hầu như là thụt lùi so với phiên bản gốc. Những hiệu ứng môi trường như sương mù và volumetric lighting đều không có, khiến cảnh vật trong game nhìn thiếu sức sống, không có chiều sâu. Đã thế, màu sắc cũng bị làm nhạt bớt, nhìn cứ tái tái sao ấy. Bên cạnh đó, phiên bản này còn bị khóa ở mức 30fps dù đang chạy trên hệ máy console hiện đại là PS4 và Xbox One với sức mạnh phần cứng dư sức để kéo 60fps.

Flashback (2013)

Tựa game đi cảnh Flashback (1992) của Delphine Software có độ khó khiến nhiều game thủ phải ức chế, nhưng không thể phủ nhận rằng nó rất độc đáo và đáng khen ngợi. Vào thời điểm đó thì cơ chế giải đố và đi cảnh đã giúp game trở nên chân thật hơn, tách biệt so với những tựa game cùng thời. Phần cốt truyện cũng khá hay với nhịp độ vừa phải, bóc tách từng chi tiết một cách hợp lý. Cho đến đầu những năm 2010 thì kế hoạch remake tựa game này bắt đầu thành hình khiến không ít game thủ ngóng trông, đợi chờ. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó mà nhà phát triển VectorCell đã phá tanh bành tựa game này luôn, bỏ hết mọi thứ hay ho trong bản gốc và thay vào đó là một tựa game đi cảnh – bắn súng tẻ nhạt và chả có gì ấn tượng.

Nội dung gameplay bị đơn giản hóa (simplified) một cách khó tin, chả đòi hỏi game thủ phải động não gì cả. Ngoài ra thì bản remake này lại tập trung vào cơ chế combat, biến Flashback thành một tựa game run-and-gun (chạy và bắn) vô cùng dễ. Đồ họa 2,5D trong phiên bản này cũng “không có tuổi” so với bản gốc được vẽ tay vô cùng đẹp. Bên cạnh đó, cốt truyện cũng bị thay đổi, tuy được mở rộng nhưng có nhiều chi tiết bị tiết lộ sớm hơn so với bản gốc, khiến game chả còn gì gọi là bí ẩn hay thú vị cả.

Tony Hawk’s Pro Skater HD

Series Tony Hawk có thể nói là đã bị khai tử rồi, nhưng nhà phát hành vẫn chưa muốn chôn nó một cách chính thức. Từng có thời kỳ dòng game này rất nổi tiếng với các tựa game như Pro Skater 2 và Tony Hawk’s Underground, dần dần nó lại bị mất đà và tuột dốc không phanh với các phiên bản Tony Hawk: Ride và Tony Hawk: Shred. Cứ tưởng đến phần bom xịt Tony Hawk’s Pro Skater 5 là xong hết rồi, nhưng vẫn còn tiếp Tony Hawk’s Pro Skater HD – một bản “hỗn hợp” của 2 phần Tony Hawk’s Pro Skater đầu tiên trên hệ máy Sony PlayStation. Trên giấy tờ thì đây là một ý tưởng không tồi chút nào, nhưng khi thực hiện thì nó thực sự là một thảm họa.

Game chả có chiêu (trick) hay tính năng gì của những phiên bản mới, đã vậy những tính năng cốt lõi của Tony Hawk’s Pro Skater như park editor (tùy chỉnh công viên) và local multiplayer (chơi bằng mạng nội bộ) cũng bị lược bỏ. Đối với những ai mới chơi thì sẽ cảm thấy game rất là nhạt, rỗng tuếch, cồng kềnh, và lỗi thời, không có những tính năng mới như những game ngày nay. Còn đối với những fan gạo cội thì lại cảm thấy đau lòng hơn vì game rất là xơ xác, trơ trọi vì thiếu những nội dung mới vốn được người chơi rất ưa thích.

Warcraft III: Reforged

Blizzard Entertainment được biết đến như là một hãng game “thống lĩnh” thể loại MMORPG với huyền thoại World Of Warcraft, dẫm bẹp tất cả các đối thủ dám tuyên chiến với nó. Và với tựa game chiến thuật thời gian thực Warcraft III: Reign Of Chaos (2002) thì vị thế của họ được tái khẳng định. Với phong cách đồ họa hoạt hình 3D trứ danh cùng gameplay cân bằng và giao diện trực quan, Reign Of Chaos đã nhận được vô vàn lời tán dương cũng như ủng hộ từ fan gạo cội lẫn lính mới. Vì thế, khi Blizzard công bố bản remaster Warcraft III: Reforged, hứa hẹn sẽ có đồ họa hoành tráng và bắt mắt hơn, game thủ ai nấy cũng đều phấn khích, trông đợi vào phần này.

Nhưng khi game ra mắt vào tháng 1/2020 thì niềm hứng khởi đó đã ngay lập tức bị chuyển hóa thành phẫn nộ vì game đầy rẫy lỗi kỹ thuật, gameplay thì bị thay đổi hoàn toàn, còn giao diện thì muốn xúc phạm người chơi. Ngoài ra thì có nhiều tính năng được Blizzard hứa hẹn trước đó nhưng trong phiên bản chính thức lại không thấy đâu. Điều tồi tệ nhất chính là game thủ không vào lại được bản gốc Reign Of Chaos, chỉ có thể chơi bản remaster Reforged mà thôi. Nó thảm họa đến mức Blizzard buộc phải chấp nhận hoàn tiền cho game thủ trong vòng một nốt nhạc, và trên Metacritic thì đây là tựa game có số điểm thấp nhất trong lịch sử. Một điều khá buồn cười là Blizzard biện minh rằng họ “lừa tình” game thủ là vì “muốn giữ đúng tinh thần của bản gốc”.

Silent Hill HD Collection

Mặc dù kể từ giữa những năm 2000, dòng game Silent Hill đã có dấu hiệu đi xuống về mặt chất lượng và có một dự án reboot cũng bị hủy bỏ, những phần Silent Hill đầu tiên phải nói là rất hay và là một mốc son chói lọi trong thể loại game kinh dị. Đến thời Xbox 360 & PS3, khi mà việc đưa các tựa game cũ lên hệ máy mới với chất lượng đồ họa được cải thiện trở nên phổ biến, thì Hijinx Studios đã quyết định đem Silent Hill 2 và 3 lên các hệ máy mới, gộp lại thành Silent Hill HD Collection, rồi sẵn bóp chết luôn 2 tựa game đình đám này.

Dòng game Silent Hill nổi tiếng là nhờ có đồ họa u ám, tĩnh mịch, với một làn sương khói dày đặc bao trùm lấy thành phố, hạn chế tầm nhìn của người chơi, kết hợp với hiệu ứng nhiễu hạt (film grain) càng khiến bầu không khí trở nên kịch tính, căng thẳng tột độ. Tuy nhiên, đến phần HD thì làn sương này lại mỏng như một tấm vải voan, còn hiệu ứng nhiễu hạt kia thì biến mất hoàn toàn luôn. Phần texture và model của nhân vật gần như là y xì như cũ, chả có dấu hiệu gì gọi là cải thiện cả. Thêm vào đó, những đoạn phim cinematic được upscale và kéo giãn một cách khá là cẩu thả và vụng về; trong khi đó phần lồng tiếng vốn đã hoàn hảo thì chẳng biết lý do vì sao mà lại bị thay thế bằng một phiên bản khác, xem ra Hijinx Studios cũng khá là rảnh đó. Chính những điều này đã đào hố chôn luôn 2 tựa game đình đám, và nói rộng ra là “giết” luôn cả dòng game này.

Teenage Mutant Ninja Turtles: Turtles In Time Re-Shelled

Đây là một tựa game beat ‘em up với 4 nhân vật chính là 4 chú ninja rùa quen thuộc Donatello, Leonardo, Michelangelo, Raphael, mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Đây chính là bản remake của tựa game điện tử thùng (arcade) Teenage Mutant Ninja Turtles: Turtles in Time ra mắt vào năm 1991. Bản remake bổ sung thêm tính năng tấn công theo 8 hướng, trong khi bản gốc chỉ có 2 hướng mà thôi. Ngoài ra thì đồ họa cũng được nâng cấp thành dạng 3D, phần lồng tiếng được thu âm lại, nhạc nền cũng được thay mới luôn.

Tuy nhiên, Turtles in Time lại là một minh chứng hùng hồn cho việc remake một tựa game kinh điển nó nguy hiểm đến mức nào. Bản game gốc trên điện tử thùng là một trong những game arcade hay nhất mọi thời đại, và cũng là tuổi thơ của rất nhiều người. Tiếc thay, Ubisoft đã bắt tay vào công cuộc remake tựa game này và ra mắt phiên bản Re-Shelled, và nó đã làm ô uế danh tiếng của phiên bản gốc, nếu không muốn nói là nó xúc phạm cả fan trung thành. Mặc dù giới phê bình đánh giá cao mảng đồ họa cũng như cải tiến về mặt công nghệ, gameplay của nó lại rất lỗi thời và cơ chế điều khiển cũng chả có gì cầu kì, không phát huy được hết tiềm năng của phần cứng thế hệ mới. Lẽ ra Ubisoft nên để quá khứ ngủ yên mới phải.

Heroes of Might & Magic III – HD Edition

Heroes of Might and Magic III: The Restoration of Erathia là một tựa game chiến thuật theo lượt ra mắt lần đầu trên PC (Windows) vào năm 1999. Người chơi có thể chọn và chơi tới 7 màn chiến dịch khác nhau để tìm hiểu về cốt truyện, hoặc mở một trận đấu riêng với máy hoặc người chơi khác. Vào thời điểm đó thì game được rất nhiều người chơi và giới phê bình khen ngợi nhờ gameplay có chiều sâu và giữ được phần hồn của các phiên bản trước. Bẵng cho đến năm 2015 thì Ubisoft quyết định ra mắt phiên bản HD Edition dành cho PC lẫn tablet Android và iOS. Tuy nhiên, bi kịch lại bắt đầu từ đây.

Vì phần mã nguồn (source code) của các bản mở rộng đã bị mất nên HD Edition chỉ bao gồm base game thôi chứ không có 2 gói DLC như với bản gốc. Đã thế, phiên bản này còn mắc cơn cả bản Complete với đầy đủ DLC, cho nên nhiều game thủ thà mua bản này rồi cài thêm mod miễn phí cho hình ảnh đẹp hơn chứ không dại gì mà mua phiên bản HD kia. Và mặc dù chất lượng hình ảnh, nhất là trong những pha combat, được cải thiện rõ rệt, phần animation lại rất là thô sơ, không được chăm chút kỹ lưỡng. Phần bản đồ chính tuy có rõ nét hơn nhưng vẫn phải dí mắt vào màn hình mới có thể phân biệt đâu là một món cổ vật, đâu là một nhóm quái vật. Nói tóm lại thì vẫn ghi nhận những nỗ lực của Ubisoft, nhưng nhiêu đó thôi vẫn chưa xứng đáng với những gì mà game thủ mong đợi, và nó cũng không hấp dẫn hơn là bao so với việc mua bản Complete về rồi cài mod đồ họa HD miễn phí như có đề cập bên trên.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: What Culture; TheThings; GameSpot


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360