Như chúng ta đều biết thì trong một chiếc máy tính RAM hệ thống sẽ làm việc với CPU, GPU sẽ làm việc với VRAM. Vậy có bao giờ bạn thắc mắc vì sao CPU và GPU lại không dùng chung RAM chưa? Nếu có thì chúng ta hãy cùng theo dõi bài viết này nhé.
Để cho sinh động và dễ hiểu hơn, hãy so sánh GDDR6 và DDR4.
DDR4
Giống như CPU, DDR4 có thể xử lý các tác vụ nhỏ rất nhanh với độ trễ cực thấp. DDR4 có độ rộng bus là 64 bit trên mỗi kênh, bạn càng có nhiều kênh RAM thì bus RAM càng rộng và băng thông càng cao. Mỗi xung nhịp của DDR có 2 lượt truyền tải dữ liệu (vào/ ra) nhưng nó chỉ và ghi ở lượt vào và đọc ở lượt ra mà thôi.
Đối với RAM hệ thống thì băng thông không phải là tất cả, chúng ta còn phải xét đến độ trễ nữa. RAM hệ thống cần phải được tối ưu đã sao cho có độ trễ thấp nhất để giúp CPU làm việc hiệu quả và mang lại trải nghiệm mượt mà cho bạn trong các tác vụ thường ngày.
Tiếp theo, chúng ta sẽ nói đến GDDR6 để thấy sự khác biệt của nó so với DDR4.
GDDR6
Không như DDR4, GDDR6 được tối ưu để cho băng thông lớn. GDDR6. Nó có thể chuyển những khối dữ liệu khổng lồ với tốc độ cực kỳ nhanh chóng. Để làm được điều đó, GDDR có độ rộng bus lớn hơn đáng kể so với DDR. GDDR cũng có thể đọc và ghi dữ liệu trên cả lượt vào và lượt ra trong 1 xung nhịp nên nó có thể chuyển dữ liệu nhanh hơn. RTX 2080 Ti sử dụng 11 chip GDDR6 có độ rộng bus bộ nhớ là 352 bit và đạt mức băng thông 616.0 GB/s. Mặc dù độ trễ tăng do timing không chặt chẽ như DDR4 nhưng điều đó không phải là vấn đề với GPU. Nó có thể dùng số lượng nhân xử lý rất lớn của mình để xử lý song song nhiều tác vụ, thế nên cũng không nhất thiết là bộ nhớ phải đáp ứng thật nhanh.
GPU thường xuyên phải lưu chuyển và xử lý khối lượng dữ liệu rất khủng khiếp. Những thứ như độ phân giải cao, độ chi tiết hình ảnh, các quá trình mô phỏng, hiệu ứng… sẽ làm cho hàng tấn dữ liệu cứ ra ra vào vào rồi chuyển đi chuyển lại trong bộ nhớ VRAM của GPU. Thế nên trong trường hợp này băng thông sẽ là thứ cần được ưu tiên hàng đầu.
Sự phát triển
Có một điều rất dễ thấy là các thế hệ DDR ra mắt chậm hơn GDDR rất nhiều. Ví dụ như DDR4 được phát triển từ năm 2005 nhưng phải đến năm 2014 nó mới được tung ra thị trường. DDR3 thì được ra mắt vào năm 2007 và vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay. Và trong thời gian đó thì chúng ta đã có GDDR3, GDDR4, GDDR5, GDDR5X và GDDR6 rồi. Vì sao vậy?
DDR chậm ra phiên bản mới là do nó bị kiểm soát và chi phối bởi JEDEC cũng nhiều nhà sản xuất. Ngoài ra thì nó cũng rất nhanh rồi rồi, các hệ thống PC bây giờ rất hiếm khi bị thắt cổ chai bởi RAM.
Trong khi đó nhu cầu về việc cải tiến hiệu năng bộ nhớ đồ hoạ ngày càng tăng, vì nó không chỉ để chơi game mà còn được sử dụng trong các tác vụ khác như AI, deep learning, tài chính chứng khoán, trung tâm dữ liệu… Mà mấy tác vụ này thì băng thông bao nhiêu cũng chẳng đủ, thế nên các hãng đua nhau phát triển thế hệ mới cũng là điều dễ hiểu.
Kết luận
Từ so sánh trên, chúng ta có thể thấy rằng DDR tối ưu để xử lý những dữ liệu nhỏ một cách nhanh chóng, vì thế nó được tối ưu để giảm độ trễ mà chấp nhận hy sinh băng thông. Trong khi đó đối với bộ nhớ đồ hoạ thì độ trễ không quá quan trọng do GPU có rất nhiều nhân hoạt động song song, chính vì vậy mà GDDR được thiết kế để đạt băng thông tối đa.
GDDR và DDR có thể đổi chỗ cho nhau không?
Câu trả lời ở đây là CÓ nhé, trên lý thuyết thì GDDR tối ưu cho GPU, DDR thì tối ưu cho CPU nhưng tùy theo mục đích mà người ta vẫn có thể đổi chỗ chúng cho nhau. Ví dụ điển hình là GDDR5 được dùng làm bộ nhớ hệ thống trên PS4. trước đó nữa thì là GDDR3 trên Xbox 360. Ngược lại, GPU cũng có thể dùng RAM hệ thống làm bộ nhớ đồ họa, ví dụ điển hình nhất là mấy con iGPU được tích hợp sẵn trong CPU của các bạn đấy.
Nguồn: gamersnexus