Top 10 tựa game bị cấm vì những lý do tào lao khó đỡ!
Đi cùng với các tựa game, bên cạnh những bài đánh giá review, là những vấn đề gây tranh cãi xung quanh. Đó có thể là về nội dung cốt truyện của game, do game có tính chất gây nghiện, là một phiên bản trá hình của cờ bạc, hay nổi cộm nhất là vấn đề về bạo lực.
Đúng là có những game vô cùng tệ hại và bị cấm với lý do hợp tình hợp lý. Nhưng bên cạnh đó cũng không thiếu game bị cấm hoặc bị kiểm duyệt gắt gao, đến mức nội dung gameplay bị biến dạng, mất chất mặc dù xét đi xét lại thì chả thấy nó có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Sau đây là danh sách 10 tựa game bị cấm vì những lý do trời ơi đất hỡi.
EverQuest – Bị cấm ở Brazil
Game online là một trong những nạn nhân xấu số nhất của việc bị cấm phát hành hoặc là bị buộc phải “làm mờ” (censor) một số thứ trong game. Điều này cũng không quá bất ngờ vì trong quá khứ đã từng có những game thủ chết vì game online rồi. Vì thế, những tựa game thuộc thể loại MMORPG thường bị kiểm duyệt gắt gao vì lý do an toàn cho cộng đồng.
EverQuest là một tựa game hoàn toàn “thiện lành”, không hề có máu me hay đồ họa gớm ghiếc gì cả. Nhưng chính quyền Brazil lại nghĩ rằng đây lại chính là yếu tố thu hút người chơi, dụ dỗ họ rơi vào thế giới ma thuật huyền bí và rồi khiến bạn làm chuyện phạm pháp lúc nào không hay biết. Một thẩm phán Brazil đã cáo buộc EverQuest khuyến khích người chơi “chống lại trật tự công cộng” bởi vì nó cho phép game thủ hóa thân vào các nhân vật độc ác, vì thế nên đến năm 2008 thì game này bị cấm.
Nếu bạn chưa biết thì 2008 là gần 10 năm sau khi EverQuest ra mắt, và đến lúc này thì chắc gạo cũng đã nấu thành cơm, những ai có ý định chống phá thì cũng đã làm từ lâu rồi. Chắc lúc đó phù thủy độc ác với pháp sư bỏ bùa mê đã tràn ngập đường phố Brazil luôn rồi, cấm làm chi nữa không biết.
47 tựa game ngẫu nhiên – Bị cấm ở Ả Rập Xê Út
Sau vụ án 2 đứa trẻ Ả Rập tự tử vào năm 2018 thì chính quyền nước này đã quyết định… cấm nguyên một danh sách 47 game đủ mọi thể loại. Trong số đó có những tựa game đình đám như Assassin’s Creed II, Grand Theft Auto V, Life is Strange, The Witcher III, Final Fantasy Dissidia NT, One Piece Burning Blood, Okami. Điểm đặc biệt của danh sách này là tất cả game đều chẳng có điểm chung nào cả.
Đồng ý rằng có vài game trong đó mang yếu tố bạo lực và có nội dung đồi trụy. Nhưng một tựa game dựa theo anime như One Piece, hay game YO-KAI Watch dành cho con nít thì có tội tình gì mà lại cấm nó cơ chứ? Chính quyền Ả Rập Xê Út cho biết những game này có liên quan đến thử thách Cá voi xanh (Blue Whale Challenge) – một trò chơi trên Internet thử thách game thủ hoàn thành 50 nhiệm vụ trong vòng 50 ngày, và nhiệm vụ cuối cùng là… tự tử. Vào thời điểm đó thì có 2 đứa trẻ kia là nạn nhân của trò này.
Tuy nhiên, mối liên hệ giữa 47 game này với thử thách kia vẫn là một điều bí ẩn. Nếu game bị cấm vì bạo lực thì cũng không đúng, vì danh sách này rất ít game như thế. Vả lại, God of War 1, 2, 3 thì bị cấm nhưng những phần God of War khác thì lại không. Đúng là khó hiểu thật. Chắc có lẽ một quan chức nào đó không thích 47 game này nên ra lệnh xóa sổ nó khỏi nước mình luôn cũng nên.
EA Sports MMA – Bị cấm ở Đan Mạch
Có một điều khá ngớ ngẩn là Đan Mạch có luật cấm không cho quảng cáo nước tăng lực. Vì thế nên khi ông lớn EA dự định mang EA Sports MMA đến với game thủ Đan Mạch thì họ đã vướng phải một số khó khăn nhất định. Những thứ nước uống tăng lực có chứa caffeine và nhiều đường thường được gán ghép với những thứ khá là “cực đoan”, dạng như Xtreme Football League, Ultimate Fighting, hay thức khuya chơi game chẳng hạn.
Vì thế, tựa game MAA với một loạt đấu sĩ được các hãng nước tăng lực tài trợ, mặc quần thi đấu có in hình hãng nước tăng lực trên đó, đánh nhau trên sàn đấu có in logo của hãng nước tăng lực, đã bị cấm không cho phát hành. EA có thể khắc phục bằng cách tìm những nhà tài trợ khác phù hợp hơn cho thị trường này, hoặc cùng lắm là bỏ những logo quảng cáo kia ra khỏi game thôi chứ có gì to tát đâu. Nhưng không, EA rất cứng đầu và bảo thủ, không muốn phá hủy sự “chân thật” của game nên đã từ chối thay đổi nội dung MMA, khiến game bị cấm vĩnh viễn ở nước này luôn. Vậy câu hỏi ở đây là lỗi này do ai?
South Park: The Stick Of Truth – Bị cấm ở Úc & châu Âu
Có lẽ cũng không có gì quá to tát khi một người nào đó nói là họ bị xúc phạm bởi South Park, bởi vì series này đã làm điều đó cả mấy chục năm nay rồi, và nó vẫn sống nhăn răng đấy thôi. Và với tựa game South Park: The Stick Of Truth thì nó còn bứt phá giới hạn, nâng tầm game này lên thêm một bậc nữa. Nhưng điều kì lạ với lệnh cấm game này ở Úc và châu Âu là cái tiêu chuẩn kép (double standard) dị hợm của nó.
Chương trình truyền hình South Park được chiếu thoải mái tại Australia mà không phải “che chắn” (uncensored) gì cả đối với khán giả từ 15 tuổi trở lên. Tuy nhiên, The Stick Of Truth lại bị cấm cho dù game này chỉ hướng đến đối tượng người lớn mà thôi, và lý do chỉ vì 1 cảnh duy nhất. Trong một phân đoạn của game thì người chơi sẽ bị người ngoài hành tinh bắt cóc, và nhân vật chính cùng với những người khác đều bị đem ra quấy rối tình dục. 2 cảnh với nội dung tương tự nhau, trong phim truyền hình thì nó lại ôkê với trẻ vị thành niên, còn với phiên bản game thì nó chả ôkê với đối tượng nào hết. Vậy là sao???
Tropico 5 – Bị cấm ở Thái Lan
Đáng lẽ ra phải là nước Cuba cấm tựa game này mới đúng, vì nó cho bạn vào vai một nhân vật hoạt hình nhìn khá là giống Fidel Castro trong một tựa game mô phỏng xây dựng thành phố. Tuy nhiên, Cuba không cấm, mà Thái Lan mới chính là nước cấm game này vì nó xâm phạm đến hòa bình và trật tự của nước này.
Trong Tropico 5, bạn sẽ điều khiển một nhân vật El Presidente đấu tranh để lật đổ chế độ (regime) của một nhà độc tài, rồi xây dựng chính quyền của riêng bạn bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có cả biện pháp chiến tranh quân đội. Và bất ngờ thay, chính quyền của Thái Lan bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự ngay trước khi game ra mắt 1 ngày. Do đó, dưới một góc nhìn nhất định thì bạn có thể thấy rằng chế độ mới của Thái Lan có vẻ hơi lo sợ khi mà người dân có một ý niệm gì đó về “dân chủ” từ một tựa game.
Bất kì game nào liên quan đến Phát xít – Bị cấm ở Đức
Nước Đức hiện tại có một mối quan hệ khá là phức tạp với Thế chiến II và chế độ (regime) Phát xít trên các phương tiện thông tin đại chúng và các loại hình nghệ thuật. Nước Đức không còn xa lạ gì với việc kiểm duyệt gắt gao (censorship). Hầu hết những cảnh bạo lực nào có máu me đều bị xóa bỏ, và game nào có nội dung hoặc cơ chế được cho là không phù hợp (như series GTA) đều bị dán nhãn 18+ hết. Thậm chí, có những game 18+ còn được cho là có hại cho trẻ nhỏ, và chỉ bán cho người lớn khi được yêu cầu mà thôi.
Cho đến năm 2018 thì Đức cấm tiệt mọi thứ liên quan đến Phát xít, thậm chí là game về Thế chiến II. Do đó, Wolfenstein II: The New Colossus đã bị kiểm duyệt vô cùng gắt gao và chỉnh sửa rất nhiều thứ để không bị cấm phát hành tại nước này, chẳng hạn logo Phát xít(chữ Vạn) bị thay thế thành logo của Wolfenstein, thậm chí bộ ria mép của Hitler cũng bị “cạo đi” để có dung mạo khác với Hitler. Nói chung là làm sao mà khi chơi game này game thủ ít nghĩ về Phát xít nhất thì làm. Đến năm 2018 thì Đức cũng liệt game vào hạng mục nghệ thuật, dỡ bỏ những lệnh cấm liên quan đến Phát xít.
Football Manager 2005 – Bị cấm ở Trung Quốc
Tưởng chừng như game này hoàn toàn vô hại, chả có gì khiến nó đáng để bị cấm cả, thì đùng một phát nó lại bị Trung Quốc cấm cửa. Bằng một cách nào đó mà bản quốc tế của Football Manager 2005 – trong đó có Đài Loan và Tây Tạng được liệt kê là 2 quốc gia riêng biệt – được phát hành tại Trung Quốc. Vì thế, Bộ Văn hóa của nước này đã thẳng tay cấm luôn game này vì nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền của Trung Quốc, xâm phạm đến luật pháp Trung Quốc, và đồng thời cộng đồng game thủ tại đây cũng dấy lên một làn sóng phản đối dữ dội. Ai mà bị bắt vì tội bán game này có thể phải đóng phạt 3600USD và bị tước giấy phép kinh doanh vĩnh viễn.
Nhà phát triển Sports Interactive đã nhanh chóng đính chính rằng phiên bản này đáng lẽ ra không được phát hành tại thị trường Trung Quốc, và phiên bản “đúng” sẽ có Đài Loan và Tây Tạng là một phần của Trung Quốc. Do đó, chúng ta có đến 2 phiên bản khác nhau chỉ vì vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Fallout 3 – Bị cấm ở Úc
Bạn có thể đoán rằng Fallout 3 bị cấm hoặc bị kiểm duyệt là vì nó có yếu tố liên quan đến ăn thịt người (cannibalism), văn hóa, cho phép game thủ kích hoạt bom nguyên tử và xóa sổ cả một thành phố (riêng cái này thì tất nhiên là bị cắt trong phiên bản của nước Nhật rồi), rồi còn vụ lạm dụng chất gây nghiện nữa. Trong đó, có một chất gây nghiện tên là Med-X, trong những phiên bản đầu tiên, mà nói trắng ra nó chính là morphine.
Tất cả chất gây nghiện khác trong game đều có tên hư cấu: Buffout là steroids, Mentats là Adderall, Jet là PCP; nhưng không hiểu sao Bethesda lại lấy tên của một chất gây nghiện có thật ở ngoài đời và đưa vào game luôn mà không thay tên đổi họ gì cả. Morphine sau đó được đổi tên thành Med-X, không chỉ cho thị trường nước Úc mà còn cho những phiên bản tại nước khác. Đây là một ca khá đặc biệt vì việc bắt Fallout 3 thay đổi nội dung lại khiến cho tựa game này đi về đúng với quỹ đạo, chứ không phải là phá hỏng nó.
Pokemon Go – Bị cấm ở Malaysia
Khi Pokemon Go ra mắt vào mùa hè năm 2016, thì game thủ lũ lượt xuống phố, ùn ùn kéo nhau đi bắt Pokemon, giúp nhau đi tìm những con Pokemon quý hiếm và đánh bại các phòng gym. Cứ như là mọi người đều chung tay hợp sức với nhau vì hòa bình thế giới vậy. Tuy nhiên, Ủy ban Islamic Consultative Committee In The Federal Territories Of Malaysia lại không nghĩ như thế. Ủy ban này cho rằng game khuyến khích người chơi theo đuổi quyền lực, so sánh các chiêu của con Pokemon giống như là cách để củng cố vị thế của một số vị thần nhất định. Do đó game bị cấm, không cho phát hành tại nước này.
May thay, lệnh này đã nhanh chóng được tháo bỏ, vì cộng đồng Pokemon tại đây đã cùng đứng lên và phản bác lại ý kiến của Ủy ban này. Sau đó Bộ Truyền thông đã xóa bỏ lệnh cấm và game được phát hành tại Malaysia như bình thường.
Tất cả các game – Bị cấm ở Hy Lạp
Được gọi là Luật 3037 (Law 3037), lệnh cấm này được ban hành vào năm 2002 với mục đích là để hạn chế và kiểm soát nạn cờ bạc bất hợp pháp. Ai mà bị bắt đang chơi game thì có thể bị phạt tiền đến 75000EUR và tối đa 1 năm tù giam. Để chấm dứt tệ nạn cờ bạc online mà phải cấm luôn tất cả các game thì có hơi… quá đáng không?
Và cuối cùng thì chính quyền Hy Lạp thừa nhận rằng họ cấm hết tất cả game là bởi vì họ không thể phân biệt được đâu là game và đâu là những chiếc máy đánh bạc bất hợp pháp. Sau nhiều cuộc biểu tình phản đối và nhờ sự can thiệp của Liên minh châu Âu thì luật này được nới lỏng và cho phép chơi game trong sự riêng tư. Nếu có một quán net nào mà muốn mở giải thi đấu StarCraft thì xác định sẽ có cảnh sát đến gõ cửa “hỏi thăm” đấy nhé. May thay, tòa án European Court Of Justice đã can thiệp một lần nữa và bãi bỏ luật này vào năm 2011. Nếu luật này vẫn còn hiện hành mà bạn móc Nintendo Switch ra chơi trên xe buýt là có khi được 1 vé vào thẳng trong tù luôn nhé.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
· Top 10 tựa game cho bạn điều khiển thời gian
· Top 10 tựa game cho bạn cưỡi ngựa tung hoành khắp thế gian
· Top 10 tựa game indie có đồ họa đẹp nhất
· Top 10 dòng game có cốt truyện cực hay khiến hàng triệu game thủ đắm say
· Top 10 tựa game anime miễn phí hay nhất trên Steam
Nguồn: What Culture
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!