Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao đã có phích cắm 2 chấu rồi lại có thêm phích cắm 3 chấu làm gì chưa? Chức năng của phích cắm 3 chấu là gì trong khi lắp thêm bộ đổi 3 chấu thành 2 chấu rồi cắm vào ổ điện vẫn chạy bình thường, thế thì chẳng phải dư thừa quá sao? Nếu bạn cũng đang có cùng những thắc mắc trên thì đây sẽ là bài viết dành cho bạn đấy. Trong bài viết này, mình sẽ giải đáp cho các bạn tại sao phích cắm lại có ba chấu.
Điều đầu tiên các bạn cần biết đó là trên ổ cắm 3 chấu thì sẽ có 2 lỗ cắm xếp ngang nhau (được gọi là lỗ cắm dây nóng và cắm dây nguội), còn lỗ thứ 3 sẽ là lỗ to nhất và nằm chính giữa phía bên dưới (được gọi là lỗ nối dây tiếp đất). Các bạn có thể quan sát hình bên dưới.
Nếu như các bạn chưa biết thì để pin có thể hoạt động được cần phải có dòng điện chạy từ cực này sang cực kia và mạch điện phải kín. Ở trong ổ điện cũng thế, khi bạn cắm dây điện vào ổ cắm tức là bạn đang tạo thành một cái mạch kín giúp cho dòng điện có thể chạy từ ổ nóng sang ổ nguội, từ đó cung cấp năng lượng cho thiết bị hoạt động.
Tuy nhiên, giả sử như một dây nào đó bên trong ổ cắm, hoặc dây điện bị lỏng và khi bạn cắm vào, nó sẽ bắt đầu dẫn điện lên bề mặt của các thiết bị, đặc biệt là các thiết bị có bề mặt kim loại. Lúc đó, khi các bạn đụng vào thì khả năng cao là các bạn sẽ bị giật điện. Và đây chính là lúc để chân cắm thứ 3 phát huy tác dụng.
Như mình đã nói ở trên, lỗ cắm thứ 3 trên ổ cắm sẽ được nối xuống mặt đất và chân cắm thứ 3 sẽ được nối trực tiếp với vỏ bề mặt của thiết bị. Phòng khi điện bị rò rỉ thì dòng điện này sẽ chạy thẳng xuống đất, tránh trường hợp bạn bị điện giật khi chạm tay vào bề mặt của thiết bị. Nếu các bạn để ý thì hầu hết các thiết bị điện trong nhà có bề mặt kim loại đều sử dụng phích cắm 3 chấu.
Vậy là mình đã giải đáp xong cho các bạn tại sao phích cắm lại có 3 chấu. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!