Những câu hỏi trên đề bài có lẽ đã là quá dễ cho mấy anh em dân công nghệ rồi. Tuy nhiên đối với những người mới thì việc phân biệt ổ cứng thể rắn hay ổ cứng cơ, HDD hay SSD chắc chắn sẽ có chút khó khăn. Hy vọng bài viết sau đây sẽ giúp anh em hiểu được vì sao chúng lại được gọi như vậy.
Đầu tiên chúng ta hãy nói đến ổ cứng HDD truyền thống trước nhé.
HDD – Ổ cứng cơ
HDD là viết tắt của Hard Disk Drive, dân Việt Nam mình hay gọi là ổ cứng. Đây là loại thiết bị lưu trữ truyền thống có từ năm 1955. Đến nay loại ổ cứng này vẫn cực kỳ phổ biến do giá thành dễ chịu. Về cơ chế hoạt động thì HDD có 2 bộ phận chính là đầu đọc/ ghi và cụm đĩa từ dùng để lưu trữ dữ liệu. Khi ổ cứng hoạt độ, cụm đĩa từ sẽ quay liên tục, đầu đọc có nhiệm vụ đọc và ghi dữ liệu trên các đĩa từ này. Khi làm việc, cụm đĩa từ và đầu đọc/ ghi sẽ chuyển động liên tục.
Bạn có thể xem video clip dưới đây để rõ hơn về sự chuyển động của đĩa từ và đầu đọc nhé
Lúc đầu thì người ta chỉ gọi HDD là ổ cứng thôi. Tuy nhiên về sau khi SSD ra đời thì người ta mới dùng từ “ổ cứng cơ” để gọi HDD, chỉ các bộ phận có chuyển động cơ học trong HDD để phân biệt với SSD.
Do chuyển động cơ học bị hạn chế bởi độ bền vật liệu, lực quán tính và độ chính xác cơ khí cùng nhiều yếu tố khác nên HDD sẽ có những hạn chế cơ bản như sau:
- Chịu va đập kém so với SSD do các bộ phận chuyển động cực nhanh rất nhạy cảm với sự biến dạng của vật liệu.
- Dễ mất dữ liệu theo thời gian do sự hao mòn vật lý.
- Tốc độ nhập, xuất không cao do bị hạn chế bởi các yếu tố vật lý quán tính tốc độ chuyển động.
SSD – Ổ cứng thể rắn
SSD là viết tắt của Solid State Drive – “Ổ lưu trữ thể bền vững” hay “Ổ cứng điện tử”, tên thuần Việt thông dụng nhất là “ổ cứng thể rắn”. Về mặt chức năng thì nó không khác gì HDD cả, vẫn là dạng thiết bị lưu trữ không mất dữ liệu khi bị ngắt nguồn thôi. Tuy nhiên nó khác ở chỗ là nó không có bất kì bộ phận chuyển động cơ học nào cho nên người ta mới gọi là “ổ cứng thể rắn” để phân biệt với HDD.
Thay vì lưu trữ trong đĩa từ như HDD thì SSD sẽ lưu dữ liệu trong những con chip nhớ của mình rồi dùng chip controller để truy cập đến từng phần dữ liệu trong những con chip nhớ đó. Thế nên nó không cần phải có chuyển động cơ học như HDD để đọc và ghi dữ liệu của mình.
Do đã loại bỏ được các chuyển động cơ học nên SSD cũng khắc phục được triệt để được những hạn chế liên quan đến cơ học vẫn tồn tại trên HDD.
Cái nào tốt hơn?
Có thể nói SSD ưu việt hoàn toàn so với HDD cũng không sai. Tuy nhiên do SSD vẫn còn đắt hơn HDD quá nhiều nên chắc chắn nó vẫn sẽ chưa thay thế được HDD trong tương lại gần. Hơn nữa là HDD hiện nay đã có độ bền cao hơn xưa rất nhiều, tốc độ của nó cũng đáp ứng được những nhu cầu cơ bản từ làm việc cho đến giải trí trong điều kiện hiện nay nên vẫn được nhiều người ưa chuộng.
Câu chuyện vẫn sẽ quay về vấn đề cũ là bạn cần cái gì, dung lượng hay tốc độ hơn mà thôi. Mà nói đến việc chọn SSD hay HDD thì cũng đã nằm ngoài khuôn khổ bài viết này rồi nên mình sẽ để link của các bài liên quan ở dưới đây để anh em tiện tìm hiểu thêm nhé: