Máy đã yếu không có GPU rời rồi mà nó còn ăn thêm RAM hệ thống nữa chứ.
Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao GPU tích hợp lại dùng chung RAM với hệ thống không? Việc dùng chung RAM với hệ thống không chỉ làm hao hụt một phần RAM dành cho CPU mà lại còn không tối ưu cho việc xử lý đồ họa nữa. Thế tạo sao các nhà sản xuất lại không trang bị cho GPU tích hợp khối bộ nhớ GDDR chuyên dụng để khỏi cần dùng RAM hệ thống mà còn nâng cao sức mạnh đồ họa nhỉ?
Nếu bạn cũng thắc mắc về việc này thì hãy cùng tìm hiểu nhé.
Vấn đề chi phí và mục đích ban đầu
Đây chắc chắn là vấn đề đầu tiên mà ai cũng thấy. Việc cho GPU tích hợp một chút RAM của riêng nó chắc chắn không phải là chuyện khó đối với những gã khổng lồ như Intel và AMD. Tuy nhiên nhét nhiều thứ vào một con CPU cũng đồng nghĩa với việc họ phải tăng giá nó lên và làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá.
Không phải ai cũng cần bộ nhớ riêng cho GPU tích hợp nhưng chắc chắn nếu người ta nhồi thêm bộ nhớ vào CPU và tăng giá nó lên thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người không thích. Nếu để ý một chút là những con CPU dòng F của Intel rất được ưa thích trong thời gian gần đây, chúng được lược bỏ luôn GPU tích hợp và giá thì rẻ hơn một chút so với bản bình thường. Có thể thấy là người dùng rất thích khi không phải trả thêm tiền cho cái mà họ không cần đến.
Về mục đích mà GPU tích hợp xuất hiện là nó được dùng để giúp CPU xuất hình và xử lý các tác vụ đồ họa đơn giản và… hết. Việc của nó chỉ có bao nhiêu đó và nó không được ảnh hưởng đáng kể đến lợi thế về giá của CPU. Nó là phần phụ và phần phụ thì không nên được ưu tiên hơn phần chính. Đến cả những CPU dòng G có GPU tích hợp của có GPU tích hợp siêu khỏe của AMD cũng không được trang bị bộ nhớ chuyên dụng riêng.
Có thể bạn nghĩ một còn GPU tích hợp có RAM riêng thì tốt nhưng bạn sẽ cần phải suy nghĩ lại về mức giá mà bạn phải trả cho nó đấy. Ai lại muốn tốn tiền cho GPU tích hợp trong khi họ có thể dùng khoản đó có để làm chuyện có ích hơn chứ?
Giới hạn kích thước
Mặc dù mấy con chip RAM cũng không bao lớn nhưng nếu bạn cố nhét nó vào một thứ nhỏ bé như CPU thì cũng sẽ là một vấn đề nan giải đấy. Có thêm RAM đồng nghĩa với việc phần đế silicon cũng phải lớn hơn, dẫn đến kích thước tổng thể cũng phải to hơn nhiều. Cứ đặt một thanh RAM kế bên con CPU là bạn nhìn ra vấn đề ngay ấy mà. Chỉ cần một cặp chip nhớ trên thanh RAM thôi cũng to xấp xỉ bằng cái đế silicon của CPU rồi. Nếu cứ cố nhồi thêm RAM vào CPU thì có khi con chip Core i bình thường cũng sẽ to như bọn Threadripper đấy. Lúc đó thì cỡ chuẩn socket trên mainboard cũng sẽ cần phải thay đổi để phù hợp với con CPU to đùng như thế.
Làm bằng đấy chuyện chỉ để nhét thêm RAM cho một con GPU tích hợp quả thật không đáng chút nào.
Dùng RAM hệ thống cho nó… tiện
Về cơ bản thì RAM hệ thống và RAM của GPU rời cũng là cùng một thứ, đều là RAM DDR, chúng chỉ khác về cách được tinh chỉnh cho từng mục đích mà thôi. RAM hệ thống thì được thiết kế cho tốc độ phản hồi nhanh nhất để phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ với CPU. Còn VRAM của GPU thì được thiết kế với cho băng thông lớn nhất có thể để hỗ trợ GPU khi nó giải quyết những khối công việc khổng lồ. RAM hệ thống vẫn rất ổn để chứa dữ liệu hình ảnh tạm thời, chỉ là nó không được tối ưu như VRAM thôi.
Hơn nữa dù sao thì RAM hệ thống cũng phải hoạt động chung với CPU nên việc trích ra một ít để xử lý đồ họa cũng tiện hơi so với việc nhồi cho nó một khối bộ nhớ GDDR chuyên dụng, khiến nó đội giá lên mà lại chẳng có mấy ai cần đến.
Trên đây là một số lý do khiến các nhà sản xuất CPU không trang bị bộ nhớ riêng cho GPU tích hợp của mình. Hy vọng các bạn cảm thấy thông tin thú vị.