Bạn nghĩ một con tôm có thể nguy hiểm đến đâu?
Thường thì khi nói đến những sinh vật mạnh mẽ, chúng ta thường nghĩ ngay đến mấy con như hổ, báo, cọp, beo, voi, gấu, khủng long các kiểu mà quên đi những sinh vật bé nhỏ nhưng lại mang khả năng phi thường. Trong bài viết này, chúng ta sẽ bàn đến những loài sinh vật như vậy. Và sinh vật mà mình muốn nhắc đến trong bài viết này chính là những con…tôm.
Tôm thì nghe chẳng có gì nguy hiểm nhỉ? Nhưng tôm thì cũng có “tôm this tôm that”, và mấy con tôm này thì có thể xem là “siêu tôm” đấy. Bắt đầu nhé.
Tôm tít (dạng búa)
Không phải cùng một loại với mấy con tôm tít trên bàn nhậu của anh em đâu nhé, con này khác. Thật ra nó cũng không phải là một con “tôm” thuần túy nữa. Bộ tôm tít là một nhóm giác xác biển thuộc bộ tâm chân miệng, có tên khoa học là Stomatopoda gồm khoảng 400 loài lớn nhỏ với nhiều kích thước và hình dạng khác nhau. Dựa theo cấu trúc của cặp càng tấn công mà các loài tôm tít được chia làm 2 dạng là tôm giáo (spearer), và tôm búa (smasher). Tôm giáo có cặp càng tấn công dài và sắc nhọn dùng để xiên vào cơ thể con mồi và tự vệ khi cần thiết. Còn tôm búa có cặp càng tấn công cùn hơn nhưng cứng hơn và tạo ra được lực tấn công mạnh hơn.
Tôm tít dạng búa trông cũng không khác mấy so với mấy con chúng ta vẫn thường hay ăn. Tuy nhiên đừng để bị vẻ bề ngoài đó đánh lừa. Nó là một trong những loài có khả năng gây sát thương trực tiếp mạnh mẽ nhất trong thế giới tự nhiên, nếu so với những loài cùng kích thước. Với cặp búa gần miệng, nó có thể “đấm” chết hầu hết các sinh vật cùng kích thước chỉ trong một đòn duy nhất. Từ tôm, cua cho đến ngao sò ốc hến, bạch tuộc, cá nóc… con nào cũng sẽ phải trả giá đắt nếu dám cà khịa tôm búa trưởng thành. Tôm búa còn có thể phá cả kính cường lực, đập vỡ sành, sứ, chai thủy tinh và tấn công những sinh vật săn mồi lớn hơn để tự vệ.
Bí quyết về sức mạnh của loài này là nằm ở kết cấu cặp càng búa của chúng. Cú đấm của tôm búa không giống như cú đấm bình thường của loài người chúng ta. Chúng sẽ nén lực trong cặp càng của mình trước khi tấn công. Phần vỏ của cặp càng này hoạt động như một cái lò xo vậy. Khi cần tấn công thì cái “lò xo” này sẽ được giải phóng toàn bộ sức mạnh của nó, làm cho những chiếc búa bắn đi với vận tốc có thể lên đến khoảng 100m/s. Vì chiếc búa đi quá nhanh nên nó sẽ tạo ra các bong bóng khí ở khoảng giữa chiếc búa và bề mặt mà nó đánh vào. Khi các bong bóng này vỡ ra, chúng sẽ tạo ra hiện tượng phát quang do âm thanh, sản sinh ra nhiệt độ lên đến vài nghìn độ C trong tích tắc và cộng thêm một lực tác động khoảng 1500N lên trên điểm va chạm nữa. Chỉ với một cú đấm, tôm búa có thể gây sát thương đến 2 lần. Năng lượng giải phóng ra trong một đòn đánh của tôm búa có thể so sánh với động năng của một viên đạn cỡ 5.56mm. Chúng dùng những cú đấm uy lực này để giết chết con mồi ngay lập tức và hạ gục những kẻ săn mồi lớn hơn nhiều lần.
Tôm tít công có thể xem là đại diện của dạng tôm búa vì chúng rất nổi tiếng. Dù khá nguy hiểm nhưng do vẻ bề ngoài cực kỳ bắt mắt và phong cách săn mồi thú vị, tôm tít công vẫn được nhiều dân chơi thủy sinh ưa chuộng. Chúng thường được nuôi trong trong bể bằng kính chống đạn. Tuổi thọ của loài này cũng khá cao, tương tự như chó mèo nên chúng cũng rất lý tưởng để mang ra làm cảnh.
Tôm pháo
Họ tôm pháo hay tôm gõ mõ, tên khoa học là Alpheidae chính là loài sinh vật có thể gây ra tiếng động lớn nhất trong tự nhiên với cường độ lên đến 220 dB. Cho mấy bạn dễ hình dung thì động cơ phản lực của máy bay thương mại có thể tạo ra tiếng ồn 120dB và có thể nghe thấy từ khoảng cách trên 10km. Tàu con thoi thì còn ồn hơn nữa, nó phát ra tiếng động 180 dB khi cất cánh. Tuy nhiên cả 2 phương tiện siêu ồn này vẫn xếp sau những con tôm pháo bé nhỏ, chỉ dài từ 3-5cm về mức cường độ âm thanh.
Điều khiến tôm pháo được đặt cho cái nên “hổ báo” như vậy là do “siêu năng lực” có thể bắn ra những làn sóng âm thanh cực mạnh để săn mồi và tự vệ. Tôn pháo có một chiếc càng lớn bất thường, tập trung những bó cơ cực khỏe và được tiến hóa đặc biệt để trở thành những khẩu pháo âm thanh. Khi “nạp đạn”, những bó cơ sẽ kéo ngàm càng đến một góc khoảng 90 độ so với đầu càng cố định. Cơ chế này tương tự như càng búa của tôm búa. Nó không dùng cơ bắp để tạo ra lực một cách trực tiếp mà để nén lực lại, chuẩn bị cho đòn tấn công cực nhanh. Khi tấn công, ngàm càng sẽ bật về vị trí ban đầu cực nhanh và đập thật mạnh vào ngàm cố định.
Khi 2 ngàm càng của tôm pháo chạm vào nhau, chúng sẽ tạo ra những bong bóng khí, sản sinh áp suất âm thanh lên đến 80 kPa tại khoảng cách 4cm so với càng. Những bong bóng khí có thể di chuyển với tốc độ 97km/h và giải phóng âm thanh có cường độ gần 220dB. Sóng âm thanh này đủ mạnh để giết chết ngay lập tức các loài cá và động vật giáp xác nhỏ, gây choáng mạnh với những loài lớn hơn cũng như đập vỡ được cả thành bể kính.
Việc bắn sóng âm thanh từ chiếc càng súng cũng có thể tạo ra hiện tượng phát quang do âm thanh khi các bong bóng khí vỡ ra. Khi vỡ, nhiệt độ của các bong bóng này có thể lên đến 5000 độ K, trong khi đó thì nhiệt độ trên bề mặt của mặt trời là 5800 độ K. Tuy nhiên nó chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc rất ngắn và cường độ ánh sáng cũng rất yếu nên mắt thường không thấy được. Về sau thì người ta cũng phát hiện tôm tít dạng búa cũng có thể tạo ra hiện tượng này.
Tôm tít dạng búa và tôm pháo là những sinh vật được tự nhiên ban tặng khả năng phi thường. Dù có cấu tạo vũ khí khác nhau nhưng chúng đều có thể tạo ra hiện tượng phát quang do âm thanh với sức mạnh kinh hoàng, đủ để biến chúng thành những sinh vật ăn thịt cực kỳ nguy hiểm, kể cả là đối với con mồi hay những kẻ đi săn khác.
Tham khảo: