Thường mỗi khi mà bạn thấy kẻ địch trong game bắt đầu thưa dần thì cũng là lúc con trùm cuối sắp xuất hiện, và bạn sắp có một trận combat vô cùng khốc liệt.
Đây cũng là một trong những phần hấp dẫn nhất của game: Chạm trán với đối thủ mạnh hơn mình gấp nhiều lần, và khi chiến thắng thì trên mặt game thủ lộ rõ một cảm giác hãnh diện pha lẫn thỏa mãn tột cùng.
Tuy nhiên, có những lúc bạn muốn đầu trùm không phải vì bạn thích thử thách, mà là muốn tìm ra chân tướng thật sự của con trùm đó là ai. Và nhất là khi đánh bại nó sẽ gây ra một tác động tiêu cực đến bạn, khiến bạn quay lại tự vấn bản thân mình rằng liệu ai mới là kẻ ác trong trận đấu này.
Sau đây là danh sách 10 con trùm khiến game thủ cảm thấy tội lỗi khi đánh bại.
Cảnh báo: Có Spoiler!!!
Bloodwing (Borderlands 2)
Việc đi lòng vòng tiêu diệt người ngoài hành tinh và kẻ xấu là điều quá đỗi bình thường với hầu hết game thủ. Tuy nhiên, đến giữa game Borderlands 2 thì bạn sẽ phải chiến đấu với người bạn đồng hành của Mordecai là Bloodwing.
Nhân vật phản diện Handsome Jack đã đem Bloodwing ra làm vật thí nghiệm và biến nó thành một con chim khổng lồ và hung tợn. Càng đau đớn hơn nếu nhân vật chính mà bạn chọn trong phần 1 là Mordecai, bởi vì đây chính là lúc mà bạn ra tay tiêu diệt con thú cưng của mình.
Khi bạn bắn nó đủ yếu và cố gắng tiêm thuốc an thần cho nó thì Jack đã bấm nút làm nổ trái bom đeo trên cổ của Bloodwing, giết nó ngay trước mặt bạn. Điều này không chỉ khiến bạn càng căm phẫn con trùm cuối trong game – Handsome Jack – mà còn khiến bạn vô cùng đau lòng trước sự ra đi của một người bạn trung thành.
The Boss (Metal Gear Solid 3)
Màn đấu trùm trong Metal Gear Solid 3 có thể nó là một trong những cảnh đau buồn nhất trong lịch sử gaming. The Boss là tiền bối của Snake, sau đó cô ta đào ngũ và phản bội lại Snake, gia nhập vào phe Volgin cùng với dã tâm thâu tóm thế giới của hắn.
Tuy nhiên, sau khi đánh bại Volgin, bạn buộc phải đối đầu với The Boss – một người chiến sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử. Bạn phải chạy đua với thời gian khi đánh một trận sinh tử với The Boss trên một cành đồng hoa và nhạc nền êm dịu.
Bạn sẽ cảm nhận được mỗi nắm đấm của Snake đều có trọng lượng, và khi bạn bóp cò bắn The Boss thì cánh đồng hoa chuyển từ trắng sang màu đỏ, khiến lòng bạn cũng nặng trĩu theo. Nhưng sau đó, The Boss giải thích tất cả sự việc cho Snake nghe, và chính sự thật này đã khiến người chơi cảm thấy tội lỗi đầy mình.
Chính tay bạn đã tước đi mạng sống của một người rất yêu nước.
Kala (Indivisible)
Indivisible có một luật bất thành văn là đánh đấm trước đã, xong rồi mới nói chuyện sau.
Điều này đúng xuyên suốt game, nhưng khi bạn dần tiến đỉnh điểm là trận đấu với kẻ hủy diệt Kala thì mọi chuyện không còn như thế. Vào vai Ajna, bạn sẽ phải đánh bại Kala để ngăn không cho cô ta thực hiện kế hoạch “reset” cả thế giới.
Ban đầu thì bạn sẽ chiến đấu đến nghẹt thở để hạ gục Kala, nhưng khi gần thua thì cô ta lại reset trận đấu lại từ đầu. Mọi chuyện cứ lặp lại như thế cho đến khi bạn nhận ra rằng đánh đấm không phải là câu trả lời cho “trận đấu” này.
Khi bạn đến gần và bắt chuyện với cô ta, Kala sẽ tấn công bạn. Nhưng lần này, bạn không hề chống cự. Thay vào đó, Kala sẽ tự làm tổn thương mình và kết cục là cô ta nằm gục trên sàn luôn.
Kala nói rằng thế giới hiện tại ra nông nỗi này là do cô ta, khiến mọi điều sai trái diễn ra và mọi người đều sống buồn bã. Vì thế, Kala muốn “undo” lỗi lầm của mình.
Jetstream Sam (Metal Gear Rising)
Khi Jetstream Sam xuất hiện lần đầu tiên thì hắn đã làm mù một con mắt và chặt đứt một cánh tay của bạn. Cơ bản thì lúc này bạn không phải là đối thủ của Sam. Nhưng khi bạn đụng độ hắn ta vào cuối game thì đó là một câu chuyện buồn anh em ạ.
Không chảy nổ ì xèo, không bối cảnh cầu kì. Chỉ có bạn – Raiden – và Sam giữa vùng sa mạc mênh mông không một bóng người.
Sam từng là một người như Raiden nên xuyên suốt game, có nhiều lúc bạn sẽ thấy câu chuyện của Sam cũng là của Raiden. Nhưng khác cái là Sam đã bỏ 2 chữ “đạo đức” ra khỏi từ điển của mình, còn Raiden thì không.
Khi bạn đánh bại Sam thì màn đấu kiếm cũng không quá hoành tráng như những màn đấu trùm khác. Chỉ đơn giản là bạn đâm Sam một nhát chí mạng mà thôi. Sau đó thì Sam trao lại thanh kiếm của mình cho chú chó Bladewolf, và đây cũng là yếu tố then chốt giúp bạn tiêu diệt con trùm cuối. Chứng tỏ rằng Sam vẫn là một người tốt trong thâm tâm.
Ngoài ra, Sam cũng không có các thiết bị máy móc hỗ trợ gắn lên trên người, cho nên Sam mạnh là nhờ chính thực lực của hắn ta.
Great Gray Wolf Sif (Dark Souls)
Dark Souls là tựa game đã khiến biết bao game thủ phải “đập vỡ tay cầm” vì quá khó. Tuy nhiên, đối với con trùm Sif thì là một câu chuyện khác. Đây là con thú trung thành của Knight Artorias, luôn kề vai sát cánh với chủ nhân khi Artorias giao tranh với Manus.
Mặc dù Artorias đã thất bại nhưng Sif vẫn một mực trung thành với chủ nhân của mình. Sif luôn đứng canh chừng ngôi mộ để bảo vệ di sản của Artorias.
Bạn phải đánh bại Sif để lấy được chiếc nhẫn để tiếp tục hành trình của mình. Con trùm này ngậm thanh kiếm trong miệng và sẵn sàng xẻ thịt bạn bất cứ lúc nào, tuy nhiên thì bi kịch lại xảy đến sau đó.
Nếu bạn đã hoàn thành bản mở rộng DLC trước đó thì khi đối mặt với Sif, nó sẽ bày tỏ sự tôn trọng vì bạn đã giúp đưa chủ nhân Artorias về nơi an nghỉ, và cứu Sif khỏi bàn tay của Manus. Tuy nhiên thì bạn vẫn phải đánh bại Sif nếu muốn đi tiếp.
Bạn có thể lấy được chiếc nhẫn kia, nhưng đổi lại bạn phải giết chết một con mãnh thú vô cùng oai nghiêm và trung thành với chủ nhân. Chính điều này sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng tội lỗi.
Xion (Kingdom Hearts 358/2)
Việc pha trộn thế giới Disney với Final Fantasy nghe có vẻ lạ, nhưng nó lại hòa quyện với nhau rất hài hòa. Trong 358/2, bạn sẽ vào vai Roxas làm việc cho Organization XIII, một phe phản diện trong series Kingdom Hearts.
Bên cạnh đó còn có Xion, cũng là một người cầm Keyblade, và The Organization thường cho cả 2 đi thu thập “trái tim”. Tuy nhiên, khi Xion có vẻ như bị yếu đi thì thực chất cô ta đang mạnh dần lên.
Xion là “tác phẩm” của The Organization để bòn rút sức mạnh và kí ức của Roxas một cách từ từ nhằm biến Xion thành một người mạnh hơn. Sau khi hút sức mạnh và kí ức xong thì Xion sẽ đối đầu với bạn. Trong trận đấu, cô ta sẽ lôi bạn về những miền ký ức xưa nhưng may mắn là bạn vẫn chiến thắng.
Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc kí ức của mọi người về Xion sẽ biến mất, và khi Roxas ôm cô trong vòng tay thì anh không hề biết rằng trước mặt mình là một người bạn rất thân thiết.
The Hollow Knight (Hollow Knight)
Hollow Knight có nhiều kết thúc, nhưng trong một kết thúc thì những người xung quanh bạn bị nhiễm một căn bệnh lạ và bạn phải đi tìm nguồn gốc của nó trước khi nó phát tán sang nơi khác.
Khi phát hiện ra căn bệnh xuất phát từ một con bọ, và biết được rằng con bọ này trước đó cũng đã làm điều tương tự là đi tìm nguồn bệnh, thì bạn sẽ cảm thấy rất đau buồn. Nhưng càng đau đớn hơn khi bạn phải chiến đấu với con bọ này với hi vọng rằng nó vẫn còn một chút gì đó như trước khi bị nhiễm bệnh.
Đến giữa trận đấu thì con bọ này tự đâm vào người mình thư thể muốn tự sát để giải thoát cho chính bản thân. Khi trận đấu kết thúc thì mầm bệnh sẽ bám vào người bạn, biến bạn thành vật chủ mới. Chính điều này đã khiến bạn trở nên y như con bọ kia, luôn bị bó buộc và cố gắng nắm lấy những tia hi vọng cuối cùng để chờ người khác đến giải thoát cho mình.
Bạn không chỉ xót xa cho con bọ kia, mà còn thương xót cho chính bản thân mình.
Paarthurnax (Skyrim)
Là một sát thủ rồng thứ thiệt, bạn sẽ không nghĩ rằng một ngày mình sẽ rơi lệ vì một con rồng. Ấy vậy mà sau khi đánh bại Alduin để giải cứu thế giới, bạn sẽ phải tiếp tục đi giết những con rồng để mang bình yên thực sự đến cho mọi người. Và điều này đồng nghĩa với việc bạn phải giết Paarthurnax – một người bạn đồng hành cùng bạn, giúp bạn tiêu diệt Alduin.
Sở dĩ bạn phải giết Paarthurnax là vì trước đây, con rồng này từng là thân cận của Alduin trong nhiều năm, giúp hắn gieo rắc thảm họa. Ngoài ra, nếu bạn không giết Paarthurnax thì bạn sẽ không được sử dụng người bạn đồng hành khác và cũng không thể kích hoạt các nhiệm vụ khác.
Bạn sẽ phải hạ gục Paarthurnax trong tâm trạng không hề vui vẻ chút nào, hay nói cách khác là trong lòng nặng trĩu một nỗi buồn không tên.
Orphan Of Kos (Bloodborne)
Giết Lady Maria có thể khiến bạn càng hưng phấn, nhưng Orphan of Kos thì là một câu chuyện khác hoàn toàn. Orphan of Kos xuất hiện cô độc trong thế giới này là do Kos (người mẹ) bị người ta giết vì lo sợ bà ta là một mối nguy hại.
Trước khi đụng mặt thì bạn đã nghe thấy tiếng khóc than của Orphan of Kos. Đến khi vào trong trận chiến thì nó cũng vừa đánh vừa khóc lóc, oán than, tìm cách phục thù cho người mẹ đã mất. Tiếng la hét thất thanh của nó khiến người chơi cảm thấy đau thương hơn là sợ hãi, và khi đánh bại Orphan of Kos thì trên bãi biển cũng chỉ còn bạn và nó, không biết đi đâu tiếp theo luôn.
Bạn vào vai một gã thợ săn đi tìm bí mật, và khi tìm thấy nó rồi thì bạn không hề có cảm giác nhẹ lòng mà thay vào đó là cảm giác… đau lòng.
Tất cả pho tượng Colossi trong game (Shadow Of The Colossus)
Trong game này, bạn sẽ vào vai Wander đi tìm cách hồi sinh một người thân của mình. Sẽ có một linh hồn chỉ dẫn rằng bạn phải thân chinh đi giết 16 pho tượng khổng lồ (Colossi) để khôi phục lại sức mạnh cho nó, và nó sẽ giúp bạn đạt được ý nguyện.
Khi bạn tấn công những pho tượng này thì bạn sẽ để ý thấy hai điều. Một là chúng không bao giờ tấn công trước. Khi bạn dần tiêu diệt những cá thể cuối cùng còn sống sót trên mảnh đất này thì bạn nhận ra một điều rằng 16 pho tượng đó chính là để giam cầm linh hồn quái ác kia. Còn gì đau đớn hơn khi bạn biết rằng mình vừa ra tay sát hại những pho tượng “thiện lành”, vừa nhận thức được rằng mình đã vô tình giải thoát cho linh hồn quái ác kia.
Game kết thúc bằng cảnh linh hồn nhập vào người Wander, và sau đó anh chàng này bị giết bởi những binh lính xuất hiện nhằm nhốt linh hồn này vào lại trong “tù”. Lạ lùng một điều là linh hồn này cũng khá là… hào hiệp, giữ lời hứa với Wander và hồi sinh người bạn thân kia.
Giết một người vô tội đã đau lòng, đằng này là giết tới 16 mạng luôn, quá đắng cay.
Nguồn: What Culture