Bên cạnh những yếu tố như nhân vật, bối cảnh, cốt truyện thì vũ khí cũng góp một phần quan trọng trong việc làm nên tên tuổi của một tựa game. Chẳng hạn như God of War thì có cặp song đao Blades of Chaos, Half-Life thì có súng Gravity Gun, Dead Space thì có khẩu Plasma Cutter.

Dù game là sản phẩm của trí tưởng tượng, và vũ khí trong game cũng thường là như thế, một số game vẫn có kho vũ khí được “sao y bản chính” như đời thực, nhất là các game hành động bắn súng.

Nếu “sao y” chính xác thì không sao, con chim vẫn hót và chiếc lá vẫn xanh. Nhưng nếu “sao” mà không “y” thì đừng trách tại sao game thủ lại la ó um sùm.

Sau đây là danh sách 10 vũ khí phi lý trong game.

Mỗi lần đổi súng là lại lên đạn – Left 4 Dead 2

Là một trong những tượng đài game thể loại bắn zombie, L4D2 đã chinh phục được hàng triệu game thủ không chỉ ngày ấy mà bây giờ vẫn thế.

Với phiên bản mới, L4D2 có tới 16 vũ khí, cộng với 11 vũ khí cận chiến (melee weapon), trong khi phần 1 chỉ có 6 vũ khí mà thôi. Ở ngoài đời thực, khi thay băng đạn mới, bạn chỉ cần lên đạn một lần rồi cứ thế mà xả hết băng thôi. Tuy nhiên, vũ khí trong L4D2 thì không được “thực tế” như vậy. Cứ mỗi khi bạn đổi súng là nhân vật trong game lại lên đạn thêm lần nữa, mặc dù trước đó đã làm động tác này rồi.

Nếu bạn làm vậy ở ngoài thực tế thì bạn sẽ uổng mất viên đạn chưa bắn, hoặc tệ hơn là làm kẹt súng luôn.

Nòng giảm thanh tự chế – DayZ

Nòng giảm thanh (silencer/suppressor) trong game luôn là đề tài bàn tán sôi nổi trong các cộng đồng gaming.

Ngoài thực tế, nòng giảm thanh chất lượng đạt chuẩn quân đội sẽ giúp giảm âm lượng của tiếng súng đi rất nhiều, nhưng về mặt decibel thì âm thanh vẫn còn khá là to. Còn những nòng giảm thanh tự chế thì lại càng có nhiều thứ để bàn luận hơn.

DayZ là tựa game bắn súng loot đồ, với phần loot nhiều hơn phần bắn. Ban đầu người chơi sẽ không có gì trong tay cả, họ buộc phải đi tìm thức ăn, vũ khí, và những vật dụng khác.

Nòng giảm thanh trong game rất là “hiếm có khó tìm”. Người chơi có thể tự tạo ra ‘Plastic Bottle Suppressor’ bằng cách sử dụng chai nhựa và rất nhiều băng keo. Tùy vào khẩu súng bạn sử dụng mà nòng giảm thanh này có độ bền khác nhau, thường là từ 2 đến 6 viên bắn ra sẽ được giảm thanh. Nó còn giúp tăng độ chính xác của cây súng nữa.

Nhưng ngoài thực tế thì nòng giảm thanh tự chế này chỉ có tác dụng cho 1 phát đạn mà thôi, bất kể là loại đạn gì. Đó là chưa kể phát đạn đó sẽ kém chính xác hơn vì phải đi xuyên qua một lớp vật liệu khác trước khi đi đến mục tiêu.

Khẩu súng Desert Eagle – Counter-Strike

Desert Eagle là khẩu súng quá nổi tiếng với anh em nào chơi game bắn súng, và đây cũng là một trong những khẩu súng được yêu thích nhất trong game, phim điện ảnh, phim truyền hình vì nó được mạ một lớp chrome sáng bóng và sát thương của nó cũng rất cao.

Một trong những phiên bản DE đầu tiên được tái hiện chính xác nhất trong game là vào năm 2000, khi Counter-Strike ra mắt. Game bắn súng ngày nay thì đa số đều có cây này trong kho vũ khí.

Ngoài Counter-Strike ra thì cũng có nhiều game khác “sao y” được khẩu DE: súng có sát thương rất cao, sử dụng cỡ đạn to, có độ giật (recoil) cao, và bắn không được chính xác như những khẩu súng lục khác.

Vấn đề ở đây là nếu có một game cố gắng mô tả lực lượng quân đội hoặc nhân viên cơ quan chính phủ một cách chính xác nhất, thì DE sẽ không có cửa để được nêu tên trong danh sách vũ khí của những đối tượng này.

Và mặc dù xuất hiện rất nhiều trong game, hiện tại chỉ có 2 lực lượng đặc nhiệm trên thế giới sử dụng DE là lực lượng của Ba Lan và Bồ Đào Nha, nhưng có điều là cả 2 đều không sử dụng phiên bản đạn .50 AC mà anh em hay xài trong Counter-Strike.

Khẩu súng hạt nhân mini không… “hạt nhân” cho lắm – Fallout 4

Chính xác là khẩu Fat Man. Trong Fallout 4, đây là một khẩu mini-nuke launcher giống giống như khẩu súng bắn tên lửa (rocket launcher) vậy. Khác cái là thay vì nó bắn ra tên lửa thì nó bắn ra… đầu đạn hạt nhân bé nhỏ.

Thực tế thì khẩu này được tạo ra thông qua một dự án thử nghiệm của quân đội Mỹ vào cuối những năm 50. Chính xác thì nó mang tên là M-29 Davy Crockett Weapon System và được gắn trên một cái giá ba chân (tripod). Khuyết điểm của khẩu súng này là nó nhẹ hơn rất nhiều so với đầu đạn hạt nhân kia, cho nên rất khó để nhắm bắn và nó cũng hay bị ngã khi sử dụng.

Trong thế giới của Fallout thì cứ coi như là họ đã khắc phục được nhược điểm này đi, nhưng còn phóng xạ thì sao? Thế quái nào mà bạn có thể bắn đầu đạn hạt nhân vào một toán quân địch, rồi chạy lại loot đồ như chưa từng có gì xảy ra?

Súng Minigun – Grand Theft Auto V

Súng minigun là một phát minh rất là độc đáo. Nó có trọng lượng khoảng 38,6kg (phiên bản nhẹ hơn thì là 18,6kg) và khả năng “nhả” ra khoảng từ 2000 đến 6000 viên đạn trong vòng 1 phút. Phiên bản minigun thường thấy nhất trong game là M134.

GTA V cũng không phải là ngoại lệ. Xuất hiện lần đầu vào năm 2002 trong bản Vice City, khẩu minigun đã trở thành món vũ khí trứ danh của dòng game này, và sau đó tiếp tục góp mặt trong 8 tựa game nữa.

Tuy nhiên, minigun trong GTA V lại khác xa thực tế rất nhiều. Phiên bản nặng thì chỉ đứng 1 chỗ xài được thôi, nên M134 trong GTA là phiên bản nhẹ. Nhưng mặc dù con số 18,6kg kia cứ cho là “nhẹ” đi, chúng ta còn phải tính thêm lượng đạn cần phải mang theo nữa.

Khi kỹ năng bắn súng của nhân vật trong game được đẩy lên tối đa thì bạn có thể đem theo tới 9999 viên đạn, nghĩa là bạn phải vác thêm tới… 272,2kg đạn được nữa. Cho nên trừ khi bạn là một vị thần, bằng không thì vừa vác theo súng & đạn dược, vừa đi bộ lòng vòng mà không cần khung đỡ, vừa ghìm được cây súng không bị giật là một nhiệm vụ bất khả thi.

Độ bền của vũ khí – Dead Rising

Nếu bạn nào đã từng chơi qua series Dead Rising thì ắt hẳn ít nhiều gì cũng phải ngã mũ thán phục trước độ đa dạng vũ khí trong game.

Với tổng số vũ khí lên đến 141, Dead Rising là một trong những game có kho vũ khí đồ sộ nhất trong lịch sử gaming. Gậy bóng chày, băng ghế công viên, lon nước ngọt, ma-nơ-canh (mannequin), thanh kiếm đồ chơi, đủ thứ hết.

Để giữ mọi thứ cân bằng thì vũ khí trong game sẽ có độ bền nhất định, nhưng độ bền này lại khá là phi logic. Thanh Katana là vũ khí được yêu thích trong series này. Nó có độ bền 20 nhát chém và độ sát thương 500 máu, khá là cao. Vì thế nên game thủ cần sử dụng nó một cách thận trọng. Tuy nhiên, cây đàn Acoustic Guitar làm bằng gỗ mỏng manh cũng có sát thương 500 khi ném, không những thế mà nó còn bền gấp đôi cây Katana kia, chịu được tới 40 lần đánh.

Lẽ nào gỗ lại bền hơn cả thanh kiếm Nhật?

Thanh kiếm ánh sáng – Star Wars Jedi: Fallen Order

Thanh kiếm ánh sáng (lightsaber) cũng không phải là một món vũ khí nào quá xa lạ với anh em game thủ. Nó xuất hiện lần đầu trong tập Star Wars: Episode IV – A New Hope (1977).

Mặc dù đây là vũ khí không có thực, đặc tính của thanh lightsaber khá là hiển nhiên: Có thể cắt đứt hầu hết mọi thứ như cắt đậu hủ. Thế nhưng vẫn có nhiều game Star Wars không nắm bắt được điều này.

Phần lớn game Star Wars không có “tiết mục” đầu lìa khỏi cổ, tứ chi đứt rời là bởi vì đi kèm với game là đánh giá ESRB, không cho phép game có cảnh đó để phù hợp với đối tượng game thủ muốn hướng đến. Tựa game Star Wars cuối cùng có (một chút) yếu tố tay chân đứt lìa là Star Wars: The Force Unleashed 2 (2010).

Với việc Disney mua lại Star Wars từ tay George Lucas vào năm 2012, chúng ta đã có thêm 3 tựa game Star Wars chính, và không có cái nào có cảnh chặt tay chặt chân hết. Nhắc đến Disney là nhắc đến phim hoạt hình, mà nhắc đến phim hoạt hình thì không có máu me bạo lực, huống hồ chi là cắt đứt tay chân. Vì thế, trong tương lai có lẽ sẽ không còn game Star Wars nào có thanh lightsaber xịn như trong phim cả.

Sát thương của cung tên – The Last Of Us

Mục tiêu trong game là bằng mọi giá, bạn phải sống. Trong phân đoạn đầu tiên, bạn sẽ tìm thấy một bộ cung tên nằm trên tầng thượng.

Cây cung là thứ vũ khí khoái khẩu của nhiều game thủ vì nó vừa im lặng (gần như là vậy), vừa “bắn phát chết luôn”. Chẳng hạn như Far Cry 3, Skyrim, Horizon Zero Dawn đều có vũ khí này, và nó rất là lợi hại. Còn đối với TLoU, cung tên là thứ vũ khí cực kì quan trọng, nó vừa giúp bạn ẩn mình, vừa giúp hạ gục mục tiêu nhanh gọn lẹ.

Tuy nhiên, nó có một cơ chế khá là buồn cười: Sát thương của mũi tên sẽ tăng khi nhân vật chính Joel đang ẩn mình. Cũng một mũi tên, cùng nhắm vào một vị trí, cùng bắn đi với một vận tốc giống nhau, nhưng nếu bạn đang núp thì kẻ địch sẽ chết ngay, còn ngược lại thì… chỉ như là vết muỗi cắn.

Tự động gài đạn khi đút súng vào bao – Tomb Raider: Underworld

Mặc dù cốt truyện của phần này dựa theo thần thoại Bắc Âu, và về sau game Lara Croft còn cầm được cả cây búa Mjolnir của Thor nữa. Tuy nhiên, trong game vẫn có những yếu tố được đem từ ngoài đời thực vào.

Lara thường xài cặp khẩu súng lục Heckler & Koch USP để hạ gục kẻ địch một cách nhanh chóng. Mặc dù game thủ đã đặt nghi vấn rằng làm cách nào mà Lara gài đạn được mà không cần phải cất 1 trong 2 cây súng đi, Tomb Raider: Underworld đã dấy lên một câu hỏi khác cũng hóc búa không kém.

Cả 2 khẩu súng này có tổng cộng 24 viên đạn, và cứ cho là sau một trận combat thì cả 2 cây đều chưa hết đạn đi. Sau đó Lara đút 2 cây vào bao súng, đi lòng vòng một hồi, và khi móc súng ra thì bằng một cách nào đó, 2 khẩu súng này lại được gài đạn đầy đủ.

Lẽ nào Lara Croft lại có siêu năng lực mà game thủ nào giờ không biết chăng?

Cách gài đạn của M1 Garand – Medal Of Honor: Rising Sun

Nếu bạn đã từng chơi game bắn súng bối cảnh Thế chiến II (WWII) thì sẽ rất quen thuộc với tiếng “ping” trứ danh của khẩu M1 Garand.

Khẩu súng này xuất hiện lần đầu tiên trong những game như Medal of Honor (1999) và Call of Duty (2003). Sau đó thì M1 Garand tiếp tục xuất hiện trong những tựa game bắn súng khác, nhưng tiếc là chúng đều có cơ chế hoạt động không giống với thực tế. Một trong những “tội đồ” điển hình là trò Medal of Honor: Rising Sun (2003).

Nhằm bù trừ với với tốc độ bắn cao và độ giật thấp, nhiều nhà phát triển đã loại bỏ khả năng gài đạn M1 Garand khi chưa bắn hết băng đạn. Điều này buộc game thủ phải bắn hết 8 viên thì mới thay băng đạn mới vào được.

Tuy nhiên, trên thực tế thì bạn hoàn toàn có thể thêm từng viên đạn vào băng đạn đang bắn mà không bị vấn đề gì, mặc dù có hơi phiền phức và bất cập một chút.

Nguồn: What Culture