Không có công ty game nào là hoàn hảo cả. Từ nhà phát triển độc lập (indie) cho đến các ông lớn như Activision, Blizzard đều có những pha “té ngã” sấp mặt. Công ty càng lớn thì càng khó để xóa dấu vết của những lần sấp mặt, và trong đó có Blizzard.

Trong suốt hành trình dài 29 năm thì Blizzard đã tạo ra rất nhiều tựa game không chỉ được yêu thích bởi hàng triệu game thủ mà còn được giới phê bình khen ngợi hết lời, chẳng hạn như Warcraft, Starcraft, Overwatch.

Tuy nhiên, song song với những thành tựu đó thì Blizzard cũng không thiếu những pha ngã sấp mặt đã đi vào lịch sử.

Sau đây là 10 pha ngã sấp mặt mà Blizzard không bao giờ muốn nhắc lại.

Thay thương hiệu Battle.net, sau đó lại… đổi ý

Battle.net là một biểu tượng trong làng game, ra mắt vào thời dial-up Internet năm 1996 cùng với cực phẩm Diablo. Và kể từ lúc đó thì cái tên Battle.net đã gắn liền với hàng loạt tựa game kinh điển sau đó và cũng là một phần trong kỉ niệm của game thủ. Nhưng cho đến năm 2016 thì Blizzard lại quyết định đổi tên nó thành “Blizzard”.

Lý do là bởi vì Blizzard cho rằng có 2 cái tên sẽ tạo ra sự phức tạp không đáng có, và đồng thời cũng khó để quản lý hơn. Như một lẽ thường tình, các fan hardcore đã “nổi trận lôi đình”, khiến Blizzard phải đính chính lại sự thay đổi này.

Chưa đầy 6 tháng sau, cùng lúc với đợt ra mắt của Destiny 2, Battle.net được “tái sinh” nhưng game thủ vẫn còn khá là bối rối. Phải đến 4 tháng sau Blizzard mới làm rõ được vấn đề, chính thức tuyên bố rằng client online của Blizzard sẽ là “Blizzard Battle.net”.

Nếu họ chịu nói rõ mọi thứ ngay từ đầu thì mọi chuyện đâu phức tạp đến mức này.

Battle of Azeroth biến World of Warcraft thành “dịch vụ game”

World of Warcraft là một tựa game MMORPG “trường tồn” theo năm tháng nhờ có các bản mở rộng với nội dung mới, khiến cả game thủ casual lẫn hardcore đều hài lòng.

Trong đó, bản mở rộng Battle of Azeroth đã tiến một bước xa hơn với việc giới thiệu cách phân phối nội dung game theo kiểu “dịch vụ”. Vấn đề ở đây là WoW là một tượng đài trong làng game, với lượng fan đến từ khắp nơi trên thế giới trong suốt 16 năm qua.

Do đó, việc giới thiệu các chế độ chơi mới theo kiểu nhỏ giọt từng đợt (timed-release) đã khiến hầu hết fan WoW lắc đầu ngao ngán. Việc tạo ra một chế độ mới chỉ chơi được một lần mỗi tháng đã tạo ra áp lực về thời gian cho game thủ casual, còn những game thủ khác thì lại phải ngồi chờ cho đến khi kho đồ loot mới xuất hiện.

Kết hợp với hệ thống Azerite Armour mới ra mắt còn khiến người chơi khó chịu hơn vì nó làm chậm tiến độ lên cấp cũng như giới hạn loại giáp mà game thủ có thể mặc. Kết quả là game thủ rất chán nản và bực bội vào thời điểm bấy giờ.

Chính sách sử dụng tên thật

Đây là một nước đi của Blizzard mà họ đã phải “hoàn tác” lại ngay khi vừa được thực hiện. Vào năm 2010, Blizzard thông báo rằng người dùng trên diễn đàn phải sử dụng tên thật của họ chứ không được xài biệt danh hay nickname.

Lần này thì Blizzard có lý do chính đáng để làm như vậy. Internet nói riêng và cộng đồng gaming nói chung không hề thiếu “những người thích đùa” (troll), và họ thường xúc phạm người khác bằng những lời bình luận khiếm nhã liên quan đến màu da, phụ nữ, LGBTQIA+, vân vân. Blizzard là một công ty đề cao việc đa dạng sắc tộc và bình đẳng, vì thế nên họ đã ban hành “sắc lệnh” dùng tên thật trên diễn đàn.

Tuy nhiên, không chỉ những kẻ troll đó tức giận mà người khác cũng tỏ ra bất bình. Dù mới là năm 2010 nhưng việc sử dụng tên thật trên mạng vẫn rất nguy hiểm. Kẻ gian có thể dùng tên đó để truy lùng danh tính của bạn thông qua các trang mạng xã hội, từ đó tìm cách hãm hại bạn ngoài đời thực.

Overwatch và các hòm vật phẩm (loot box)

Image result for overwatch loot box

Ngay từ lúc Overwatch mới ra mắt thì nó đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng trong làng game nói chung và eSports nói riêng. Nó không chỉ là game bắn súng với nhiều nhân vật cùng các kĩ năng (ability) khác nhau, mà Overwatch còn đề cao sự đa dạng sắc tộc với dàn tướng trong game đủ các thành phần với các lý lịch khác nhau.

Tuy nhiên, đây cũng là một trong những tựa game AAA đầu tiên tham gia phong trào “đập tiền quay hòm”. Mặc dù vật phẩm trong hòm chỉ là skin nhân vật và vũ khí thôi, nhưng nó đã cho Blizzard thấy rằng có rất nhiều game thủ sẵn sàng bỏ tiền ra chỉ để có được skin đẹp.

Đây cũng là “tiền đề” để tạo ra những tranh cãi xoay quanh vấn đề loot box trong game Middle Earth: Shadows of War và Star Wars: Battlefront 2.

Đấu giá bằng tiền thật trong Diablo III

Lúc Diablo III ra mắt vào năm 2012 thì nó gặp rất nhiều lỗi. Mặc dù game vẫn ổn, nhưng về phần máy chủ thì nó không đủ sức “cân” số lượng lớn người chơi vào lúc đó, và vì game yêu cầu phải kết nối mạng nên nhiều game thủ đã phải đối mặt với lỗi Error 37 “huyền thoại”.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất trong Diablo III là tính năng đấu giá bằng tiền thật. Ý tưởng ở đây là tạo ra một khu chợ cho phép người chơi trao đổi vật phẩm, nhưng thực tế thì nó không được như vậy. Thay vì cơ chế cày những con trùm khủng bố để loot đồ xịn thì giờ đây, người chơi có thể giết kẻ địch để cày tiền hoặc tệ hơn là mua những thứ đó bằng tiền thật.

Trong phần IV sắp ra mắt thì nhà sản xuất hứa hẹn rằng điều tương tự sẽ không xảy ra, và sẽ cải thiện lại tính năng này để phù hợp hơn.

Diablo Immortal và sự phản ứng gay gắt từ fan

Tại sự kiện Blizzcon 2018, fan của series Diablo đã rất háo hức, mong chờ siêu phẩm tiếp theo của dòng game huyền thoại này. Tuy nhiên, thay vì là siêu phẩm thì game thủ lại nhận được một… tựa game mobile miễn phí.

Ngay trong buổi công bố đó, dân tình đã phản ứng rất gay gắt, đến nỗi có người còn đứng lên hỏi rằng “Liệu đây có phải là trò đùa Cá tháng tư muộn hay không”. Sở dĩ biến cố này xảy ra là bởi vì Blizzard đã quảng bá nó như là một tựa game chính trong series Diablo khiến nhiều game thủ hào hứng tột độ. Nếu Immortal được giới thiệu song song với Diablo IV thì mọi chuyện đã đâu nên nỗi. Đằng này nó được giới thiệu như một tựa game riêng lẻ, vả thẳng mặt game thủ đã sốt ruột mong chờ những năm qua.

“Làm tiền” các đội thi đấu eSports tại giải Overwatch League

eSports (thể thao điện tử) là một ngành kinh doanh quy mô lớn. Những giải đấu gần đây đều có tổng giá trị giải thưởng rất cao, đơn cử như giải The International 9 (2019) có số tiền thưởng lên đến 34,4 triệu USD.

Vì thế, việc Blizzard hướng Overwatch tới mảng eSports là một điều hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, khi nói đến việc mua slot cho các đội thi đấu thì Blizzard lại nghiêng về thể thao truyền thống nhiều quá. Ngay vừa lúc giải Overwatch League được công bố thì những đội eSports kì cựu như Red Reserve, Splyce, SoloMid đều bỏ không tham gia với lý do là chi phí để mua slot quá đắt đỏ.

Chi phí nhượng quyền (franchising costs) của Overwatch League cao hơn gấp 20 lần so với giải Liên Minh Huyền Thoại, cụ thể là 20 triệu USD. Mục đích của việc này là để thu hút các doanh nghiệp lớn như Kraft Group.

Chính việc Blizzard chạy theo đồng tiền đã giáng một đòn chí mạng vào các đội thi đấu có ngân sách không mấy dư dả, khiến họ không thể tham gia vào trận tranh tài.

Bản demo của Warcraft III: Reforged

Ngoài sự kiện Blizzard Immortal bị dân tình phản ứng gay gắt thì tại BlizzCon 2018, Blizzard còn hứa hẹn với game thủ một điều mà họ không thể giữ lời hứa vào 2 năm sau.

Warcraft III là một tựa game chiến thuật thời gian thực kinh điển, và có rất nhiều game thủ mong chờ một phiên bản remaster. Lúc đó, Blizzard đã hứa hẹn rằng bản Reforged sẽ có đồ họa đẹp hơn, phần cutscene cũng được làm mới hoàn toàn để giúp cốt truyện của WoW được nổi bật hơn. Tuy nhiên thì những gì game thủ nhận được lại hoàn toàn không giống như vậy.

Lúc game ra mắt thì bị dính hàng tá lỗi lớn nhỏ. Đã thế, những phân đoạn cutscene được hứa hẹn đã đời rốt cuộc lại không thấy đâu, thay vào đó là phần hội thoại (dialogue) được reskin một cách kệch cỡm.

Giao diện game cũng nhìn rất cũ và không mượt mà. Tệ hơn nữa là giờ đây người chơi không thể quay lại phiên bản gốc được nữa.

Lẽ ra những điều này đã có thể tránh khỏi nếu Blizzard thông báo từ sớm cho game thủ biết được tình hình, và họ nên chờ đợi điều gì từ phiên bản Reforged sắp ra mắt. Nhưng không, Blizzard đã làm một cú “lừa tình” rất ngoạn mục ngay trước mặt game thủ, và kết quả là bị review với số điểm 0,5/10 trên Metacritic – số điểm thấp nhất từ trước đến nay.

Cho nhân viên nghỉ việc dù có năm tài chính tốt nhất

2018 là một năm kỷ lục của Activision Blizzard. Công ty đã kiếm được số tiền kỷ lục 7,5 tỷ USD, trong đó 1,8 tỷ USD là lợi nhuận. Theo lẽ thường tình thì họ sẽ ăn mừng trong năm 2019, nhưng không. Activision Blizzard quyết định rằng cách tốt nhất để ăn mừng là… sa thải 800 nhân viên trong công ty.

Việc nhân viên đến rồi đi sau khi xong một dự án là một điều bình thường. Nhưng Activision Blizzard là một công ty rất lớn, cần một đội ngũ nhân sự hùng hậu để quản lý máy chủ và các bản cập nhật game. Vì thế nên không có lý do nào hợp lý để họ sa thải 800 nhân viên kia, ngoại trừ việc theo đuổi tiếng gọi của đồng tiền.

Cấm tuyển thủ Blitzchung vì ủng hộ HongKong

Ng “Blitzchung” Wai Chung là một tuyển thủ thi đấu bộ môn game thẻ bài Hearthstone. Trong bài phỏng vấn sau trận đấu thì anh đã bày tỏ sự ủng hộ đối với HongKong khi tình hình chính trị giữa HongKong và Trung Quốc trở nên căng thẳng.

Blizzard đã phản hồi lại vụ việc này bằng hành động cấm anh thi đấu trong một năm và tước đoạt số tiền thưởng từ trận đấu vừa rồi. Blizzard giải thích rằng tuyển thủ không được có hành động khiến cộng đồng bị xáo trộn và xung đột, hoặc làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Blizzard.

Vấn đề ở đây là Blizzard là một công ty Mỹ, và Mỹ thì có quyền tự do ngôn luận. Vì thế, những gì Blizzard đang làm với Blitzchung đều đi ngược lại với điều này, và nó còn cho thấy rằng Blizzard sợ bị ảnh hưởng đến mảng tài chính tại Trung Quốc. Vì thế nên họ chấp nhận “cúi đầu” để tiếp tục giữ hòa khí với Trung Quốc.

Sự việc này đã khiến cộng đồng gaming phẫn nộ, phản đối kịch liệt. Không chỉ thế, nhiều trang báo nổi tiếng còn chỉ trích hành động “tham tiền” này của Blizzard. Kết quả là Blizzard đã giảm mức “bản án” cho Blitzchung và đưa lại một phần tiền thưởng cho anh.

Nguồn: What Culture