Game cũng là một ngành kinh doanh mua bán giống như những ngành khác, và cũng chính vì vậy mà chúng ta không thiếu những nhà phát hành “kém thông minh”, đề ra những chiến thuật quảng bá marketing mà vô tình (hoặc cố ý) “bóp chết” các nhà phát triển, biến bom tấn thành bom xịt.

Sau đây là danh sách 10 pha ăn hại của nhà phát hành trong lịch sử ngành game.

EA để lộ cái kết của Star Wars Jedi: Fallen Order

Star Wars Jedi Fallen Order Cal

Với hi vọng sửa sai 2 phần Star Wars trước, Respawn Entertainment đã tạo ra một tựa game singleplayer với cốt truyện vô cùng cuốn hút và thuyết phục, cộng với cơ chế gameplay độc đáo được lấy cảm hứng từ series Dark Souls.

Nhưng về phía EA thì lại không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong buổi công bố game tại sự kiện E3 thì các nhà phê bình chê rằng trailer demo của EA làm còn tệ hơn video hậu trường, và cho đến sát ngày ra mắt game thì EA cũng không có động thái nào cụ thể để quảng bá cho tựa game này. Tệ hơn nữa, trong đợt sale Black Friday vừa rồi, EA đã tung ra một trailer tiết lộ tình tiết quan trọng nhất trong màn cuối trò chơi. Và tất nhiên là Respawn rất bực tức sau khi biết vụ này.

Warner Bros. ép người chơi nạp tiền trong game Middle-earth: Shadow of War

Shadow Of War Loot Boxes

Trong phần trước, Middle-earth: Shadow of Mordor (2014), studio Monolith Productions đã làm rất tốt, khiến nhiều game thủ và kể cả fan của series Chúa Tể của Những Chiếc Nhẫn cảm thấy hài lòng. Thừa thắng xông lên, Warner Bros. quyết định “bật đèn xanh” cho phần 2.

Tuy nhiên, trong phần này, Warner Bros. đã tích hợp thêm cơ chế nạp tiền quay hòm microtransaction xuyên suốt từ đầu đến cuối game. Thậm chí nhiều game thủ còn phản ánh rằng đây thực chất là một tựa game pay-to-win trá hình.

Mặc dù sau đó Warner Bros. cũng đã loại bỏ cơ chế này ra khỏi game, nhưng những gì đã xảy ra thì nó cũng đã xảy ra rồi, không thể phủi tay một cái là coi như xong hết được.

EA “nhét” Titanfall 2 ngay giữa 2 tựa game bắn súng FPS lớn nhất trong năm

BATTLEFIELD 1 titanfall 2

Lại là một pha “phá game” nữa của EA đối với Respawn Entertainment. Mặc dù phần 1 không mấy thành công, một phần vì nó là tựa game độc quyền trên Xbox One và PC, EA vẫn tiếp tục cho Respawn làm tiếp phần 2.

Dựa trên những giá trị cốt lõi và những gì Respawn đã làm tốt ở phần trước, Titanfall 2 tiếp tục phát huy nó và nâng nó lên một tầm cao mới, với 2 chế độ chơi chiến dịch (campaign) và multiplayer đều rất đáng đồng tiền bát gạo. Game thủ và cả giới phê bình hầu hết đều rất thích phần 2 và khen ngợi Respawn vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà EA lại phát hành Titanfall 2 ngay giữa Battlefield 1 và Call of Duty: Infinite Warfare, 2 “lão làng” trong ngành game nói chung và trong thể loại FPS nói riêng. Cụ thể, Titanfall 2 được phát hành sau Battlefield 1 một tuần, và trước CoD: Infinite Warfare cũng một tuần nốt. Chính vì thế mà doanh thu của Titanfall 2 không được như kì vọng, và EA chỉ biết đổ thừa cho chính mình.

EA và màn “chào sân” thảm họa của Star Wars: Battlefront II

Battlefront 2

Như đã đề cập bên trên, hai phần game Star Wars: Battlefront của EA gặp rất nhiều ý kiến trái chiều. Tiêu biểu là phần 1 bị vướng phải phản ánh từ người dùng rằng nội dung không có chiều sâu, và muốn sở hữu các gói mở rộng thì phải xùy ra thêm 50USD nữa (khoảng 1.200.000VNĐ).

Rút kinh nghiệm, trong phần 2, nhà phát triển DICE đã thêm vào phần chơi đơn, nội dung bổ sung Clone Wars, và chế độ tàu chiến không gian. Tuy nhiên, hệ thống level trong game lại rất “mất nết” vì nó xoay quanh việc đập tiền quay hòm, nghĩa là game thủ phải nạp tiền vô thì mới mở khóa tiếp được.

Sự việc này lớn đến mức trên diễn đàn Reddit, trong 1 bài viết phản ánh về cơ chế này, phản hồi từ đại diện của EA đã bị dislike nhiều nhất trong tất cả các lời bình luận từ trước đến giờ trên diễn đàn này. Đây quả thật là một màn “chào sân” nhớ đời và sẽ còn được lưu truyền đến hậu thế.

Activision cắt bỏ phần chơi chiến dịch của Call of Duty: Black Ops 4

Call Of Duty Black Ops 4

Series Call of Duty trước giờ nỗi tiếng không chỉ vì phần chơi mạng hấp dẫn mà còn nhờ vào cốt truyện bi tráng trong phần chơi đơn. Nhưng CoD: Black Ops 4 (2018) thì lại đi ngược với truyền thống này bằng cách bỏ hẳn chế độ chơi đơn.

Nhiều người đồn đoán rằng studio Treyarch bỏ hẳn mục chơi đơn vì sợ không kịp ra mắt đúng hẹn. Nhưng sau đó Treyarch phản bác lại rằng ngay từ ban đầu họ đã không có ý định thêm mục singleplayer vào trong game, và nhấn mạnh rằng studio muốn tập trung vào những phần thu hút người chơi hơn.

Nhưng vì sao họ lại cần tập trung hơn vào những phần đó thì chúng ta lại không được biết. Nhà phát triển thường không thể quyết định khi nào game được phát hành. Series Call of Duty thường không có chuyện bị delay ngày phát hành, và việc “hi sinh” mục chơi đơn để Black Ops 4 kịp deadline nghe rất buồn cười.

EA bắt ép các studio sử dụng engine Frostbite

Mass Effect Andromeda

EA không thiếu “phốt”, và lần này thì liên quan đến engine Frostbite. Trong vòng 5 năm vừa qua, EA đã thúc ép các nhà phát triển sử dụng engine Frostbite, một engine được xây dựng thuần túy dành cho series bắn súng Battlefield.

Khi đặt vào đúng nơi đúng chỗ thì Frostbite hoàn toàn dư sức “tỏa sáng”. Nhưng khi đặt sai chỗ thì lại… banh xác. Trong khi các studio khác đang sử dụng engine của riêng mình ngon lành EA lại bắt họ chuyển sang sử dụng Frostbite, và một engine chuyên dành cho game FPS khi áp vào game RPG thì các bạn biết kết quả như thế nào rồi đấy. Tựa game nhập vai của BioWare Mass Effect: Andromeda và mới đây nhất là Anthem là bằng chứng điển hình cho sự việc này. Khi ra mắt thì những game này bị dính lỗi tè le hột me, đến nỗi cựu giám đốc BioWare phải khẳng định làm được game hay với Frostbite là nhiệm vụ bất khả thi.

Ubisoft khiến Assassin’s Creed Syndicate bị lãng quên vì phần Unity bị quá nhiều lỗi

Assassin's creed syndicate

Khi phần Unity được giới thiệu, mọi thứ có vẻ rất “ổn áp”, đồ họa trong game nhìn rất đã và chân thực. Tuy nhiên, khi game ra mắt thì mọi thứ đều đi trật quỹ đạo của nó.

Unity bị vướng rất nhiều lỗi: nhân vật thì bị mất khuôn mặt, người chơi thì bị mất level, nôm na là game gần như không thể chơi được. Điều này khiến Ubisoft suy nghĩ lại về lộ trình phát hành game, thay đổi kế hoạch ra mắt những game Assassin’s Creed sau này sang một hướng khác.

Tiếc thay, khi Syndicate ra mắt 1 năm sau đó thì người chơi đã không còn thèm để ý đến nữa, mặc dù đây là một tựa game rất đáng để có trong bộ sưu tập Assassin’s Creed của game thủ.

Take-Two Interactive khiến series Mafia bị lu mờ trước Grand Theft Auto của Rockstar

Mafia 2

Đứng trong cái bóng của hai ông lớn Grand Theft Auto và Red Dead Redemption của Rockstar, series Mafia rất khó để tìm thấy ánh sáng ban ngày.

Mafia II đã không hay bằng Red Dead Redemption thì thôi, Take-Two Interactive lại nỡ lòng nào phát hành nó chỉ sau game này có vài tháng, y như đợt Mafia I phát hành trong lúc Grand Theft Auto III vẫn đang làm mưa làm gió trên thị trường.

Việc phát hành 2 tựa game na ná nhau vào 2 mốc thời gian san sát nhau nghe giống như là được “học hỏi” từ EA. Take-Two Interactive còn “tiến bộ” hơn ở chỗ thay đổi luôn nội bộ studio Hangar 13 (nhà phát triển series Mafia), khiến phần 3 bị chê thậm tệ.

Activision phung phí tài năng của High Moon Studios

Transformers Rise of the Dark Spark

Game ăn theo phim thường không hay, nhưng khi High Moon Studios ra mắt tựa game Transformer: War for Cybertron vào năm 2010 thì mọi người đều đã rất ngỡ ngàng vì game quá hay. Vì được làm bởi những fan cứng của series Transformer nên game có cốt truyện rất độc đáo, và đến phiên bản kế nhiệm ra mắt 2 năm sau thì nó lại càng tuyệt vời hơn nữa, với kết thúc mở khi Autobots và Decepticons cuối cùng cũng bay đến Trái đất.

Tuy nhiên, đến giờ này game thủ vẫn chưa có tung tích gì về phần 3 của High Moon Studios, bởi vì Activision đã “đá đít” studio này và thay bằng studio Edge of Reality, sau đó phát triển một phần game khác ăn theo phim Transformer: Age of Extinction thay vì là phần game thứ 3 mà người chơi mong đợi.

Tất nhiên là phần này lại không đâu vào đâu, và Activision quyết định cho nhân sự High Moon Studios qua đầu quân cho series Call of Duty luôn.

Ubisoft đồng hóa các series, khiến nó trở nên một màu

Không phủ nhận rằng Ubisoft đã có những dòng game rất thành công như Splinter Cell, Rainbow Six, Assassin’s Creed, mỗi game một màu sắc khác nhau. Nhưng song song với đó là những dòng game khác không mấy thành công.

Đơn cử là dòng game Ghost Recon trước đây là một series bắn súng chiến thuật rất hay và sáng tạo, nhưng với phần Wildlands và Breakpoint mới đây thì nó lại mang âm hưởng của series The Division, khiến nó trở nên nửa nạc nửa mỡ, hao hao với nhau. Những game như Watch Dogs, Far Cry, The Division, và Ghost Recon đều có chung một motif là game thế giới mở với nhiều cơ chế trong game na ná nhau. Đặc biệt là tất cả đều bị chê y như nhau, bị dính lỗi giống nhau từ năm này qua năm nọ.

Kết quả cuối cùng là không game nào ra game nào, hay dân gian mình hay dùng từ là “mất chất”. Những gì Ubisoft đang làm cơ bản là “reskin” lại game, chỉnh một số thứ cho phù hợp với xu hướng, và thế là thành một tựa game AAA mới toanh.

Nguồn: What Culture