Đọc từ từ thôi các bác nhé, sẽ sốc và sốc rất nặng đấy!

Có thể bạn chưa biết nhưng thật ra BIOS hầu như đã “tuyệt chủng” từ thời Windows 8 rồi, cái mà bạn dùng để boot vào Windows trên phần cứng mới đều là UEFI hết đấy. Nhiều bạn sẽ thắc mắc là: “Ủa tui thấy mấy nhà sản xuất vẫn gọi là BIOS mà, với lại chẳng phải UEFI chỉ là một trong hai chuẩn boot của BIOS, song song với Legacy hay sao?”

Hiện nay thì hầu hết các hãng đã chuyển sang dùng UEFI hết rồi và BIOS chỉ còn có thể được tìm thấy trên những con main được sản xuất cách đây cả chục năm thôi. Tuy nhiên thì khái niệm BIOS đã trở nên quá phổ biến, và lựa chọn của nhiều hãng là vẫn dùng từ BIOS để gọi UEFI. Bây giờ mà bạn ra cửa hàng, mua một con main mới của Asus, MSI, Gigabyte, Asrock… về, gắn vào máy rồi vào “BIOS” thì thực chất là bạn đang vào UEFI chứ không phải là vào BIOS nữa. BIOS vốn đã xem như “tuyệt chủng” luôn rồi. Sở dĩ người ta còn gọi như vậy là bởi vì nó quá quen thuộc với người dùng và họ không muốn người dùng phải bỡ ngỡ khi họ chuyển thẳng sang dùng từ mới mà thôi.

Cái gây nhầm lẫn ở đây là do các mainboard sử dụng UEFI đều cho phép bạn chọn và chuyển qua chuyển lại giữa các chế độ boot gồm Legacy và UEFI để chạy hệ điều hành. Cho nên đến tận hôm nay vẫn có rất rất và rất nhiều người nghĩ rằng UEFI chỉ đơn giản là một chuẩn boot mới hơn mà thôi, và máy tính của họ thì vẫn đang dùng BIOS. Thật ra thì nếu máy tính của bạn cho phép bạn chọn giữa Legacy và UEFI thì chắc chắn nó đang dùng UEFI rồi chứ không còn BIOS nữa đâu nhé. Cái tùy chọn Legacy thực chất là chuẩn boot cũ của BIOS nhằm tương thích ngược với các hệ điều hành cũ được thiết kế để chạy với BIOS, tức là nếu bạn chọn vào Legacy thì chiếc máy tính dùng UEFI của bạn sẽ boot theo kiểu cũ của BIOS chứ không phải là bạn được quyền chọn BIOS hay UEFI.


OK, có lẽ ngay lúc này bạn sẽ muốn ngừng đọc ngay và cmt rằng mình là “mất căn bản”, “cài Win dạo cào phím vớ vẩn”, “đọc wiki tiếng Việt rồi viết bài”… Nhưng mà khoan, nghe mình giải thích cái đã rồi từ từ tính sau nhé! Chúng ta sẽ bắt đầu với cách giải thích của mình cho các khái niệm mà chúng ta thường hiểu sai từ trước đến nay.


Ngày xửa ngày xưa, máy tính còn rất đơn giản, bật một chiếc máy tính lên chỉ đơn giản là cho dòng điện chạy qua các bóng bán dẫn. Nhưng đến khi công nghệ bán dẫn phát triển một cách chóng mặt thì mọi thứ bắt đầu phức tạp lên. Và các kỹ sư máy tính bắt đầu nhận ra rằng chúng ta cần một thứ gì đó để con người có thể giao tiếp với phần cứng một cách trực quan, đồng thời đảm bảo mọi thứ hoạt động trơn tru trước khi máy tính khởi động với hệ điều hành.

Giao diện của BIOS rất “đơn sơ”.

Và thế là BIOS (thường được gọi tắt là BIOS, Basic Input Output System) ra đời để làm việc đó, nó là một dạng chương trình tương tác trực tiếp với phần cứng, được lưu trong một con chip trên mainboard và nó đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình trong nhiều năm.

Tuy nhiên, công nghệ là chưa bao giờ dừng lại cả và cái gì mới rồi cũng phải trở nên lỗi thời. Những chiếc máy tính đầu tiên có BIOS và chạy MS-DOS đến giờ đã ba mươi mấy năm tuổi rồi, và công nghệ bán dẫn cũng đã chạm đến những giới hạn của BIOS, mặc cũng đã có những cải tiến nhất định nhưng bao nhiêu đó là không đủ. Đầu tiên thì cái dễ thấy nhất là BIOS chỉ có thể khởi động với những ổ cứng có dung lượng dưới 2.1TB, còn những chiếc ổ cứng có dung lượng lớn hơn thì BIOS sẽ coi như vô dụng luôn. Còn một điểm nữa là BIOS chỉ có thể chạy ở chế độ xử lý 16-bit và giới hạn trong không gian bộ nhớ 1MB, gặp lỗi khi khởi tạo nhiều thiết bị cùng lúc dẫn đến việc hoạt động ì ạch khi khởi tạo nhiều môi trường và phần cứng trên các hệ thống PC hiện đại về sau.

Vì thế nên vào năm 1998, Intel đã phát triển một công nghệ mới hơn là EFI (Extensible Firmware Interface, tạm dịch là “Giao tiếp firmware mở rộng”) đến năm 2006 thì Apple đã bắt đầu chuyển các thiết bị của mình sang dùng EFI và họ đã dùng nó cho đến hiện nay. Ngay sau đó thì vào năm 2007, Intel cùng với AMD, AMI, Apple, Dell, HP, IBM, Lenovo, Microsoft, và Phoenix Technologies đã tổ chức đàm phán và đạt thỏa thuận thống nhất về việc sử dụng UEFI (Unified Extensible Firmware Interface, tạm dịch là “Giao tiếp firmware mở rộng hợp nhất”, UEFI chính là tên mới của công nghệ EFI).

Công nghệ UEFI tiên tiến hơn cho phép bạn boot vào ổ cứng có dung lượng tối đa lên đến 9.4 Zettabytes. Với UEFI, các nhà sản xuất có khả năng tạo giao tiếp đồ họa đẹp mắt và cho phép người dùng tương tác bằng chuột thay vì chỉ bàn phím như BIOS. UEFI cũng có thể chạy trên các hệ thống 32-bit và 64-bit, cho phép dùng nhiều RAM để xử lý đồng thời nhiều tác vụ phức tạp hơn so với 16-bit của BIOS, giúp khởi động nhanh hơn. UEFI cũng hỗ trợ cả chuẩn MBR và GPT thay vì chỉ MBR như BIOS.

Cái này là giao diện UEFI đây

Khác với BIOS vốn được lưu trong firmware, UEFI nằm “trên” phần cứng và firmware, được lưu trong bộ nhớ điện tĩnh (mấy kiểu bộ nhớ không mất dữ liệu khi mất điện ấy). Chính vì vậy nên nó có thể được chứa trên bộ nhớ flash NAND của bo mạch chính mainboard, ổ cứng hoặc thậm chí là cả trên một cùng tài nguyên mạng được chia sẻ với máy tính.


Tóm lại, UEFI chính là thứ được tạo ra nhằm thay thế BIOS chứ không phải là một chuẩn boot mới nằm trong BIOS như nhiều người vẫn tưởng. Những chiếc mainboard sử dụng BIOS thực sự hầu như đã nằm lại trong quá khứ cả rồi, từ BIOS mà chúng ta vẫn hay gọi thực chất chỉ là một cách gọi sai của UEFI mà thôi. Về phần Legacy thì đây chỉ đơn giản là một chế độ boot để có thể tương thích với hệ điều hành cũ, chọn boot bằng chế độ Legacy tức là bạn bắt UEFI boot theo kiểu cũ chứ không có nghĩa là bạn được quyền đổi từ UEFI sang BIOS.

Có 3 dấu hiệu rất dễ nhận biết bạn đang dùng UEFI chứ không phải BIOS, đầu tiên là bật máy lên và vào “BIOS”, bước 2 thì bạn nhìn các dấu hiệu sau:

  • Bạn có một giao diện đồ họa đẹp mắt chứ không chỉ có chữ và số.
  • Bạn có thể thao tác bằng chuột.
  • Bạn có thể chọn giữa các chế độ boot gồm Legacy và UEFI.
Ví dụ như nếu bạn thấy cái giao diện như thế này thì chắc chắn nó là UEFI rồi nhé, BIOS chỉ là để cho dễ gọi thôi.

Và bước 3 thì… không có bước 3 nữa, nếu bạn thấy được những thứ vừa nêu trên thì bạn đang dùng UEFI đấy, không có BIOS nào ở đâu đâu. Thậm chí là hiện nay nhiều hãng cũng đã từ bỏ luôn cách gọi BIOS luôn rồi, ví dụ như ASRock trong bức ảnh dưới đây, khi boot lên thì bạn sẽ cần nhấn [F2] hoặc [Del] để vào thẳng giao diện UEFI.

Hy vọng đã mang đến được cho các bạn những thông tin thú vị!