Khi Apple ra mắt iMacs vào năm 1998, và sau đó là MacBooks và MacBook Pros, thế giới bỗng “chia” thành 2 phe: hoặc là dân xài PC (Personal Computer – Máy tính cá nhân), hoặc là dân xài Mac. Còn chuyện PC bạn đang xài là của hãng ASUS, Dell, hay HP thì cũng chả ai quan tâm.
Nhưng khi thị trường PC vẫn còn non trẻ, vẫn còn nhỏ và khá đắt đỏ, thì câu chuyện có đôi chút khác biệt. Lúc đó, PC là tất cả. Vào khoảng độ thập niên 70-80 của thế kỷ 20, mua máy tính là một khoản đầu tư cực kỳ lớn bởi vì nó tốn cả ngàn đô chứ chẳng ít. Vì thế, những người đam mê máy tính sẽ chọn mẫu PC mà họ thích, và dính với nó luôn.
Thời đó, cuộc chiến giữa fan của IBM, Apple, Commodore (công ty này đã đi vào dĩ vãng hồi năm 1994 rồi, nhưng trước đó thì nó cực kỳ nổi tiếng ở nước Mỹ) còn ghê hơn cả cuộc chiến giữa PC và Apple ngày nay. Vì thế, những chiếc máy tính thời kỳ đó đã có sức ảnh hưởng cực kì lớn đến cả một thế hệ dân công nghệ.
Sau đây là top 10 PC phổ biến nhất đã từng tồn tại, thậm chí có máy bán được cả mấy triệu chiếc luôn đấy.
10. Timex Sinclair 1000
Vào năm 1981, Sinclair ra mắt một chiếc máy tính với giá… 99,95USD (khoảng 2.300.000VNĐ), một con số mà đến tận 30 năm sau vẫn sốc tới óc. Timex Sinclair 1000 (hay còn gọi là ZX81) có kích thước nhỏ gọn, chạy trên nền BASIC, và RAM của nó chỉ có vỏn vẹn… 2KB với vi xử lý chạy ở tốc độ 3,25MHz. Rất may là nó có chức năng “ép xung” với chế độ “FAST”, nhưng rất buồn là tuy nó tính toán có nhanh hơn thật nhưng tần số quét màn hình lại bị tuột thê thảm. Hên là máy có hỗ trợ gắn thêm thiết bị mở rộng như ổ đĩa mềm và RAM nên nhìn chung cũng không tệ cho lắm.
So với thời kỳ đó thì nó vẫn rất chậm, nhưng vì nó chỉ tốn tầm 100USD nên nó khá là hấp dẫn với những ai đam mê công nghệ mà có hầu bao giới hạn. Nhờ có giá thu hút như thế nên nó đã bán được đến hơn 600.000 chiếc tại thị trường Mỹ.
9. Tandy TRS-80
Nhờ có TRS-80 mà cái tên Tandy đã có thể “sánh vai” được với ông lớn như IBM, Apple, và Commodore trên thị trường PC vào những năm 1980.
TRS-80 ra mắt vào năm 1977, trước khi thị trường máy tính cá nhân thực sự bùng nổ. TRS-80 có RAM 4KB, vi xử lý 1,77MHz, và màn hình 12” với mức giá 600USD (khoảng 14.000.000VNĐ). Trước MS-DOS của Microsoft thì hệ điều hành TRS-DOS (disk operating system) đã rất phổ biến. Điều này được thể hiện qua doanh số 200.000 chiếc, cũng khá là thành công đó.
8. MSX
Trong khi thị trường máy tính ở Mỹ và châu Âu bị chiếm đóng bởi các hãng IBM, Commodore, Sinclair, và Apple, thì thị trường Nhật Bản lại có “ông lớn” của riêng nó vào thập niên 80. Trong đó, MSX một chiếc máy tính rất đặc biệt.
MSX được thiết kế với mục đích trở thành tiêu chuẩn phần cứng cho các máy tính thời bấy giờ. Nó sử dụng Microsoft BASIC và có giá thành không quá mắc như những máy khác cùng thời kỳ. Kể từ lúc ra mắt vào năm 1983, dòng máy tính này đã bán được hơn 5 triệu chiếc. Mặc dù nó không rạng danh toàn cầu, nhưng tại Nhật Bản thì nó rất là “hot”.
Tin bên lề là tựa game Metal Gear đầu tiên được phát triển dành cho hệ máy MSX, trước khi Famicom của Nintendo ra đời.
7. NEC PC-98
Mặc dù tại Nhật Bản, dòng máy MSX rất là thành công, nhưng thành công PC-98 của NEC là đáng nể hơn cả vì nó đã đạt được thành tựu này chỉ với một thân một mình.
Ra mắt vào năm 1982, PC-98 có cấu hình CPU Intel 8086 5MHz, RAM 128KB, và 2 điều khiển màn hình. PC-98 quả thật là một chiếc PC cực kì mạnh mẽ thời đó, và NEC đã chiếm được khoảng 50% thị phần Nhật Bản nhờ vào chiếc máy tính này.
Dòng PC-98 bán được hơn 15 triệu máy trong suốt vòng đời sản phẩm trong hơn 1 thập kỷ. Tất nhiên là trong khoảng thời gian đó thì NEC cũng đã có những cập nhật, cải tiến cho PC-98 rồi.
6. iMac
Sự ra đời của iMac đã làm khuấy đảo thị trường máy tính cá nhân thời bấy giờ. Tất nhiên là nó đều nằm trong dự tính của Apple cả rồi. Khi iMac ra mắt vào năm 1998, Apple đã làm nổi bật sự “tắc kè bông” của chiếc máy này bằng cách dìm màu xám tro của các máy tính đương thời xuống. Đây là một chiếc máy tính đơn giản, thiết kế theo kiểu tất cả trong một (all-in-one). Dễ sử dụng, dễ cài đặt, tính linh hoạt cũng cao.
iMac đã mở ra một chương lịch sử mới cho Apple, tạo tiền đề cho các sản phẩm có tiền tố “i” sau này như iPod và iPhone. Mặc dù iMac không phải là dòng sản phẩm quá thành công (vài năm sau thì Apple mới thật sự hốt bạc nhờ dòng MacBook và MacBook Pro), nhưng nó là chiếc máy Mac đầu tiên có khả năng giáng một đòn chí mạng vào thị trường PC đang bị Microsoft độc chiếm vào thập niên 90.
5. Commodore Amiga
Sau sự thành công của Commodore 64 và Apple II thì Amiga 500 ra đời vào năm 1987. Nó mới hơn, nhanh hơn, tốt hơn với cấu hình CPU 32-bit và tốc độ 7MHz, RAM 512KB, màn hình hỗ trợ 4096 màu, và tích hợp ổ đĩa mềm 3,5”. Tất cả với cái giá 700USD (khoảng 16.300.000VNĐ), cũng không đến nỗi tệ.
Nhờ sở hữu thiết kế nhiều nhân xử lý song song với mỗi nhân phụ trách riêng biệt phần việc âm thanh và hình ảnh nên Amiga 500 đã trở nên rất phổ biến cho việc chơi game và xử lý các tác vụ liên quan đến âm thanh và phim ảnh, điều mà các máy PC phổ thông trước đó không làm được.
4. Apple II
Cũng trong năm Timex Sinclair 1000 ra đời, tức năm 1977, Apple ra mắt Apple II. Mặc dù giá khởi điểm của chiếc máy này lên đến 1300USD (khoảng 30.200.000VNĐ), nhưng Apple II vẫn đạt được thành công mỹ mãn.
Nó được thiết kế dựa trên Apple I, giữ lại vi xử lý 1MHz và RAM 4KB, bổ sung thêm vỏ case và bàn phím. Ngoài ra, Apple II còn có đến 8 khe mở rộng, tha hồ mà tùy biến. Nhưng phần mềm mới chính là thứ khiến Apple II khác biệt. Nhờ có phần mềm bảng tính (spreadsheet) VisiCalc mà Apple II trở thành cánh tay phải đắc lực cho nhiều tập đoàn, mà với tập đoàn thì tất nhiên là họ sẵn sàng bỏ hơn 1000USD cho một chiếc máy tính rồi.
Apple II là một trong những chiếc máy tính bán chạy nhất trong 5 năm liền, với doanh số hơn 1 triệu chiếc máy, giúp đưa Apple vào danh sách Fortune 500.
3. ZX Spectrum
Mặc dù Timex Sinclair 1000 rất thành công tại thị trường Mỹ, nhưng đóng góp cho ngành công nghiệp PC nhiều nhất lại là ZX Spectrum, ra mắt vào 1982. Thiết kế vẫn không có gì quá khác biệt, vẫn nhỏ gọn, vẫn tích hợp bàn phím, giá vẫn “hạt dẻ” (khoảng 3.800.000VNĐ tại thị trường Anh Quốc). Nhưng nó lại có phần cứng mạnh hơn thế hệ tiền nhiệm nhờ vào bộ nhớ RAM 16KB và bàn phím tốt hơn.
Dòng ZX Spectrum đạt được thành công trên thị trường toàn cầu, bán được hơn 5 triệu sản phẩm trong suốt vòng đời của nó. Nó cũng là chiếc PC đầu tiên mà nhiều người sở hữu, giúp tạo ra hàng ngàn công việc khác nhau vì PC giờ đây đang ở “khắp mọi nhà”. Đặc biệt, đối với dân IT và game thủ bên Anh Quốc thì mọi thứ đều bắt đầu với ZX Spectrum.
2. IBM PC
Về cơ bản mà nói thì những chiếc PC (mà không phải là Mac) hiện nay đều là IBM PC. Những chiếc máy tính được xây dựng dựa trên nền tảng Intel, chạy hệ điều hành Windows, và “làm mưa làm gió” trên thị trường kể từ những năm 90 đều bắt nguồn từ chiếc IBM PC. Nó ra đời vào năm 1981 với vi xử lý Intel 8088 tốc độ 4,77MHz và RAM 16KB. IBM Model 5150 là một chiếc PC toàn diện.
Mặc dù đây không phải là chiếc máy tính nhanh nhất thời bấy giờ, nhưng nó được trang bị vi xử lý 16-bit, thay vì 8-bit như những chiếc PC khác cùng thời. Và cũng bởi vì chip 8088 sử dụng bus 8-bit nên nó tương thích với phụ kiện và thiết bị mở rộng bộ nhớ đương thời.
Phiên bản thấp nhất của IBM PC có giá 1600USD (khoảng 37.200.000VNĐ), một con số hợp lý dành cho một chiếc máy cấu hình khủng thời bấy giờ. Chiếc máy này rất phổ biến, và phần mềm được lập trình để khai thác tối đa sức mạnh của con chip 8088. Vì thế, nhiều công ty khác đã sao chép BIOS của IBM và tạo ra biến thể của riêng họ.
Trong vài năm sau đó, tất cả máy tính x86 mà sử dụng vi xử lý của Intel đều tương thích với IBM PC và thiết kế của chúng gần như là tương đồng với IBM PC. Một điều nữa là tất cả đều chạy trên nền MS-DOS.
1. Commodore 64
Ra mắt vào năm 1982, Commodore 64 sử dụng CPU 1MHz, RAM 64KB và có hai điểm nhấn: một là nó có chip âm thanh xịn sò, có thể lập trình được, hai là nó cũng có chip đồ họa… xịn nốt. Ngoài ra, giá bán của Commodore 64 cũng rất dễ tiếp cận – chỉ với 595USD (khoảng 14.000.000VNĐ). Commodore 64 còn có thể cắm vào TV, biến nó trở thành chiếc máy tính lai console để chơi game.
Khi ra mắt vào năm 1982, chip đồ họa của Commodore 64 mạnh đến mức áp đảo cả Apple II. Và nhờ giá cả phải chăng nên Commodore 64 bán đắt như tôm tươi. Chi phí sản xuất càng rẻ, Commodore càng hạ giá, giúp nó trở nên phổ biến xuyên suốt thập niên 80 và được sản xuất cho đến tận 1994.
Khi gắn thêm modem mạng thì Commodore 64 trở thành một sự lựa chọn lý tưởng cho việc lên online. Commodore 64 bán chạy đến mức cho đến bây giờ vẫn chưa có chiếc PC nào vượt mặt được doanh số của nó. Ước tính nó bán được từ 12 triệu cho đến 30 triệu máy.
Nguồn: HowStuffWorks