Hôm trước, mình có viết một bài giới thiệu top 9 game engine đã định hình thế giới game hiện đại. Vì thấy chủ đề này cũng khá thú vị nên mình có tìm hiểu thêm, và hôm nay tổng hợp thêm một danh sách nữa để giới thiệu đến các anh em.

Sau đây là danh sách top 10 game engine đang xóa nhòa ranh giới giữa thật và ảo.

Fox Engine

Đây là game engine được tạo ra bởi Konami Digital Entertainment (tiền thân là Kojima Productions) và dành riêng cho game của Konami. Engine này được bắt đầu phát triển sau khi Metal Gear Solid 4 được hoàn tất vào năm 2008, với mục tiêu trở thành engine tốt nhất thế giới. Nghe cũng vĩ mô đấy!

Đến tháng 9/2013 thì Fox Engine được hoàn thiện và được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trong game Pro Evolution Soccer 2014. Nhờ có engine này mà việc phát triển game đa nền tảng của Kojima Productions đã được tinh giản đi rất nhiều, rút ngắn thời gian sản xuất.

Những bạn nào để ý thì chắc cũng biết engine này được lấy tên theo FOX – một đơn vị quân đội giả tưởng trong dòng game Metal Gear.

Những tựa game được xây dựng dựa trên game này bao gồm: Pro Evolution Soccer 2014-2020, Metal Gear Solid V: Ground Zeroes (2014), Metal Gear Solid V: The Phantom Pain (2015), Metal Gear Survive (2018).

LithTech

LithTech là được phát triển bởi Monolith Productions và có thể nói là đối thủ của Quake và Unreal Engine. Ngoài Monolith ra thì cũng đã có rất nhiều nhà phát triển game khác sử dụng LithTech làm engine cho game bắn súng FPS của họ.

Monolith ban đầu phát triển engine này cho Microsoft, nhưng sau đó đã mua lại và cấp phép cho nhiều nhà phát triển khác sử dụng. Phiên bản LithTech cuối cùng được cấp phép cho nhà phát triển bên ngoài là Jupiter EX vào năm 2005, tuy nhiên thì Monolith vẫn tiếp tục sử dụng engine này trong những tựa game gần đây của họ.

LithTech được sử dụng để tạo ra các game Aliens versus Predator 2 (2001), Medal of Honor: Pacific Assault (2004), F.E.A.R. 1 & 2 & 3, Middle-earth: Shadow of Mordor (2014), Middle-earth: Shadow of War (2017).

Creation Engine

Creation Engine là một engine 3D tạo ra bởi Bethesda Game Studios dựa trên engine Gamebryo (nổi tiếng với các tựa game như Civilization IV, The Elder Scrolls III: Morrowind, The Elder Scrolls IV: Oblivion, Fallout 3).

Sau khi Bethesda sử dụng Gamebryo để tạo ra những game trên thì họ thấy rằng đồ họa của nó đã quá cũ nên bắt tay vào làm một engine mới tên là Creation Engine dựa trên nền của Gamebryo.

Creation Engine được dùng để tạo ra các game nhập vai (RPG) như The Elder Scrolls V: Skyrim (2011), Fallout 4 (2015), và Fallout 76 (2018).

AnvilNext

Anvil là một game engine đa nền tảng được tạo ra vào năm 2007 bởi nhà phát triển Ubisoft Montreal. Anvil trong giai đoạn 2007-2009 còn được biết đến với tên gọi là Scimitar.

Đến năm 2012 thì nó được cập nhật thành AnvilNext với nhiều cải tiến đáng kể về hiệu ứng thời tiết và chất lượng đồ họa cũng như AI của kẻ địch.

Đây chính là engine được sử dụng để thiết kế cho cả dòng game Assassin’s Creed từ trước đến nay (ừ, kể cả bản Assassin’s Creed đầu tiên vào năm 2007 đấy). Ngoài ra thì engine này còn được sử dụng cho các tựa game khác như Prince of Persia (2008), Prince of Persia: The Forgotten Sands (2010), For Honor (2017), Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands (2017), Tom Clancy’s Ghost Recon Breakpoint (2019).

Luminous Studio

Luminous Studio là một engine đa nền tảng được tạo ra và lưu hành nội bộ bởi Square Enix. Engine này được thiết kế dành cho thế hệ phần cứng thứ 8 và nền tảng DirectX 11, chẳng hạn như PS4, Xbox One, và Microsoft Windows.

Ý tưởng tạo ra engine này bắt đầu từ lúc phát triển tựa game Final Fantasy XIII-2 và để thay thế cho engine Crystal Tools lúc đó vì engine này không còn phù hợp với thế hệ console tiếp theo nữa.

Khi ra mắt tại sự kiện E3 2012 thì Luminous Studio đã làm nhiều nhà phê bình bất ngờ vì đồ họa đẹp đến ngỡ ngàng, thậm chí còn sánh ngang cả Unreal Engine 4, nhất là khả năng tái tạo hình ảnh 3D của con mắt nhìn rất chân thực. Thật vậy, nếu bạn nào đã chơi thử FFXV thì sẽ thấy những lời khen ngợi kia là hoàn toàn có cơ sở.

Tuy hiện tại chỉ mới có Final Fantasy XV (2016) là sử dụng engine này, nhưng thực ra thì đã có 2 phiên bản tech demo dùng để phô diễn khả năng của Luminous Studio là Agni’s Philosophy (2012) và Witch Chapter 0 (2015).

REDengine

Đây là game engine được phát triển bởi studio CD Projekt Red và độc quyền dành cho các tựa game nhập vai phi tuyến tính của họ. Đây là engine đã thay thế cho Aurora Engine (engine kế nhiệm của Infinity Engine huyền thoại mà mình có đề cập trong bài trước) CD Projekt Red đã mua bản quyền lại từ BioWare để phát triển The Witcher.

Các game sử dụng engine này bao gồm The Witcher 2: Assassins of Kings (2011), The Witcher 3: Wild Hunt (2015), và sắp tới là Cyberpunk 2077 ra mắt trong năm sau.

Vision

Havok Vision Game Engine là một engine 3D đa nền tảng ban đầu được phát triển bởi Havok (với bản quyền thuộc về Trinigy), ra mắt vào năm 2003. Đến năm 2011 thì Trinigy và Vision Engine được Havok mua lại.

Nghe thì có vẻ như đây là một engine vô danh tiểu tốt, nhưng bạn có biết đây chính là engine đã được sử dụng để tạo ra tựa game 7554 lừng lẫy một thời hay không? Vào năm 2011 thì 7554 là niềm tự hào của cả nước Việt Nam nói chung và ngành game nước nhà nói riêng đấy. Không có Vision thì chắc 7554 cũng đã không tồn tại rồi.

Ngoài ra, engine này còn được sử dụng để tạo ra một số game khác như Raven’s Cry (2015), Orcs Must Die! 2 (2012), Stronghold 3 (2011), Orcs Must Die! (2011).

Decima

Được phát triển bởi Guerrilla Games (và sau này có thêm Kojima Productions), Decima ra mắt lần đầu vào tháng 11/2013 trong tựa game Killzone Shadow Fall trên PS4. Sau đó, engine này cũng xuất hiện trong một vài tựa game khác độc quyền trên PS4. Cho đến năm sau thì mới có tựa game PC đầu tiên sử dụng engine này.

Một số tự game đình đám, làm mưa làm gió trên PS4 sử dụng engine này có thể kể đến bao gồm Until Dawn (2015), Horizon Zero Dawn (2017), và mới đây nhất là Death Stranding (2019).

IW engine

Đây là một game engine được phát triển bởi hai studio lừng lẫy là Infinity Ward và Treyarch đã quá nổi tiếng với dòng game Call of Duty huyền thoại. IW engine ban đầu được xây dựng dựa trên engine id Tech 3 (mình cũng có để cập engine này trong bài trước), và sau đó được sử dụng bởi Infinity Ward, Treyarch, Raven Software, và Sledgehammer Games, tất cả đều là nhà phát triển của dòng game Call of Duty, khác cái là họ “xoay tua” làm game cho mỗi năm thôi.

IW engine được sử dụng lần đầu vào năm 2005 trong tựa game Call of Duty 2, và sau đó là CoD 4: MW (2007); WaW (2008), MW 2 (2009), BO (2010), MW 3 (2011), BO II (2012), Ghosts (2013), BO III (2015), IW (2016), và BO 4 (2018).

MT Framework

MT Framework là game engine được tạo ra bởi Capcom, và chữ “MT” là viết tắt của “Multi-Thread”, “Meta Tools”, và “Multi-Target”. Ban đầu thì Capcom chỉ định xài engine này cho 2 tựa game Dead Rising (2006) và Lost Planet: Extreme Condition (2006), nhưng sau đó thì họ đã quyết định biến nó trở thành engine mặc định của Capcom luôn.

Kết quả là hầu hết những những game dành cho hệ máy PS3 và Xbox 360 được phát triển bởi Capcom là đều sử dụng engine này, bao gồm cả 4 tựa game mới và 3 phiên bản remaster của dòng game Resident Evil huyền thoại (và cũng là dòng game lớn nhất của Capcom).

Engine này còn được nhận giải thưởng CEDEC Awards vào năm 2008, năm đầu tiên diễn ra sự kiện trao giải. Đây là giải thưởng dành cho nhà phát triển game và game mang tính đột phá nhất trong năm.

Mặc dù MT Framework đã được sử dụng trong thời gian dài và có nhiều phiên bản khác nhau (2.0, Lite, Mobile), Capcom đã quyết định cho engine này nghỉ hưu và thay thế bằng engine Penta Rhei và RE Engine để phát triển game cho thế hệ console thứ 8 (PS4, Xbox One).

Những tựa game nổi tiếng được phát triển bởi MT Framework có thể kể đến như Devil May Cry 4 (2008), Resident Evil 5 (2009), Resident Evil 6 (2012), Resident Evil HD Remaster (2014), Monster Hunter: World (2018), Resident Evil Zero HD Remaster (2016), Mega Man 11 (2018)

Nguồn: Wikipedia (1); (2); (3); (4); (5); (6); (7); (8); (9); (10)