Các hãng công nghệ luôn cố gắng phát triển, sáng tạo những công nghệ mới nhất cho người dùng nhưng không phải lúc nào cũng thành công.
Samsung Galaxy Note 7
Đây là dòng phablet tốt nhất của Samsung cho đến khi nó… tự phát nổ. Vấn đề của Note 7 là viên pin quá lớn bị nhồi nhét vào thân máy gây quá nhiệt và gây cháy nổ. Có rất nhiều trường hợp nguy hiểm được ghi nhận như Note 7 tự bốc cháy khi sạc pin vào ban đêm, làm cháy túi quần gây bỏng người dùng hay bốc cháy trên máy bay khiến hành khách phải sơ tán. May mắn là Samsung đã nhanh chóng thu hồi toàn bộ số Note 7 đã bán ra và khắc phục lỗi lầm ở các dòng Note tiếp theo.
Sạc không dây Apple
Apple là hãng công nghệ hàng đầu trên thế giới, mỗi sản phẩm họ làm ra đều có có chất lượng hoàn thiện và thiết kế khiến giới công nghệ trên toàn thế giới phải “học hỏi” theo. Vào năm 2017, Apple hứa hẹn sẽ ra mắt sạc không dây có thể sạc cùng lúc cho iPhone X, Apple Watch và AirPod cùng lúc. Tuy nhiên, đế sạc này đã không bao giờ xuất hiện vì “sản phẩm không đạt tiêu chuẩn” theo như Apple công bố. Đây có lẽ là sản phẩm duy nhất mà Apple cần phải “học hỏi” các hãng công nghệ khác để hoàn thiện sản phẩm.
Bàn phím cánh bướm Macbook
Phương châm thiết kế của Apple trong vài năm gần đây làm cho sản phẩm của họ càng ngày càng mỏng nhẹ và quyến rũ. Các dòng Macbook của Apple luôn được xem là chuẩn mực của cái đẹp lại có bàn phím cánh bướm dễ bị kẹt bởi bụi bẩn, thức ăn,… vào bên dưới gây kẹt phím. Sau rất nhiều phàn nàn, Apple đã phải xin lỗi và nhận bảo hành miễn phí cho các dòng Macbook sử dụng bàn phím cánh bướm.
Window 8, 8.1 – Windows Phone
Sau thời hoàng kim của Windows 7, Microsoft quyết định tạo ra hệ điều hành Windows có giao diện hoàn toàn mới có tên Windows 8. Việc loại bỏ hoàn toàn phím Windows “huyền thoại” và thay đổi giao diện quá đột ngột khiến người dùng không thể làm quen cộng với sự ổn định của Windows 7 đã khiến cho Windows 8 phải “về hưu “ sớm. Một vấn đề khác của Windows 8 là quá tập trung giao diện cho màn hình cảm ứng khiến trải nghiệm chuột và bàn phím không còn sự mượt mà như các đời Windows trước.
Còn đối với Windows Phone, “cái chết” đã được dự đoán trước vì thời điểm Microsoft ra mắt, thế giới smartphone đã được định hình bằng hai “phe” Android và iPhone. Dù là kẻ sinh sau đẻ muộn nhưng Windows Phone không có quá nhiều ưu điểm so với hai đối thủ còn lại, giao diện đơn điệu và còn thiếu ứng dụng trầm trọng.
Google Glass
Kể từ khi ra mắt, Google Glass được kỳ vọng sẽ tạo cuộc cách mạng kính thực tế ảo nhưng kết quả thì lại không như kỳ vọng các bạn ạ. Dù được quảng cáo sẽ có thể ứng dụng vào thực tế như hiển thị thông tin thời tiết, hiển thị bản đồ, nhận gọi điện thoại,… chỉ bằng vài cái vẫy tay trong không khí nhưng trải nghiệm thực tế lại không “ảo diệu” mong đợi. Ngoài ra, thiết kế chưa đủ gọn nhẹ và kém phần tinh tế khiến người dùng trông khá là “dị” khi sử dụng ngoài phố.
Các mạng xã hội của Google
Để cạnh tranh với Facebook, Google từng tạo nhiều mạng xã hội khác nhau như Google Buzz (2010), Google + (2011). Mặc dù Google có rất nhiều sản phẩm thành công như Gmail, Youtube, Google Drive,… nhưng các mạng xã hội của họ chưa bao giờ được xem là đối thủ của Facebook. Không những thế, vào năm 2018, Google + còn để lộ thông tin cá nhân của 500,000 tài khoản. Đến năm 2019, Google đã quyết định đóng cửa Google + vì số lượng người dùng quá ít.
Facebook và những scandal
Trong những năm gần đây, Facebook đã trở thành một trong những mạng xã hội lớn nhất với hàng tỉ người dùng. Hiện nay Facebook có rất nhiều vấn đề cần giải quyết như bảo mật thông tin người dùng, tin giả để “lèo lái” dư luận, … đang ngày càng làm người dùng mất niềm tin về các thông tin trên mạng internet.
Ngoài ra, Facebook đã từng cố gắng làm đa dạng sản phẩm, dịch vụ của mình nhưng đa số đều thất bại. Trong đó có một số sản phẩm thất bại sớm đến nỗi Việt Nam chúng ta chưa có cơ hội sử dụng mà đã “tử nạn” như: Facebook Email (cạnh tranh với Gmail), Facebook Home (giao diện cho điện thoại Android), Notify (ứng dụng đọc tin tức), … và còn rất nhiều sản phẩm khác.
Máy tính bảng Android
Máy tính bảng Android được tạo ra để cạnh tranh với iPad nhưng lại không được các hãng công nghệ đầu tư nghiên cứu như iPad của Apple. Tại Việt Nam chúng ta, khái niệm máy tính bảng thì được gọi là “iPad” đã chứng minh cho sự mờ nhạt của các dòng máy tính bảng Android. Đến vài năm gần đây, Samsung cố gắng cho ra dòng máy tính bảng Samsung Galaxy Tab nhưng vẫn không thể cạnh tranh nổi với iPad đã quá thành công.
Steam Machines
Bạn có biết Steam từng ra mắt console để cạnh tranh với PlayStation và Xbox không? Steam công bố về console của họ từ năm 2014, nhưng đến năm 2015 bộ máy hoàn chỉnh mới được bán ra. Sau khi được ra mắt, các hãng gaming cũng không quá mặn với Steam cho lắm. Đến năm 2018, Steam gỡ danh mục máy chơi game khỏi trang chủ của họ và từ đó đến nay vẫn chưa có thông tin mới về dòng console này. Khi so với vòng đời 6 – 7 năm của các dòng console khác, Steam Machines thật sự không để lại ấn tượng quá đặc biệt và sự “ra đi” trong âm thầm của nó cũng là một điều có thể thấy trước.
Các dịch vụ chơi game qua đám mây
Đưa các dịch vụ chơi game đám mây như Apple Arcade hay Google Stadia vào danh sách thì có lẽ là hơi sớm. Tuy nhiên, nguy cơ thất bại của các dịch vụ này trước thị trường game truyền thống là rất lớn. Bạn có thể chơi các tựa game online miễn phí phổ như Liên Minh Huyền Thoại, Dota 2, CS:GO, … hoặc mua hẳn những tựa game bản quyền để chơi. Các dịch vụ chơi game đám mây đòi hỏi phải trả tiền thuê bao hàng tháng để chơi game là một điều gì đó khá mới mẻ đối với game thủ. Hơn nữa, việc chơi game thông qua đám mây đòi hỏi đường truyền internet phải ổn định cũng là một điểm bất lợi vì không phải ai cũng có đường truyền mạng ổn định.
Trên đây là danh sách các thất bại lớn nhất của các hãng công nghệ, không phải lúc nào họ cũng thành công và có những sản phẩm sẽ trở thành “huyền thoại” về sau.