Từ nay không sợ bị chôm ảnh nữa các bạn nhé
Adobe, Twitter, và The New York Times Company vừa qua đã công bố một quy chuẩn mới, cho phép các tác giả “đóng dấu” bản quyền lên những sản phẩm của họ. Sẽ có một công cụ ghi nhận chủ nhân của một tác phẩm và kiểm tra xem nó có bị ai chỉnh sửa hay chưa, xong sau đó đưa cho nhiều người khác và nền tảng khác để đối chiếu thông tin đó.
Dự án này được gọi là Content Authenticity Initiative, và dựa trên những gì mà Adobe đã công bố thì công cụ này là một dạng metadata (tạm dịch: “siêu dữ liệu”) được đính kèm vào trong tập tin.
Ứng dụng chính của công cụ này là giúp xác định nguồn gốc của một bức ảnh bất kì, và đảm bảo toàn bộ quyền lợi cho tác giả “chính chủ” của bức ảnh đó. Hiện giờ có rất nhiều bức hình được lan truyền trên các trang mạng xã hội với tốc độ “chóng mặt”, và nhờ cái metadata này mà chúng ta có thể truy ngược lại xem chủ nhân gốc của bức hình đó là ai, cho dù bức hình có bị xóa watermark (đóng dấu bản quyền) đi chăng nữa.
Adobe cho biết đây còn là một cách giúp xác thực tính chính xác của một nội dung online bất kì. Bài nghiên cứu của The New York Times Company cũng chỉ ra rằng công cụ này sẽ rất hữu ích trong việc giúp người xem xác nhận được tin giả mạo, tin vịt trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay.
Tất nhiên, Adobe và các bên liên quan sẽ có cách bảo mật metadata này, hạn chế tối đa sự can thiệp từ bên ngoài. Adobe đã trình diễn phiên bản thử nghiệm (prototype) của công cụ này trong phần mềm Photoshop vào ngày hôm qua, nhưng hiện tại chúng ta vẫn chưa biết được ngày ra mắt chính thức là ngày nào.
Nguồn: The Verge