8.890.000 VNĐ cho 1 con CPU AMD Ryzen 7 7700 8 nhân 16 luồng cùng tản nhiệt stock top-of-the-line Wraith Prism là kèo khá thơm đó nha.
Để khởi đầu năm 2023 thật mạnh mẽ, AMD đã mở rộng dòng CPU Ryzen 7000 series với những phiên bản non-X. Trong đó, đứng giữa là Ryzen 7 7700 – con chip có 8 nhân 16 luồng giống như đàn anh Ryzen 7 7700X nhưng có xung nhịp và TDP thấp hơn. Thêm nữa, ưu điểm nổi bật của Ryzen 7000 series non-X nói chung và Ryzen 7 7700 nói riêng, ngoài mức giá mềm hơn, đó là chúng còn đi kèm với tản nhiệt stock, và trong trường hợp của Ryzen 7 7700 thì AMD có kèm sẵn chiếc tản Wraith Prism nhìn cũng xịn sò lắm đó. Vậy liệu combo tầm trung giá 8.890.000 VNĐ này có phải là deal ngon? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm câu trả lời ngay sau đây nhé.
Thông số kỹ thuật AMD Ryzen 7 7700:
- Số nhân/luồng: 8 nhân 16 luồng
- Xung nhịp boost tối đa: lên đến 5,3 GHz (1 nhân)
- Xung nhịp cơ bản: 3,8 GHz
- Bộ nhớ đệm L1: 512 KB
- Bộ nhớ đệm L2: 8 MB
- Bộ nhớ đệm L3: 32 MB
- TDP mặc định: 65 W
- GPU tích hợp: 2 nhân AMD Radeon Graphics
- Tiến trình nhân CPU: TSMC 5nm FinFET
- Mở khóa ép xung: Có
- Socket tương thích: AM5
- RAM tương thích: DDR5 (2 kênh)
- Tản nhiệt đi kèm: AMD Wraith Prism
Nói một cách khái quát thì Ryzen 7 7700 có xung nhịp thấp hơn Ryzen 7 7700X, nhưng điều thú vị ở đây là mặc dù xung nhịp cơ bản giữa 2 con chip này chênh nhau tới 700 MHz, xung nhịp boost đơn nhân cách nhau chỉ có 100 MHz mà thôi. Vì thế cho nên trong các tác vụ hằng ngày, có thể nói Ryzen 7 7700 chẳng xê xích là bao so với Ryzen 7 7700X về mặt hiệu năng.
Thêm vào đó, 7700 có mức TDP là 65W và PPT (package power tracking) là 95W, thấp hơn nhiều so với TDP 105W và PPT 140W của 7700X. Tin buồn là khả năng ép xung tăng hiệu năng của 7700 sẽ khó thể nào bì kịp 7700X, nhưng tin vui là 7700 sẽ chạy mát mẻ hơn, ít ngốn điện hơn, và bạn cũng không nhất thiết phải đầu tư một con tản cao cấp cho 700 làm chi.
Mà nhắc tới tản nhiệt, AMD còn bán kèm với Ryzen 7 7700 chiếc tản nhiệt Wraith Prism RGB thuộc hàng top-of-the-line, đủ sức để cân tới 140W, cho nên ụp lên con chip 7700 là bao “dư sức qua cầu” luôn. Đã vậy, thiết kế của chiếc tản này nhìn cũng cũng chất lượng và khá là hầm hố, có đồng bộ đèn LED RGB đủ kiểu (thông qua header RGB hoặc header USB 2.0 trên bo mạch chủ) cho bạn tha hồ tùy biến theo sở thích. Tản tháp RGB của bên thứ 3 bây giờ đã quá phổ biến rồi, nhưng tản top-flow RGB thì không dễ tìm đâu nha. Cho nên ngoài hiệu ứng đèn đóm ra thì thiết kế tản nhiệt theo kiểu top-mount cũng là 1 yếu tố giúp dàn PC của bạn trở nên khác biệt so với phần còn lại đó.
Bạn có thể kết hợp con chip này với bo mạch chủ B650 (vẫn hỗ trợ PCIe 5.0) hoặc B650E để tiếp cận nền tảng AM5 với số tiền mềm hơn so với combo 7700X và X670 hoặc X670E. Ryzen 7 7700X tại thời điểm bài viết có giá tầm 10.190.000 VNĐ, tức là chưa gì đã tốn kém hơn Ryzen 7 7700 tới 1.300.000 VNĐ rồi, đó là chưa tính đến bo mạch chủ đó nha. Còn giá RAM DDR5 thì đang trên đà giảm mạnh, cho nên ngoài chuyện mẫu mã đa dạng hơn thì bạn cứ yên tâm là DDR5 cũng sẽ ngày một trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn nhé.
CPU AMD Ryzen 7 7700 đủ sức để kham GPU Radeon RX 7900 XTX đầu bảng, và 8 nhân 16 luồng sẽ khiến bạn an lòng cho tương lai
Sở dĩ bọn mình gắn RX 7900 XTX chung với Ryzen 7 7700 là để xem có xảy ra tình trạng nghẽn cổ chai ở CPU hay không. Nếu 7700 có thể kéo RX 7900 XTX ngon lành thì trong năm 2023, khi AMD ra mắt thêm các mẫu GPU Radeon RX 7000 series thuộc phân khúc thấp hơn, thì bạn có thể bắt cặp nó với 7700 để build 1 dàn PC có mức giá phải chăng hơn mà vẫn yên tâm là sẽ khai thác hết hiệu năng của card màn hình.
Nói đến chuyện an tâm, nếu bạn cảm thấy lo lắng cho tương lai sau này, nhất là khi các tựa game ngày nay đang có xu hướng ngày một ngốn tài nguyên phần cứng nhiều hơn, thì một con chip 8 nhân 16 luồng như Ryzen 7 7700 sẽ giúp bạn an tâm hơn nhiều so với con chip 6 nhân như Ryzen 5 7600 chẳng hạn. Đúng là game bây giờ vẫn chưa thể vắt kiệt sức mạnh của những con CPU 6 nhân được, nhất là khi đó là những con CPU mới ra mắt trong vài ba năm trở lại đây; nhưng chuyện tương lai nào ai biết trước được gì, cho nên thà chuẩn bị trước vẫn tốt hơn là đợi nước tới chân rồi mới nhảy các bạn ạ.
Dàn test bench AMD Ryzen 7 7700 của bọn mình gồm những linh kiện sau:
- CPU: AMD Ryzen 7 7700
- Tản nhiệt: AMD Wraith Prism
- RAM: 2 x 16 GB Kingston FURY Beast RGB DDR5-6000 (36-38-38)
- Bo mạch chủ: ASUS ROG Crosshair X670E HERO
- Card màn hình: AMD Radeon RX 7900 XTX
- SSD: 512 Plextor M9P
- PSU: FSP Hydro G PRO ATX3.0 (PCIe 5.0) 1000W
- Hệ điều hành: Windows 11 Professional 64-bit 22H2
- Driver: Adrenalin 22.12.1
Cinebench R23
Corona
Blender
PCMark 10
3DMark Time Spy Extreme
3DMark Time Spy
Shadow of the Tomb Raider
Shadow of the Tomb Raider – ray tracing
Red Dead Redemption 2
Red Dead Redemption 2 – FSR Performance
Cyberpunk 2077
Cyberpunk 2077 – FSR Ultra Performance
Cyberpunk 2077 – ray tracing + FSR Ultra Performance
Call of Duty: Modern Warfare II
Call of Duty: Modern Warfare II – FSR Performance
Ngoài thiết lập 4K max setting ra, sẵn tiện mình cũng benchmark luôn hiệu năng của dàn máy khi bật FSR ở chế độ ưu tiên hiệu năng. Lúc này, gánh nặng của GPU sẽ được đưa bớt cho CPU do nó phải xử lý nhiều khung hình hơn trong 1 giây (fps cao hơn) so với lúc không bật FSR. Nhìn chung, kết quả cho thấy số fps hầu như chẳng khác gì so với lúc mình test con Ryzen 5 7600 với phần cứng và thiết lập tương tự; ngay cả trường hợp bật FSR Performance thì hiệu năng cho ra cũng giống nhau luôn.
Call of Duty: Modern Warfare II – FSR Performance (Ryzen 5 7600)
Tuy nhiên, nhờ Modern Warfare II mà mình mới nhận ra 1 điều là mặc dù số fps trung bình đều như nhau khi bật FSR Performance, Ryzen 7 7700 lại ít bị nghẽn cổ chai hơn so với Ryzen 5 7600 các bạn ạ. Theo hình, có thể thấy GPU không chạy hết khả năng của nó mà bị nghẽn 1 phần ở CPU, cụ thể là 7600 bị nghẽn 16% và 7700 bị nghẽn 10%. Tuy sự chênh lệch này không đủ để khiến fps trung bình trở nên khác biệt, nó vẫn cho thấy một điều rằng khác biệt giữa 6 nhân và 8 nhân là có chứ không phải là không.
Bây giờ thì điều này có thể vẫn chưa xi-nhê gì mấy, nhưng đây là dấu hiệu cho thấy trong 1 tựa game đòi hỏi nhiều tài nguyên CPU thì chip 8 nhân sẽ thắng thế so với chip 6 nhân. Mà ở phía trên mình cũng đã có nói rồi đó, game sẽ càng ngày càng ngốn phần cứng để xử lý nhiều thứ phức tạp hơn, giúp gameplay trở nên sống động hơn, cho nên chuyện đầu tư 1 con CPU 8 nhân bây giờ cũng không thừa đâu các bạn ạ.
Đi kèm Ryzen 7 7700 là Wraith Prism – Xứng tầm tản nhiệt stock top-of-the-line của AMD
Prime95 Small FFTs (AMD Wraith Prism)
Prime95 chạy ở chế độ Small FFTs sẽ hành hạ CPU nhiều nhất. Tất nhiên, trong điều kiện xài hằng ngày, chơi game giải trí hay thậm chí lâu lâu edit video chơi chơi thì Ryzen 7 7700 sẽ không bị “ăn hành” nhiều đến thế đâu. Nhưng sở dĩ mình muốn mô phỏng tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi xài con CPU này cốt là để xem xem tản AMD Wraith Prism xịn đến cỡ nào.
Sau khi chạy bài test được 30 phút thì xung nhịp toàn nhân của con chip vẫn giữ nguyên ở mức 4,6 GHz, không hề có dấu hiệu giảm xung các bạn ạ. Còn nhiệt độ thì vẫn loanh quanh tầm 81-82 độ C, hơi nóng đó nhưng mà vẫn trong ngưỡng hoạt động bình thường của AMD. CPU Package Power lúc này là 90W và CPU PPT là 88W.
Thế mới thấy Wraith Prism hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu tản stock top-of-the-line của AMD các bạn ạ. Cứ gắn Wraith Prism chung với Ryzen 7 7700 là bạn đã có thể chiến game thả ga, không lo bị quá nhiệt. Việc gắn tản khí hoặc tản nhiệt nước AIO cao cấp của bên thứ 3 tất nhiên sẽ giúp con chip chạy mát hơn nữa, đảm bảo ổn định về lâu về dài, cộng với đó là nhìn dàn PC cũng cứng cáp và hầm hố hơn; nhưng bản thân Wraith Prism cũng đã đủ để 7700 phát huy sức mạnh của nó rồi, cho nên nếu tài chính của bạn chưa cho phép thì đây vẫn là 1 sự lựa chọn mà bạn có thể tin tưởng trong tương lai trước mắt, chí ít là cho đến khi bạn nâng cấp lên 1 con chip mạnh hơn.
AMD Ryzen 7 7700 dành cho ai?
Nhằm củng cố vị thế của mình, AMD đã mang đến những con chip Ryzen 7000 non-X series với mức giá thấp hơn, tiết kiệm điện hơn so với dòng X, và nhất là nó còn đi kèm với tản nhiệt ngay trong hộp luôn, giúp nâng giá trị của CPU thêm nữa. Trong đó, Ryzen 7 7700 là một ứng cử viên tầm trung sáng giá với 8 nhân 16 luồng, đủ để bạn vừa chiến game vui vẻ vừa thoải mái biên tập video ngay cả khi gắn tản nhiệt stock. Bản thân Wraith Prism cũng là 1 chiếc tản nhiệt xứng đôi vừa lứa với 7700, vừa có hiệu năng tốt vừa có LED RGB đẹp mắt, đỡ phải tốn tiền mua tản nhiệt khác. Với mức giá 8.890.000 VNĐ, đây sẽ là một sự lựa chọn sáng suốt nếu bạn đang muốn build một dàn PC AM5 thế hệ mới với chi phí vừa phải, mà lại có thể “sống dai” trong vòng vài năm tới để cùng bạn xông pha khắp mặt trận thế giới ảo.
Một số hình ảnh bổ sung:
Các bạn có thể đặt mua và tham khảo các chương trình khuyến mãi mới nhất khi mua AMD Ryzen 7 7700 TẠI ĐÂY nhé. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tham khảo thêm mấy mẫu Ryzen 7000 series khác với mức giá vô cùng hấp dẫn TẠI ĐÂY.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- AMD Ryzen 5 7600 giá 6.300.000 VNĐ đã giúp đưa nền tảng AM5 đến gần với game thủ hơn bao giờ hết
- Đặt chân lên AM5 – nền tảng của tương lai – với AMD Ryzen 5 7600X giá chỉ 7.990.000 VNĐ
- AMD Ryzen 9 7900X và câu chuyện tối ưu chi phí cho tương lai
- Radeon RX 7900 XTX – Chạm tới niềm kiêu hãnh của AMD với giá từ 33 triệu đồng
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!