Thường thì những series game càng về sau sẽ có kinh phí nhiều hơn, ứng dụng những công nghệ hiện đại hơn nhằm tạo ra đồ họa bắt mắt và chi tiết hơn, môi trường rộng lớn hơn,… so với những phiên bản tiền nhiệm. Tuy nhiên, không phải lúc nào những phần hậu bản cũng hay hơn phần đầu tiên, ngay cả khi nó được phát triển bằng những công nghệ xịn sò. Và đôi lúc, chỉ cần đúng 1 tựa game thôi là đã đủ để hủy hoại danh tiếng của cả một series huyền thoại mà nó thuộc về. Sau đây là top 10 tựa game “làm rầu nồi canh”, hủy hoại thanh danh của những dòng game đầy kiêu hãnh.
Battlefront 2
Cơ chế bán vật phẩm (microtransaction) trong game đã xuất hiện cũng khá lâu rồi, và game thủ vẫn cảm thấy ổn với chuyện này, nhất là khi một tựa game miễn phí mở cơ chế mua bán skin, quần áo bằng tiền thật. Nhưng đến khi cơ chế loot box ra đời, game thủ cứ đập hết hòm này đến hòm khác mà không biết đến khi nào mới có được thứ mình muốn thì mọi chuyện bắt đầu xấu dần đi. Đỉnh điểm là chèn ép game thủ, buộc họ hoặc là cày còng lưng, hoặc là xùy tiền ra để có thể sở hữu món đồ mà mình mong muốn. Bên cạnh những dòng game như For Honor, Middle-Earth: Shadow of War, thì Battlefront 2 (2017) cũng a dua theo “xu hướng” này và cũng là giọt nước làm tràn ly.
Trong game, bạn phải cày thật nhiều để mở khóa thêm nhân vật, bằng không thì chỉ còn cách là móc hầu bao ra mà thôi. Theo một nhà chính trị gia thì Battlefront 2 chẳng khác gì một sòng bạc casino với chủ đề Star Wars được thiết kế để “hút máu” những game thủ trẻ tuổi. Nhưng may mắn là cuối cùng mọi thứ cũng đã được sửa đổi. Battlefront 2 sau đó được thiết kế lại hoàn toàn, For Honor và Shadow of War cũng thế. Tại một số quốc gia thì họ cũng yêu cầu nhà phát triển cho biết chính xác tỷ lệ “rớt đồ” trong hòm là bao nhiêu, và phải ghi rõ trên hộp đĩa là trong game có cơ chế bán vật phẩm. Ngoài ra, game thủ cũng nhạy cảm hơn với nó, hễ thấy có mùi “hút máu” là đánh động trên diễn đàn ngay để mọi người chú ý.
Mass Effect: Andromeda
Sau gần 10 năm làm ở vị trí biên tập viên cấp cao (senior editor) trong ngành game thì vào năm 2016, Cameron Harris tuyên bố rằng bà sẽ rời khỏi ngành này sau khi cống hiến rất nhiều cho những dòng game như Dragon Age: Inquisition, Star Wars: The Old Republic, và Mass Effect: Andromeda. Mặc dù Harris cho biết bà quay về Seattle là để tìm cơ hội mới, nhiều fan đã tỏ ra nghi ngờ về thời điểm mà bà quyết định làm chuyện này, bởi vì trước đó vài tuần thì David Gaider và Chris Schlierf – hai người đóng vai trò quan trọng trong Dragon Age: Inquisition và Mass Effect: Andromeda, đều rời khỏi Bioware.
Điều này càng khiến fan quan ngại về khâu sản xuất của Andromeda có vấn đề. Và đúng vậy, khi game ra mắt một năm sau đó thì nó đã phải hứng chịu nhiều gạch đá từ game thủ, trở thành một tựa game bom xịt thất bại thảm hại. Nhiều câu chuyện dần xuất hiện xoay quanh những trục trặc trong khâu phát triển game, và nhiều người đoán rằng vì nó quá khắc nghiệt nên Harris, cùng một vài người khác, buộc phải rời khỏi Bioware. Nhất là trường hợp của Harris thì bà đã rời khỏi ngành này luôn.
Fallout 76
Để vớt vát cho Fallout 76, một trong những tựa game bị chê của dòng Fallout, chúng ta có thể nói rằng đây không phải là phần tiếp nối tiền truyện quá nhiều, vì đơn giản nó chỉ là một phần phụ. Tuy nhiên, về phía của fan thì coi đây như là một phần chính khác đến từ series Fallout. Vấn đề lớn nhất của tựa game này chính là tính chất online của nó. Công nghệ của Fallout 76 dường như chưa sẵn sàng để ra mắt và trao tới cho người chơi nhũng trải nghiệm chuẩn xác, và nhà phát triển cũng chẳng có ý tưởng hay ho thật sự để tạo ra một cơ chế MMO hấp dẫn. Thế là kết quả khiến cho Fallout 76 khi ra mắt dính đầy lỗi bug, không có mục tiêu tổng thể, và cũng không có bất kỳ yếu tố thúc đẩy nào giúp bạn có thêm động lực dành thời gian quý báu của bản thân cho tựa game này.
Các nhà phê bình đã tàn sát Fallout 76, họ nhấn mạnh rằng cho dù tựa game này có ra mắt trong tình trạng cơ chế hoàn hảo đi chăng nữa, thì game thủ chơi nó cũng chẳng có nghĩa lý gì. Hay nói cách khác thì Bethesda chỉ đơn thuần là tạo ra một bản đồ lớn chứa đầy những con thú cho bạn giết, thế là hết.
Sau đó, studio cũng đã cố gắng cứu lấy Fallout 76 bằng cách cho ra mắt bản vá nặng 50GB – một bản vá làm lu mờ luôn cả kích thước ban đầu của tựa game. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn đâu vào đấy, chẳng có gì thay đổi. Họ không chỉ không sửa được lỗi, hay cố gắng loại bỏ các lỗi bug trong cơ chế, mà họ còn làm cho các lỗi mới xuất hiện. Nếu bạn thấy như thế vẫn chưa đủ, thì tiếp đó nhà phát triển còn thêm cả một hệ thống đăng ký trả phí với các phần thưởng có tính chất đáng nghi ngờ. Ví dụ như sự ra đời của một máy chủ riêng. Chỉ sau khoảng thời gian 1 năm rưỡi kể từ lúc bản mở rộng Wastelander ra mắt, Fallout 76 mới đạt được điều kiện đảm bảo rằng nó xứng đáng được chơi.
Mirror’s Edge Catalyst
Phần Mirror’s Edge đầu tiên đã khiến mọi người vô cùng phấn khích với phong cách đồ họa tối giản, lấy bối cảnh trên các tầng thượng của khu đô thị cho bạn tự do thi triển những động tác parkour đầy điêu luyện để di chuyển một cách mượt mà. Kết hợp với đó là phần nhạc nền nghe rất bắt tai, làm tăng hưng phấn cho game thủ. Nhìn chung, đây là một trò với cơ chế gameplay rất riêng, rất khác lạ so với những tựa game thời bấy giờ.
Theo lẽ thường tình, những người hâm mộ dòng game này đều rất ngóng trông phần 2 với những pha parkour điêu luyện. Hơn nữa, nhà phát triển cũng quyết định biến Mirror’s Edge Catalyst thành một tựa game thế giới mở nên lại càng thu hút thêm người chơi mới. Thế nhưng, ai nào ngờ đó lại chính là thứ khiến Catalyst thất bại các bạn ạ. Do game có nhiều không gian rộng lớn nhưng bên trong lại chả có gì để khám phá cả, nói chung là nhìn không có sức sống chút nào cả.
Đó là chưa kể có một số hoạt động bị trùng lặp và đơn điệu, khiến người chơi rất mau chán. Cốt truyện cũng không có gì đặc sắc, nếu không muốn nói là dễ đoán, và nhân vật cũng chẳng để lại ấn tượng gì trong tâm trí người chơi cả. Cơ chế parkour trong phần này cũng hay ho đó, nhưng nó hay bao nhiêu thì những pha combat lại đáng thất vọng bấy nhiêu. Khi series Mirror’s Edge đâm đầu xuống đất thì nhà phát hành EA cũng không thèm đá động đến phần 3 làm chi nữa.
Medal of Honor: Warfighter
Sau khi người chơi bắt đầu phát ngán với đề tài Thế chiến II, dòng game Medal of Honor bắt đầu đi tìm một chân trời mới. Tiếc là đối thủ Call of Duty đã đi trước một bước, giành lợi thế trong việc khai thác bối cảnh chiến tranh hiện đại với series Modern Warfare. Medal of Honor cũng chọn đề tài này, nhưng tiếc là nó đã thua sấp mặt ngay từ trong trứng nước rồi các bạn ạ.
Trong phần Warfighter, có vẻ như studio Danger Close đã quá chú trọng vào những mánh lới trong Call of Duty mà quên đi những yếu tố về sự chân thực, khiến bối cảnh rực lửa trong phiên bản này không còn mang tính thuyết phục nữa, và tựa game cũng chẳng có gì nổi bật cả. Hết chiến trường này đến mặt trận khác, Warfighter cho người chơi đổ bộ xuống bãi biển, đối mặt với cơn bão ở Philippines, giao tranh trên boong tàu, đọ súng ở cảng biển, vân vân. Kết quả là hầu như chẳng ai hiểu được cốt truyện của phần này là gì cả. Không cao trào, và cũng chẳng có cảm xúc gì luôn.
Thêm vào đó, Warfighter còn dính nhiều lỗi kỹ thuật khác nhau, khiến trải nghiệm của người chơi chẳng thể nào trọn vẹn nổi. Với sự thành công của Battlefield 3 và series Call of Duty: Modern Warfare, dòng game Medal of Honor đã trở thành con rơi và dần chìm vào quá khứ như những trò bắn súng FPS khác.
Tony Hawk’s Pro Skater 5
Vào năm 2015, bản quyền sử dụng thương hiệu Tony Hawk của Activision sẽ hết hạn, cho nên đây sẽ là một trong những cơ hội cuối cùng để họ kiếm lời từ dòng game này. Tuy nhiên, có lẽ do Tony Hawk’s Pro Skater 5 được làm vội mà tựa game này đã có màn ra mắt đầy thảm họa các bạn ạ. Đã vậy, khâu quảng bá cũng chả có gì rầm rộ cả, nó chỉ đơn thuần là một tựa game mới được ra mắt và bị chê tơi tả.
Bản vá lỗi đầu tiên được tung ra ngay trong ngày mà game trình làng, và nó nặng tới 8GB lận nhé. Hoặc nói một cách chính xác hơn thì “bản vá” này mới đúng là phiên bản game chính thức, chứ phiên bản đầu tiên của Tony Hawk’s Pro Skater 5 chỉ có mỗi phần hướng dẫn chơi với công cụ chỉnh sửa skatepark editor mà thôi. Trước khi ra mắt, nhà phát triển còn dành thời gian để bổ sung các yếu tố “cel-shading” nhằm che đậy phần đồ họa lỗi thời và xấu xí bên dưới. Và tất nhiên, vụ “cel-shading” này cũng bị game thủ phản đối dữ dội ngay cả khi Pro Skater 5 thậm chí còn chưa được phát hành.
Alone in the Dark (2008)
Cơ bản mà nói thì Alone in Dark chính là dòng game đã tạo ra và định hình thể loại sinh tồn kinh dị vào những năm 1990, bao gồm cả gameplay với góc camera bị khóa cứng trứ danh. Không có nó thì chắc gì Resident Evil và Silent Hill đã thành công vang dội. Thế nhưng riêng phần Alone in Dark ra mắt vào năm 2008 lại là một pha “đi vào lòng đất” các bạn ạ.
Vì một lý do nào đó mà nhà phát triển đã từ bỏ các yếu tố kinh dị, thay vào đó là tập trung vào những pha hành động nghẹt thở; mà ngặt cái là cách họ phát triển ý tưởng này lại không được hợp lý cho lắm. Những cuộc hội thoại trong game nghe rất vô nghĩa, cốt truyện thì quá rối rắm và khó hiểu, bản thân phần này lại dính đầy lỗi kỹ thuật lớn nhỏ: các món đồ vật tương tác với nhau theo cách rất kì quặc, còn cơ chế điều khiển lúc lái xe thì đúng là một cơn ác mộng!
Trước khi Alone in the Dark chính thức ra mắt, có nhiều bên media đã đánh giá game này rất tệ. Đã thế, nhà phát hành Atari còn thêm dầu vào lửa, cáo buộc những bên này đã đánh giá dựa trên phiên bản game lậu chưa hoàn tất. Nào ngờ, trang Gamer.nl (Hà Lan) đã làm sáng tỏ vụ việc, tiết lộ rằng Atari đã đưa ra điều kiện là chỉ có những bài đánh giá điểm cao mới được đăng lên mạng trước ngày phát hành mà thôi.
Duke Nukem Forever
Duke Nukem Forever là một tựa game đầy trái ngang, vì nhiều lý do và biết bao lần trì hoãn thì phải mất đến 15 năm nó mới được hoàn thành. Thế mà đến khi nó hoàn thành thì fan cũng chẳng biết nên cười vì cuối cùng nó cũng ra mắt hay nên khóc vì nó quá tệ nữa nữa. Trong phần game trước là Duke Nukem 3D thì game dùng model 2D chứ không 3D hoàn toàn như Quake, tuy nhiên được cái là tựa game đã bù lại bằng phong cách là lối chơi của nó. Game thủ đã bị thuyết phục bởi một thanh niên nhân vật chính cục súc nhưng siêu ngầu đi giải cứu thế giới. Lẽ ra gameplay của Duke Nukem Forever phải giống với những tựa game dòng Doom mà điển hình là Doom 2016 – một tựa game FPS được làm rất ngon lành, biết cách biến những giá trị cốt lõi cũ thành những giá trị mới cho phù hợp với thời đại… Nhưng Không.
Khi game ra mắt thì cộng đồng fan thất vọng hoàn toàn. Cơ chế gameplay thì cũ kỹ, thiết kế nhàm chán, và tệ nhất là những câu đùa quái gở khiến người chơi cũng phải thấy ngượng giùm. Ngoài ra, game có cốt truyện cực tệ, câu thoại cực chán, tục tĩu, đùa cợt nhảm nhí nói chung là rất thiếu chuyên nghiệp. Duke trông rất ngầu, tiêu diệt hàng loạt lũ quái vật để giải cứu thế giới, thế mà sau mỗi lúc ngầu lòi như thế lại thốt ra những câu nói thật sự lố bịch thì thật sự không thể hiểu nổi.
Dead Space 3
Bản Dead Space đầu tiên được cho là một trong những tựa game sinh tồn – kinh dị đột phá và đáng nhớ nhất mọi thời đại. Đến phần 2 thì game thủ lại được dẫn dắt qua những màn chơi đầy kịch tính, khiến người chơi đứng ngồi không yên. Tuy nhiên, riêng phần 3 thì nó lại khiến fan thất vọng vì không chứa đựng yếu tố kinh dị như những bản trước mà thay vào đó là những yếu tố hành động – bắn súng y như Resident Evil 6.
Thay vì chỉ toàn là quái thú như 2 phần trước thì kẻ địch trong phần 3 này còn có cả… người thường, khá là lạ. Cơ chế bắn súng trong phần này tuy có vui đó, nhưng nó lại thiếu mất yếu tố kịch tính vốn làm nên tên tuổi cho 2 phần trước. Ngoài chuyện thời lượng của Dead Space 3 dài quá mức cần thiết, EA còn bổ sung cơ chế mua bán (microtransaction) vào trong hệ thống chế tạo vật phẩm của game, khiến cộng đồng fan phẫn nộ. Bản thân Dead Space 3 không phải là một tựa game thảm họa, nhưng khi ráp nó vào series Dead Space thì bạn sẽ thấy nó mất đi phần hồn của dòng game kinh dị này. Đã vậy game còn bổ sung thêm cơ chế “hút máu” để game thủ chỉ có trải nghiệm tốt nhất khi nạp tiền vào nữa, khiến game nó mất hay đi nhiều.
Postal 3 và 4
Postal là một trong những dòng game hay, nhưng tiếc là phần 3 và 4 của nó thì… như hạch. Sau khi thổi bay cả thành phố Paradise bằng một quả bom hạt nhân trong phần 2, Dude mò sang thành phố Catharsis trong phần 3. Và trong phần thứ 4 thì Dude bị cướp đồ đạc cùng chú cho Champ của mình rồi đến thành phố Edensin để quẩy thâm 1 trận nữa. Trong suốt cả 2 phần đầu thì dòng game gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự tàn bạo và những yếu tố gây tranh cãi của nó.
Tuy nhiên đến 2 phần tiếp theo thì game chán đến khó mà nuốt nổi, đã vậy nó còn mất chất nữa. Chúng bị game thủ réo là đồ họa xấu xí, đồ họa lỗi thời, bug lung tung, tối ưu hóa kém và những yếu tố hài hước thì khá nhạt nhẽo. Sau khi phần 3 bị la ó om sòm và nhà phát triển hứa rút kinh nghiệm, những tưởng mọi chuyện sẽ tốt hơn nhưng không, phần 4 cũng tệ đến chẳng thể nào ngửi nổi.
Trên đây là top 10 tựa game hủy hoại thanh danh của những dòng game xuất sắc. Hy vọng bài viết này đã mang đến cho bạn những thông tin thú vị về thế giới game muôn hình vạn trạng.
Tất nhiên, muốn chơi game ngon lành thì bạn cũng cần có một chiếc máy tính vận hành đáng tin cậy. Nếu đang cần tìm chiếc máy như vậy thì bạn có thể đến với GearVN – hệ thống cửa hàng Hi-end PC, gaming gear chuyên nghiệp và uy tín hàng đầu Việt Nam. Với đội ngũ vốn xuất thân từ dân mê game và streamer mà ra, GearVN luôn hiểu khách hàng muốn gì, cần gì để mang đến những sản phẩm tốt nhất và trải nghiệm tuyệt vời nhất!
PC GEARVN
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Top 7 dòng game từ thập niên 80 vẫn sống tốt đến tận ngày nay
- Top 10 dòng game có cốt truyện cực hay khiến hàng triệu game thủ đắm say
- Top 10 dòng game bán chạy nhất mọi thời đại
- Top 10 dòng game huyền thoại dù ra mắt nhiều phần vẫn chiếm được cảm tình của fan
Link hình nền TẠI ĐÂY!
Nguồn: Game Pressure
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!