AMD đã trở lại trong thị trường PC phổ thông kể từ khi Ryzen ra mắt vào đầu năm 2017, khiến vị thế của Intel bị lung lay.
Sự trỗi dậy của AMD trên thị trường toàn cầu là một điều khó có thể thể bàn cãi. Đặc biệt hơn, những số liệu của AMD được cung cấp bởi Mindfactory, một trong những nhà bán lẻ online phổ biến nhất tại thị trường Đức, là một minh chứng hùng hồn cho việc này.
Mới đây, một thành viên trên reddit tên là ingebor đã thu thập những dữ liệu mà Mindfactory công bố trong 5 năm vừa qua và lập thành biểu đồ cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của đội đỏ kể từ năm 2017.
Vào khoảng giữa 2014, số lượng CPU mà Intel bán ra đạt mốc 12.000, trong khi con số đó chỉ là 4.000 về phía AMD. Điều này đồng nghĩa với việc Intel lúc đó nắm giữ đến 75% thị phần. AMD lại tiếp tục gặp hạn vào năm kế tiếp vì vướng phải hai thứ: CPU của AMD vẫn sử dụng kiến trúc cũ từ năm 2012 là Vishera, và Intel ra mắt CPU thế hệ mới với tên mã Skylake sử dụng tiến trình 14nm mới toanh. CPU thế hệ thứ sáu của Intel được cải thiện về mặt xung nhịp, tương thích với nhiều bo mạch chủ mới, và nhất là hỗ trợ RAM DDR4.
Vishera đã từng bị Ivy Bridge và Haswell của Intel vùi dập vào năm 2012 và 2013, và đối với Skylake thì lại càng không có cửa. Thậm chí, đối thủ của CPU Skylake không phải là series CPU FX của AMD mà lại chính là Haswell, thế hệ CPU đời thứ 4 của Intel. Trong năm này, AMD phải nhận lấy thất bại ê chề khi để hơn 80% thị phần rơi vào tay Intel, và con số này tăng lên 85% vào đầu năm 2016.
Tuy nhiên, vị thế này của Intel chưa kéo dài được bao lâu thì AMD tung ra át chủ bài của họ: kiến trúc Zen.
Năm 2017 đánh dấu sự ra mắt của Ryzen, và cũng là thời điểm AMD trở lại cuộc đua với Intel. Đến giữa năm 2017, AMD đã bắt kịp Intel về mặt thị phần và thậm chí là cả doanh thu. Tại Mindfactory, Ryzen series 1000 (Summit Ridge) là CPU được nhiều người đặt mua nhất. AMD mém soán ngôi Intel khi đội xanh ra mắt CPU thế hệ thứ 8 (Coffee Lake). Với kiến trúc mới, Intel tạm thời thoát nạn và CPU thế hệ thứ 8 đã kìm hãm tốc độ của đội đỏ, giúp Intel giành lại vị trí dẫn đầu.
Không chùn bước, AMD tiếp tục phản kháng với Ryzen series 2000 (Pinnacle Ridge).
Mặc dù đây chỉ là phiên bản refresh từ kiến trúc Zen, Pinnacle Ridge đã thành công trong việc tạo ra đòn bẩy giúp AMD nhảy vọt lên vị trí dẫn đầu. Không phủ nhận rằng Coffee Lake của Intel có hiệu năng thực sự ấn tượng, nhưng AMD chỉ cần một chút thời gian là đã có thể vượt mặt Intel trên phương diện doanh số. Gần cuối năm 2018, AMD đã nắm trong tay 2/3 thị phần, mặc cho Intel có tung ra bản Coffee Lake refresh với con CPU đầu bảng là Core i9-9900K đi chăng nữa.
Cũng trong thời gian này, doanh thu của AMD cũng cao hơn một chút so với Intel nhờ vào việc định giá series Ryzen 2000 thấp hơn đời trước.
Tua nhanh đến thời điểm Ryzen 3000, kiến trúc Matisse dường như đã giúp AMD giữ vị trí thống lĩnh cả về doanh số lẫn doanh thu. Điều đáng kinh ngạc ở đây là Ryzen 2000 đã phải mất khoảng nửa năm để đạt được con số CPU bán ra trong một ngày bằng với Ryzen 3000 khi nó vừa được mở bán. Dù vậy, Ryzen 2000 vẫn rất được ưa chuộng, chỉ đứng sau Ryzen 3000.
Giá bán trung bình của Ryzen 3000 cũng là một con số đáng lưu ý. Từ 2014 đến đầu 2017, giá bán trung bình cho một con chip CPU của AMD là 100EUR (khoảng 2.550.000VNĐ), và Intel là 250EUR (khoảng 6.375.000VNĐ). Khi Ryzen 1000 xuất hiện, giá bán trung bình của AMD tăng vọt lên 250EUR rồi giảm từ từ còn 170EUR (khoảng 4.335.000VNĐ) cho đến khi Ryzen 3000 ra mắt. Kiến trúc Matisse đã giúp AMD lấy lại thế thượng phong, chạm mốc 250EUR (mặc dù bây giờ đã giảm còn 200EUR). Về phía đội xanh, giá bán trung bình cũng có xu hướng tăng dần kể từ cuối năm 2017, từ 250EUR lên 300EUR (khoảng 7.650.000VNĐ), với đỉnh điểm là 350EUR (khoảng 9.000.000VNĐ) vào cuối năm 2019 nhờ kiến trúc Coffee Lake refresh.
Mặc dù những số liệu trên không phản ánh được doanh số của những nhà bán lẻ khác, kể cả những nhà bán lẻ trong nước Đức, khả năng cao là những nơi đó cũng cho ra các con số tương tự.
8 năm trước, AMD gần như đã mất tất cả vào tay Intel khi kiến trúc Bulldozer không đạt đến mức kì vọng của giới công nghệ. Ngay trong năm sau đó, AMD đã đánh một canh bạc, thay đổi toàn diện kiến trúc CPU để rồi 5 năm sau, AMD đã tái sinh, vực dậy từ đống tro tàn của quá khứ như một con chim phượng hoàng với CPU Ryzen.
Đã khá lâu rồi AMD mới trở lại với cương vị là đối thủ của Intel. Và cũng như bao sự cạnh tranh khác, người tiêu dùng thường sẽ là đối tượng được hưởng lợi. Theo thông tin được biết, cả hai đội đều sẽ tung ra những chiêu bài cuối cùng trong mảng mainstream và cả HEDT trước khi 2019 kết thúc. Chúng ta hãy cùng chờ xem!
Nguồn: tom’s HARDWARE