VRAM của card đồ họa là gì? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu nhé.

VRAM (Video Random-Access Memory) là bộ nhớ mà GPU sử dụng nhằm lưu trữ dữ liệu mà nó cần để render hình ảnh mà bạn thấy trên màn hình. Có nhiều loại VRAM trên thị trường hiện nay với dung lượng và thông số khác nhau. Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu kỹ hơn về VRAM trên card đồ họa nhé.

Chữ “RAM” trong VRAM

Trước hết, cơ bản thì RAM (random-access memory) là bộ nhớ mà vi xử lý sẽ lấy thông tin mà nó cần để thực hiện các phép tính toán. CPU liên tục đọc và ghi dữ liệu lên RAM khi nó hoạt động. Lý do vi xử lý không thể dùng dữ liệu trực tiếp từ ổ cứng HDD hay thậm chí là SSD là vì chúng vẫn còn quá chậm. Các dữ liệu cần phải nạp vào RAM trước khi nó được đọc và chỉnh sửa.

RAM trong máy càng nhiều thì nó sẽ càng ít phải phụ thuộc vào ổ cứng mỗi khi cần lấy dữ liệu. Khi RAM không còn đủ chỗ chứa nữa thì PC đành phải tạo một tập tin đặc biệt trên ổ cứng để xài tạm, và dĩ nhiên là nó sẽ làm giảm hiệu năng của máy tính. Vì thế nên việc đảm bảo hệ thống luôn có đủ lượng RAM cần thiết là một điều quan trọng nếu như bạn muốn khai thác tối đa tiềm năng của CPU.

VRAM là RAM dành cho GPU

Nôm na thì VRAM cũng khá là giống với RAM dành cho CPU, khác cái là VRAM thì dành cho GPU. VRAM còn hay được gọi là “texture memory”. GPU cũng cần thông tin từ CPU, chẳng hạn như vị trí của các vật thể mà CPU đã tính toán ra. Cơ bản mà nói thì nếu GPU cần dữ liệu để vẽ hình ảnh lên màn hình thì thông tin đó sẽ nằm ở VRAM.

Sự khác biệt giữa VRAM và RAM

Bất kỳ RAM nào cũng có thể trở thành VRAM. Thật ra, việc dùng RAM hệ thống để lấy làm VRAM cũng khá là phổ biến đó. Nếu máy tính của bạn dùng GPU tích hợp (iGPU) thì bản thân GPU này sẽ không có VRAM của riêng nó. Thay vào đó, nó sẽ dùng 1 phần RAM hệ thống để lấy làm VRAM.

Tuy nhiên, yêu cầu của CPU và GPU có khác nhau đôi chút, nhất là về khía cạnh băng thông, độ trễ, và tốc độ. Đây là lý do vì sao card đồ họa sử dụng loại RAM đặc biệt, chẳng hạn như GDDR5, GDDR6, GDDR6X. Về mặt kỹ thuật thì RAM DDR sẽ khác biệt đôi chút so với VRAM GDDR, nhưng điểm quan trọng ở đây là GDDR có “bus” rộng hơn. “Bus” là liên kết giữa các linh kiện trong máy tính với nhau. “Bus” càng rộng thì càng gửi được nhiều dữ liệu trong cùng một lúc. Do card đồ họa cần phải xử lý rất nhiều dữ liệu cùng một lúc nên độ rộng của “bus” là yếu tố vô cùng quan trọng.

Trong một số trường hợp đặc biệt thì các thiết bị như console, điện thoại thông minh, hay laptop Apple M1 sẽ sử dụng “unified memory”. Thay vì cắt một phần RAM để làm VRAM cho GPU, cả CPU và GPU đều dùng chung bộ nhớ một cách linh động. Một lợi thế của “unified memory” là nếu cả 2 đều cần truy cập cùng 1 dữ liệu thì có thể dùng chung, không nhất thiết phải tách ra làm 2 cái nằm ở RAM và VRAM. Đối với một số hệ thống như PS5 chẳng hạn, “unified RAM” là toàn bộ GDDR. Vì thế nên CPU và GPU đều dùng chung một bộ nhớ được thiết kế dành cho GPU.

VRAM bao nhiêu là đủ?

Mỗi phần mềm đều sẽ liệt kê dung lượng VRAM mà nó cần để chạy ổn định. Lưu ý rằng GPU mạnh chưa chắc đã có nhiều VRAM, và chuyện GPU yếu có nhiều VRAM hơn GPU mạnh cũng là chuyện bình thường.

Đối với game thủ thì thường trong mục tùy chỉnh (setting) của game sẽ có ghi rõ là nó đang ăn bao nhiêu VRAM, từ đó giúp bạn tùy chỉnh sao cho phù hợp nhất. Nếu bạn cần cập nhật xem game đang ngốn bao nhiêu VRAM theo thời gian thực thì có thể dùng những ứng dụng như GeForce Experience, MSI Afterburner nhé.

Nếu phần mềm cần lượng VRAM nhiều hơn dung lượng mà card đồ họa được trang bị thì nó cũng sẽ dùng tạm ổ cứng y như trường hợp của RAM. Hiệu năng chơi game lúc này cũng sẽ bị giảm rõ rệt nên bạn nhớ lưu ý kỹ nhé. Độ chi tiết của texture và độ phân giải là 2 trong số những tùy chỉnh ngốn VRAM rõ rệt nhất, vì vậy nên bạn có thể cân chỉnh chúng trước khi đụng đến những mục khác nhé.

Cách kiểm tra máy tính đang có bao nhiêu VRAM

Có nhiều cách để bạn kiểm tra VRAM trong máy:

  • Xem trên vỏ hộp card màn hình
  • Tra thông tin của card đồ họa trên trang web chính thức
  • Xem trong mục tùy chỉnh của game
  • Xem trong phần mềm (GeForce Experience, MSI Afterburner, GPU-Z)
  • Trên Windows 10 hoặc Windows 11, bạn vào Settings > System > Display > Advanced Display > Display Adapter Properties và tìm đến dòng “Dedicated Video Memory”
VRAM card đồ họa

Cách để tăng dung lượng VRAM

Nếu bạn đang dùng card đồ họa rời thì cách duy nhất để tăng VRAM là mua card mới. Còn nếu bạn dùng laptop có gắn card rời thì khả năng cao là sẽ phải thay nguyên chiếc laptop luôn. Trường hợp bạn đang xài iGPU thì thường sẽ tăng được dung lượng VRAM bằng cách vào BIOS để chỉnh. Tất nhiên, VRAM tăng thì RAM sẽ giảm nên bạn cần chú ý nhé, hoặc gắn thêm RAM để tăng dung lượng cũng là một giải pháp. Nếu laptop của bạn thuộc hàng cao cấp, được trang bị cổng Thunderbolt 3 trở lên thì bạn có thể cân nhắc giải pháp dùng eGPU với thông số xịn sò hơn so với GPU đang dùng cũng được.

Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: HowToGeek


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360