Nếu bạn nghĩ dòng máy bay A320 có sải cánh gần 36m thường thấy tại các hãng hàng không Việt Nam đã là to lớn thì chắc chắn bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa khi thấy An-225. Nó có sải cánh, chiều dài lớn hơn thế gấp 2 lần rưỡi và nặng hơn gần chục lần. An-225 là mẫu máy bay lớn nhất từng được chế tạo, trên toàn thế giới cũng chỉ có một chiếc mà thôi. Trong bài viết sau đây, mời các bạn cùng mình tìm hiểu về mẫu máy bay vừa to vừa độc đáo này nhé.
Antonov An-225 Mriya không phải máy bay vận tải thông thường, nó sinh ra là để… cõng tàu vũ trụ
Cái gì là nhất thì việc làm ra nó cũng đều phức tạp cả, ví dụ như chiếc máy bay khủng nhất lịch sử loài người chẳng hạn. Đây là một trong những lý do khiến từ sau An-225 đến nay, các kỹ sư hàng không vẫn chưa tạo ra mẫu máy bay lớn hơn thế. bản thân An-225 cũng không phải là máy bay chở hàng thông thường, sở dĩ nó to lớn như thế là để vận chuyển những chuyến hàng phi thường.
Quay trở lại Liên Xô thập niên 80, khi mà chương trình tàu vũ trụ Buran đang đến hồi cao trào. Đây là một chương trình được khởi động từ năm 1976 nhằm đối trọng với chương trình tàu con thoi của Hoa Kỳ. Liên Xô tin rằng các tàu vũ trụ sẽ là một vũ khí hiệu quả, và nếu họ không theo kịp thì có thể bị Mỹ đe dọa bằng các tàu vũ trụ của mình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cán cân quyền lực trong Chiến Tranh Lạnh. Đây là dự án có quy mô lớn nhất và đắt giá nhất trong lịch sử khám phá vũ trụ của Liên Xô.
Trong khuôn khổ dự án này đã nảy sinh một vấn đề cấp bách là làm sao để chuyên chở những thiết bị hàng không vũ trụ khổng lồ như tàu vũ trụ Buran và tên lửa đẩy Energia, băng qua các địa điểm trên bản đồ rộng lớn của Liên Xô một cách nhanh chóng và an toàn. Thế là phương án tạo ra một chiếc máy bay lớn chưa từng có – Antonov An-225 Mriya – được thông qua. Và sứ mệnh đầy thử thách này được giao cho hãng hàng không Antonov, có trụ sở đặt ở Ukraine thuộc Liên Xô cũ.
Từ nền tảng của máy bay vận tải siêu trọng Antonov An-124 Ruslan, An-225 Mriya đã ra đời
Thay vì tốn công sức, thời gian và tiền bạc đi phát triển một mẫu máy bay mới, Antonov bắt đầu mổ xẻ thiết kế mẫu máy bay chở hàng siêu khủng Antonov An-124 Ruslan mà họ đã chế tạo rồi dựa trên đó để phát triển mẫu máy bay mới là Antonov An-225 Mriya. Họ gắn thêm 2 động cơ turbofan Lotarev D-18, nâng tổng số động cơ lên 6 chiếc. Hệ thống bánh đáp được tăng cường với tổng cộng 32 bánh.
Cửa chất hàng và thang lên hàng phía sau bị loại bỏ nhằm giảm khối lượng. Do chiếc máy bay này có nhiệm vụ đặc biệt là cõng tàu vũ trụ trên lưng nên chiếc đuôi đứng từ An-124 cũng bị loại bỏ luôn. Lý do là vì con tàu hay những thứ hàng hóa tương tự trên lưng máy bay sẽ gây nhiễu loại không khí khiến đuôi đứng mất tác dụng. Thay vào đó thì An-225 sẽ được trang bị 2 chiếc đuôi 2 bên cánh đuôi.
Kết quả là Antonov đã cho ra đời chiếc máy bay khủng nhất lịch sử ngành hàng không.Nếu như An-124 đã to khủng khiếp với tổng khối lượng cất cánh có thể lên đến trên 400 tấn thì An-225 có tổng khối lượng cất cánh lên đến 600 tấn. Nó có thể chứa đến 250 tấn hàng trong khoang thân hoặc 200 tấn hàng bên ngoài thân. Kiện hàng bên ngoài thân có thể dài đến tối đa 70m. Cho các bạn dễ bề so sánh thì 250 tấn là tương đương với 4-5 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại và 3 chiếc máy bay thương mại A320 (cực kỳ phổ biến đối trong các hãng hàng không Việt Nam) khi đầy tải.
Sau đây là một vài thông số cơ bản của Antonov An-225 Ruslan mà mình lấy trên Wiki xuống để mấy bạn có thể hình dung rõ ràng hơn về chiếc máy bay siêu to khổng lồ này
Thông số kỹ thuật cơ bản:
- Phi hành đoàn: 6
- Trọng tải: 250.000 kg
- Kích thước cửa: 440 x 640 cm
- Chiều dài: 84 m
- Sải cánh: 88.40 m
- Chiều cao: 18.1 m
- Diện tích cánh: 905.0 m²
- Trọng lượng rỗng: 175.000 kg
- Trọng lượng cất cánh: n/a
- Trọng lượng cất cánh tối đa: 640.000 kg
- Động cơ: 6× động cơ phản lực cánh quạt đẩy ZMKB Progress D-18, lực đẩy 229 kN (51.600 lbf) mỗi chiếc
- Quãng đường cất cánh: 3.500 m (11.500 ft) với tải trọng tối đa
Hiệu suất bay:
- Vận tốc cực đại: 850 km/h
- Tốc độ hành trình: 750 km/h
- Tầm bay:
- Tối đa nhiên liệu: 14.000 km
- Tối đa trọng tải: 4.000 km
- Trần bay: 10.000 m
- Vận tốc lên cao: (480m/phút)
- Lực nâng của cánh: 662.9 kg/m²
- Lực đẩy/trọng lượng: 0.234
Antonov An-225 Mriya và những dấu ấn đáng tự hào
Antonov An-225 Mriya là minh chứng hùng hồn cho triết lý “miễn là bạn giỏi thì bạn đi đâu bạn cũng sống được”. Tuy rằng Liên Xô đã sụp đổ, chương trình Buran cũng không còn nhưng Antonov An-225 Mriya vẫn tiếp tục để lại những mốc vàng son lên lịch sử ngành hàng không.
- An-225 hiện đang giữ kỷ lục là phương tiện hàng không nhấc được vật nặng nhất, có khối lượng 189.980kg. Kỷ lục này được xác lập vào ngày 11 tháng 8 năm 2009 khi An-225 vận chuyển một máy phát điện cho một nhà máy điện khí ở Armenia cùng với khung tải của nó.
- Chiếc máy bay này cũng nắm giữ kỷ lục về khối lượng hàng hóa lớn nhất trong một chuyến bay thương mại là 253.820kg. Đó là vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, chiếc máy bay đã chở 4 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực, bay lên tới độ cao 10.750m đi quãng đường dài 1000km.
- Vào ngày 11 tháng 6 năm 2010, An-225 đã chở kiện hàng hàng không dài nhất thế giới. Đó là hai cánh tuabin gió thử nghiệm 42,1m từ Thiên Tân, Trung Quốc, đến Skrydstrup, Đan Mạch.
Ngoài ra thì An-225 Mriya cũng là một trợ thủ đắc lực cho các tổ chức cứu trợ quốc tế vì tải trọng khổng lồ và tốc độ cao của nó.
Antonov An-225 Mriya – Khủng nhất và duy nhất
Thật ra thì có 2 mẫu máy bay có sải cánh dài hơn Antonov An-225 Mriya, đó là Stratolaunch (117m) và Hughes H-4 Hercules (97.5m). Tuy nhiên Antonov An-225 Mriya vẫn dài và có trọng lượng cất cánh tối đa lớn hơn cả 2 chiếc này. Thế nên từ khi cất cánh lần đầu tiên vào cuối năm 1988 thì nó vẫn được xem là mẫu máy bay lớn nhất lịch sử. Tính đến nay thì trên thế giới chỉ có duy nhất một chiếc Antonov An-225 Mriya là hoạt động được mà thôi.
Chiếc thứ 2 vốn đã được lên kế hoạch chế tạo từ thời Liên Xô cũ. Tuy nhiên do Liên Xô sụp đổ nên quá trình chế tạo cũng bị bỏ dở. Công trình chế tạo chiếc máy bay này đã được tái khởi động và bỏ dở nhiều lần. Theo nhiều nguồn tin thì đến nay nó mới chỉ hoàn thành 60-70%, chưa lắp động cơ và chẳng biết đến năm tháng nào mới hoàn công.
Tính ra thì An-225 có số phận cũng tương đồng như siêu chiến hạm – Yamato. Chúng đều là những kẻ to lớn nhất nhưng đơn độc vì chỉ có một chiếc trên đời. Tuy nhiên ít nhất thì chiếc máy bay độc nhất này không có số phận hẩm hiu như Yamato, nó đã làm được những điều không tưởng, mang về danh tiếng và vinh quang cho hãng hàng không Antonov. Tháng 11 năm 2004, Liên đoàn Hàng không Quốc tế (FAI) đã đưa An-225 vào Sách kỷ lục Guinness với 240 kỷ lục, để rồi con chim sắt lớn nhất mọi thời đại này lại thiết lập những kỷ lục thế giới mới trong nhiều năm phục vụ tiếp theo.
Trên đây là bài viết về Antonov An-225 Mriya, mẫu máy bay lớn nhất từng được chế tạo. Cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi và hy vọng bài viết đã mang đến cho các bạn những thông tin thú vị.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Động cơ phản lực trên máy bay hoạt động như thế nào?
- “Lỗ hậu” dưới chóp đuôi máy bay thương mại dùng để làm gì?
- Vì sao máy bay chiến đấu phải vứt thùng nhiên liệu phụ khi lao vào không chiến?
- Vì sao những con chim trời nhỏ bé có thể làm hỏng cả máy bay hàng trăm triệu đô?
Tham khảo: Wikipedia
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!