SSD có nhiều loại với những hình dạng và nhiều chuẩn giao tiếp, phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau. Và chắc chắn rằng nếu không rành về SSD thì bạn sẽ rất dễ “mù màu” khi tìm mẫu SSD phù hợp nhất với nhu cầu bản thân. Đó là lý do mà sau đây mình sẽ chia sẻ đôi dòng về một số loại SSD phổ biến, hy vọng có thể giúp các bạn đỡ bỡ ngỡ hơn khi đi mua SSD.
*Tại mỗi dạng SSD thì mình cũng có đưa vào một mẫu tiêu biểu để các bạn có thể hình dung về hình dạng cũng như mức giá của nó hơn.
SSD 2.5″ SATA – Giá mềm, tốc độ bình thường, PC nào cũng cắm được (laptop thì hên xui)
Mẫu tiêu biểu: Kingston A400 240GB
- Tốc độ đọc: 500MB/s
- Tốc độ ghi: 350MB/s
- Dung lượng: 240GB
- Giá tham khảo tại GearVN: 850.000₫
SSD 2.5″ SATA là ổ cứng thể rắn, cỡ 2.5inch và kết nối với máy tính bằng cổng SATA. Do cổng SATA từ lâu đã trở thành một một tiêu chuẩn vô cùng phổ biến nên hầu như mẫu bo mạch chủ nào cũng có cả (thật ra thì mình dùng từ “hầu như” để tránh bị hớ thôi, chứ mình vẫn chưa biết mẫu bo mạch chủ nào không có cổng SATA). Về tốc độ thì loại SSD này tuy thuộc top dưới của họ nhà SSD nhưng nó vẫn đạt trên dưới 500MB/s, nhanh hơn HDD vài ba lần giúp bạn khởi động hệ điều hành cũng như load game mượt mà hơn.
Nếu bạn đang cần tìm một loại SSD với mức giá mềm nhất, mục đích là cài Windows để dùng máy cho mượt và tránh lỗi full disk huyền thoại trên Windows 10 thì bạn nên chọn SSD 2.5inch SATA. Đối với những cấu hình PC gaming tầm 15 triệu đổ lại mà không có nhu cầu gì đặc biệt thì mình nghĩ một chiếc SSD 2.5″ SATA với giá tầm 1 triệu là đủ xài. Bạn có thể cài Windows cùng một vài tựa game nhẹ hoặc phần mềm quan trọng, muốn thêm dung lượng lưu trữ hay chứa game AAA nữa thì quất luôn con HDD 1TB giá tầm 1 triệu nữa dùng cho sướng.
Nhưng mà có một thứ mà mấy bạn cần nhớ là SSD 2.5″ SATA tuy có thể tương thích rất tốt với máy bàn nhưng laptop thì phải xem lại. Hiện nay có nhiều mẫu laptop mỏng nhẹ không có chỗ để gắn SSD SATA, điển hình như con Zenbook 14 của mình. Với những mẫu laptop như thế thì chúng ta chỉ có thể gắn được SSD cỡ M.2 thôi.
SSD M.2 SATA – Giá mềm, nhỏ gọn, tốc độ như SSD 2.5″ SATA, cần máy hỗ trợ khe M.2
Mẫu tiêu biểu: WD Green M.2 240GB
- Tốc độ đọc: 540MB/s
- Tốc độ ghi: 430MB/s
- Dung lượng: 240GB
- Giá tham khảo tại GearVN: 890.000₫
SSD M.2 SATA là ổ cứng thể rắn, kết nối với máy tính bằng khe M.2, và hiệu năng thì cũng tương tự 2.5″ SATA. Để gắn được loại SSD này thì máy bạn phải có hỗ trợ khe M.2 thì mới được nhé, và thường thì các mẫu bo mạch chủ được sản xuất trong vài năm trở lại đây thì mới có khe này. Do hiệu năng tương đồng nên tác dụng của SSD M.2 SATA theo mình là cũng chẳng khác gì SSD 2.5″ SATA. Điểm chính để bạn cân nhắc khi chọn giữa 2 dạng SSD này là cổng kết nối, kích thước và giá thành của chúng, SSD M.2 SATA cần phải có khe M.2, nhỏ gọn hơn và đắt hơn một chút so với SSD 2.5″ SATA.
Sẽ có một số trường hợp nhất định khiến SSD M.2 SATA trở thành sự lựa chọn tối ưu nhất đối với bạn. Ví dụ như laptop bạn còn thừa một khe M.2 và bạn muốn một cái SSD dung lượng lớn, giá mềm nhét vừa chỗ đó thì SSD M.2 SATA luôn rất lý tưởng. Gắn SSD M.2 SATA lên máy bàn cũng là ý hay, giá nó chỉ nhỉnh hơn SSD 2.5″ một chút nhưng bạn sẽ tạm biệt dây nhợ, tháo ra gắn vào cũng dễ dàng hơn.
Điểm hạn chế của các loại SSD SATA là chúng đều không quá nhanh, chỉ tầm trên dưới 500MB/s. Nếu bạn muốn khởi động hệ điều hành trong vài giây hay load game, phần mềm hoặc chuyển file lớn với tốc độ bàn thờ thì bạn sẽ cần bỏ thêm chút tiền để hướng đến SSD PCIe NVMe.
SSD M.2 PCIe NVMe – Giá cao, nhỏ gọn, tốc độ bá đạo, cần máy hỗ trợ khe M.2
Mẫu tiêu biểu: Samsung 980 M.2 PCIe NVMe 250GB
- Tốc độ đọc: 3500MB/s
- Tốc độ ghi: 3000GB/s
- Dung lượng: 250GB
- Giá tham khảo tại GearVN: 1.590.000₫
SSD M.2 PCIe NVMe là một ổ cứng thể rắn kết nối với máy tính qua khe M.2. Trông bề ngoài thì nó khá tương đồng với SSD M.2 SATA nhưng hiệu năng thì khác hoàn toàn. Lý do là vì loại SSD này sử dụng giao thức NVMe tiên tiến nên tốc độ của nó cũng cao hơn. Nhiều mẫu SSD PCIe 3.0 có thể đạt tốc độ truyền dữ liệu trên dưới 3GB/s, còn SSD PCIe 4.0 thì trên dưới 6GB/s. Đây là những ngưỡng tốc độ nhanh gấp nhiều lần SSD SATA.
Nhỏ gọn và tốc độ bá đạo đã khiến SSD M.2 PCIe NVMe trở thành dạng SSD có thể đáp ứng hầu hết nhu cầu của người dùng hiện nay. Dù bạn là game thủ, là dân đồ họa, là người dựng phim hay chỉ đơn giản là muốn trải nghiệm mượt nhất khi sử dụng máy tính thì SSD M.2 PCIe NVMe đều có thể thỏa mãn bạn. Chỉ có 2 lý do khiến bạn không nên mua nó máy bạn không hỗ trợ hoặc bạn thấy nó còn quá đắt thôi, còn nếu bạn không ngại cả 2 thứ đó thì cứ nhằm nó mà quất nhé.
SSD Add-in Card PCIe NVMe – Giá cao, cồng kềnh, tốc độ siêu cấp vip pro, cắm vào khe PCIe như card đồ họa
Mẫu tiêu biểu: AORUS AIC NVMe SSD 512GB RGB
- Tốc độ đọc: 3480MB/s
- Tốc độ ghi: 2100MB/s
- Dung lượng: 512GB
- Giá tham khảo tại GearVN: 3.650.000₫
SSD Add-in Card (AIC) PCIe NVMe là kiểu ổ cứng thể rắn dạng card bổ trợ (tương tự card đồ họa, card âm thanh), sử dụng chuẩn giao tiếp NVMe và cắm thẳng vào khe PCIe 4x hoặc 16x như card đồ họa. Loại SSD này thì mình thấy khá kén người dùng. Có lẽ do kích thước cồng kềnh của nó. Tuy nhiên bù lại thì nó cũng có điểm thú vị riêng.
SSD AIC thường có khả năng tản nhiệt rất tốt trong thời gian dài do không phải nhồi nhét linh kiện như chuẩn M.2. Nhiều mẫu SSD AIC còn có thiết kế hầm hố hay thậm chí là LED RGB sáng chói để trang hoàng cho dàn PC của bạn. Nếu PC của bạn còn chỗ cắm card và bạn không ngại sự cồng kềnh của SSD AIC thì mang một con về gắn cũng không phải ý tồi đâu.
Ngoài ra thì trên thị trường hiện nay còn có một số mẫu AIC không phải là cái SSD mà đóng vai trò là một cái card để bạn gắn SSD M.2 lên. Bạn có thể gắn nhiều cái SSD M.2 lên đó để chạy RAID nhằm tăng tốc độ hoặc dung lượng lưu trữ. Tùy hãng làm ra mẫu AIC đó mà bạn sẽ còn có thêm những phần mềm bổ trợ để tiện quản lý SSD. Một số mẫu AIC còn có cả quạt lồng sóc kèm với heatsink tản nhiệt để giúp những chiếc SSD M.2 của bạn luôn được mát mẻ. Tuy nhiên mình có một lưu ý là nếu bạn không rành về PC thì tốt nhất đừng dùng SSD kiểu này, vừa đắt tiền lại khá là rắc rối nữa.
Trên đây là 4 dạng SSD phổ biến đối với người dùng phổ thông, hy vọng bài viết đã giúp các bạn hiểu hơn về chúng và đỡ bị “lạc đường” khi lựa SSD, nhất là khi mua hàng online. Hy vọng đã mang đến được cho các bạn những thông tin hữu ích và chúc các bạn tìm được mẫu SSD hợp ý mình.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- SSD Samsung là “phần cứng đáng tin cậy nhất” với tỷ lệ hỏng cực thấp
- Corsair ra mắt SSD PCIe 4.0 cho PS5 tốc độ 7,1 GB/s, giá từ 185 đô
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!