Gần như trên cái bồn rửa tay nào cũng có lỗ cả, ít thì một mà nhiều thì hai, ba. Bồn rửa chén thì rất ít khi thấy mẫu nào có lỗ. Cùng là bồn và đều dùng để rửa nhưng tại sao chúng lại khác biệt thế nhỉ? Nếu mấy bạn cảm thấy tò mò về vấn đề này thì hãy cùng mình khám phá trong bài viết sau đây nhé.

Lỗ trên thành bồn rửa tay là để chống tràn và thông khí

Tùy thuộc vào thiết kế của bồn rửa tay mà nó sẽ có 1, 2 hay nhiều hơn nữa là 3 lỗ. Mà dù mấy lỗ đi nữa thì chúng đều có 2 mục đích chính là chống tràn và thông khí.

Nói về vụ chống tràn thì chắc mấy bạn cũng biết rồi. Khi nước ngập lên đến lỗ trên thành bồn thì nó sẽ chảy vào đó, luồn qua giữa 2 lớp thành bồn và thông thẳng xuống cống luôn. Cho dù vì lý do gì mà bạn để ngập nước đến cái lỗ trên thành bồn thì nó cũng sẽ giúp bạn hạn chế được việc đổ nước ra lai láng trong nhà. Đương nhiên là hạn chế thôi nhé, chứ vòi nước nhà bạn mạnh quá hay cống bạn nghẹt thì nó cũng không giúp ích được gì mấy đâu.

Còn về vụ thông khí thì cũng không có gì phức tạp cả. Vì nước đổ xuống cống và chiếm không gian dưới đó thì nó cũng ép khí dưới đó thoát lên. Cái lỗ (hoặc mấy cái lỗ) trên thành bồn rửa tay có vai trò là đường thoát của khí từ dưới cống. Nếu không có mấy cái lỗ này thì bồn rửa tay của bạn sẽ thoát nước chậm do khí và nước đi ngược chiều nhau trong cùng 1 con đường. Có cái lỗ này thì khí đi đường khí, nước đi đường nước và kết quả là thoát nước nhanh hơn.

Bồn rửa chén thường không có lỗ này để hạn chế vi khuẩn tích tụ

Bồn rửa chén khì hiếm khi xuất hiện mấy cái lỗ trên thành vì vấn đề vệ sinh. Khi rửa chén mà để nước tràn vào lỗ trên thành bồn thì thức ăn thừa cũng có thể tràn vào và mắc kẹt trong đó, biến khu vực từ cái lỗ xuống cống trở thành thiên đường của vi khuẩn. Lúc này thì sẽ không chỉ có mùi khó chịu bay ra từ cống mà việc để thức ăn ở gần đó cũng vô cùng mất vệ sinh. Thế nên hiếm khi người ta đục cái lỗ chống tràn-thông hơi trên thành bồn rửa chén là vậy. Còn chuyện thông khí giúp bồn thoát nước nhanh hơn thì người ta tính cách khác.

Một trong những cách phổ biến là đặt một cái ống thông khí bên dưới bồn rửa chén. Nước chảy xuống cống thì khí dưới cống sẽ thoát lên bằng cái đường ống đó. Mình có để 2 cái hình minh họa dưới đây luôn cho mấy bạn dễ hình dung.

Ngoài ra còn một cách cũng rất phổ biến nữa là người ta sẽ làm bồn rửa chén từ 2 cái liền kề trở lên. Khi bạn xả nước vào cống của bồn bên này thì khí sẽ thoát ra ở cống của bồn bên kia. Nhiều mẫu bồn rửa chén còn có vách ngăn giữa các bồn thấp hơn một chút so với mép bồn. Thiết kế này là để khi một bồn đầy thì nước sẽ tràn qua bồn kế bên chứ không đổ ra ngoài. Thế là các mẫu bồn như thế này vừa có chống tràn, vừa có lỗ thông khí giúp thoát nước nhanh hơn mà không cần phải có lỗ trên thành bồn.

Trên đây là lý do vì sao mà trên thành bồn rửa tay thường có lỗ mà bồn rửa chén thì không. Mong rằng đã mang đến cho các bạn những thông tin lý thú về những chiếc bồn vốn rất quan thuộc trong đời sống của chúng ta. Cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi và chúc các bạn một ngày tốt lành nhé. 

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Vì sao ngăn mát tủ lạnh thường có đèn còn ngăn đá thì không?

Những dàn ống trên tháp pháo xe tăng dùng để làm gì?


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360