Ready or Not sẽ là một tựa game hoàn hảo cho những bạn nào muốn trải nghiệm độ thực tế và mạo hiểm trong công việc của một người lính đặc nhiệm.
Chuyện là mấy bữa nay mình có xem livestream của anh Dũng CT chơi một tựa game có tên là Ready or Not. Sau một hồi xem và cười chảy hết cả nước mắt với những pha tấu hài và ném Flash mù mắt của “đội đặc nhiệm Đụt”, mình phải công nhận là tựa game này hay và chơi rất cuốn, nên quyết định giới thiệu nó tới những bạn nào chưa biết.
Sơ lược về Ready or Not
Ready or Not là một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất thuộc thể loại hành động, chiến thuật và có nhịp độ nhanh. Game được phát triển và phát hành bởi VOID Interactive, game cũng mới lên trên Steam vào ngày 18/12/2021 vừa qua dưới dạng Early Access. Dù chỉ mới ra mắt trong thời gian ngắn mà Ready or Not đã đạt được lượt đánh giá tổng quát là cực kỳ tích cực từ 5171 người chơi.
Trong game, bạn cùng với những người đồng đội sẽ vào vai một đội lính đặc nhiệm SWAT, có nhiệm vụ đi triệt phá các tình huống tệ nạn xã hội. Nếu các bạn chơi online thì những người còn lại sẽ là người chơi, còn bạn chơi chế độ chơi đơn thì 3 người còn lại sẽ là AI, và bạn sẽ đảm nhiệm vai trò dẫn dắt và ra lệnh cho họ.
Ready or Not là một tựa game có tính thực tế, một quyết định sai là bay màu cả đội SWAT
Ready or Not không giống với các con game bắn súng khác đó là cứ lao vào rồi thấy kẻ địch là cứ bắn và bắn, nó không thực tế cho lắm. Bạn là một lính đặc nhiệm có nhiệm vụ giải cứu con tin, và bắt gọn ổ tội phạm chứ không phải là một tên lính đánh thuê. Do đó, bạn sẽ cần phải áp dụng các kỹ năng khống chế kẻ địch có tính toán logic để ép tội phạm buông súng đầu hàng để bạn bắt về. Còn nếu các bạn cứ lăm lăm súng mà bắn thì hệ thống tính điểm sẽ trừ điểm bạn đấy.
Các cách mà bạn có thể áp dụng để truy bắt tội phạm và ép chúng đầu hàng được game làm khá chi tiết, rất giống với cách mà các lính đặc nhiệm làm ngoài đời. Ví dụ như khi bạn muốn xông vào một căn phòng có tội phạm cầm súng bên trong. Đầu tiên bạn sẽ phải dùng thiết bị soi cửa để phát hiện vị trí của chúng, tiếp theo là lên kế hoạch phá cửa bằng bom, hoặc bằng công cụ phá cửa (Enforcer) để tạo bất ngờ. Sau đó ném bom Flash vào trong để gây choáng rồi cả đội lao vào khống chế tội phạm mà không cần khai hỏa. Đây thường là cách chuẩn chỉ nhất để phá đảo game này. Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản như thế.
Ready or Not có yếu tố thực tế đó là bạn sẽ không biết lúc nào mình sẽ ngủm củ tỏi, giống hệt như khi bạn đang truy bắt tội phạm ngoài đời thực. Những tình huống xấu nhất đều có thể xảy ra! Nếu như bạn gây quá nhiều tiếng động thì tội phạm sẽ lập tức nổ súng, thậm chí là xuyên cửa nếu chúng biết bạn đang núp ở đó. Tệ hơn nữa là chúng bắn rất giỏi và sát thương rất đau, dễ dàng headshot bạn trong 1 nốt nhạc, và biết cài bẫy bom ở cửa. Chúng còn khôn lỏi nấp sau cửa phòng khi bạn đột nhập vào (trường hợp này mình gặp trên buổi stream của anh Dũng CT).
Bạn nghĩ nhiêu đó đã đủ tệ? Chưa đâu, vị trí và cách hành động của tội phạm sẽ được thay đổi ngẫu nhiên sau mỗi lần bạn thua và chơi lại. Ngoài ra, tội phạm sẽ thường tình cờ xuất hiện và móc lốp sau lưng bất cứ lúc nào nếu như bạn không cắt cử một đặc nhiệm kiểm tra sau lưng. Đúng nghĩa là bạn và cả đội đặc nhiệm do bạn quản lý có thể đi đời bất cứ lúc nào, nếu như bạn là tay mơ và thiếu tính toán. Mình nghĩ trên thực tế cũng như thế, chỉ một quyết định sai lầm và thiếu tính toán cũng có thể khiến bạn “chầu ông bà”.
Theo mình được biết, để có được một gameplay như thế, VOID Interactive đã phải tham khảo với các đội cảnh sát trên toàn thế giới. Sau đó, họ đúc kết lại thành các quy tắc chung và một hệ thống tính điểm để vừa tạo được sự thách thức, vừa mang đến một trải nghiệm thực tế và khác biệt cho game thủ.
Game có nhiều chế độ trải dài từ dễ tới khó. Với chế độ khó thì tội phạm sẽ hung hăng hơn, khó bắt chúng đầu hàng hơn và bạn có thể sẽ phải nổ súng để trấn áp. Mình thậm chí còn thấy có một số người chơi đánh giá trên Steam rằng, Ready or Not rất thích hợp để luyện tập cho cảnh sát.
Ready or Not yêu cầu cấu hình “dễ thở” cho game thủ
Ready or Not là một tựa game có đồ họa khá đẹp, nhưng lại yêu cầu một cấu hình rất “dễ nuốt” cho game thủ. Với mức cấu hình này thì mình nghĩ Ready or Not sẽ dễ tiếp cận với đa số game thủ hiện nay.
Cấu hình tối thiểu:
- Yêu cầu vi xử lý và hệ điều hành đều chạy 64-bit
- Hệ điều hành: 64-bit Windows 7, Windows 8.1, Windows 10
- CPU: Intel Core i5-4430 / AMD FX-6300
- RAM: 8 GB RAM
- GPU: NVIDIA GeForce GTX 960 2GB / AMD Radeon R7 370 2GB
- DirectX: Phiên bản 11
- Ổ cứng: 50GB trống
Cấu hình khuyến nghị:
- Yêu cầu vi xử lý và hệ điều hành đều chạy 64-bit
- Hệ điều hành: 64-bit Windows 10
- CPU: AMD Ryzen 5-1600 / Intel Core i5-7600K
- RAM: 8 GB RAM
- GPU: Nvidia GTX 1060 6GB or better
- DirectX: Phiên bản 11
- Ổ cứng: 50GB chỗ trống khả dụng
Ready or Not là một tựa game đáng chơi và rất có tiềm năng
Do đây vẫn còn là phiên bản Early Access, hay nói cách khác là một phiên bản chưa hoàn thiện, nên đôi khi sẽ không thể tránh khỏi các lỗi vặt và yêu cầu cập nhật nội dung thường xuyên. Tuy nhiên, với một lối chơi độc đáo và khác biệt, Ready or Not vẫn xứng đáng được đứng trong thư viện game Steam của bạn. Mặc dù giá game có phần hơi cao là 310.000 VND, mình vẫn thấy nó đáng tiền mua các bạn ạ.
Nếu các bạn đang muốn tìm một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất, có tính hardcore và mang yếu tố gameplay thực tế, thì mình nghĩ Ready or Not sẽ là một tựa game các bạn nên cân nhắc.
Bạn có thể mua game tại đây (Steam) với giá là 310.000 VNĐ (bản thường) nhé. Chúc các bạn chơi game vui vẻ!
Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Tổng hợp đánh giá Đế Chế 4 – Xứng đáng trở thành người kế nhiệm của dòng game chiến thuật huyền thoại
- Tổng hợp đánh giá Deathloop – Siêu phẩm bắn súng góc nhìn thứ nhất xứng tầm Game Of The Year
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!