Các bạn đã bao giờ gặp trường hợp quạt tản nhiệt của CPU kêu inh ỏi, máy tính hoạt động chậm chạp, và tài nguyên CPU thì luôn hoạt động ở mức 100% chưa? Nếu rồi thì chắc các bạn đều hiểu cái cảm giác lo lắng và bực mình cho bộ PC của mình khi nó luôn chạy hết công sức mặc dù chúng ta không làm gì cả rồi đúng không?
Thông thường, CPU bị dính lỗi 100% là do đang có một ứng dụng nặng nào đó đang chạy, bạn chỉ cần tắt nó đi là xong. Tuy nhiên, cũng có lúc CPU bị dính lỗi 100% là do lỗi hệ thống. Với trường hợp sau, các bạn có thể áp dụng các cách dưới đây để sửa lỗi 100% CPU nhé.
Xác định xem có phải do WMI Provider Host (WmiPrvSE.exe) gây ra lỗi 100% CPU không
Tiến trình WMI Provider Host hay còn được biết đến với cái tên Windows Management Instrumentation, hoặc WmiPrvSE.exe là một phần của hệ điều hành Windows có chức năng giám sát, và khắc phục các sự cố của một số lượng lớn các hệ thống trên mạng. Tiến trình này không mấy khi khiến cho CPU nhảy lên 100% nhưng nếu CPU dính lỗi này thì đây sẽ là tiến trình mà bạn nên kiểm tra đầu tiên.
Đầu tiên, các bạn bấm Ctrl + Shift + Esc để mở Task Manager, sau đó tìm WmiPrvSE.exe. Nếu tài nguyên CPU mà nó sử dụng khá cao trong khi bạn đang không chạy bất kỳ một ứng dụng nào thì khả năng cao là tiến trình này đang có vấn đề.
- Cách 1: Khởi động lại WMI Provider Host để sửa lỗi 100% CPU
Bước 1: Mở Start Menu, gõ Services rồi Enter.
Bước 2: Trong cửa sổ mới mở lên, các bạn tìm Windows Management Instrumentation. Sau đó, bạn click chuột phải vào nó rồi chọn Restart.
- Cách 2: Xác định tình trạng lỗi liên tục của WMI Provider Host bằng Event Viewer
Nếu như cách khởi động lại WmiPrvSE.exe không thành công hoặc tiến trình này sau khi được sửa vẫn thường xuyên bị lỗi trở lại thì các bạn có thể sử dụng Event Viewer để xác định rõ nguyên nhân. Khả năng có thể là do một tiến trình hệ thống nào đó đang sử dụng WMI Provider Host khiến cho nó ngốn tài nguyên CPU.
Bước 1: Mở Start Menu gõ Event Viewer rồi Enter.
Bước 2: Chọn Application and Service Logs > Microsoft > Windows > Kéo xuống tìm WMI-Activity > Operational.
Bước 3: Bây giờ bạn cuộn chuột và tìm trong danh sách mà Event Viewer hiển thị các lỗi máy tính xảy ra gần đây (biểu tượng chấm than đỏ). Bạn click 1 click vào mỗi lỗi sẽ thấy phần code hiển thị bên dưới ở mục General. Tại đây, bạn tìm dòng ClientProcessld và nhớ tên mã (ID) của nó.
Bây giờ bạn sẽ sử dụng cái ID đó và kiểm tra nó trong Task Manager để xác nhận xem nó có phải là nguyên nhân gây ra lỗi 100% CPU hay không.
Bước 4: Bấm Ctrl + Shift + Esc mở Task Manager. Sau đó, bạn chuyển qua mục Services rồi sắp xếp các services trong danh sách này theo thứ tự PID (Process ID).
Nếu như bạn phát hiện cái ID của service bị lỗi vẫn đang chạy trong máy thì bạn click chuột phải vào nó rồi chọn Go To Detail rồi click chuột phải vào nó một lần nữa chọn Open File Location để xem service đang chạy này thuộc về ứng dụng nào trong máy tính.
Nếu bạn tìm thấy ứng dụng thì có thể cân nhắc cập nhật hoặc gỡ cài đặt ứng dụng đó để sửa lỗi 100% CPU.
Cũng không loại trừ khả năng service bị lỗi chính là virus máy tính. Nếu là service bình thường thì bạn chỉ thấy được một phiên bả duy nhất của service đó đang chạy, và nó sẽ ngay lập tức ngưng hoạt động khi bạn tạm ngưng nó thông qua Task Manager (click chuột phải chọn Stop). Tuy nhiên, nếu bạn thấy service bị lỗi có tới 2 phiên bản đang chạy và nó dứt khoát không chịu ngừng hoạt động dù cho bạn có tạm dừng nó trong Task Manager thì bạn nên quét virus máy tính ngay lập tức.
Xác định xem có phải do tiến trình System Idle gây ra lỗi 100% CPU hay không
Các bạn sẽ đôi lúc phát hiện ra một tiến trình có tên là System Idle Process đang sử dụng phần lớn hoặc có khi sử dụng hết tài nguyên CPU. Nghe qua thì có vẻ đáng sợ nhưng thật chất System Idle Process lại chính là đồng minh của chúng ta đấy các bạn ạ.
System Idle Process là một tiến trình được tạo ra bởi hệ điều hành và thường sử dụng một lượng lớn tài nguyên CPU. Tuy nhiên, “sử dụng” ở đây không có nghĩa là nó đang chiếm hết tài nguyên CPU và không chia cho các ứng dụng hay các service khác của Windows sử dụng, “sử dụng” ở đây để cho dễ hiểu thì nó chỉ đang giữ chỗ dùm phần tài nguyên CPU này, và đợi đến khi có một ứng dụng nào đó cần dùng tài nguyên CPU thì nó sẽ nhường lại phần tài nguyên cho ứng dụng đó.
Mục đích của System Idle Process chính là luôn giữ cho CPU của bạn “bận rộn”, bắt nó phải hoạt động liên tục chứ không được “nhàn rỗi” để các luồng xử lý của CPU phải luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động để nhận các tác vụ mới mà hệ điều hành yêu cầu xử lý.
Qua đó chúng ta có thể hiểu được rằng mức phần trăm CPU mà System Idle Process đang “sử dụng” thật chất chính là phần trăm CPU chưa nhận được tác vụ cần xử lý và vẫn đang chờ bạn giao nhiệm vụ cho nó, hay nói cách khác là phần trăm tài nguyên CPU còn trống để bạn sử dụng. Chính vì thế, nếu bạn thấy các ứng dụng đang chiếm 5% CPU và tiến trình System Idle Process đang chiếm 95% tài nguyên CPU thì có nghĩa là CPU đang còn trống 95% tài nguyên chưa được sử dụng.
Xác định xem có phải do Svchost.exe (netsvcs) gây ra lỗi 100% CPU
Nếu như bạn mở Task Manager lên thì đôi khi sẽ thấy một tiến trình có tên là svchost.exe (netsvcs) đang ngốn rất nhiều tài nguyên CPU. Mặc dù tiến trình này đôi có dính líu tới các phần mềm độc hại, đây chủ yếu lại là một tiến trình quan trọng của hệ điều hành Windows.
- Cách 1: Tắt tính năng Network Discovery.
Nếu như tiến trình svchost.exe (netsvcs) không phải là virus thì có khả năng là do tiến trình này đang được sử dụng để quét các thiết bị ngoại vi được cắm vào máy. Để giải quyết, các bạn thực hiện theo các bước sau để tắt tính năng Network Discovery.
Bước 1: Mở Start Menu, gõ Control Panel rồi Enter.
Bước 2: Chọn theo thứ tự Network and Internet > Network and Sharing Center rồi chọn Change advanced sharing settings.
Bước 3: Chọn Turn off network discovery.
- Cách 2: Kiểm tra Windows Update
Svchost.exe (netsvcs) có thể sử dụng nhiều tài nguyên CPU từ 25% trở lên khi Windows đang tải và cài đặt các bản cập nhật mới. Trong trường hợp này bạn cứ để cho Windows hoàn tất việc tải và cài đặt là được.
Kể từ Windows 10 trở đi, bạn sẽ không còn dễ dàng trì hoãn hoặc tạm dừng Windows Update được nữa. Mặc dù bạn có thể hẹn giờ cập nhật nhưng Windows vẫn sẽ tải bản cập nhật nếu như nó cảm thấy cần thiết. Đương nhiên, điều này sẽ khiến cho svchost.exe (netsvcs) sử dụng nhiều tài nguyên CPU hơn.
Trên thực tế thì bạn không có nhiều sự lựa chọn để cứu vớt tài nguyên CPU ngoại trừ việc đợi cho nó tải xong. Thứ duy nhất bạn có thể làm đó là bật tắt tính năng chia sẻ các bản cập nhật đã tải xuống thông qua các mạng ngang hàng. Tắt tính năng này đi sẽ giúp bạn tiết kiệm được băng thông và tài nguyên CPU.
Đầu tiên, các bạn truy cập theo thứ tự Settings > Update & Security > Windows Update. Sau đó chọn Advanced options rồi chọn Delivery Optimization. Tại đây, các bạn chọn tắt tính năng Allow downloads from other PCs.
Còn nếu bạn vẫn muốn bật tính năng Allow downloads from other PCs thì bạn có thể chọn vào dòng Advanced options ngay bên dưới để tùy chỉnh giới hạn băng thông tải bản cập nhật của Windows hay một ứng dụng nào đó. Tại đây các bạn có thể chỉnh mức băng thông tối thiểu là 5% và mức tải xuống hàng tháng Monthly upload limit xuống thấp nhất, ví dụ như thế.
Xác định xem có phải do nhiều ứng dụng chạy ngầm gây 100% CPU
Các tác vụ chạy nền là các tác vụ chạy trong máy tính của bạn mặc dù chúng không hiển thị dưới dạng cửa sổ ứng dụng. Một chiếc máy tính bình thường có thể có rất nhiều tác vụ chạy nền đồng thời với nhau. Theo thời gian, các ứng dụng bạn cài vào máy càng nhiều sẽ càng có nhiều ứng dụng chạy nền trên máy tính của bạn và dẫn tới trường hợp tài nguyên CPU bị chia năm xẻ bảy quá nhiều gây nên lỗi hết tài nguyên CPU.
Đầu tiên, các bạn mở Task Manager. Sau đó ở mục Processes, các bạn sắp xếp các ứng dụng theo thứ tự sử dụng tài nguyên CPU nhiều nhất tới thấp nhất bằng cách click chuột vài cột CPU. Tiếp theo, bạn xác định xem những ứng dụng chạy ngầm nào đang chiếm nhiều tài nguyên CPU, thường chúng sẽ sử dụng đâu đó từ 10% CPU trở lên 1 cách liên tục. Nếu các tác vụ này thuộc các ứng dụng mà bạn cài vào máy thì hãy tắt nó đi bằng cách click chuột phải chọn Endtask hoặc cân nhắc gỡ ứng dụng nếu không dùng nữa.
Ngoài ra, bạn cũng có thể vào mục Startup của Task Manager để tắt bớt các ứng dụng khởi động cùng Windows.
Xác định xem có phải do phần mềm diệt virus hay không
Nếu như bạn để ý thấy mỗi lần máy tính chạy chậm đều kèm theo các dấu hiệu ổ cứng hoạt động quá mức thì khả năng cao nguyên nhân nằm ở phần mềm diệt virus của bạn. Trong quá trình quét ổ đĩa, các ứng dụng diệt virus này sẽ có xu hướng sử dụng một lượng lớn tài nguyên CPU. Tuy nhiên, mức sử dụng này không đủ lớn để gây ra hiện tượng giật lag cho các máy tính hiện đại ngày nay, nhưng nếu bạn đang sử dụng một PC có cấu hình khiêm tốn thì đây lại là một câu chuyện khác.
Cách xử lý vấn đề này khá đơn giản. Hiện nay, hầu hết các ứng dụng diệt virus đều có tính năng hẹn giờ quét nên bạn hoàn toàn có thể chủ động hẹn giờ cho ứng dụng này quét vào những lúc bạn không dùng máy tính.
Xác định xem có phải do phần mềm độc hại gây ra lỗi 100% CPU
Các phần mềm độc hại hoàn toàn có khả năng gây ra lỗi 100% CPU do nó sẽ sử dụng tài nguyên CPU để chạy các tác vụ trong nền, và tự mở rộng phạm vi lây lan của nó thông qua email, mạng hoặc các nguồn kết nối khác, vân vân. Bạn có thể sử dụng Windows Defender của Windows 10 hoặc sử dụng các phần mềm diệt virus miễn phí và có phí uy tín khác. Trên thực tế, bạn có thể sẽ phải dùng tới một vài phần mềm diệt virus khác nhau do phần mềm độc hại một khi đã được cài vào máy thì nó sẽ có một số lợi thế nhất định, và có khả năng lẩn trốn một số phần mềm diệt virus.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Desktop Windows Manager dính lỗi ngốn RAM khiến máy hoạt động chậm? Đây là cách bạn xử lý
- Đừng để mua rồi mới hối tiếc, hướng dẫn kiểm tra độ tương thích cấu hình PC gaming
Link tải hình nền TẠI ĐÂY!
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!