Quay ngược thời gian và trở thành những mãnh tướng, lãnh đạo, có thể một mình xông qua chiến trận cân cả quần hùng, đây có lẽ là một trong những thể loại đã từng làm mưa làm gió một thời và nay vẫn có những tựa game đình đám đại diện. Anh em nào đã từng chơi qua những tựa game hiện đại đấy thì chắc chắn tuổi thơ cũng đã dữ dội, còn với anh em nào còn đang chưa mường tượng ra được thể loại này, thì sau đây mình xin chia sẻ với anh em 10 tựa game như thế nhé. 

DYNASTY WARRIOR SERIES

Tựa game “Tam Quốc Chí” huyền thoại có lẽ đã quá quen thuộc với anh em thế hệ 8x, 9x rồi phải không nào. Được phát triển bởi đội ngũ Omega Force và do hãng game Koei phát hành, lần đầu xuất hiện vào năm 1997 trên hệ máy Playstation và đến nay đã trở thành một huyền thoại trong thể loại game “Hack and slash” (tạm dịch là “chặt chém”). 

Vốn là một bản spin-off của tựa game chiến thuật theo lượt Romance of the Three Kingdoms của Koei. Thế nhưng Dynasty Warrior lại phát triển mạnh mẽ, vượt mong đợi của hãng game này. Dựa trên cốt truyện Tam Quốc Chí, người chơi sẽ lựa chọn những nhân vật khác nhau để tham gia những trận chiến hào hùng 1 chọi 100, với mục tiêu cuối cùng là thống nhất Trung Hoa. Là tượng đài của thể loại game “chặt chém” Dynasty Warrior đem đến gameplay có thể nói là có một không hai, cảm giác lao vào hàng ngàn tên giặc tung ra những pha vung đao đã mắt, nhìn số combo nhảy liên tục chắc chắn là những trải nghiệm mà người sẽ chẳng thể nào quên được. 

Đến nay “Tam Quốc Chí” của chúng ta đã có đến 9 phiên bản cũng rất nhiều bản spin-off khác nhau, là một trong những tựa game lâu đời vẫn còn được yêu thích và là tựa game bán chạy nhất của Koei. Với hơn 11 triệu bản được bán ra đã ghi nhận từ 2011 thì đến nay con số này chắc chắn còn khủng hơn rất nhiều. 

SAMURAI WARRIORS SERIES

Cũng là một siêu phẩm của Omega Force, Samurai Shodown đem đến trải nghiệm chặt chém chẳng thua gì Dynasty Warrior mà còn lấy bối cảnh thời Chiến Quốc đẫm máu của Nhật cực hot lúc bấy giờ. Xuất hiện lần đầu vào năm 2004, tựa game đã nhanh chóng trở thành một trong những series huyền thoại của hãng game này. 

Gameplay “Hack and slash” vẫn là điểm nhấn của series này, anh em vẫn vào vai một mãnh tướng xong pha chiến trận với mục tiêu là tiêu diệt kẻ địch và kết liễu chỉ huy đối phương. Tuy nhiên tựa game đã thêm vào một vài tính năng combat mang tính “samurai” hơn so với phong cách Trung Hoa của Dynasty như lăn lộn né đòn, đỡ cung tên bằng thanh gươm, đặc biệt hơn là tính năng “bullet time” khiến kẻ địch chậm lại, gần như bất động nhưng nhân vật chính vẫn chặt chém với tốc độ bình thường, cực kỳ hấp dẫn anh em ạ. 

Nếu anh em yêu thích thể loại chặt chém, lấy bối cảnh Chiến Quốc mang đậm chất Nhật Bản thì đây chính là một trong những series game đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Cảm giác chơi sẽ khá giống với Dynasty Warrior nhưng thêm một vài tính năng mới lạ, hứa hẹn sẽ đem đến những trải nghiệm vừa lạ vừa quen cực kỳ thú vị.

OROCHI WARRIORS

Đã tạo ra hai tựa game đỉnh cao như Dynasty Warrior và Samurai Warrior, thì Omega Force nên làm gì tiếp theo? Tất nhiên là làm một bản kết hợp rồi, hãy tưởng tượng những nhân vật huyền thoại trong cả hai tựa game trên kết hợp lại, như kiểu game Marvel vs Capcom mà bọn mình vừa giới thiệu hôm trước đấy anh em ạ. 

Tạo ra một lỗ hổng thời gian và không gian, Warriors Orochi đem những chiến binh từ thời Tam Quốc và Chiến Quốc đến với thực tại, với ý đồ thách thức lẫn nhau và tạo ra một cuộc hỗn chiến. Bạn đầu thì anh em sẽ được chơi với 3 nhân vật mặc định, khi đạt đủ những điều kiện hay hoàn thành một số nhiệm vụ thì những nhân vật khác sẽ được mở khóa. Số nhân vật trong game lên đến 79 người, để mà chơi hết thì chắc cũng thuộc dạng cày cuốc đấy anh em ạ. Gameplay combat hoành tráng, mỗi người mỗi skill mà còn có một đoạn cutscene mỗi khi tung skill cực kỳ ấn tượng. Anh em còn có thể thay đổi 1 trong 3 nhân vật đang chọn bất cứ lúc nào, cùng nhiều phe phái khác nhau gộp thành một đội, chắc chắn sẽ khiến những fan gạo cội của Omega Force phấn khích tột cùng. 

Với việc kết hợp những nhân vật lại với nhau, Warriors Orochi như là một bản kết hợp dành cho những ai đã được trải nghiệm Dynasty Warrior và Samurai Warrior và muốn tìm cái gì đó để kết nối hai tựa game này. Vậy nên, khuyến khích anh em nếu chưa trải nghiệm hai tựa game kia thì nên thử trước khi chơi Orochi nhé. 

HYRULE WARRIORS SERIES

Nếu sự kết hợp giữa Dynasty Warrior và Samurai Warrior là bản kết hợp giữa hai tựa game đỉnh nhất của Omega Force, thì Hyrule Warrior sẽ là bản kết hợp giữa tựa game bán chạy nhất của Omega Force và tựa game thương hiệu của Nintendo Switch, Dynasty Warriors và The Legend of Zelda. 

Được phát hành vào năm 2014 trên hệ máy Wii và Nintendo Switch, Hyrule vẫn mang gameplay “hack and slash” đặc trưng của Omega Force. Cũng có cơ chế 3 nhân vật như Orochi, chiêu thức thương hiệu của mỗi nhân vật, và tất nhiên không thể thiếu hàng tá kẻ địch lao đến từ tứ phía. Nhiều tính năng khác như cơ chế RPG, lựa chọn vũ khí, loot đồ,… Hyrule Warriors nhanh chóng trở thành một trong những tựa game bán chạy nhất trên hệ máy Wii bởi tính sáng tạo và độ nổi tiếng của cả Dynasty Warrior và The Legend of Zelda

Phải nói là Omega Force rất chịu kết hợp những nhân vật huyền thoại với nhau và làm nên một tựa game rất hay dành cho fan của cả 2 bên. Hy vọng rằng thời gian sắp tới chúng ta còn được thấy nhiều bản kết hợp hơn nữa đến từ hãng game này. 

DRAKENGARD SERIES

Tựa game được phát hành lần đầu với 2003 bởi Square Enix và được phát triển bởi Cavia, nếu anh em chưa biết thì đây chính là tiền nhân của Nier Automata. Với gameplay có sự kết hợp giữa Ace Combat và cả Dynasty Warriors 2, được xây dựng bởi những nhà phát triển đình đám của Nhật Bản. 

Lấy bối cảnh thần thoại Bắc Âu, nơi mà con người và những sinh vật kỳ lạ sống cùng với nhau. Câu chuyện xoay nhanh một nhóm nhật vật có cá tính và lai lịch khác nhau, cách chơi của anh em sẽ ảnh hưởng đến cái kết của tựa game này. Drakengard được thừa hưởng hệ thống combat “1 chọi 100” của Dynasty Warrior  và khả năng không chiến của Ace Combat, bên cạnh những yếu tổ RPG và đồ họa ấn tượng của tựa game. So với Dynasty thì cơ chế giao chiến của Drakengard có nhịp độ nhanh hơn, bay nhảy tốt hơn, bù lại thì không có nhiều kẻ địch như “Tam Quốc Chí”. Ngoài ra anh em còn có thể cưỡi rồng, phun lửa vào kẻ địch cực kỳ ấn tượng. 

Chúng ta đã thấy được sự thành công của Nier: Automata, tựa game được thừa hưởng rất nhiều từ series này. Mặc dù là một series đã cũ, nhưng khi trải nghiệm Drakengard thì chắc chắn anh em vẫn sẽ ấn tượng với gameplay và cốt truyện của tựa game đấy. 

GOD OF WAR SERIES

Là dòng game con cưng của Sony, God of War được phát hành độc quyền trên hệ máy Playstation và chính là con át chủ bài để Sony có thể cạnh tranh với những ông lớn khác. Độ đỉnh của tựa game này là không thể bàn cãi và tất nhiên là một trong những series bán chạy nhất của Sony. 

Anh Kratos của chúng ta đã từng là tướng lĩnh của Sparta đấy anh em ạ, thế nhưng vì “mâu thuẫn gia đình” nên lại phải vác song đao đi diệt thần. Ở những phiên bản đầu tiên thì anh em sẽ chơi ở góc nhìn thứ 3 với camera tự động, dần dần thì tựa game chuyển sang góc nhìn thứ ba có camera follow như những tựa game hành động ngày nay. Combat chặt chém của GoW vốn đã quá nổi tiếng, những màn kết liễu combo cực kỳ ấn tượng, bên cạnh đó là những con boss khổng lồ, những bị thần hùng mạnh mà Kratos phải đối đầu khiến người chơi cảm tưởng như đang sống trong thế giới của Titan vậy. Và tất nhiên, Kratos hoàn toàn có thể dùng một combo để “làm gỏi” 4 5 tên địch một lúc. Những phân cảnh dùng xích lôi lên này quăng vào tên khác rồi vứt cả đao vào mặt để kết liễu, như kiểu John Wick thời trung cổ anh em ạ.

Với rất nhiều đề cử tựa game của năm cũng như đạt được nhiều thành công về doanh số, God of War vẫn luôn đem đến sự háo hức cho bất kì gamer nào mỗi khi có phiên bản mới ra mắt. Phiên bản God of War mới nhất rất có thể là chương cuối cho Kratos khi anh đã đi vào giai đoạn tuổi già sức yếu, hy vọng rằng Atreus (con của Kratos) sẽ tiếp tục câu chuyện của Thần Chiến Tranh. 

ASSASSIN’S CREED ODYSSEY

Nhắc đến game hành động nhập vai thì chắc chắn phải nhắc đến Assassin’s Creed và phiên bản Odyssey là một phiên bản khá đặc biệt của series này. Là một trong những đề cử tựa game xuất sắc nhất năm 2018, Assassin’s Creed không ít thì nhiều vẫn là một tựa game nên có trong bộ sưu tập của anh em. 

Tuy không mang danh tướng lĩnh xịn sò như những nhân vật ở những tựa game trên, mà chỉ là một người lính đánh thuê thôi. Nhưng khi xông pha chiến trận, đặc biệt là ở phân cảnh đầu game, anh em sẽ chiến đấu như một mãnh tướng đến lên một mình chống lại cá tá quân địch. Cơ chế combat tuy không thuộc dạng một lúc hất văng hàng thủ của kẻ địch, mà anh em sẽ chơi theo kiểu tấn công mục tiêu đơn, vậy nên để có thể kết thúc nhiều kẻ địch một lúc, anh em sẽ đâm tên này rồi xoay người chém tên khác, đòi hỏi nhiều kỹ năng của người chơi hơn. Bên cạnh đó, rất nhiều tính năng hay ho của tựa game mà có thể là khi chơi anh em cũng có thể bỏ qua như tùy chọn đối thoại, làm nhiệm vụ phân nhánh, phát triển mối quan hệ với NPC, cùng rất rất nhiều tính năng hay ho khác. 

Assassin’ Creed từ trước đến nay vẫn là con cưng của Ubisoft, thế nên không có gì phải bàn cãi về chất lượng của tựa game này. Cá nhân mình đánh giá đây là phiên bản hay nhất của AC từ trước đến nay, tuy nó không còn mang nhiều yếu tố Stealth Kill thương hiệu mà mình rất thích, nhưng vẫn đem đến trải nghiệm tốt nhất mà một tựa game AAA có thể mang lại. 

KINGDOM UNDER FIRE SERIES

Chuyển qua những tựa game mới mẻ hơn thì chúng ta sẽ có Kingdom Under Fire, tự game có gameplay kết hợp giữ RTS, RPG, và cả MMO cực kỳ thú vị. Anh em có thể chơi offline lẫn online trong thế giới cực kỳ đa dạng của series này. 

Ra mắt lần đầu vào năm 2008, được phát triển bởi Blueside, anh em sẽ vào vai một chỉ huy đang lãnh đạo những đội quân hùng mạnh. Khi anh em điều khiển quân lính thì tựa game sẽ chuyển sang cơ chế RTS. Có thể nói gameplay của Kingdom Under khiến người chơi hơi khó làm quen lúc đầu nhưng đã quen rồi mới thấy hay cực. Hệ thống combat chặt chém của tựa game cũng khá ấn tượng khi người chơi được tự do tung skill tùy là lượng mana chứ không cần phải tích nộ như một vài tựa game “Hack and slash” khác, và bên cạnh đó tựa game cũng thuộc dạng một mình lao vào quẩy tung quân địch, combo như kiểu Dynasty Warrior. Ở phiên bản thứ 2, tựa game còn có thêm chế độ MMO để anh em thỏa sức cày cuốc online khám phá thế giới của Kingdom Under Fire. 

Nhìn chung đây là một series còn khá mới mẻ với anh em tại Việt Nam, vậy nên mình khuyến khích nên cho Kingdom Under Fire một cơ hội xem sao nhé. Biết đâu đây lại là tựa game anh em thích nhất danh sách này thì sao. 

MIDDLE-EARTH: SHADOW OF WAR

Tựa game nhập vai thế giới mở dựa trên tiểu thuyết đình đám của tác giả J.R.R. Tolkien, lấy bối cảnh trong những sự kiện diễn ra trong The Hobbit và The Lord of The Ring. Middle-Earth là một trong những tựa game đình đám nhất trong làng game thế giới mở mà chắc chắn anh em không nên bỏ qua. 

Vào vai Talion, anh em trên con đường trả thù cho gia đình mình và phải đối đầu với những thế lực bóng đêm, sở hữu linh hồn của Chúa tể Celebrimbor nên anh có những sức mạnh phép thuật đặc biệt. Với gameplay combat chặt chém cùng khả năng sử dụng phép thuật, anh em sẽ có được những trải nghiệm như kiểu The Witcher phiên bản tóc đen vậy, với sức mạnh của mình, Talion có thể một mình chấp cả doanh trại của địch luôn anh em ạ. Bên cạnh đó ở Middle-Earth, anh em còn có thể cưới quái vật, nhảy Parkour luôn nhé. Cốt truyện của Middle-Earth là thuộc dạng đỉnh cao vì dựa trên tiểu thuyết của J.R.R Tolkien, tác giả của “Chúa của những chiếc nhẫn”, cùng với đó là đồ họa xịn sò, combat đẹp mắt và đa dạng, hứa hẹn sẽ đem đến những trải nghiệm đỉnh cao nhất

Là một trong những cái tên đình đám nhất trong làng game thế giới mở, chắc chắn Middle-Earth là tựa game mà anh em nên thử dù chỉ một lần. Mặc dù vẫn còn đó những sự lựa chọn như The Witcher hay Skyrim, nhưng để có cốt truyện đỉnh như Middle-Earth thì không dễ đâu nhé anh em. 

DARKSIDERS SERIES

Được ra mắt lần đầu vào năm 2010, Darksider nhanh chóng khiến nhiều anh em game thủ mê mệt bởi đồ họa đỉnh cao và gameplay chặt chém cực kỳ ấn tượng. Được tạo ra với Vigil Games và hiện này đang do Gunfire phát triển (bao gồm một vài người cũ của Vigil), tựa game vẫn đang là một trong những tựa game chặt chém đình đám nhất ở thời điểm hiện tại. 

Vào vai 4 kỵ sỹ trong truyền thuyết, 4 anh em này sẽ gánh vác trách nhiệm chiến đấu với lũ Demon đang xâm chiếm thế giới khi con người đang dần diệt vong. Mỗi người sẽ có mỗi vũ khí khác nhau, cùng với cốt truyện ly kỳ và anh em sẽ được điều khiển cả 4 người ở từng phiên bản khác nhau. Tựa game góc nhìn thứ ba với cơ chế chặt chém theo kiểu hủy diệt kẻ địch, mỗi con quái vật lao đến đều bị người chơi tung combo thảm sát để rồi kết liễu không thể sống dậy, vì chiến đấu trong thế giới đang diệt vong, nên quái vật có thể leo ra từ 4 phía, nhưng với sức mạnh vô song của mình, những chàng kỵ sỹ có thể tiêu diệt tất cả chỉ trong một pha xoay kiếm. Bên cạnh đó là cơ chế vượt địa hình, nhập vai cũng như những vũ khí huyền thoại của 4 chàng lính ngự lâm chính là những yếu tố khiến người chơi mê mệt tựa game này. 

Những phiên bản mới của Darksiders hiện nay vẫn đang được phát triển và hứa hẹn sẽ mang đến những phiên bản mới trong tương lai. Vậy nên anh em hãy cứ chơi những phiên bản cũ và hóng cùng mình nhé, cốt truyện cực hay nên phải chơi từ đầu mới thích anh em ạ.  

Vừa rồi là những tựa game cho phép anh em vào vai những mãnh tướng một mình cân hết kẻ địch, tất nhiên vẫn còn đó những tựa game khác mà mình vẫn chưa thể liệt kê. Vậy với anh em đâu là những tể tướng hào hùng nhất, hãy bình luận bên dưới để anh em cùng bạn luận nhé.