Top 10 màn đấu trùm mà dù game thủ cố gắng cũng không thể chiến thắng!

Hầu hết các tựa game hiện nay đều có màn đấu trùm. Mục đích tồn tại của chúng là để “kiểm tra” xem bạn đã học hỏi được những gì trên hành trình, và có biết vận dụng nó để đánh bại chướng ngại vật to đùng ngay trước mắt hay không. Có những con trùm bạn có thể né tránh, nhưng cũng không thiếu những con bắt buộc phải đánh mới có thể đi tiếp qua màn được.

Và khi những con trùm này đã đổ gục rồi thì game thủ tất nhiên sẽ cảm thấy mãn nguyện, hãnh diện vì đã chiến thắng được một đối thủ đáng gờm. Tuy nhiên, có những trường hợp mà bạn vừa mới ăn mừng phút trước, phút sau là mọi thứ đã quay ngoắt 180 độ. Có thể là kẻ địch chạy thoát, đánh lừa người chơi, hoặc tự nhiên được tăng sức mạnh và mọi thứ đâu lại vào đấy, y như cũ. Sau đây là danh sách 10 màn đấu trùm mà dù game thủ cố gắng cũng không thể chiến thắng.


Cảnh báo: Có Spoiler!!!


Bẻ cổ Baldur vẫn không chết – God Of War (2018)

Sau khi rời bỏ thế giới Hy Lạp cổ đại, Kratos tiếp tục hành trình của mình đến vùng đất của thần thoại Bắc Âu. Cùng với bối cảnh mới là dàn nhân vật cũng mới nốt, cụ thể đây là những nhân vật xuất hiện trong thần thoại Bắc Âu, nhưng sự hiện diện của họ không giống như là những gì mà người chơi mường tượng.

Là con trai của Odin và Frigg, Baldur thường được miêu tả với tướng mạo khôi ngô tuấn tú, được nhiều người tôn kính và rất dễ mến. Tuy nhiên, lúc xuất hiện trước cửa nhà Kratos, trên người Baldur này lại chằng chịt các hình xăm kì quái và có bộ râu rất dày và nặng. Nhìn vô là nghĩ ngay đến kẻ xấu chứ chả thấy giống anh hùng chỗ nào cả.

Khúc đầu game, Baldur đấu tay đôi với Kratos một trận long trời lở đất. Trong những phần trước, game thủ đã từng chứng kiến cảnh Kratos tiêu diệt các vị thần Hy Lạp, vì thế nên khi đánh trận này với Baldur thì ta nhận ra ngay tên này không phải dạng vừa đâu. Cuối cùng, Kratos cũng đã áp đảo được Baldur và bẻ cổ hắn ta, thảy xuống vực sâu. Tuy nhiên, vì game cần có một đối thủ xứng tầm với Kratos nên Baldur sau đó lại xuất hiện, đối đầu với vị thần chiến tranh một lần cuối cùng ở đoạn cuối game.

Edelgard trốn chạy trước khi bị kết liễu – Fire Emblem: Three Houses (Golden Deer Route)

Cốt truyện của Fire Emblem: Three Houses sẽ thay đổi tùy thuộc vào nhà (House) mà bạn chọn lúc đầu game. Nếu đi theo hướng (route) Golden Deer, cuộc chiến với Hỏa Vương (Flame Emperor) bí ẩn sẽ dừng lại đột ngột khi danh tính thật của hắn ta bị lộ, đó chính là thủ lĩnh của Black Eagles – Edelgard. Và cũng chính điều này đã khiến cho học viện Hiệp sĩ (Knight academy) bị chia rẽ thành 2 phe: Lực lượng hoàng gia của Edelgard, và tổ chức Church of Seiros.

Game thủ sẽ chiến đấu với Edelgard một vài lần trên hành trình, và mỗi khi Edelgard bại trận thì sẽ lui quân, chờ ngày phục hận. Có thể nói là người chơi chẳng bao giờ có được cảm giác thắng cuộc, và việc Edelgard cứ rút lui không chịu chết hết lần này tới lần khác cũng khá là khó chịu. Gameplay của Fire Emblem tập trung vào chiến thuật, thay vì là cứ đâm đầu vô chém giết loạn xạ, vì thế nên việc bòn rút thanh máu của Edelgard cũng không có gì là quá khó khăn cả. Tuy nhiên, việc tiếp cận kẻ địch này với một party còn đầy đủ người là một câu chuyện khác nhé.

Vergil vực dậy sau một đoạn… cutscene – Devil May Cry 3: Dante’s Awakening

Dante và Virgil là hai người anh em mang trong mình 2 dòng máu ác quỷ và thiên thần, và cứ hễ gặp mặt là bay vô choảng nhau tới tấp. Dante thì có phong thái điềm đạm, hài hước, trái ngược với Virgil là một người rất nghiêm túc và cam chịu. Mặc dù các đoạn hội thoại giữa 2 nhân vật này nghe có phần “rẻ tiền” (cheesy), có một điều không thể phủ nhận là những trận đánh giữa 2 anh em này lúc nào cũng long trời lở đất.

Cụ thể, trong phần Devil May Cry 3: Dante’s Awakening (2005), Dante đã leo lên đỉnh tòa tháp Temen-ni-gru để đối mặt với Virgil. Trận đấu diễn ra cũng như bao màn đấu trùm trước đó: thi triển các tuyệt chiêu chặt chém để tăng cây combo, và khi đánh Vergil đến giọt máu cuối cùng thì sẽ có một đoạn cutscene hiện ra. Tưởng chừng như đã chiến thắng, nhưng sau khi Vergil và Dante nói với nhau đôi lời thì Vergil đã lấy cây Yamato của mình đâm vào ngực Dante. Để chắc chắn rằng Dante phải chết, Vergil còn lấy cả thanh kiếm Rebellion của Dante đâm thêm một nhát vào bụng để kết liễu. Màn chơi đến đây là kết thúc, và game thủ không hề có một chiến thắng nào trong tay cả.

Ghirahim đột nhiên biến mất – The Legend Of Zelda: Skyward Sword

Với phiên bản năm 2011, Nintendo đã tạo ra một cốt truyện Zelda mới với bối cảnh trên bầu trời, khi mà nữ thần đã nâng thành phố Skyloft lên khỏi mặt đất, qua các tầng mây để tránh xa lũ quỷ ở dưới. Việc gạt con trùm trứ danh của dòng game Zelda, Ganondorf, qua một bên đã khiến nhiều game thủ bất ngờ, bởi vì nó cũng nổi tiếng chẳng kém gì công chúa Zelda.

Thay vào đó là Ghirahim với vẻ ngoài khá là kỳ dị và màu mè, nếu không muốn nói là có phần khá là ngạo mạn và tự tin thái quá. Đây cũng chính là thứ khiến con trùm này đối nghịch hoàn toàn với một Ganondorf dè dặt và cam chịu. Sau khi bị Link đánh bại nhiều lần tại Skyview Temple và Fire Sanctuary, hắn ta đột nhiên biến mất khiến game thủ cảm giác như chả có vẻ gì gọi là chiến thắng cả, ngược lại nó còn khiến cho người chơi có cảm giác là Ghirahim chỉ đang đùa nhây với Link trong 2 trận đấu kia mà thôi.

Genichiro “nhảy lầu” rồi mất hút – Sekiro: Shadows Die Twice

Sekiro: Shadows Die Twice không phải là một tựa game “dễ xơi”. Với cơ chế gameplay và combat đầy thử thách của dòng game Dark Souls, FromSoftware lần này đưa người chơi đến thời kì Sengoku ở Nhật Bản. Trong đó, việc chiến đấu với Genichiro trên đỉnh Ashina Castle là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Game thủ sẽ được nhìn thấy màn hình game over rất nhiều lần, và đây cũng chính là nguồn cơn khiến người chơi càng muốn đánh bại tên trùm này.

Genichiro tung ra các đòn tấn công liên hồi, và mức độ sát thương cũng rất là cao. Vì thế nên người chơi phải biết cách kết hợp phòng thủ, đỡ đòn, chờ hắn ta sơ hở và vung kiếm cắt bớt thanh máu của hắn. Khi rút hết 2 thanh máu thì Genichiro sẽ biến hình thành Way of Tomoe. Và lấy luôn thanh máu cuối cùng thì trận đấu sẽ kết thúc. Genichiro bị đánh bại, và game sẽ hiện phân cảnh “Shinobi Execution” mà game thủ đang chờ đợi mòn mỏi. Tuy nhiên, trong đoạn cutscene sau đó thì hắn ta đứng dậy và nhảy khỏi nóc của tòa lâu đài, biến mất tăm. Công sức của game thủ combat vã mồ hôi hột cuối cùng cũng đổ sông đổ bể hết ráo.

Sinistar chết xong lại được hồi sinh – Sinistar

Hiện tại thì PC, console đã chiếm lĩnh thị trường, và điện tử thùng giờ đây cũng không còn phổ biến như trước kia. Bây giờ chỉ cần bấm nút load lại màn chơi là xong, nhưng ở cái thời chơi điện tử thùng thì game thủ còn phải bỏ thêm đồng xu vào mới được chơi tiếp, nghĩa là phải tốn thêm mớ tiền.

Đặc biệt, đối với game Sinistar (1982) thì tiền không phải là thứ duy nhất mà nó lấy đi từ người chơi. Con trùm Sinistar trong game di chuyển nhanh nhẹn, né đòn cũng rất ghê, và nhất là nhìn vô cùng đáng sợ. Cho dù bạn có xả hết hỏa lực vào con trùm này thì cũng không khiến nó yếu đi là bao, và chỉ cần đụng vào Sinistar thôi là màn hình game over sẽ hiện lên, yêu cầu game thủ bỏ thêm đồng xu vào máy để tiếp tục chơi.

Ngặt cái là kẻ địch sẽ liên tục tìm cách khôi phục và hồi sinh Sinistar (nhặt đủ 20 pha lê là con trùm này sẽ xuất hiện), vì thế nên việc đánh bại tên này phần lớn phụ thuộc vào độ may mắn của bạn, chứ ngay cả game thủ tài ba cách mấy cũng phải tốn bộn tiền mới giành được chiến thắng. Nói không ngoa thì đây là một tựa game trấn lột tiền của game thủ giữa ban ngày ban mặt.

Dr. Wily “bù nhìn” – Mega Man 3

Dr. Wily và Mega Man là một cặp kỳ phùng địch thủ, cứ đánh nhau hết trận này lại đến trận khác. Trong phần 3, Mega Man tiếp tục chặn đứng âm mưu xấu xa của Dr. Wily bằng cách tiêu diệt 8 con robot, và sau đó là tiến đến đối mặt với Wily. Trong trận đấu, cứ tưởng đánh thắng Wily là xong rồi, nhưng sau đó game thủ mới nhận ra rằng Wily đó chỉ là một con búp bê bù nhìn mà thôi, không phải Wily “bằng xương bằng thịt”.

Vinh quang vụt khỏi tầm tay, người chơi giờ đây chỉ còn biết trông chờ vào trận chiến cuối cùng với Dr. Wily để giành chiến thắng chung cuộc. Mega Man 3 không phải là tựa game đầu tiên (cũng không phải là tựa game cuối cùng) trong series Mega Man làm trò này, nhưng cách mà nó “chơi đùa” với chiến thắng của game thủ đã khiến nó ấn tượng hơn cả.

Trong màn đấu cuối cùng, Wily điều khiển con robot khổng lồ có tên là Gamma. Dưới sự điều khiển của Wily, Gamma là một con trùm rất khó để đánh bại. Nhưng với một chút kiên trì và đòn tấn công Top Spin thì chiến thắng sớm muộn gì cũng thuộc về tay game thủ mà thôi.

Saren rút lui bảo toàn tính mạng – Mass Effect

Mass Effect có khá nhiều nhiệm vụ phụ để bạn khám phá, nhưng để thực sự “về nước” tựa game này thì bạn cần phải tập trung cao độ một xíu. Cốt truyện trong game xoay quanh việc nhân vật Saren, một Spectre đào ngũ, bắt tay với bọn ngoài hành tinh Reaper để thống trị cả thiên hà. Nhân vật chính Commander Shepard sẽ đối đầu với Saren tại Virmire. Sau khi Saren giải thích động cơ của mình và Shepard cố gắng thuyết phục hắn ta thì cả 2 nhào vô bắn nhau.

Saren sẽ sử dụng một tấm khiên to bự để đỡ đạn, nhưng khi thanh máu của hắn còn phân nửa thì Saren sẽ chạy trốn để “bảo toàn tính mạng”, chờ ngày phục hận. Saren là một thành phần không thể thiếu cho những màn chơi cuối, vì thế nên việc bắn hạ hắn ta tại Virmire không phải là sự lựa chọn hợp lý cho lắm. Dù vậy, cũng phải công nhận một điều rằng vì việc rút thanh máu của Saren không quá khó khăn cho lắm nên đáng lý ra chiến thắng phải thuộc về người chơi mới đúng.

Beatrix cao chạy xa bay – Final Fantasy IX

Final Fantasy IX là một câu chuyện bi tráng về sự tàn phá, khắc nghiệt của chiến tranh, với bối cảnh thời kì Trung Cổ giống với Final Fantasy VI (1994). Beatrix là con trùm mà người chơi sẽ phải đụng độ tới 3 lần trên hành trình tại Gaia. Trong mỗi lần gặp, game thủ sẽ phải chiến đấu với General, nhưng không thể nào giành được chiến thắng vì thanh HP chưa kịp hết là ả ta đã cao chạy xa bay rồi. Đến lần thứ ba đối mặt với Beatrix là phẫn nộ hơn cả, bởi vì game thủ đã có thể đoán trước là kiểu gì con trùm này cũng sẽ trốn chạy như 2 lần trước cả thôi.

Đúng thật vậy, khi thanh máu của Beatrix bị bòn rút thì ả ta bắt đầu tỏ ra chán nản và sử dụng chiêu Climhazzard để kéo tất cả thanh HP của nguyên đội hình của người chơi còn 1 giọt máu duy nhất. Có những con trùm sinh ra không phải là để bị đánh bại, mà nó được tạo ra là để cho game thủ thấy rằng con trùm có sức mạnh vô biên đến mức nào. Và với Final Fantasy IX, game thủ không chỉ bị tước đoạt phần thắng 1 lần, 2 lần, mà là đến tận 3 lần.

Không thể đánh bại Leon vì… kiệt sức – Kingdom Hearts

Sau khi đặt chân đến Traverse Town, nhân vật chính Sora (lúc này đang cầm Keyblade) sẽ chạm mặt với Leon và Yuffie. Đối với fan của dòng Final Fantasy thì 2 nhân vật này sẽ rất là quen thuộc, và sau một cuộc nói chuyện ngắn ngủi với Leon về sức mạnh của thanh Keyblade thì cả 2 lao vào combat. Phần nhạc nền êm dịu giờ đây bị thay thế bằng đoạn nhạc tranh đấu kịch tính, và sức mạnh của Keyblade sẽ được “kiểm tra” bằng cây Gunblade trứ danh của Leon.

Ban đầu thì người chơi sẽ nghĩ rằng sẽ không thể thắng trận này, nhưng nếu biết cách nắm bắt thời cơ để tấn công và sử dụng vật phẩm một cách hợp lý thì chiến thắng sẽ nằm trong tầm với. Nhưng chiến thắng này không nghĩa lý gì cả, vì Sora sẽ ngã quỵ xuống vì bị kiệt sức. Leon sau đó nhanh chóng trở thành đồng minh, vì thế nên việc game tước đoạt đi chiến thắng của người chơi trong trường hợp này cũng không có gì là quá to tát. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sẽ cực kì là sung sướng nếu Sora chiến thắng được Leon, chứng tỏ mình còn mạnh hơn cả nhân vật chính trong phần Final Fantasy VIII.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360