T-rex (khủng long bạo chúa) là một loài cực kỳ nổi tiếng mà hầu như chúng ta đều biết. Nó cực kỳ đặc trưng với vẻ ngoài dữ tợn, cơ thể to đùng và một đôi tay… nhỏ xíu.

T-rex đã thống trị khu vực miền Tây Hoa Kỳ vào cuối kỷ Phấn Trắng cách đây 66 đến 68 triệu năm. Lúc đó nó là loài ăn thịt to lớn nhất trên cạn và hoàn toàn không có đối thủ trong môi trường nó sống. Có thể nó không phải là loài nguy hiểm nhất nhưng chắc chắn nó là loài ăn thịt to nhất trên cạn. Một con T-Rex trưởng thành có thể nặng trung bình khoảng 10 tấn và cao từ 4.5 đến 6m nhưng chi trước (tay) của nó chỉ dài bằng một phần tám chi sau (chân). Nếu so ra thì chỉ to hơn tay của một con người bình thường đôi chút. Tại sao thế nhỉ?

tay T-rex nhỏ

Việc vì sao tay của T-rex nhỏ thì không khó giải thích, nhưng lý do vì sao đôi tay đó vẫn tồn tại mà không tiêu giảm luôn lại là một câu chuyện khác phức tạp hơn. Chúng ta sẽ cùng tìm lời giải cho từng câu hỏi ngay sau đây.

Tay của T-rex nhỏ là vì nó “chẳng động đến móng tay”

Để biết được vì sao tay của T-rex nhỏ thì chúng ta phải quay về hỏi tổ tiên của chúng là bọn Riojasaurus sống vào kỷ Tam Điệp. Đây là một loài khủng long sơ khai nên cơ thể của chúng còn chưa được tối ưu cho lắm. Chúng to lớn, cồng kềnh, chậm chạp, có chi trước dài bằng chi sau và không thể đứng bằng 2 chân được.

tay T-rex nhỏ

Theo thời gian thì ngày càng có nhiều loài khủng long tiến hóa để có khả năng đứng và di chuyển 2 bằng chân sau, giải phóng cho đôi tay để làm được nhiều việc khác nhau. Điển hình là có một số loài ăn thịt, ăn tạp đã tiến hóa bộ vuốt trên tay để ngoài di chuyển ra thì tay còn có dùng để bắt mồi và chống lại kẻ thù. Tuy nhiên số khác thì lại chọn cách giảm bớt kích thước của đôi tay đi.

tay T-rex nhỏ

Tổ tiên của bọn T-rex và đám họ hàng hổ báo của chúng bắt đầu trở nên “khác người” từ khoảng 150 triệu năm trước trong kỷ Jura. Thay vì sử dụng tay để hỗ trợ bắt mồi thì siêu họ Tyranosauridae (bạo long – bao gồm T-rex và đám họ hàng của chúng) bắt đầu tiêu giảm đôi tay và tập trung vào bộ hàm.

tay T-rex nhỏ

Một trong những loài bạo long so khai nhất là Guanlong, chúng nhỏ con và chỉ cao tầm 1m, sống vào khoảng 150 triệu năm trước ở Trung Quốc. Bọn này ăn thịt, đầu nhỏ và tay dài, dài bằng tay của T-rex luôn. Đến 25 triệu năm sau thì lại có một loài bạo long khác xuất hiện, cũng ở Trung Quốc là Raptorex. Cơ thể nó cũng không khác nhiều so với Guanlong nhưng có khác biệt là đầu to hơn 1/3 và tay thì rút lại, chỉ dài bằng 1/2 so với Guanlong. Và con Raptorex này trông rất giống phiên bản thu nhỏ của bọn T-rex nhỏ tay to đầu.

tay T-rex nhỏ

Trải qua thêm tầm hơn 60 triệu năm nữa thì bọn bạo long dần phát triển kích thước lớn hơn, tay ngắn hơn và đầu thì to ra cho đến khi chúng ta có khủng long bạo chúa T-rex – nó to đùng với cái đầu khổng lồ nhưng tay thì phải chịu khó soi mới thấy. Từ đó các nhà cổ sinh vật học đã rút ra được một kết luận là trong khoảng 90 triệu năm từ thời Guanlong cho đến T-rex, tay teo nhỏ và đầu to ra chính là “hot trend” của các loài bạo long.

tay T-rex nhỏ

Cái đầu to và bộ hàm bá đạo cho T-rex lực cắn đến 57.000 Newton (khoảng 5,8 tấn), đủ để nghiền nát xương của những con mồi thậm chí còn lớn hơn cả nó. Với những nhát cắn kinh hoàng như thế thì tay cũng không cần thiết nữa. Mà cũng không chỉ là không cần thiết đâu, với cái bọn chỉ di chuyển hoàn toàn bằng 2 chân thì cánh tay dài đồng nghĩa với sự vướng víu. Nhiều loài bạo long có lòng bàn tay hướng vào nhau và ôm sát cơ thể là minh chứng rõ ràng nhất cho việc này.

tay T-rex nhỏ

Vậy là tay chẳng những không dùng để săn mồi mà còn gây cản trở di chuyển. Thế thì đương nhiên nó sẽ bị chọn lọc tự nhiên loại bỏ, càng ngày càng nhỏ hơn để rồi cuối cùng biến mất.

Nhưng mà khoan, cánh tay đó chưa biến mất mà. Nếu nó thật sự vô dụng thì tại sao tự nhiên lại không loại nó ra khỏi cơ thể T-rex luôn nhỉ? Giải thích cho việc này thì có hơi mông lung hơn việc vì sao tay của chúng lại nhỏ đi.

Nếu T-rex thực sự “chẳng động đến móng tay” thì nó còn giữ đôi tay đó làm gì?

Ban đầu thì nhiều nhà cổ sinh vật học đã tin rằng tay của T-rex hoàn toàn vô dụng và chỉ là một thứ đang tiêu giảm dần mà thôi. Tuy nhiên sau này, khi nhiều mẫu hóa thạch có tình trạng bảo quản tốt hơn được tìm thấy thì người ta lại phát hiện ra đôi tay này khá là cơ bắp. Tuy vẫn không khỏe lắm so với tổng thể ít nhất thì chúng vẫn cử động được, chỉ là không biết cử động để làm gì thôi.

Về việc chúng thực sự dùng tay làm gì thì có 3 giả thuyết phổ biến như sau:

Giả thuyết I – Đôi tay của cảm xúc (giao phối)

tay T-rex nhỏ

Một trong những giả thuyết lớn nhất là giao phối. Các chứng cứ khảo cổ học cho thấy rằng tay của bọn đầu to này tuy nhỏ nhưng cũng có sức ôm khá mạnh, nên nó có thể dùng để giữ cố định trong lúc hành sự. Để chứng minh giả thuyết này đúng, chúng ta cần tìm thấy một cặp T-rex trong tư thế “giao hoan”. Ca này thì khá là khó rồi, tìm được nguồn gen của nó coi bộ còn dễ hơn.

Giả thuyết II – Khủng long cánh cụt (cào xé)

tay T-rex nhỏ

Một giả thuyết khác là nó dùng để… đánh nhau, nghe có vẻ hợp lý vì vuốt tay của nó dài bằng một phần tư xương cẳng tay, tuy nhiên cái xương cẳng tay này còn chưa dài bằng một cái răng nên vụ này có vẻ như không khả thi. Để chứng minh giả thuyết này đúng, chúng ta cần tìm ra bằng chứng về vết cào trên cơ thể khủng long khác. Cái này thì đúng là dễ hơn giả thuyết I nhưng mà đến nay thì vẫn chưa tìm thấy.

Giả thuyết III – Cú ôm tử thần (Ôm đối thủ/con mồi lại rồi táp cho nó một phát)

Giả thuyết này cho rằng T-rex có thể nó dùng sức ôm lớn để hỗ trợ cho cú táp. Khi nó vật lộn với con mồi hoặc quất nhau với kẻ thù, nếu vào đủ tầm thì nó sẽ ôm “đối tượng” lại rồi táp cho nó một phát, kiểu như một “cú ôm tử thần” ấy.

trên đây là 3 giả thuyết về tác dụng của cánh tay T-rex. Tuy nhiên có thể chẳng cái nào đúng cả và nó hoàn toàn vô dụng thật. Vẫn có khả năng cơ bắp trên tay của T-rex chỉ là một sản phẩm phụ chẳng có tác dụng gì trong quá trình tiến hóa mà thôi. Trong hàng chục triệu năm, T-rex đã tiến hóa với đôi tay nhỏ lại và một cái đầu to ra. Thế nên nếu năm xưa không tuyệt chủng bất ngờ thì đến một ngày nào đó thì hậu duệ của mấy con T-rex sẽ mất tay hoàn toàn cũng nên.

Thật sự mà nói thì chúng ta chẳng thể biết chắc chắn được T-rex làm được gì với đôi tay của mình cả. Tuy nhiên chính điều đó lại trở thành một phần khiến cổ sinh vật học trở nên thú vị hơn.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: PBS Eons, Wikipedia Tyrannosaurus, Wikipedia Tyrannosauridae, Wikipedia Guanlong


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360