Hồi tháng 10 vừa qua, AMD đã trình làng CPU Ryzen 5000-series với kiến trúc Zen 3 mới toanh, mang đến hiệu năng đơn nhân và đa nhân mạnh nhất lịch sử PC gaming khiến nhiều anh em rất phấn khích vì sau từng ấy năm, cuối cùng thì AMD cũng đã tìm được cách vượt mặt CPU Intel về khía cạnh hiệu năng. Và GearVN News đã có cơ hội trải nghiệm con CPU Ryzen 5 5600X 6 nhân 12 luồng để được tận mắt chứng kiến sức mạnh mà kiến trúc Zen 3 cùng với tiến trình 7 nm đã mang lại. Ryzen 5 5600X không chỉ đơn thuần thành công trong việc kế nhiệm thế hệ CPU Ryzen 5 3600X mà thậm chí còn “đo ván” luôn cả Intel Core i5-10600K dù có xung nhịp và TDP thấp hơn.

AMD Ryzen 5600X hứa hẹn thu hút được rất nhiều sự chú ý của giới game thủ trong dịp mua sắm cuối năm nay, với phân khúc được xem là “điểm ngọt” dành cho CPU gaming. Mặc dù phải đối đầu với đối thủ đáng gờm như Core i5-10600K, đội đỏ vẫn cực kỳ tự tin và thậm chí là còn định giá sản phẩm của mình cao hơn cả đối thủ. Vì bạn biết, hiệu năng cao thì dĩ nhiên là giá cũng phải tương xứng cho đúng với triết lý p/p.

  • Thông số kỹ thuật AMD Ryzen 5 5600X
  • Tiến trình: TSMC 7 nm FinFET
  • Socket: AM4
  • Kiến trúc: Zen 3
  • Nhân vật lý: 6
  • Luồng xử lý: 12
  • Xung nhịp cơ bản: 3,7 GHz
  • Xung nhịp boost: 4,6 GHz (1 nhân)
  • Bộ nhớ đệm L3: 32 MB
  • Hỗ trợ ép xung: Có
  • PCIe: 4.0
  • TDP: 65 W
  • Tản nhiệt kèm theo: có, Wraith Stealth
  • Giá: 7.900.000 VNĐ

AMD Ryzen 5 5600X đánh dấu bước “tiến hoá” thứ 3 của kiến trúc Zen và sự hoàn thiện của tiến trình sản xuất 7 nm

AMD Ryzen 5600X cùng thế hệ Ryzen 5000 series đánh dấu sự trình làng của Zen 3, phiên bản hoàn thiện nhất của kiến trúc Zen. Chỉ sau 3 năm ngắn ngủi, AMD từ vị trí của kẻ rượt đuổi giờ đã chính thức vượt lên phía trước về cả hiệu năng đơn nhân lẫn đa nhân. Kiến trúc Zen thế hệ đầu đã cho thấy rất nhiều tiềm năng với hiệu năng đơn nhân bám sát kiến trúc Core của Intel, đến Zen 2 thì bắt kịp và Zen 3 thì khoảng cách này là không thể phủ nhận. Mọi phép thử đều cho thấy rằng Ryzen 5600X có hiệu năng đơn nhân lẫn đa nhân vượt trội so với Core i5 10600K, và đó cũng là lý do mà AMD tự tin định giá sản phẩm của mình ở 7,9 triệu đồng so với 7,3 triệu của đối thủ (10600KA).

Nhắc đến Intel, anh em nào theo dõi tin tức công nghệ cũng đã biết Intel bám víu kiến trúc Skylake đến nay cũng ngót nghét… 5 năm rồi, và cũng cứ một tiến trình 14 nm tối ưu từ năm này qua tháng nọ. Đồng ý là CPU Intel đã có những cải thiện nhất định, nhưng nó cũng chỉ ở mức nhỏ giọt chứ vẫn chưa thực sự tạo được một bước nhảy vọt như kiến trúc Zen của AMD qua từng thời kỳ. Và cũng chính vì thế mà Intel đang phải trả giá cho việc dậm chân tại chỗ, đồng thời đội đỏ cũng có được thành quả bởi sự liên tục cải thiện phục vụ người dùng.

Quay lại với nhân vật chính của chúng ta, anh em nếu để ý thì sẽ thấy lần này AMD còn có một nước đi vô cùng táo bạo, nếu không muốn nói là mang tính “dằn mặt” Intel, đó là Ryzen 5 5600X có giá bán cao hơn 50 USD so với người tiền nhiệm là Ryzen 5 3600X. Mà không chỉ riêng gì 5600X, những con chip Ryzen 5000-series khác cũng có giá bán cao hơn 50 USD so với thế hệ tiền nhiệm tương ứng.

Lý do AMD lại mạnh dạn đẩy giá lên cao đơn giản là vì họ tự tin rằng những con CPU của họ là xịn sò nhất, đủ sức để vượt mặt Intel. Intel đã chiếm lĩnh thị trường với dòng CPU Core trong thời gian khá lâu rồi; và mặc dù chip AMD Ryzen có hiệu năng đa nhân ấn tượng và mức p/p cực kì hấp dẫn, hiệu năng đơn nhân vẫn được xem là niềm tự hào ít ỏi còn sót lại của đội xanh. Nhưng câu chuyện hôm nay đã phải kể theo một cách khác, với Ryzen 5 5600X là minh chứng rõ ràng nhất. 

AMD Ryzen 5 5600X mang đến hiệu năng đơn nhân vượt trội, “đánh bại” cả đối thủ Intel Core i5-10600K

AMD có cho biết kiến trúc Zen 3 lần này sẽ có mức IPC (instructions per cycle – số chỉ thị mỗi nhịp) cao hơn 19% so với thế hệ trước, và đây cũng là con số lớn nhất kể từ khi kiến trúc “Zen” lần đầu ra mắt vào năm 2017, từ đó giúp đẩy hiệu năng chơi game lẫn các tác vụ thiêng về công việc lên một tầm cao mới. Bên cạnh việc giảm thiểu độ trễ giữa các nhân và bộ nhớ đệm, kiến trúc Zen 3 còn nhân đôi dung lượng bộ nhớ đệm L3 mà mỗi nhân có thể truy cập trực tiếp, giúp cải thiện hiệu suất một cách đáng kể. Để kiểm chứng cho điều này, GearVN News đã sử dụng cấu hình benchmark như sau:

  • CPU: AMD Ryzen 5 5600X (xung mặc định)
  • Tản nhiệt: Wraith Stealth (kèm theo CPU)
  • RAM: 2 x 8 GB Kingston HyperX Fury Black DDR4-2666
  • Bo mạch chủ: ASUS CROSSHAIR VIII HERO X570
  • Card màn hình: Sapphire RX 5600 XT
  • SSD: 512 Plextor M9P
  • PSU: FSP Hydro G Pro 750W (80 Plus GOLD)

PCMark 10

Sau khi chạy xong thì PCMark 10 trả về số điểm tổng là 6770. Trước đây, 3600X từng đạt được số điểm là 5783. Có thể thấy kiến trúc Zen 3 đã góp phần trong việc tăng 17% hiệu năng của Ryzen 5 5600X so với người tiền nhiệm của mình.

3Dmark Time Spy

Combo Ryzen 5 5600X và Radeon RX 5600 XT cho ra kết quả tổng thể đạt 7542 điểm, riêng CPU thì đạt 7690 điểm. Cũng trong bài benchmark này thì 3600X đạt được số điểm CPU là 7355, tức thấp hơn khoảng 5%. Tuy mức chênh lệch hiệu năng không quá nhiều, nhưng nhìn chung 5600X vẫn có sự cải thiện với kiến trúc Zen 3.

Corona

Với bài benchmark Corona thì Ryzen 5 5600X hoàn thành trong vòng 2 phút 4 giây. Trong khi đó, Ryzen 5 3600X mất đến 2 phút 23 giây. Điều này đồng nghĩa với việc chênh lệch hiệu năng giữa 5600X và 3600X là khoảng 15%.

Cinebench R20

Đây là phần mềm cho phép anh em đánh giá khả năng dựng hình (render) của CPU, và sở dĩ anh em thấy công cụ benchmark này xuất hiện ở hầu hết bài đánh giá hiệu năng là vì nó có độ tin cậy (reliability) cao và có khả năng đánh giá khá chính xác hiệu năng render của một con CPU bất kỳ.

Xung nhịp mặc định của Ryzen 5 5600X là 3,7 GHz, còn xung nhịp boost (1 nhân) là 4,6 GHz; thông số này cùng với kiến trúc Zen 3 đã giúp 5600X đạt được số điểm đa nhân là 4156 và đơn nhân là 589. Để tham khảo thì điểm của 3600X lần lượt là 3677 và 501, với xung nhịp cơ bản là 3,8 GHz và xung nhịp boost là 4,4 GHz. Như có đề cập phía trên, kiến trúc Zen 3 đã giúp Ryzen 5000-series cải thiện không chỉ hiệu năng đa nhân mà còn cả hiệu năng đơn nhân, mà cụ thể ở đây là 5600X có hiệu năng đơn nhân cao hơn đến 17% so với 3600X.

Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đây mà lại xảy ra một diễn biến khác, đó là số điểm trên còn bỏ CPU Intel Core i5-10600K một đoạn khá là xa, mặc dù 10600K có xung nhịp cơ bản đến 4,1 GHz và xung nhịp Turbo đến 4,8 GHz, cộng với mức TDP cũng cao hơn 5600X đến 30W. Cụ thể thì Core i5-10600K đạt được số điểm đa nhân và đơn nhân lần lượt là 3605 và 503. Có thể thấy 5600X cách biệt 10600K đến 15% (đa nhân) và 17% (đơn nhân).

Tuy không quá bất ngờ vì trước đó thiên hạ đã có đồn đoán rằng kiến trúc Zen 3 sẽ mang lại mức cải thiện hiệu năng đa nhân lẫn đơn nhân vô cùng ấn tượng, nhưng chuyện CPU AMD vượt mặt Intel trong cuộc đua hiệu năng đơn nhân thì quả thật rất đáng khâm phục nhà AMD anh em ạ. Với 3600X (Zen 2) thì AMD chỉ mới bắt kịp Intel thôi, nhưng đến 5600X (Zen 3) với tiến trình 7 nm thì AMD đã cho Intel 14 nm+++ “hít khói” luôn rồi.

Shadow of The Tomb Raider

Với tựa game Shadow of The Tomb Raider đình đám thì khi chọn thiết lập cấu hình ở mức cao nhất (Highest Preset) và độ phân giải FullHD thì game đạt mức fps trung bình là 97, nói chung là dư sức qua cầu anh em ạ.

Counter-Strike: Global Offensive

5600X 6 nhân 12 luồng thì anh em cứ chiến game eSports thoải mái. Tốc độ khung hình lúc nào cũng trên 200 fps, có khi hơn 300 fps luôn thì xả đạn vô tư.

Liên Minh Huyền Thoại

Tương tự, với LMHT thì mức fps dao động trong khoảng trên 200 fps, có khi lên đến 400 fps mà CPU lẫn GPU vẫn còn dư khá nhiều, chưa khai thác được hết sức mạnh.

AMD Ryzen 5 5600X bán kèm tản nhiệt Wraith Stealth, chỉ cần mua về là chạy

Graphical user interface, application

Description automatically generated
Graphical user interface, application

Description automatically generated

Sẵn tiện, mình cũng lấy 5600X ra làm thử một bài stress test với Prime95 (Blend Mode) và tản nhiệt Wraith Stealth. Sau khi để chạy khoảng 30 phút thì thấy các nhân đều chạy ở xung nhịp 4,5 GHz, khá là ấn tượng. Tuy nhiên, nhiệt độ trung bình lúc này đã vượt ngưỡng 80oC và chạm đỉnh là 91,5oC. Nhìn chung là tản stock kèm theo CPU thế là ổn, anh em có nhu cầu ép xung để tăng hiệu năng thì có thể sắm thêm tản nhiệt xịn. 

Để so sánh thì các CPU dòng K của Intel, bao gồm cả 10600KA, đều không kèm theo tản nhiệt nên bạn sẽ phải tính thêm phần này vào chi phí nếu chỉ dùng đơn thuần. Còn dĩ nhiên là đã ép xung thì dù AMD hay Intel lời khuyên của GearVN News vẫn là sắm thêm tản nhiệt tốt.

Ryzen 5 5600X dành cho ai?

Cứ mỗi dòng CPU Ryzen mới, AMD lại khiến giới game thủ phải hào hứng bởi hàng loạt nâng cấp đáng kể về hiệu năng và Ryzen 5 5600X là một trong những “ngôi sao sáng nhất” đợt này. Bản thân con chip này chính là “điểm ngọt” về CPU gaming mà hằng hà sa số game thủ mong đợi, có thể cân tốt ngay cả những dòng card màn hình khủng nhất (đặc biệt là nếu bạn chơi ở độ phân giải cao). Cao đến mức nào thì có lẽ phải đợi đến khi thế hệ card đồ hoạ AMD Radeon RX 6000 series ra mắt thì mới biết được, nhưng đội đỏ cũng đã nhá hàng một món quà không thể tuyệt vời hơn dành cho các fan trung thành của mình.

Lần đầu tiên trong lịch sử máy tính, CPU và GPU có thể “song kiếm hợp bích” với công nghệ “Smart Memory Access” để cải thiện hiệu năng khi chơi game. Đây hứa hẹn sẽ là con át chủ bài của AMD để chinh phục trái tim của cộng đồng game thủ những năm gần đã có lẽ đã hơi nhàm chán với combo xanh-xanh (Intel – Nvidia).


Mời các bạn tham khảo thêm về các dòng CPU Ryzen 5000 series của AMD đang bán tại GearVN theo đường link dưới đây:

https://gearvn.com/collections/cpu-amd-ryzen-gen5-am4