Top 10 tựa game khiến game thủ cảm động rơi nước mắt, liệu bạn đã từng khóc khi chơi những tựa game này?

Một tựa game có thể thu hút người chơi nhờ có đồ họa hoành tráng, gameplay thú vị, nhưng thứ đọng lại trong tâm trí game thủ ngay cả sau khi chơi xong thường sẽ là cốt truyện. Có cốt truyện chơi cho biết rồi thôi, song song đó cũng có cốt truyện ăn sâu vào trong tâm trí của game thủ, cứ mỗi khi nghĩ tới là cảm thấy trong lòng nghẹn ngào, thậm chí là bỗng dưng muốn khóc vì thấu được nỗi lòng của nhân vật mà mình đã gắn bó xuyên suốt mấy tiếng đồng hồ. Sau đây là danh sách 10 tựa game khiến game thủ cảm động rơi nước mắt.

The Last Of Us 1 & 2

Nhân vật trong The Last Of Us có nhiều khuyết điểm, và cũng chính vì vậy mà những nhân vật này được khắc họa vô cùng chân thực, nhất là khi phải đối mặt với những sự lựa chọn mang tính sinh tồn. Anh em có thể cảm nhận được tình cảm và mối quan hệ giữa các nhân vật trong game rất thuyết phục, biến The Last Of Us thành một siêu phẩm về mặt cốt truyện. Câu chuyện trong cả 2 phần đều có nhiều điều bất ngờ, cảm động có mà sốc tận óc cũng có.

Thậm chí, bên cạnh cốt truyện chính, thế giới xung quanh nhân vật chính cũng có rất nhiều thứ có thể chạm đến trái tim của game thủ. Chẳng hạn như anh em có thể cảm nhận được bóng hình của Ish trong phần 1, khi đọc những tờ giấy ghi chú nằm rải rác trong game; tuy chưa gặp Ish bao giờ, nhưng câu chuyện của nhân vật này cũng cảm động không thua gì cốt truyện chính đâu nhé. Còn trong phần 2, trận chiến giữa nhóm Wolves và Seraphites là một câu chuyện vô cùng ấn tượng, đến nỗi tách nó ra thành một series riêng luôn cũng được.

Three Fourths Home

Nhìn thì thấy game chả có gì đặc biệt, nhưng chơi rồi mới biết trải nghiệm mà game này mang lại là vô cùng đặc sắc đấy nhé. Thậm chí, cốt truyện của nhiều game AAA có khi còn không xuất sắc bằng cốt truyện của tựa game phiêu lưu này. Three Fourths Home xoay quanh những xung khắc xảy ra trong một gia đình. Trên đường lái xe về nhà, một người phụ nữ trẻ đã nhận được cuộc gọi từ mẹ của mình. Sau đó là cả một câu chuyện vô cùng sâu sắc và chân thành, móc nối các thành viên trong gia đình với nhau.

Game tuy đơn giản, chỉ có màu đen trắng và vài dòng chữ, thời lượng cũng ngắn, nhưng cốt truyện thì sẽ đọng lại trong tâm trí của anh em một thời gian dài đấy. Ngoài ra thì phần âm nhạc của game cũng được làm rất tốt, tạo những trường đoạn căng thẳng cũng như mở ra một tia hi vọng trong những tình huống tưởng chừng như bất lực.

What Remains Of Edith Finch

What Remains of Edith Finch tập trung khai thác chủ đề về gia đình, cụ thể ở đây là về tổ tiên mà đối với con cháu đời sau vẫn còn là một điều bí ẩn. Họ nhà Finch đã từng đối mặt với rất nhiều biến cố, và Edith quay trở về ngôi nhà khi xưa để tìm hiểu về nguồn cội của mình cũng như những gì đã xảy ra với những người mà mình yêu thương. Mặc dù biết rằng gia đình mình đã từng gặp chuyện không may, Edith vẫn muốn biết được sự thật.

Game sẽ đưa người chơi qua nhiều thế hệ nhà Finch, và Edith sẽ biết được những câu chuyện nhói lòng từng xảy đến với những người thân yêu. Nhạc nền, phong cảnh, và các cú twist sẽ khiến anh em không muốn rời khỏi màn hình cho đến khi xong game đâu. Game có lối chơi theo dạng “mô phỏng đi bộ” nên gameplay không có gì đa dạng cho lắm, nhưng bù lại thế giới và nhân vật trong game được đầu tư rất nhiều, lôi cuốn anh em từ đầu cho đến cuối, thậm chí lúc chơi xong anh em cũng không được “buông tha” đâu nhé.

The Walking Dead Season 1

Mỗi mùa của The Walking Dead đều có cốt truyện rất đặc sắc, nhưng riêng mùa đầu tiên là có cốt truyện mang ấn tượng sâu đậm hơn hết. Game xoay quanh một nhân vật nam tên là Lee và một em gái nhỏ tên Clementine. Cả 2 đều là bạn thân và rất quan tâm nhau, biết cách nương tựa vào nhau mà sống. Trên hành trình, anh em sẽ phải đưa ra rất nhiều lựa chọn, chẳng hạn như đi đường nào, nên cứu ai và bỏ mặc ai. Chính điều này đã khiến cho game thủ cảm thấy rằng cốt truyện trong game được tạo ra là dành riêng cho mình, càng làm cho người chơi gắn bó với các nhân vật trong game nhiều hơn.

Ngoài nhân vật chính ra thì còn có các nhân vật phụ mà anh em cũng sẽ bắt đầu cảm thấy đồng cảm với họ. Và anh em nào mà chơi đến đoạn kết trong phần 1 chắc chắn sẽ muốn bật phần 2 lên chơi ngay và luôn, vì những lựa chọn và hậu quả mà anh em để lại trong phần 1 sẽ được mang sang những phần sau luôn. Câu chuyện giữa Lee và Clementine là một câu chuyện vừa ấm lòng vừa đau lòng anh em ạ.

Spec Ops: The Line

Spec Ops: The Line là một tựa game thoạt nhìn thì cũng như bao game bắn súng khác, nhưng xét kỹ thì sẽ thấy game tập trung khai thác mạnh yếu tố hậu quả mà chiến tranh gây ra đối với người lính và cả người dân, nhất là về mặt tinh thần và tâm lý. Thời lượng game không quá dài, nhưng đủ để nó đọng lại trong tâm trí người chơi đến những tháng ngày sau đó. Spec Ops: The Line xoáy mạnh vào PTSD (hậu chấn tâm lý) mà các binh sĩ phải chịu đựng sau các cuộc chiến tranh.

Đoạn đầu game anh em sẽ thấy mọi thứ diễn ra rất bình thường, nhưng về sau, khi các tình tiết được hé lộ, các nút thắt bắt đầu được gỡ ra thì game thủ sẽ cảm nhận được những nỗi đau liên quan đến chiến tranh mà các tựa game bắn súng khác chưa thể tái hiện được một cách trọn vẹn. Game được lấy cảm hứng từ những bộ phim như Apocalypse Now và The Hurt Locker, đưa người chơi vào giữa một mớ hỗn độn và khiến chính bản thân khiếp sợ về những chuyện mà mình đã gây ra.

Journey

Journey tuy ngắn nhưng vô cùng đặc sắc. Game không hề có cuộc hội thoại nào và cốt truyện cũng chẳng hề tuyến tính như những game tương tự. Thay vào đó, game sẽ cho người chơi đi qua các vùng đất cực kì tráng lệ, chẳng hạn như sa mạc, dưới lòng đại dương, trên đỉnh núi tuyết. Phong cách đồ họa trong game sẽ hớp hồn ngay cả những anh em nào khó tính nhất. Mỗi người sẽ có một câu chuyện riêng về cuộc đời mình, và game cũng nhấn mạnh điều đó. Journey là đời thực theo phiên bản game, khiến anh em tự hỏi bản thân mình về rất nhiều điều trong cuộc sống và mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau, không ai giống ai cả.

Xuyên suốt game, anh em sẽ gặp những nhân vật khác và có thể giao tiếp thông qua cử chỉ. Đặc biệt, đến khi chơi xong thì anh em mới biết được rằng những nhân vật đó chính là người chơi khác cũng đang trải nghiệm trò Journey giống như bạn, tạo thêm chiều sâu cho game này.

Firewatch

Game có bối cảnh trong vùng rừng rậm ở Wyoming. Bên cạnh đồ họa theo phong cách màu nước, pastel cực kì bắt mắt thì game còn có nhiều khoảnh khắc khiến anh em phải ngỡ ngàng vì quá tráng lệ. Về cốt truyện, ban đầu thì nó khá là tuyến tính, cho anh em đi dạo trong rừng; nhưng sau đó thì nó nhanh chóng chuyển thành một chuyến phiêu lưu cực kì hoành tráng và kịch tính, buộc anh em phải đối mặt với nhiều lựa chọn tiến thoái lưỡng nan. Cách dẫn dắt cốt truyện của Firewatch cực kì hấp dẫn, khiến anh em dễ dàng cảm thấy đồng cảm với 2 nhân vật chính. Dù anh em chỉ được nghe 2 người này giao tiếp qua bộ đàm, cuộc hội thoại giữa họ lại rất lém lỉnh, dí dỏm, đáng yêu, và cuốn hút.

Thomas Was Alone

Thomas Was Alone là một tựa game về hi vọng. Mở đầu game, anh em sẽ thấy… Thomas đang cô độc, không có ai bên cạnh, và anh ta bắt đầu hành trình của mình đơn thương độc mã. Trên đường đi, anh kết bạn được với nhiều người và mọi thứ dần trở nên dễ dàng hơn. Thomas nhận ra rằng anh có thể làm được những thứ mà trước đây không thể làm. Cốt truyện sau đó dần chuyển sang một màu tươi sáng hơn, vui tươi hơn, xoáy sâu vào sự quan trọng của tình bạn và những mối quan hệ mà chúng ta luôn cần trong cuộc sống.

Đồ họa trong game tuy chả có gì đặc sắc, nhân vật cũng chỉ toàn là các khối hình học, nhưng niềm vui mà Thomas Was Alone mang lại cho game thủ thì rất hiếm game nào có thể làm được. Đây là một minh chứng rõ ràng cho câu nói “Đừng đánh giá quyển sách qua vẻ bề ngoài của nó”.

Gone Home

Càng ít biết về game này thì trải nghiệm của anh em sẽ càng tuyệt vời nhé. Gone Home có thời lượng cực kì ngắn. Câu chuyện bắt đầu với cảnh người con gái đáp chuyến bay trở về nhà thăm gia đình. Mới bước vào căn nhà, anh em sẽ có cảm tưởng ngay là game này có phong cách giống những cuốn truyện kinh dị của Stephen King: đèn thì nhấp nháy, nhà thì không có ai, dường như có một điều gì đó kinh hoàng đang chực chờ người chơi.

Tuy nhiên, khi anh em bắt đầu khám phá ngôi nhà thì câu chuyện dần mở ra với câu chuyện chạm đến tâm can game thủ, xoáy mạnh vào một trong những thứ tình cảm mãnh liệt nhất của một con người: tình yêu của tuổi trẻ. Anh em sẽ xâu chuỗi mọi thứ qua những tờ ghi chú và manh mối nằm rải rác trong ngôi nhà, từ đó biết được điều gì đã xảy ra với gia đình từng sống tại đây. Và mọi thứ sẽ vỡ òa vào khúc cuối, khiến anh em phải dán mắt vào màn hình ngay cả khi đoạn credit đã kết thúc.

To The Moon

Game kể về câu chuyện một cụ già nằm trên giường bệnh muốn hoàn thành giấc mơ của cả đời mình: bay lên cung trăng. May mắn thay, có 2 nhà khoa học cho ông biết rằng họ có thể giúp ông hoàn thành tâm nguyện của mình và cấy thông tin này vào trong ký ức của ông. Câu chuyện sau đó là 2 nhà khoa học cùng nhau nhìn lại cuộc đời của cụ già kia để lấy những thông tin cần thiết. Và họ đã bất ngờ tìm được một câu chuyện lay động lòng người của ông cụ này.

Kết hợp với phần nhạc nền trong game được thể hiện bằng piano, nội dung câu chuyện của To The Moon càng được đẩy lên cao trào. Có bài thì nghe u sầu, có bài thì tràn đầy hi vọng, như những miền ký ức của ông cụ mà người chơi sẽ được trải qua. To The Moon là một câu chuyện về niềm hi vọng, và nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống này vừa tươi đẹp, vừa khắc nghiệt, và cũng chính vì vậy mà nó thực sự rất tuyệt vời.

Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!

Nguồn: What Culture

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360