“Game NFT” là một từ xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây, mời các bạn cùng tìm hiểu về nó nhé.

Trong thời gian gần đây, bên cạnh những từ như “blockchain”, “tiền điện tử” thì “NFT” cũng xuất hiện ngày một nhiều, đặc biệt mảng gaming cũng không phải là ngoại lệ. Những tựa game NFT này còn được gọi là game “play-to-earn”, và chúng đang làm mưa làm gió trong thị trường game trong thời gian gần đây. Vậy thì làm cách nào để game có thể sử dụng được blockchain? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Game NFT

NFT là những vật phẩm được lưu trên blockchain

Cơ bản thì bản thân tựa game sẽ được phát hành miễn phí, hoặc là người chơi sẽ phải trả trước một số tiền nhất định (thường là tiền điện tử) để được vào game. Trong lúc chơi, bạn sẽ nhận được các vật phẩm trong game (in-game asset) dưới dạng non-fungible token, hay còn được gọi là NFT.

Game NFT

Trường hợp bạn chưa rõ NFT là gì thì nó gần giống với tiền điện tử vì NFT cũng được lưu trữ trên một blockchain. Khác ở chỗ là mỗi NFT đều độc nhất vô nhị. Vì thế nên chúng thường là những bức tranh, bài nhạc, hay thậm chí là ảnh meme. Còn đối với gaming thì chúng thường là những vật phẩm trong game như vũ khí, skin, trang phục, vân vân. Vậy thì nó có khác gì so với cơ chế hiện có, mở khóa các vật phẩm mới bằng cách chơi game hoặc thông qua việc giao dịch (micro-transaction), đập tiền quay hòm vốn đã quá đỗi quen thuộc?

Lợi ích của NFT

Khác biệt lớn nhất ở đây là do các vật phẩm được lưu trữ trên một blockchain công khai (đơn cử là Ethereum), người chơi sẽ sở hữu vật phẩm đó luôn. Vì thế cho nên nếu bạn nhận được một món đồ xịn sò nào đó mà chẳng may máy chủ game bị lỗi, hoặc nhà phát triển ngừng phát triển game thì vật phẩm của bạn vẫn nằm trên blockchain và nó vẫn có giá trị hẳn hoi (miễn là trên thị trường vẫn còn nhu cầu mua vật phẩm đó). Và vì nó nằm trên blockchain nên bạn có thể di chuyển các vật phẩm giữa các tựa game với nhau một cách dễ dàng, ngay cả khi nó được phát triển bởi những studio hoàn toàn khác nhau, do các nhà phát triển không cần phải tốn nhiều công sức để tích hợp tính năng này.

Chẳng hạn, bạn có thể dùng skin trong Fortnite và bưng nó qua Call of Duty vẫn được luôn. Thật ra, một số tựa game NFT nổi tiếng như Axie Infinity đã có một lượng fan đông đảo và họ đang kiếm được rất nhiều tiền thông qua những vật phẩm mà họ có trong game. Điều này khiến nó trở nên hấp dẫn đối với những ai muốn sở hữu nhiều thứ hơn chứ không chỉ là cải thiện trải nghiệm chơi game khi đã xuống một mớ tiền.

Thực trạng về game NFT

Một điểm yếu của game NFT là nó vẫn dựa trên việc giao dịch sau khi bạn đã mua game. Vì thế nên nó cũng dấy lên nhiều nghi vấn, phản ánh tương tự như cơ chế micro-transaction vốn xuất hiện đầy rẫy trong những tựa game hiện nay. Nhiều dân trong ngành đánh giá NFT chỉ là một trò lừa bịp, do bất cứ thứ gì đều cũng có thể trở thành NFT, và bất kỳ NFT nào cũng có thể trở thành đồ bỏ đi. Thêm nữa là một số game NFT có rất nhiều điểm giống với game “pay-to-win” – những trò mà bạn trả tiền thật để có thêm lợi thế trong game.

Game NFT

Nếu các bạn chưa biết thì Valve đã cấm game NFT xuất hiện trên cửa hàng Steam, có lẽ là do họ quan ngại về những vật phẩm có giá trị trong đời thực, và bản thân game NFT cũng đã dính nhiều phốt “lừa gà” bị phanh phui trên các trang báo.

Tuy nhiên, một số hãng game lớn khác lại nghĩ rằng công nghệ blockchain sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai của ngành game. Ví dụ như Ubisoft đã khởi chạy dự án NFT của mình, còn EA thì đang đánh giá thêm về tiềm năng của NFT. Về phía người dùng thì chúng ta còn phải xem xem NFT có giúp game thủ dễ tiếp cận những trò mà mình thích hơn hay không. Trong một số tình huống thì nó có thể giúp game rẻ hơn, do nhà phát triển có thể chuyển bớt một số tác vụ lên blockchain thay vì phải dùng máy chủ của riêng họ; nhưng nó cũng có thể đẩy giá các vật phẩm hoặc nhân vật trong game lên cao, nhất là những thứ giúp người chơi có thêm lợi thế trong trận chiến.

Lấy ví dụ trò Axie Infinity ban nãy, bạn có thể tốn hơn 1000 USD mới có được một đội hình gọi là “ổn áp”. Mặt khác, cũng có một số game NFT “thiện lành” hơn, ít “pay-to-win” hơn, và tập trung nhiều hơn vào việc thu thập vật phẩm, chẳng hạn như trò Supdrive. Nó sẽ cũng cấp cho người chơi những tựa game arcade cổ điển, và bản thân những trò đó là các NFT với màu sắc, hình ảnh, độ khó riêng biệt.

Game NFT

Mong rằng cơ chế blockchain sẽ được tối ưu hơn nữa trong tương lai, và nó sẽ hỗ trợ game thủ thay vì là phản tác dụng. Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Techquickie


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360